Hotline 24/7
08983-08983

Mụn đinh râu có thể giật méo miệng, nhiễm trùng máu

Một nốt mụn đinh râu nhỏ có thể khiến một người đang khỏe mạnh bị giật méo miệng, nhiễm trùng máu chỉ vì xử trí không đúng cách. Vậy khi bị mụn đinh râu nên làm gì và không nên làm gì? Mời bạn đọc theo dõi bài viết.

Mụn đinh râu là gì và nguyên nhân gây bệnh?


Mụn đinh râu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Mụn đinh râu là một loại mụn (dạng nhọt) rất độc, thường xuất hiện ở vùng miệng (môi, mép, cằm), xung quanh mũi (kể cả trong lỗ mũi…).

Đinh râu không phải là một bệnh đơn thuần của râu, là bệnh xảy ra ở ngay chân của những sợi râu, hầu hết ban đầu chỉ nhỏ như đầu một chiếc đinh nên được gọi là đinh râu. Về sau, nếu bị bội nhiễm nặng dần thêm, “đầu đinh” này sẽ lớn hơn nhiều (bằng hạt ngô, hạt đậu xanh) và lúc này bệnh trở nên trầm trọng và hết sức nguy hiểm.

Căn nguyên chính của bệnh đinh râu là nhiễm trùng. Thường gặp nhất là do việc nặn mụn trứng cá ở vùng hàm - mặt với bàn tay, dụng cụ bẩn, không vô khuẩn. Ngoài ra, còn do nhọt tự nhiên mọc lên bởi từ một vết xước, vết nặn mụn bình thường ở vùng quanh môi, cằm rồi bị bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh (tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn kỵ khí...).

Nhổ râu, cạo râu bị chảy máu, xăm môi, ngoáy mũi bằng tay gây xước, dẫn đến nhiễm trùng cũng có thể xuất hiện mụn đinh râu. Một nguyên nhân khác cũng có thể gây ra mụn đinh râu là bệnh tiểu đường.

Nhận biết mụn đinh râu


Có thể nhiều người sẽ lầm tưởng mụn đinh râu chỉ là mụn trứng cá thông thường, nhưng sự xuất hiện và tồn tại của loại mụn độc này sẽ rất khó chịu và rắc rối hơn nhiều. Đặc biệt là để loại bỏ nó cũng không phải là điều đơn giản.

Đầu tiên người bệnh sẽ cảm thấy trên mép hay cằm có vệt sưng đau, nhìn vào thấy có màu đỏ, sở thấy có cục. Sau vài ngày có thể xuất hiện mưng mủ và có ngòi đen như đầu đinh. Mụn này sưng tấy đỏ và có cảm giác đau buốt, càng đau nếu chạm vào, xung quanh mụn cảm thấy nóng.

Khi bệnh đã tiến triển đến nặng, cả vùng mặt sẽ sưng lên, người bệnh mệt mỏi do nhiễm độc tố vi khuẩn và mất nước, chất điện giải (do sốt cao), có thể gây sốt cao lên đến 40 độ.

Việc tiến triển của mụn đinh râu có thể hiểu theo các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Ban đầu nổi thành u đỏ, đau, quanh chân lông, nắn cứng cộm, dần dần u mềm có triệu chứng ba động làm mủ, tạo ngòi. triệu chứng như sốt cao (39-40oC), sưng, nóng, đỏ, đau (các dấu hiệu nổi bật nhất của nhiễm trùng).

Giai đoạn 2: Đinh râu thành ngòi và hóa mủ.

Giai đoạn 3: Thoát mủ, thoát ngòi và lành thành sẹo. Đây là đinh râu tiến triển sau khi đã được điều trị, nếu được can thiệp y tế tại các khoa ngoại của các bệnh viện, bệnh sẽ diễn biến tốt, hết mủ (do rạch dẫn lưu hoặc hút...) và liền sẹo.

Vòng đời của một mụn sẽ vào khoảng 8 - 10 ngày, tùy thuộc vào mức độ mụn to hay nhỏ cũng như sự can thiệp đúng cách hay không đúng cách của bạn. Đừng nghĩ những cục mụn nhỏ như vậy sẽ chẳng có gì khiến bạn phải bận tâm. Nếu chẳng may bị mọc đinh râu và xử lý không đúng cách như tự ý nặn,… khiến mụn bị viêm nhiễm sẽ hình thành các biến chứng như xoang mặt, tắc nghẽn các tĩnh mạch não, nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng. Không ít trường hợp bệnh nhân đã tử vong vì biến chứng của đinh râu.

Cách lấy mụn đinh râu


Cũng có những trường hợp, sau khi xuất hiện đinh râu, bệnh nhân không hề có triệu chứng sốt, đau nhức, tức đinh râu không bị bội nhiễm (vết sưng đỏ, chưa có mủ) thì việc cần làm là có thể chấm thuốc sát khuẩn, cồn iốt (dung dịch betadin) ngày 3-4  lần, sau đó đợi vài ngày cho đinh râu tự chín, tự vỡ và dùng bông y tế vô trùng thấm dịch, lấy mụn đinh râu ra ngoài và tiếp tục rửa bằng cồn i-ốt, chỉ thấm nhẹ, tránh chà xát quá mạnh làm xước vùng mụn vừa được tháo mủ.

