Hotline 24/7
08983-08983

Mùa lạnh, giữ ấm là chưa đủ, mẹ cần thêm các giải pháp nào để phòng bệnh hô hấp?

Trời trở lạnh, nhiều người cho rằng chỉ cần giữ ấm cho trẻ là đủ để phòng ngừa bệnh đường hô hấp. Thực tế, điều này là chưa đủ mà cần áp dụng song hành cùng nhiều biện pháp khác nhau. Vì vậy các bậc phụ huynh cần nhớ những nguyên tắc gì để phòng bệnh hô hấp cho con tốt nhất?

Bệnh hô hấp, dấu hiệu nào cảnh báo bệnh nặng?

Nếu mùa hè, rối loạn tiêu hóa là mối lo hàng đầu thì sang mùa thu đông, bệnh hô hấp trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi đột ngột, biên độ nhiệt cao giữa ngày và đêm vào mùa đông tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh, virus, vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém không kịp thích nghi với sự thay đổi của thời tiết rất dễ bị nhiễm các bệnh đường hô hấp.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội cho biết: “Triệu chứng của bệnh đường hô hấp thường rất đa dạng, chúng có thể là dấu hiệu đơn lẻ hoặc kết hợp của nhiều triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, nghẹ mũi, hắt hơi… Trong đó, ho là một trong những triệu chứng phổ biến khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhất. Nhiều người lầm tưởng, trẻ càng ho nhiều là bệnh càng nặng, ngược lại ho ít bệnh sẽ nhẹ hơn. Điều này không đúng, bởi mức độ nặng nhẹ của các bệnh lý đường hô hấp không liên quan nhiều đến việc ho ít hay ho nhiều”.

Nếu trẻ ho kèm theo li bì, khó đánh thức, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám (Ảnh minh họa)

Ở những trường hợp trẻ bị viêm hô hấp trên (nhóm bệnh nhẹ) thường ho rất nhiều, vì các điểm kích thích gây ho phần lớn nằm ở đường hô hấp trên. Ngược lại, đối với viêm đường hô hấp dưới (nhóm bệnh nặng), có nhiều trường hợp viêm phổi nhưng trẻ lại ho không nhiều, thậm chí không ho, vì ở phổi điểm cảm nhận ho ít hơn, đờm đặc, quánh dính khó bật ra ngoài, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

Vì vậy, thay vì lắng nghe tiếng ho, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy nhấn mạnh, “chìa khóa” quan trọng các bậc phụ huynh cần nắm giữ là quan sát xem trẻ có khó thở hay không, nếu có phải đưa đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và xử trí kịp thời. Bởi thông thường, viêm đường hô hấp trên hiếm khi dẫn đến khó thở, đây chính là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt với viêm đường hô hấp dưới. Khó thở được biểu hiện dưới 2 hình thức:

Khó thở: Thở co lõm lồng ngực, khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực bị hóp vào hoặc kéo lõm bất thường. Đây là dấu hiệu của viêm phổi nặng.

Thở nhanh: Tiến hành đếm nhịp thở bằng đồng hồ có kim giây trong 1 phút, cứ một lần nhấp nhô được tính là một nhịp thở, sau đó so sánh với ngưỡng thở nhanh theo từng độ tuổi. Cụ thể, trẻ dưới 2 tháng tuổi là từ 60 lần/phút trở lên, 2 tháng đến dưới 12 tháng tuổi là từ 50 lần/phút trở lên, 12 tháng - 5 tuổi là từ 40 lần/phút trở lên, trên 5 tuổi là từ 30 lần/phút trở lên gọi là thở nhanh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Đây là dấu hiệu sớm nhất cảnh báo trẻ có khả năng bắt đầu bị sưng phổi.

“Ngoài ra, nếu trẻ bị ho kèm theo ngủ li bì, khó đánh thức, trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú, bú kém bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên không uống được, nôn tất cả mọi thứ, co giật, sốt liên tục không giảm, ho nhiều có máu, ho khạc đờm màu vàng xanh hôi như mủ cần phải đưa đi cấp cứu ngay. Nếu trẻ dùng thuốc ho 7 ngày mà không thấy thuyên giảm cũng nên cho bé đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, có hướng xử trí phù hợp” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo.

4 nguyên tắc mẹ nhớ “nằm lòng” khi chăm sóc trẻ bị bệnh hô hấp

Nếu trẻ thực sự bị viêm đường hô hấp trên thì đa phần sẽ tự khỏi trong khoảng từ 10-14 ngày. Nếu trẻ không xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân như đã trình bày ở trên thì cha mẹ có thể chăm sóc con tại nhà. Để con nhanh khỏi bệnh, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy hướng dẫn cha mẹ cần nhớ 4 nguyên tắc sau:

- Về dinh dưỡng, cần lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Chia nhỏ bữa ăn, cữ bú, nên nấu các món ăn mềm dễ nuốt, dễ tiêu hóa. Uống đủ nước giúp xoa dịu cơn ho cũng như long đờm tốt hơn. Không kiêng ăn tôm, cua, thịt bò, sữa… như lời đồn thổi.

- Về sinh hoạt, cần tránh tiếp xúc với những yếu tố kích thích xấu cho trẻ như khói thuốc lá, khói bếp… Đây là những yếu tố khiến tăng nặng thêm triệu chứng ho và các bệnh lý hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn ở trẻ em.

