Hotline 24/7
08983-08983

Một người mắc viêm gan B, có cần tầm soát căn bệnh này cho cả gia đình?

Những thắc mắc thường gặp về viêm gan B như: Vì sao nhiều thế hệ cùng một gia đình mắc viêm gan B? Có cần tầm soát viêm gan B cho cả gia đình? Cập nhật phác đồ điều trị viêm gan B mới nhất? Tiêm ngừa vắc xin viêm gan B bao nhiêu mũi, hiệu quả bao lâu?... đã được ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh viêm gan B có di truyền không?  

Thực tế đã có trường hợp nhiều thế hệ trong cùng một gia đình mắc viêm gan B. Xin hỏi vì sao lại có tình trạng này, thưa BS? Có phải viêm gan B có tính di truyền?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hiện nay, viêm gan B là một trong những nguyên nhân quan trọng gây biến chứng xơ gan, ung thư gan. Thực tế có một số ít gia đình nhiều thế hệ (khoảng 2 thế hệ) cùng mắc viêm gan B.

Viêm gan B không phải là bệnh lý di truyền, nhưng đây là phương thức lây truyền, gọi là lây truyền theo chiều dọc. Nghĩa là mẹ bị viêm gan B, trong quá trình mang thai không tầm soát, nên không biết bệnh, dẫn đến không có biện pháp dự phòng khi sinh, vì vậy em bé bị lây viêm gan B từ mẹ.

Gần đây, tỷ lệ lây truyền qua chiều dọc đã được hạn chế rất nhiều, bởi vì ở nước ta đã đưa viêm gan B vào chương trình tiêm chủng mở rộng và tầm soát rất kỹ vấn đề tiền sản. Do vậy, với những trẻ sinh sau này, cho dù người mẹ có bị viêm gan B thì tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ hầu như không còn nữa.

2. Viêm gan B lây qua những con đường nào?

Xin nhờ BS giải thích để bạn đọc hiểu rõ hơn: Nguyên nhân nào gây bệnh viêm gan B? Căn bệnh này lây qua những con đường nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Bệnh viêm gan B do virus HBV gây ra. Virus này lây truyền qua 3 đường: tình dục, máu và mẹ truyền sang con.

3. Bị viêm gan B phải uống thuốc suốt đời?

Hiện nay ở Việt Nam đã cập nhật những phương pháp nào để điều trị viêm gan B thưa BS? Căn bệnh này liệu có phải uống thuốc, điều trị suốt đời?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hiện nay tại Việt Nam cũng như trên thế giới đã có hướng dẫn để điều trị viêm gan B rất cụ thể và chỉ định điều trị cũng rất rõ ràng. Mặc dù viêm gan B đã được nghiên cứu rất nhiều cùng với sự ra đời của các loại thuốc tốt, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa đạt được mong muốn loại bỏ virus này hoàn toàn.

Chúng ta sử dụng thuốc để kiểm soát sự nhân lên của virus, làm cho virus không hoạt động (từ một thể hoạt động chuyển sang thể ngủ) để không tấn công vào gan, tránh tổn thương thêm cho gan. Vì vậy, đối với người bệnh viêm gan B có chỉ định điều trị kháng virus, hiện tại mục tiêu để dừng thuốc hầu hết rất ít. Người ta xếp viêm gan B như một bệnh mạn tính không lây, hầu như phải uống thuốc suốt đời, chỉ có một vài trường hợp ngưng thuốc nhưng tỷ lệ này rất thấp.

4. Một liệu trình điều trị viêm gan B sẽ ra sao?

Một liệu trình điều trị viêm gan B thông thường sẽ như thế nào? Cần lưu ý hay ghi nhớ nguyên tắc nào trong quá trình điều trị để nâng cao hiệu quả?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi phát hiện bệnh viêm gan B, không phải giai đoạn nào người bệnh cũng cần điều trị kháng virus. Tùy theo mỗi giai đoạn và từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ quyết định thời điểm sử dụng thuốc. Khi đó, bệnh nhân bắt buộc phải tuân theo chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ, và chỉ ngưng thuốc khi có sự đồng ý của người thầy thuốc.

Lưu ý, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định. Liệu trình điều trị hiện nay khi có chỉ định, hầu hết người bệnh chỉ uống duy nhất 1 viên một ngày và uống vào một giờ nhất định. Hầu hết người bệnh sẽ phải uống xuyên suốt theo phác đồ điều trị của thầy thuốc.

5. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm gan B cần lưu ý gì?

Người bị viêm gan B nên có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt như thế nào?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Viêm gan siêu vi B khi ở giai đoạn viêm gan và được điều trị thì chế độ dinh dưỡng cũng tương tự như người khỏe mạnh bình thường. Nghĩa là đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ các chất (đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Các thực phẩm chế biến từ sữa rất tốt cho người viêm gan B; đạm từ các loại cá sẽ dễ tiêu hóa hơn so với đạm từ thịt; ưu tiên nhóm đạm thực vật, các loại ngũ cốc. Nếu ăn thịt thì ưu tiên nhóm thịt gà, vịt hơn là heo, bò.

6. Bị viêm gan B, có được ăn uống chung với gia đình?

Bị viêm gan B có được tiếp xúc hay ăn uống chung cùng với gia đình không thưa BS? Đây là thắc mắc thường gặp của nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này ạ.

