Hotline 24/7
08983-08983

Mùa dịch, bị sưng đỏ sống mũi là bệnh gì?

Sưng đỏ sống mũi, chích ngừa COVID-19 mũi 1 dị ứng thì có chích mũi 2 không, suy tim sau khi bị bệnh COVID-19, bị tụt canxi có chích ngừa COVID-19... là những thắc mắc được bạn đọc gửi về AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch.

1. Bị sưng đỏ sống mũi trong mùa dịch là bệnh gì?

Đan Duy: Thưa bác sĩ,

Hiện tại tôi đang trong khu phong toả nên không đi khám bệnh được, nhờ BS xem giúp ạ. Tôi có triệu chứng này: Vùng đánh dấu xanh tròn bị ửng đỏ và nhấn nhẹ vào thì đau, kéo dài 1 tháng nay rồi. Ngoài ra không có triệu chứng gì khác. Trước đây tôi không can thiệp hay thẩm mỹ gì cả bác sĩ ơi. Không biết dấu hiệu của bệnh gì? Mong bác sĩ giúp giùm ạ.


BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Theo hình ảnh bạn chụp, da vùng sống mũi bị sung huyết nhẹ, có thể viêm dị ứng. Do đó, bạn nghĩ xem vùng da này hay tiếp xúc với vât dụng gì? Có thể do khẩu trang không? Nếu xác định được tác nhân là khẩu trang, nên đổi sang loại khác nhe! Hiện thị trường có nhiều loại khẩu trang để bạn lựa chọn. Bạn nhớ tuân thủ 5K để phòng ngừa COVID-19 nhe!

2. Suy tim sau khi bị bệnh COVID-19, cần thăm khám những gì?

Tuyen Ngoc: Bác sĩ ơi cho cháu hỏi me cháu bị nhiễm COVID xuất viện được hơn 3 tuần rồi. Bác sỉ bảo suy tim cho thuốc uống mà về bà khó ngủ, 1 ngày chỉ ngủ được khoảng 4 đến 5 tiếng, thỉnh thoảng bà bị toát mồi hôi lạnh ướt cả đầu, có sao không vậy bác sĩ?

Mẹ cháu 62 tuổi, trước giờ bà bị xương khớp, sau khi bị COVID về bác sĩ bảo bà bị suy tim ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Với tình trạng này mẹ em cần được kiểm tra tổng quát một lần nữa, sau khi đã khỏi COVID rồi. Việc kiểm tra tổng quát để giúp xác định lại vấn đề suy tim, vì virus SARS-COV-2 có thể ảnh hưởng lên tim trong quá trình bệnh bùng phát như gây viêm cơ tim, suy tim xảy ra trong lúc nhiễm COVID mà trước đây người bệnh không có bị suy tim.

Cũng có thể mẹ em đã có vấn đề về tim mạch từ trước khi nhiễm COVID mà không được phát hiện.

Do đó, bây giờ mẹ em đã khỏi bệnh COVID rồi thì cần kiểm tra lại tình trạng sức khỏe tim mạch, đánh giá lại chức năng co bóp cơ tim qua siêu âm tim, xem có còn suy tim hay không.

Đồng thời, việc kiểm tra tổng quát cũng giúp tìm các rối loạn tiềm ẩn khác (như hạ canxi, rối loạn đường huyết...) gây ra những khó chịu hiện tại của mẹ.

Trong tình huống kết quả kiểm tra tổng quát đều bình thường thì các triệu chứng hiện tại có thể xếp vào nhóm triệu chứng hậu COVID kéo dài, BS cũng sẽ kê thuốc hỗ trợ thêm cho mẹ em, đặc biệt tình trạng là rối loạn giấc ngủ. Em đưa mẹ đến bệnh viện đa khoa để kiểm tra lại, em nhé.

3. Tiêm Vero Cell mũi 1 bị dị ứng, mũi 2 có nên tiêm nữa không?

Quốc Thái hỏi zalo 08983 08983:

- Alo cho em hỏi em tiêm vắc xin Vero Cell em bị dị ứng 12-13 ngày rồi, đến đến 4 tuần chuẩn bị tiêm mũi 2 em lại bị dị ứng, vậy có nên tiêm thêm mũi 2 không bác sĩ ?

Em bị nổi dị ứng nguyên mặt xuống cổ một chút, nổi mẩn đỏ không phải mề đay. Lúc bác sĩ khám trước tiêm không có hỏi kĩ, chỉ hỏi em tiêm hay không, rồi em nói dị ứng, bác sĩ kêu suy nghĩ lại coi có nên tiêm hay không, rồi em không tiêm mũi 2.

Một bác sĩ điều trị dị ứng cho em nói là em bị dị ứng với thuốc tiêm nên khuyên em đừng có chích mũi 2. Em không biết phải làm sao, mong AloBacsi sĩ tư vấn giúp em!

- Bác sĩ điều trị dị ứng cho bạn công tác ở bệnh viện nào vậy ạ?

- Dạ không em chỉ có ra mua thuốc dị ứng thôi, em chưa có khám bệnh viện nào hết. Chỗ em ở hiện giờ đang làm bệnh viện dã chiến, không có đi khám bệnh được.

- Trường hợp của bạn sau tiêm mũi 1 có dị ứng nhẹ, ít nguy hiểm, vì vậy vẫn tiếp tục tiêm được mũi 2. Sau khi tiêm ở lại theo dõi như mọi người. Khi về nhà, nếu có triệu chứng nặng hơn như khó thở, sưng phù mặt thì đến bệnh viện. Nếu không có triệu chứng nặng thì không cần lo lắng quá.

