Hotline 24/7
08983-08983

Một phút tư vấn cứu được một mạng người

Người đàn ông 36 tuổi rơi vào hôn mê sâu sau tai nạn giao thông, được chẩn đoán chấn thương sọ não nhưng gia đình từ chối mổ vì sợ không vượt qua được “cửa tử”. Sau một phút tư vấn với 3 câu nói, TS.BS Trần Chí Cường đã nhận được cái gật đầu của người thân và trái ngọt sau đó là sự hồi phục kỳ diệu.

Đó là câu chuyện của nam bệnh nhân N.V.T (sinh năm 1985, cư trú tại An Giang) được mẹ và vợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ ngày 16/6 cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Trước đó nam bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông.

Ngay khi tiếp nhận, ê-kíp cấp cứu nhanh chóng thăm khám, thực hiện các cận lâm sàng, kết quả Scan sọ não bệnh nhân ghi nhận máu tụ dưới màng cứng lượng nhiều. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu để lấy toàn bộ khối máu tụ gây chèn ép não và loại bỏ mô não giập nát hoại tử gây hiện tượng chảy máu.

Tuy nhiên, khi ê-kíp đã sẵn sàng khó khăn bắt đầu xuất hiện và xuất phát từ chính gia đình người bệnh. Họ lưỡng lự là có lý do, bởi cái gật đầu trong thời khắc này rất quan trọng, có thể quyết định sinh mệnh của chính người con, người chồng của mình.

Nhận định tình trạng rất nguy kịch khả năng tử vong gần như 100%, nếu không tận dụng từng giây phút để cứu chữa, bác sĩ có thể vuột mất bệnh nhân trong cuộc chiến với “tử thần”, TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ trở thành “tư vấn viên” bất đắc dĩ.

Khi đó để thuyết phục người nhà, vị bác sĩ gần 20 năm kinh nghiệm đã đặt bản thân mình vào vị trí của chính bệnh nhân, thân nhân. TS.BS Trần Chí Cường hồi tưởng: “Tôi nhớ lúc đó rất gấp rút nên chỉ nói với người nhà, về phía bác sĩ thấy còn cứu được mà không được cứu là bác sĩ sai. Về phía gia đình nếu người thân còn cứu được mà không cứu là có lỗi nặng với người thân. Nếu tôi là người bệnh nằm đó, tôi sẽ hối các bác sĩ “hãy mổ lẹ lẹ để cứu tôi”.

Lời nói lúc này của TS.BS Trần Chí Cường tựa như sức nặng ngàn cân, thuyết phục được người nhà đồng ý hợp tác với bệnh viện. Song nỗi âu lo vẫn chưa biến mất hoàn toàn, mẹ của người bệnh níu tay bác sĩ hỏi thêm về cơ hội cứu sống, phục hồi và nhất là sự lo lắng về chi phí điều trị.

TS.BS Trần Chí Cường trả lời ngay tắp lự: “Bệnh nhân còn cứu được bác sĩ phải lao vào cứu trước đã. Cứu người như cứu hỏa. Thấy cái nhà đang cháy, đâu có ai hỏi cứu được bao nhiêu % rồi mới lao vào chữa cháy. Khi đó, việc đầu tiên là tập trung vào chữa cháy trước đã”.

Câu nói này dường như hóa giải mọi tâm tư của thân nhân. Ca mổ được tiến hành ngay sau đó. Và trái ngọt cho sự cố gắng đó là bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, kết quả sau mổ rất tốt. Hiện, sau mổ một ngày, bệnh nhân đã có thể co tay chân khi thăm khám.

Chia sẻ về trường hợp đặc biệt này, TS.BS Trần Chí Cường chỉ cho rằng: “Tin vui về sự hồi phục của bệnh nhân chính là món quà quý giá đối với tôi và ê-kíp cấp cứu”. Đồng thời, bác sĩ cũng nhấn mạnh, chấn thương sọ não là bệnh cần được cấp cứu khẩn trương và kịp thời, nếu được chỉ định đúng và can thiệp sớm thì sẽ giảm được nguy cơ tử vong và biến chứng sau phẫu thuật cho bệnh nhân. Vì vậy, sau chấn thương vùng đầu bệnh nhân cần tới ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được thăm khám, điều trị.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X