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Viêm gan B không lây qua đường tiêu hóa. Do đó, việc ăn uống, sinh hoạt bình thường. Như đã nói ở trên, viêm gan B lây qua 3 đường: máu, tình dục và mẹ truyền sang con. Để tránh lây truyền qua chiều ngang (đường máu), trong gia đình có người bị viêm gan B thì không được sử dụng chung các vật dụng có nguy cơ gây chảy máu như dao cạo râu; bàn chải đánh răng; dụng cụ cắt móng tay/ móng chân.

7. Bị viêm gan B, làm sao để tránh lây bệnh cho người bạn đời?

Như từ đầu chương trình BS chia sẻ, viêm gan B có thể lây qua đường tình dục. Xin hỏi BS “yêu” với người có bệnh viêm gan B, cách nào để không lây bệnh ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để tránh lây truyền viêm gan B qua đường tình dục, trước khi lập gia đình chúng ta nên đi khám tiền hôn nhân. Qua đó sẽ giúp tầm soát bệnh viêm gan B. Trong trường hợp hợp người hôn phối bị viêm gan B mà chúng ta chưa mắc căn bệnh này thì cần đi tiêm ngừa viêm gan B. Ngoài ra, chúng ta nên sử dụng các biện pháp tình dục an toàn, ví dụ như bao cao su.

8. Trong nhà có người bị viêm gan B, có cần tầm soát căn bệnh này cho cả gia đình?

Trong nhà có người phát hiện viêm gan B, liệu có cần tầm soát căn bệnh này cho cả gia đình thưa BS? Nếu cần thì nên làm xét nghiệm, kỹ thuật nào để chẩn đoán ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Như chúng ta đã biết, viêm gan B lây theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Khi một người bị viêm gan B có thể tầm soát cho cả nhà bằng xét nghiệm máu. Nếu chưa nhiễm viêm gan B thì nên có biện pháp dự phòng tránh lây nhiễm phù hợp.

9. Người bệnh viêm gan B có nên tầm soát ung thư gan?

Người bị bệnh viêm gan B hoặc có tiền sử bệnh viêm gan B, có nên tầm soát ung thư gan? Nếu cần thì độ tuổi nào hay khi nào nên tầm soát ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Tiến trình tự nhiên của một người mắc viêm gan siêu vi B: từ viêm gan siêu vi B cấp (6 tháng), virus viêm gan B còn tồn tại trong cơ thể sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Khi viêm gan B ở giai đoạn mạn tính sẽ có tiến trình tự nhiên chuyển thành xơ gan, và từ xơ gan sẽ chuyển sang ung thư gan.

Người bệnh viêm gan B sẽ bị ung thư gan khi tổn thương gan đã chuyển sang giai đoạn xơ gan. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ (khoảng dưới 3%), người bệnh viêm gan B mạn chuyển thành ung thư gan mà không cần qua giai đoạn xơ gan. Do đó, khi bị viêm gan B, bắt buộc cần có một chiến lược theo dõi, tầm soát ung thư gan phù hợp.

Hiện nay, cho dù bệnh nhân viêm gan B đang ở giai đoạn uống thuốc đặc trị thì vẫn có nguy cơ xuất hiện ung thư gan như bình thường. Như vậy, khi bị viêm gan B cần phải có lịch tầm soát ung thư gan định kỳ.

10. Cần làm gì để phòng ngừa viêm gan B?

Để phòng ngừa viêm gan B, chúng ta có thể làm gì thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hiện nay tiêm ngừa là một trong những biện pháp dự phòng viêm gan siêu vi B rất hiệu quả. Ngay cả với người phụ nữ mang thai bị nhiễm virus gây viêm gan B vẫn có thể dự phòng được cho trẻ ngay sau khi sinh. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, dự phòng viêm gan B cho trẻ em là bắt buộc.

11. Vắc xin ngừa viêm gan B cho trẻ cần tiêm bao nhiêu mũi?

Vắc xin ngừa viêm gan B cần tiêm bao nhiêu mũi, độ tuổi nào có thể tiêm được? Trước khi tiêm có cần tầm soát bệnh viêm gan B?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hiện nay, chỉ có viêm gan B là có vắc xin phòng ngừa. Riêng đối với viêm gan C chưa có vắc xin. Đối với vắc xin ngừa viêm gan B có những mốc thời điểm:

Trẻ được tiêm ngừa viêm gan B trong 24 giờ sau khi sinh. Trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm viêm gan B, sẽ được tiêm 2 liều vắc xin, một liều là kháng thể thủ động, liều còn lại là kháng thể chủ động. Người ta thấy rằng, nếu tiêm sớm trong vòng 12 giờ đầu tỷ lệ tạo kháng thể cho trẻ rất hiệu quả. Ngược lại nếu tiêm trễ thì hiệu quả sẽ giảm đi.

Phác đồ chích ngừa viêm gan B cho trẻ hiện nay là 0-1-6 hoặc 0-1-18. Nghĩa là mũi đầu tiên (mũi 0) sẽ là mũi được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh. Mũi 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng. Mũi 3 cách mũi 2 6 tháng. Mũi 4 cách 12 tháng hoặc 18 tháng.

12. Hiệu quả của vắc xin ngừa viêm gan B kéo dài bao lâu?

Với trẻ đã được tiêm vắc xin viêm gan B ngay từ khi sinh ra, hiệu quả vắc xin sẽ kéo dài bao lâu? Đến độ tuổi nào cần tiêm nhắc lại thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thông thường, với trẻ đã được tiêm đủ liều vắc xin viêm gan B theo phác đồ, mỗi 5 năm nên đi kiểm tra kháng thể của trẻ có còn đủ để dự phòng viêm gan B không. Sau đó sẽ có hướng dẫn cụ thể từ nhân viên y tế.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X