Mời bạn đọc thêm bài tư vấn của TS.BS Phạm Lê Duy - Bộ môn Sinh lý, sinh lý bệnh miễn dịch ĐH Y Dược TPHCM: Những điều cần biết về dị ứng trước - trong - sau khi tiêm vắc xin COVID-19

Còn nếu bạn muốn khám thật kỹ về vấn đề dị ứng trước khi tiêm mũi 2 thì có thể đến 2 cơ sở sau:

+ Miền Nam: Phòng khám Miễn dịch lâm sàng - BỆNH VIỆN Đại học Y dược TPHCM. Điện thoại: 028 3952 7143

+ Miền Bắc: Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng - BỆNH VIỆN Bạch Mai. Địa chỉ: Nhà A2, A4 tầng 2 khu A - Bệnh viện Bạch Mai. Điện thoại: 043. 8693731/6722

4. Chích ngừa uốn ván, cắt thận và lá lách, bị tụt canxi có tiêm vắc xin COVID-19 được không?

Th. Phuuoong: Em muốn hỏi là cách đây 2 tháng em có chích vắc xin uốn ván. Không biết bây giờ em có chích vắc xin COVID được không ạ?

Th. Thật Thà: Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu đã phẫu thuật cắt thận và lá lách cách đây 20 năm thì có tiêm được vắc xin COVID-19 không ạ.và nên tiêm loại vắc xin nào ạ?

Giang Ng.: Em đang tụt canxi có tiêm vắc xin mũi 2 được không? Em chỉ lâu lâu lâng lâng đầu.

Tổ tư vấn AloBacsi: Trường hợp của các bạn Th. Phuuoong, Th. Thật Thà, Giang Ng. chích ngừa COVID-19 bình thường nhé, không lo ngại gì cả, và vắc xin nào cũng được.

5. Mẹ bầu bị rối loạn thần kinh tim và trào ngược dạ dày thực quản, nên sinh em bé ở bệnh viện nào?

Th. Jenny: Bác sĩ ơi, em đang bị rối loạn thần kinh tim và trào ngược dạ dày kèm khó thở, nhưng cũng điều trị ở Bệnh viện Đại học y dược TPHCM mà không được liên tục do dịch bệnh, hiện nay em đã mang thai 4 tháng nên em muốn hỏi là khi sinh nở mình nên sinh em bé ở đâu ạ. Em ở Bình Phước.

Em có nên tiếp tục điều trị rối loạn thần kinh tim, trào ngược dạ dày, viêm họng mạn tính vì bị cách đây gần 2 năm?

ThS.BS Trần Anh Tuấn: Chào bạn,

Bệnh của bạn không phải bệnh thực thể. Nếu siêu âm đánh giá chức năng tim trong giới hạn bình thường thì có thể sanh ở bệnh viện có chuyên khoa sản đều được.

Về trào ngược dạ dày thì hay gặp hơn và nặng hơn khi mang thai do rối loạn giảm co thắt đường ruột và do chèn ép. Bạn nên nhai kỹ khi ăn, uống nước xa bữa ăn, vệ sinh răng miệng tốt

Hiện tại, khám thai định kỳ theo hẹn để theo dõi sự phát triển của thai, không có gì phải lo lắng quá nhé.

6. Vết thương ở dưới nước có cần chích ngừa uốn ván không?

Ng. Nguyên Chương: Em tắm sông bị đứt chân vết thương khá sâu và bị bùn vào. em rửa lại bằng nước sạch nhưng không hết bùn đó rồi em vào cầm máu thì có sao không ạ? Em có đi các bệnh viện nhưng dịch nên các bệnh viện khu vực em ngưng nhận bệnh nhân.

Em mua cồn với gòn, thuốc đỏ tự rửa nhưng cái bùn đó vẫn còn ở đó. Em không chắc là bùn nhưng nó đen đen thì có sao không ạ? Và vết thương ở dưới nước có cần chích ngừa uốn ván không?

Tổ tư vấn AloBacsi: Nếu vết thương không được vệ sinh sạch kỹ càng thì có thể nhiễm trùng, làm mủ, lâu lành. Việc này bạn có thể đến trạm y tế gần nhất cũng xử lý được, không nhất thiết phải đến bệnh viện. Tuy nhiên, vết thương này dù là bị thương ở dưới nước cũng nên chích ngừa uốn ván nhé.

7. Vòm miệng thường xuất hiện bọc máu, nguyên nhân do đâu?

Lê Minh T.: Mình lâu lâu cứ ăn đồ ăn là bị sưng bọc máu trong miệng, phát triển rất nhanh, lúc đầu chỉ rát song khoảng 1 phút đã to bằng ngón tay khi chạm vào vỡ ra toàn máu tươi. Xin hỏi bị vậy do nguyên nhân gì và cách điều trị ạ! Xin cảm ơn! (Tiền sử bệnh cao huyết áp).


BS.CK1 Võ Thanh Sơn: Trường hợp này bạn phải đi khám tai mũi họng để bác sĩ soi xem các mạch máu có bị dị dạng hay không? Cao huyết áp sẽ làm tăng áp lực, làm dãn các mạch máu ra và vỡ. Bạn nên đi khám sớm nhé.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X