Hotline 24/7
08983-08983

Nam giới có sốt khi nhiễm COVID-19 bị ảnh hưởng chất lượng tinh trùng nhiều hơn

Dù đã khỏi bệnh, song COVID-19 vẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Trong đó đã có nghiên cứu chỉ ra, COVID-19 ảnh hưởng đến thể tích, sự di động và tỷ lệ của tinh trùng. Nhất là với nam giới có sốt trong giai đoạn nhiễm SARS-CoV-2 thì triệu chứng và ảnh hưởng chất lượng tinh trùng nhiều hơn.

Đây là một trong những nội dung nổi bật trong bài báo cáo của ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng với chủ đề "Chẩn đoán kịp thời và điều trị tối ưu chứng rối loạn cương dương trong kỷ nguyên COVID-19" tại hội nghị khoa học thường niên năm 2022 của Liên chi hội Lão khoa TPHCM.

1. Stress, lo âu - yếu tố kết tủa dẫn đến các vấn đề về tình dục

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng nhấn mạnh, theo số liệu công bố của Bộ Y tế cho thấy COVID-19 có xu hướng giảm đi, song lại nổi lên vấn đề mới, đó là hậu COVID-19, gây tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần.

Theo một khảo sát được chuyên gia Bệnh viện Bình Dân đưa ra cho thấy, COVID-19 tác động đến sức khỏe giới tính, với khoảng 44% người trả lời nói rằng họ có ít đối tác tình dục hơn kể từ khi bắt đầu đại dịch. 41% người gặp phải tình trạng giảm tần suất quan hệ tình dục giảm đi. Gần 31% người cho biết quan hệ đối tác của họ bị ảnh hưởng trong đại dịch. Và khoảng 22% người cho biết họ bị giảm ham muốn tình dục. Một khảo sát trên toàn cầu cũng cho thấy, COVID-19 làm giảm hoạt động tình dục 4,4 lần trong đại dịch so với thời gian trước.

Thậm chí đại dịch còn thay đổi đời sống tình dục bởi nhiều yếu tố, từ sự nhận thức rủi ro cao hơn về COVID-19 khi tiếp xúc trong cộng đồng, dẫn đến giảm tần suất hoạt động tình dục và hoạt động tìm kiếm tình dục của nam giới. Đặc biệt sự gia tăng stress và lo âu do đại dịch toàn cầu gây ra có thể là yếu tố kết tủa dẫn đến các vấn đề về tình dục.

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết, đối với bệnh nhân có tình trạng stress, lo âu và trầm cảm ở mức độ nặng có thể làm thay đổi ham muốn gần gũi của một người bằng cách dập tắt hoặc làm tăng nhu cầu/ ham muốn được động chạm và kết nối về mặt tình dục.

Ngoài ra, trong đại dịch COVID-19 còn xảy ra vấn đề rối loạn xâm nhập/ đau vùng chậu-sinh dục ở phụ nữ gia tăng do viêm nhiễm không được điều trị đáp ứng thích hợp, điều này tác động đáng kể đến đời sống tình dục. Ngay cả việc cách ly xã hội làm gia tăng tâm lý buồn chán cũng làm rối loạn cực khoái, xuất tinh sớm hoặc không đạt được cực khoái.

“Bên cạnh các vấn đề tình dục nêu trên, nhiều khả năng COVID-19 có thể làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn cương dương (ED) hoặc làm trầm trọng hơn bệnh ED hiện tại ở những nam giới mắc COVID-19” - ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng nói.

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân báo cáo tại hội nghị khoa học thường niên năm 2022 của Liên chi hội Lão khoa TPHCM diễn ra ở Đà Lạt, Lâm Đồng

Một khía cạnh mới và được chú trọng ở bệnh nhân nam sau khi nhiễm SARS-CoV-2 cũng được chuyên gia nhấn mạnh cảnh báo tại hội thảo, đó là COVID-19 và vô sinh nam.