- Về vệ sinh cơ thể, không nên kiêng tắm hoàn toàn khi mắc các bệnh lý hô hấp vì sẽ khiến vi khuẩn dễ phát triển ngoài da và gây hại. Khi trời lạnh, nếu bị ho thì nên tắm/lau cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm ở trong phòng kín gió. Ngoài ra, nếu trẻ bị nghẹt mũi, mẹ đừng quên làm thông thoáng mũi thường xuyên cho con bằng nước muối sinh lý ấm. Điều này sẽ giúp con bớt trằn trọc, quấy khóc, khó chịu về đêm.

- Về vấn đề dùng thuốc, không nên lạm dụng thuốc kháng sinh và nên cẩn trọng khi áp dụng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Tương tự, đối với thuốc trị ho cũng cần dùng đúng lúc, đúng cách. Tuyệt đối không dùng hoặc chia nhỏ liều thuốc ho của người lớn cho trẻ em; không nên dùng lại đơn thuốc cũ.

Thuốc ho từ thảo dược được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo sử dụng khi trẻ ho gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống và không kèm theo dấu hiệu bệnh nặng (Ảnh minh họa)

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết, nếu trẻ ho nhiều gây nôn ói, ăn uống kém, khó ngủ, đau họng… tốt nhất nên dùng thuốc ho thảo dược phù hợp với độ tuổi và kiểu bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Bộ Y tế để đảm bảo hiệu quả, an toàn.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc ho thảo dược. Trong đó nổi trội nhất là thuốc ho có thành phần lá thường xuân như Cozz Ivy của Công ty Dược Hậu Giang. Đây là loại thảo dược thường được sử dụng ở các nước phương Tây, châu Âu, đã được chứng minh có tác dụng làm loãng dịch nhầy ứ đọng trong phế quản do quá trình viêm gây ra, giúp long đờm dễ dàng hơn khi ho và loại ra khỏi cơ thể.

Đồng thời, loại thảo dược này còn giúp chống co thắt cơ phế quản, mở rộng đường thở giúp người bệnh hít thở dễ dàng, từ đó giúp chấm dứt cơn ho do cản trở đường thở. Lưu ý, trẻ nhỏ sẽ không thể uống thuốc dưới dạng viên, thay vào đó thuốc ho dạng siro sẽ thích hợp hơn.

“Bên cạnh đó, cần lưu ý, mặc dù đa phần trẻ sẽ khỏi bệnh trong khoảng thời gian khuyến cáo, nhưng vẫn có khoảng 20-25% trường hợp có tiến triển thành viêm phổi, vì vậy trong quá trình chăm sóc các bậc cha mẹ cần theo dõi thường xuyên. Nếu thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu bệnh nặng thì cần đưa đi khám bệnh để sớm phát hiện biến chứng và điều trị kịp thời” - Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến các bậc phụ huynh.

Bí quyết giúp phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh

Miền Bắc đang bước sang mùa đông với khí hậu lạnh ẩm, miền Nam mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển và lan truyền. Giai đoạn này càng khó khăn khi chúng ta có thể đối diện với tác động kép của cả đại dịch COVID-19 và các bệnh lý đường hô hấp.

Nhiều cha mẹ cho rằng, trong thời điểm này chỉ cần giữ ấm cho trẻ sẽ tránh mắc bệnh. Điều này đúng nhưng chưa đủ. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo, ngoài việc giữ ấm các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, nhất là khi đưa trẻ ra ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm thì cha mẹ cần nhớ 2 vấn đề quan trọng:

- Tiêm chủng đầy đủ: Đây là một biện pháp rất quan trọng giúp phòng chống các bệnh về viêm đường hô hấp. Ngoài các vắc xin trong lịch tiêm chủng mở rộng thì bạn cũng nên cho trẻ chủng ngừa cúm, phế cầu vì vi khuẩn phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tai, viêm phổi ở trẻ em. Trong thời gian tới, nếu trẻ em được chỉ định tiêm ngừa vắc xin COVID-19 thì điều này cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ.

Chuẩn bị tủ thuốc gia đình là điều cần thiết không chỉ trong dịch bệnh mà ngay cả khi cuộc sống đã quay về “bình thường mới” (Ảnh minh họa)

- Chuẩn bị tủ thuốc gia đình. Điều này rất cần thiết để xử lý kịp thời những sự cố, tình trạng bệnh lý bất ngờ, có thể xử trí ngay tại nhà. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng hình thành thói quen này.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, để sẵn sàng đón mùa đông sắp tới, cha mẹ hãy lên sẵn danh sách các loại thuốc cũng như dụng cụ y tế cần có như thuốc giảm đau, hạ sốt; oresol và men vi sinh; nước muối sinh lý; nhiệt kế; một số vật dung y tế như kẹp nhiệt độ, bông, băng gạc, cồn iod, nước oxy già; đặc biệt là thuốc ho thảo dược được bào chế dưới dạng siro với vị ngọt dịu, thơm, dễ chịu, không gây cảm giác sợ thuốc cho trẻ.

“Khi lựa chọn thuốc trị ho cho trẻ em, cha mẹ cần cân nhắc các tiêu chí quan trọng, đó là sản phẩm cần phải được chứng minh hiệu quả và an toàn, có cơ sở khoa học cụ thể, rõ ràng, được sản xuất bởi một công ty dược phẩm uy tín với hệ thống dây chuyền sản xuất chặt chẽ, hệ thống kiểm soát chất lượng cao và giá cả phải chăng, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình tại Việt Nam” - PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết.

Tham vấn chuyên môn: PGS.TS.BS Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X