Hotline 24/7
08983-08983

Nấm móng tay: Cách điều trị và phòng tránh

Nấm móng tay (chân) không chỉ gây mất thẩm mỹ, ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh mà còn rất nguy hiểm đến sức khỏe của bạn.

Những người thường xuyên làm công việc tay chân hoặc làm việc trong điều kiện vệ sinh kém, ẩm ướt rất dễ mắc phải căn bệnh nguy hiểm - nấm móng tay (chân). Bệnh do vị khuẩn gây nên, rất dễ lây lan và khá phổ biến vào mùa hè.

Hiểu được nguyên nhân, cơ chế gây bệnh cũng như cách điều trị sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh tốt hơn.

1. Nguyên nhân gây bệnh nấm móng tay (chân)


Bệnh nấm móng tay (chân) do nấm và vi khuẩn gây nên, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida).

Bệnh gây ra các tổn thương ở vùng da có nhiều chất sừng. Bệnh đặc biệt hay xuất hiện ở vùng móng tay, móng chân, đôi khi cả ở tóc, bắt đầu như một đốm trắng hoặc vàng dưới các đầu móng tay hoặc móng chân.

Thời tiết nóng ẩm vào mùa hè chính là điều kiện và môi trường cực kỳ thuận lợi cho sự xuất hiện, sinh sôi và phát triển của bệnh, đặc biệt là nấm móng tay ở trẻ em. Có thể kể đến một số nguyên nhân gây bệnh chủ yếu như sau:

- Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, đặc biệt là vùng móng tay, móng chân.
- Thường xuyên có các chấn thương nhẹ ở vùng móng tay (chân).
- Dùng găng tay, tất và giày kín trong thời gian quá dài.
- Thường xuyên có các hoạt động ở nơi công cộng như: bể bơi, phòng tập thể thao…
- Gia đình có người bị mắc bệnh.
- Dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị bệnh.

Thời tiết nóng ẩm vào mùa hè là điều kiện để vi khuẩn gây nấm móng tay hoành hành. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

2. Biểu hiện nấm móng tay (chân)


Bệnh nấm móng tay (chân) thể hiện rõ nhất ở sự biến đổi màu sắc cũng như cấu tạo của vùng móng:

Khi bị nhiễm bệnh, móng tay hoặc móng chân của người bệnh thường xuất hiện các khe nứt li ti. Ở vùng kẽ móng xuất hiện hiện tượng nhiễm trùng da. Da có thể bị mẩn đỏ, kèm theo là cảm giác ngứa ngáy và khó chịu. Lớp tế bào sừng trên bề mặt móng trở nên dày hơn, sờ vào có cảm giác hơi sần, chai cứng, thô ráp, xấu xí. Nếu quan sát sẽ thấy bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Móng có màu vàng hoặc xám đục, dễ mủn và dễ gãy. Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc.

Ban đầu, người bệnh có thể chỉ bị viêm 1 hoặc 2 móng nhưng nếu không được điều trị sau đó sẽ dần dần lan ra nhiều ngón khác. Thời gian lan ra nhiều ngón cũng từ từ. Trên từng móng, nếu do Dermatophytes gây ra, tổn thương sẽ tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng. Nếu do nấm Candida thì vùng tổn thương sẽ bắt đầu từ vùng chân móng đi ra và có viêm quanh móng. Đặc biệt, khi viêm, vùng chân  móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ, ngứa rất nhiều xung quanh vùng móng.

Khi bệnh nấm móng tay (chân) có triệu chứng nặng hơn thì móng từ màu vàng hoặc xám đục có thể chuyển sang màu xanh xám hoặc đen. Các lớp sừng giòn và bong dần, có mùi hôi và tanh đặc trưng không mấy dễ chịu.

3. Cơ chế gây bệnh


Các loại nấm và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài sau khi có cơ hội lọt vào cơ thể qua những vết thương hoặc vùng kẽ tay sẽ bắt đầu sinh sôi và phát triển rất nhanh chóng. Các loại nấm và vi khuẩn này tiêu diệt hết các tế bào da và các vi khuẩn có lợi sống trên bề mặt da, làm cho da của bạn chuyển màu và gây nên hiện tượng ngứa ngáy, mẩn đỏ.