“SARS-CoV-2 tác động trên đa cơ chế, không chỉ riêng vấn đề tắc của mạch máu. Trong các nghiên cứu đưa ra, sau khi nhiễm SARS-CoV-2 có sự kích hoạt thụ thể ACE2, ngoài ra còn có tác động trên thụ thể TMRS bắt đầu vào những tế bào chủ mô của tinh hoàn, gây ra tổn thương sinh tinh của bệnh nhân. Đồng thời, quá trình này còn kích hoạt hệ thống viêm, gây ra tình trạng viêm tinh hoàn và sau đó diễn tiến teo tinh hoàn như một bệnh lý quai bị. Ngoài ra, quá trình này còn gây ra phản ứng oxy hóa, gây tổn thương vấn đề sinh tổng hợp tinh trùng, tổng hợp testosterol…” - ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng dẫn chứng các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ACE2 là tác nhân chính tổn thương tế bào. Đặc biệt, biểu hiện ACE2 ở trong mô tinh hoàn cao hơn trong tế bào buồng trứng. Tác động tổn thương tế bào dựa trên 4 tế bào đích ở trong mô tinh hoàn. Và có sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong mô tinh hoàn. Đặc biệt, nam giới có độ tuổi từ 20-30 sẽ bị tổn thương tinh hoàn nặng hơn ở nam giới trên 60 tuổi.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều ảnh hưởng đến thể tích của tinh trùng, ảnh hưởng đến sự di động, tỷ lệ của tinh trùng. Trong nhiễm COVID-19, nếu bệnh nhân có sốt thì triệu chứng và ảnh hưởng chất lượng tinh trùng nhiều hơn. Do đó, độ di động và tỷ lệ sống của tinh trùng giảm trong những bệnh lý này.

Do đó, ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho rằng, chúng ta cần có sự quan tâm đúng mực hơn nữa trong vấn đề vô sinh nam trong nhiễm COVID-19.

2. Rối loạn cương sau khi nhiễm COVID-19, do đâu?

Đi sâu về vấn đề rối loạn cương ở nam giới, ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết, hiện đã có các bằng chứng cho thấy, SARS-CoV-2 chịu trách nhiệm trong sinh bệnh học của rối loạn cương.

Theo đó, rối loạn cương là rối loạn chức năng nội mô. Tổn thương mạch máu liên quan đến COVID-19 ảnh hưởng đến mạng mạch máu dễ vỡ của dương vật và tác động đến lưu lượng máu dương vật, dẫn đến suy giảm chức năng cương. Đồng thời, ngay cả tâm lý buồn chán của nam giới trong đại dịch cũng là một trong những yếu tố chính gây rối loạn cương.

“Ngoài ra, sau khi nhiễm SARS-CoV-2, tổn thương mạch máu nuôi tinh hoàn hoặc gây ra hiện tượng viêm tinh hoàn do tác động của interleukins dẫn đến tổn thương tế bào sản xuất testosterol, giảm sản xuất tinh trùng, gây ra rối loạn tình dục ở nam giới. Do đó, chúng ta có thể đưa ra nhận định hậu nhiễm COVID-19, sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản của nam giới có thể bị ảnh hưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn” - ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng nói.

Một trường hợp bệnh nhân nam dưới 40 tuổi đến khám tại Bệnh viện Bình Dân vì rối loạn cương dương, trong khi trước đó tiền sử không có bệnh nền, mắc COVID-19 mức độ trung bình

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc rối loạn cương ở bệnh nhân có bệnh lý nền cao hơn. Trong khi đó, COVID-19 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nền. Đối với những bệnh lý cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường do nhiễm COVID-19 làm tăng tổn thương mạch máu, làm trầm trọng thêm các bệnh lý về tim mạch và làm tăng tần suất rối loạn cương.

Để chẩn đoán rối loạn cương, siêu âm Doppler máu dương vật là một trong những chẩn đoán cận lâm sàng hiệu quả giúp đánh mức độ suy giảm chức năng cương và chức năng mạch máu. Ngoài ra, sự giảm lưu lượng của mạch máu thể hang cũng là chỉ điểm cho biết những tổn thương tim mạch sắp tới. Như vậy, có thể sử dụng rối loạn cương như một điểm đại diện để đánh giá sức khỏe tim mạch. Đây có thể là một đánh giá bước đầu nhanh và ít tốn kém về phổi và biến chứng tim mạch trên bệnh nhân COVID-19.

3. Điều trị rối loạn cương ở nam giới hậu COVID-19, tiếp cận thế nào?