Khi đinh râu đã có mủ, đau nhức hoặc sau vài ngày mụn không tự vỡ mà có dấu hiệu sốt thì tuyệt đối không tự ý nặn mụn mà phải khẩn trương đến cơ sở y tế khám và dùng thuốc theo chỉ dẫn.

Có nên nặn mụn đinh râu?


Không nên tìm cách nặn mụn đinh râu mà hãy đến gặp bác sĩ ngay khi nó "chín" để tránh bị nhiễm trùng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khi bị đinh râu, chúng ta tuyệt đối không được dùng tay, nhất là tay bẩn để nặn. Dùng tay để nặn sẽ làm cho các vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tĩnh mạch, dẫn đến nhiễm trùng máu. Đây là một dạng nhiễm trùng toàn thân tương đối nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Thậm chí, ngay cả khi được điều trị tích cực, nguy cơ tử vong vẫn có thể ghé thăm bất cứ lúc nào.

Hơn nữa, khi nặn mụn đinh râu có thể giật méo miệng vì khu vực này có nhiều mạch máu, dây thần kinh. Vết thương hở sau khi nặn mụn cũng có thể bội nhiễm thêm các vi khuẩn, vi trùng khác. Nếu không biết điều trị có thể tử vong vì biến chứng sốc nhiễm trùng. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều.

Vậy nếu lỡ nặn mụn đinh râu phải làm sao? Lúc này bạn nên giữ sạch vị trí nặn mụn, sau đó đến cơ sở y tế nhờ bác sĩ can thiệp. Bạn có thể phải sử dụng cả dung dịch bôi trị mụn đinh râu, kết hợp với kháng sinh liều cao. Bên cạnh đó, cần nâng cao thể trạng, ăn uống nhiều dinh dưỡng, tuân thủ các chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp mụn định râu sưng to hay sốt cao, có nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện.

Bị mụn đinh râu nên kiêng ăn gì?


Nguyên tắc chăm sóc da bị mụn đinh râu là luôn giữ da sạch với một mức dầu nhờn được kiểm soát đủ để làm da dẩm mà không bị khô. Chính vì vậy, người bị mụn đinh râu cần kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ bởi những nó sẽ khiến tuyến nang lông tiết nhiều dầu gây viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, không nên đồ ngọt (bánh kẹo), đồ ăn nhanh và đồ ăn vặt (cá viên, bò viên, xúc xích,...), đồ hộp chứa nhiều chất béo và chất bảo quản…

Đối với những người đang bị mụn nhọt nói chung và mụn đinh râu nói chung nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, mát máu, mát gan như: Đậu xanh, trà xanh, hoa cúc, các loại rau xanh, các loại củ quả và trái cây…

Lưu ý khi bị mụn đinh râu


- Không nên tùy tiện uống kháng sinh khi nổi mụn đinh râu. Việc uống kháng sinh hay không, liều lượng thế nào cần theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã được khám.

- Không nên kỳ cọ quá mạnh khi tắm rửa, gội đầu, làm các mụn nhọt vỡ ra. Không tự ý nặn khi mụn đinh râu còn “non”. Việc nặn mụn nên được thực hiện trong môi trường vô trùng ở bệnh viện. Không dùng kim chích nhọt, không đắp cao, đắp lá thuốc trên mụn nhọt đã vỡ.

- Không nên sử dụng đá: Nhiều người thường nghĩ rằng dùng đá lạnh chườm lên mụn sẽ khiến nó giảm đi tình trạng sưng tấy. Tuy nhiên điều này không hề đúng mà còn có thể khiến mụn nặng hơn.

- Không tự đắp các loại lá trực tiếp lên chỗ sưng đau vì có thể gây ngứa hoặc nhiễm trùng, dẫn đến bội nhiễm, rất nguy hiểm.

Phòng ngừa mụn đinh râu như thế nào?


Nam giới khi cạo râu cần tránh làm da bị tổn thương, dẫn đến mụn đinh râu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Mụn đinh râu nguy hiểm nhưng việc phòng ngừa không khó. Khi bị mụn trứng cá, cần vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, nhất là vùng cằm, gần môi; nếu có điều kiện thì nên đi khám ở bác sĩ da liễu, không nên lể, nặn bằng tay hay dụng cụ chứa nhiều vi khuẩn.

Nếu là nam giới, khi cạo râu, cần tránh làm da tổn thương, chảy máu vì đinh râu không chỉ phát triển do việc nặn mụn mà còn bắt nguồn từ một vết xước nhỏ. Lỡ trong khi cạo mặt, cạo râu, nếu bị trầy xước, dù có bị chảy máu hay không cũng phải chấm bôi 1-3 lần cồn iode 1-3% hoặc dung dịch Nitrate Ag (bạc) 1%, nếu không có 2 thứ thuốc trên thì tạm đắp hoặc chấm bôi bằng dung dịch nước muối 10-15% ngày nhiều lần, liên tục cho tới khi lành, nhất là ở những vùng “lưỡi liếm đến đâu, đinh râu tới đó”.

Dù không có mụn cũng nên rửa mặt sạch sẽ vì tuyến dầu, tuyến mồ hôi tại chân lông cũng có thể bị tắc nghẽn khiến đinh râu tự mọc.

Hồng Anh (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X