Nếu không được chữa trị kịp thời, các vi khuẩn này sẽ tấn công càng lúc càng sâu hơn vào vùng da phía trong móng. Lâu ngày sẽ ăn mòn và làm mục móng của bạn. Lớp tế bào sừng ở móng bị huỷ hoại sẽ trở nên vụn, giòn, dễ gãy và dễ bong. Vùng da ở đầu các ngón tay, chân do bị mất lớp móng bảo vệ nên dễ dẫn đến tình trạng bị tổn thương và dị ứng.

Đối với những người có tiền sử bị các căn bệnh như: Viêm da, viêm phế quản, hen suyễn, tiểu đường, bệnh viêm nấm móng tay (chân) sẽ phát triển nhanh hơn.

Việc vi khuẩn ăn sâu vào móng có thể gây khó khăn cho việc điều trị, lý do là hoạt động của chất kháng sinh trong các loại thuốc sẽ vô hiệu hóa với các vùng móng bị viêm nhiễm sâu.

4. Cách điều trị bệnh hiệu quả


Hiện nay có nhiều cách trị nấm móng tay (chân). Thường là người bệnh có thể dùng thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống tác dụng toàn thân.

Thuốc bôi tại chỗ:

Bệnh nhân có thể dùng một trong các thuốc bôi sau: Kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Exoderil, terbinafin, BSI...

Các bác sĩ nên hướng dẫn bệnh nhân cách bôi thuốc để đạt hiệu quả và tránh những sai lầm đáng tiếc. Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc nhẹ nhàng lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày từ 2-3 lần, ban đêm nên dùng băng nhựa để bịt giữ thuốc qua đêm.

Thuốc uống:

Thuốc uống đặc hiệu nhất để điều trị bệnh nấm móng tay (chân) hiện nay là Itraconazol. Đây là một loại triazole kháng nấm, thuốc rất ưa mỡ và chất sừng, tồn tại lâu trong mô như da. Itraconazole có nồng đô cao trong mô do có ái tính với protein, đặc biệt là chất sừng, có hoạt phổ rộng kháng nhiễm nấm da, Candida và Malassezia.

Ngoài ra, Itraconazole thấm được vào bản móng và giường móng nhờ vậy mà có tác dụng diệt nấm sinh bệnh tại móng tay (chân) rất hiệu quả. Sau khi uống Itraconazole đi vào tổ chức da, tóc, móng, thuốc không quay trở lại hệ tuần hoàn. Do vậy sự tái tạo lớp sừng, tóc, móng được phục hồi từng bước ứng với sự giảm dần của Itraconazole trong các tổ chức này.
Điều trị bệnh nấm móng bằng uống Itraconazole phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, nhằm tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra. Hiện nay có rất nhiều biệt dược như: Sporal, Spobet, Trifungi,...

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú hoặc bị viêm gan cấp. Khi dùng Itraconazole cần phải xét nghiệm đánh giá chức năng gan trước khi điều trị và sau khi dùng mỗi đợt thuốc điều trị. Nếu có viêm gan đang tiến triển thì phải điều trị viêm gan cho ổn định sau đó mới dùng thuốc điêu trị nấm móng.

Sau khi kết thúc điều trị cần xét nghiệm soi tươi bệnh phẩm lấy tại móng bệnh để đánh giá là quá trình trị liệu đã hết nấm hay chưa, kết hợp với đánh giá lâm sàng xem móng đã mọc ra lại chưa hoặc là móng đã hết xù xì, hết viêm, hết ngứa chưa. Nếu cả xét nghiệm và lâm sàng chưa tốt thì bác sĩ sẽ có quyết định điều trị tiếp cho bạn đến khi nào khỏi hẳn mới thôi.