Áp dụng y tế từ xa là bước tiếp cận đầu tiên với bối cảnh y học giới tính trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 được ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng nhắc đến để chủ động đối phó với rối loạn cương ở nam giới. Với độ tin cậy, an toàn cao, tiết kiệm thời gian và chi phí, y tế từ xa giúp nam giới có cơ hội thảo luận các vấn đề sức khỏe có tính chất riêng tư và thường bị kỳ thị xã hội, chẳng hạn như rối loạn cương và vô sinh, từ chính nhà riêng của mình một cách an toàn và thoải mái.

Vậy đối với y tế từ xa, làm sao để đánh giá độ cương của bệnh nhân? ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho rằng, bác sĩ có thể sử dụng thang đo độ cương cứng (EHS) - một công cụ lý tưởng dành cho các bác sĩ để kích hoạt quá trình trao đổi về rối loạn cương.

Độ cương cứng là yếu tố quan trọng nhất để vượt qua rối loạn cương. Thang điểm với 4 cấp độ, trong đó, ED nặng là dương vật lớn hơn nhưng không cương cứng. Cấp độ 2 là dương vật cương cứng nhưng không đủ cương cứng để xâm nhập. Cấp độ 3 là dương vật đủ cương cứng để xâm nhập nhưng chưa cương cứng hoàn toàn. Cấp độ 4, dương vật cương cứng hoàn toàn và có độ cứng tối đa. Điểm độ cương cứng cấp độ 4 đồng nghĩa với mức độ thỏa mãn tình dục cao hơn.

Tuy nhiên, khi tư vấn qua hệ thống y tế từ xa, bệnh nhân không thể trực tiếp sờ được 4 cục nhựa theo thang điểm. Vì vậy, ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng dẫn chứng, những tác giả Đài Loan đã điều chỉnh và mô tả lại 4 cấp độ. “Theo đó, cấp độ 1 tương tự như thỏi socola để dưới nắng, cấp độ 2 giống như quả chuối đã được lột vỏ, cấp độ 3 tương tự như quả chuối còn cứng và cấp độ 4 tương tự như quả dưa leo. Qua mô tả, bệnh nhân sẽ tự đánh giá được theo 4 cấp độ, để từ đó tư vấn hiệu quả” - chuyên gia Bệnh viện Bình Dân nói.

Về vấn đề điều trị, trong hướng dẫn quản lý rối loạn cương của EAU năm 2021 nhấn mạnh, trước khi đưa ra bất kỳ gợi ý trị liệu nào cần nhận diện nhu cầu và kỳ vọng của bệnh nhân để cùng ra quyết định. Lưu ý, cung cấp dịch vụ điều trị dựa trên tâm lý-giới tính và y tế/ thể chất chung. Như vậy, hiện tại phác đồ điều trị dựa trên thuốc uống, nhu cầu và bệnh lý của bệnh nhân.

Khởi đầu có thể điều trị rối loạn cương bằng liệu pháp dược đường uống (Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil, Avanafil). Khi bệnh nhân đến cơ sở y tế, có thể hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đặt niệu đạo, hiện tại bắt đầu sử dụng thuốc chích vào thể hang, Alprostadil đặt trong niệu đạo. Cuối cùng, khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị bằng thuốc uống, thuốc đặt, thuốc chích, dụng cụ hút chân không, có thể sử dụng biện pháp cuối cùng đó là cấy thiết bị nhân tạo vào dương vật.

“Một trong những biện pháp chúng tôi tư vấn cho người bệnh trong thời gian nhiễm COVID-19 đó là thuốc uống Sildenafil (Viagra). Sildenafil được dung nạp tốt với độ an toàn đảm bảo.

Đặc biệt là với bệnh nhân tiểu đường, liên quan đến yếu tố mạch máu và vấn đề rối loạn chuyển hóa nặng thì chỉ Sildenafil 100mg mới hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân. Khi điều trị bằng Sildenafil, thầy thuốc cần tư vấn cho bệnh nhân về những tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, da đỏ ở mặt, cổ và ngực trên, thị lực bất thường, rối loạn tiêu hóa, nghẹt mũi, chóng mặt, tim đập nhanh, bởi tâm lý là vấn đề rất thường gặp ở người bệnh rối loạn cương. Nếu không được hướng dẫn có thể dẫn đến sự lo lắng, ảnh hưởng quá trình điều trị" - ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X