Người bệnh nên điều trị sớm, tuyệt đối không để bệnh nặng mới điều trị.

Nếu móng tay bị nhiễm trùng nặng hoặc rất đau, bác sĩ có thể đề nghị loại bỏ các móng tay. Móng tay mới thường sẽ phát triển tại chỗ của nó, mặc dù nó sẽ từ từ và có thể mất đến một năm mới có thể phát triển trở lại hoàn toàn. Đôi khi, bác sĩ sẽ phẫu thuật sử dụng kết hợp với ciclopirox để xử lý nền móng.

Ngoài ra, còn có thể điều trị nấm móng tay với một laser hoặc điều trị quang động. Trong đó, ánh sáng cường độ cao được sử dụng để xạ móng tay, sau khi móng đã được xử lý bằng axit. Phương pháp này cũng có thể thành công. Tuy nhiên, phương pháp này còn khá mới mẻ, chưa được đưa vào chữa trị rộng rãi.

Để phòng ngừa nấm móng tay cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không sử dụng găng tay, tất kín trong một thời gian dài... Ảnh minh họa - Nguồn Internet

5. Phương pháp phòng tránh


Rõ ràng những loại thuốc dùng để rửa, thuốc bôi dạng kem hoặc nước chỉ có tác dụng ngăn chặn và ức chế quá trình sinh sản và phát triển của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn được chúng. Điều trị tận gốc căn bệnh này cần có thời gian và sự kiên trì. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
 
Ngoài phương pháp dùng thuốc bôi ngoài da, bạn nên kết hợp với các loại thuốc kháng sinh khác giúp ngăn ngừa triệu chứng viêm nhiễm ở những vùng móng mà thuốc bôi không tới được.
 
Nếu thấy có những biểu hiện mắc bệnh như trên, hãy tìm đến bác sỹ ngay để được chẩn đoán chính xác và có được phương pháp chữa trị thích hợp.
 
Ngoài ra, cũng cần ngăn ngừa và hạn chế nguồn lây lan bệnh bằng những cách sau đây:
 
- Thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể hàng ngày, luôn giữ tay, chân sạch sẽ.
 
- Không sử dụng găng tay, tất và giầy kín trong thời gian dài. Giặt giũ thường xuyên và phơi khô gang tay, tất, giầy ở nơi thoáng mát. Nên sử dụng những đôi giày, dép thoáng khí. Găng tay, tất phải được làm từ sợi thiên nhiên và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
 
- Lựa chọn những đôi giày vừa chân, tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển. Tránh sử dụng những đôi giày, dép quá cao hoặc quá chật vì sẽ dễ gây các tổn thương cho chân, đặc biệt là các ngón chân và đầu móng chân.
 
- Tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, độc hại hoặc hạn chế sinh hoạt trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, chứa các nguy cơ gây bệnh. Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường vệ sinh kém, hãy đeo găng tay, mang giày để bảo vệ tay (chân) của bạn và phải rửa tay (chân) sạch mỗi ngày.
 
- Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng như: quần áo, dày dép với những người đang mắc bệnh viêm móng tay (chân).
 
- Khi thấy có các biểu hiện bị bệnh, đừng nên chần chừ hoặc tự ý bôi thuốc lạ mà nên tìm đến ngay bác sỹ.

Bệnh nấm móng tay (chân) không chỉ gây mất thẩm mỹ, ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh mà còn rất nguy hiểm đến sức khỏe của bạn. Về lâu dài sẽ rất khó điều trị. Vì vậy, nếu mắc bệnh cần phải điều trị sớm, kịp thời, đúng phương pháp tránh trường hợp bệnh nặng phải điều trị lâu dài và tốn kém. Bệnh nhân cũng nên nhớ không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc uống hoặc thuốc bôi nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Hi vọng, sau khi đọc những thông tin trên đây do AloBacsi cung cấp, quý bạn đọc sẽ biết được các triệu chứng, cách phòng ngừa của bệnh nấm móng tay (chân).

Mỹ Thi (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe miễn phí AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X