Hotline 24/7
08983-08983

Một ca bệnh bạch hầu ở Gia Lai chuyển nặng

Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết một bệnh nhân (trong số 9 ca bạch hầu được điều trị) đang phát độc tố, có dấu hiệu chuyển nặng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết đang tiếp nhận và điều trị 3 ca bệnh nhân dương tính với bạch hầu, trong đó một ca bệnh bạch hầu phát độc tố có dấu hiệu chuyển nặng nhưng vẫn đi lại được.

Hiện toàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 9 trường hợp dương tính với bạch hầu trong tổng số cách ly 32 người nghi nhiễm và tiếp xúc gần bệnh nhân.

Y bác sĩ Gia Lai thăm khám bệnh bạch hầu tại làng Bông Hiot - Ảnh: Tuổi trẻ

Các bệnh nhân được chia ra 3 nơi để theo dõi và điều trị, gồm Bệnh viện Nhi (9 ca), Bệnh viện Đa khoa tỉnh (8 ca) và Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa (15 ca). Ngành y tế tỉnh này đang triển khai các biện pháp dập dịch.

Trước đó, trên địa bàn làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai xuất hiện ổ bệnh bạch hầu. Ngành y tế tỉnh đã phát hiện 10 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong.

Ngành chức năng và chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để xử lý, không để dịch bệnh lây lan.

Tiêm vắc xin ngừa bạch hầu miễn phí cho trẻ em 35 tỉnh

Tến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết nhóm tiêm nhắc vaccine Td là tất cả trẻ em 7 tuổi hoặc học lớp 2. Số trẻ tiêm chủng lần này bao gồm cả các bé đã tiêm 4 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu, chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm chủng.

Trẻ được tiêm miễn phí một liều vaccine bạch hầu tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ đã tiêm vaccine chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính... thì tạm hoãn tiêm.

35 tỉnh triển khai tiêm vắc xin ngừa bạch hầu gồm Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TPHCM, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long.

Những địa phương được ưu tiên tiêm vắc xin Td là có nguy cơ cao mắc bạch hầu hoặc bệnh uốn ván tại khu vực miền núi, vùng xa; nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp, xuất hiện ca bạch hầu hoặc uốn ván.

Hà Nội: Phát hiện 3 ổ dịch sốt xuất huyết

6 tháng đầu năm 2020, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 634 ca mắc sốt xuất huyết trên toàn thành phố (phân bố tại 28/30 quận, huyện, thị xã và 198/579 xã, phường, thị trấn), giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Tình trạng người mắc sốt xuất huyết lại có chiều hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần trở lại đây. Ở một số xã còn ghi nhận nhiều bệnh nhân và ổ dịch có diễn biến phức tạp như Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).

Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa và sẽ đạt đỉnh vào thang 8, bà con nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sớm.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo thực hiện ngay các hoạt động phòng, chống bệnh gồm diệt bọ gậy tại tất cả hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học, phun hóa chất diệt muỗi tại các xã, thị trấn có ổ dịch. Với các khu vực có bệnh nhân, cán bộ phòng dịch sẽ tới từng nhà, kiểm tra chặt để diệt bọ gậy.

12 tỉnh/thành phố thời gian gần đây ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao hàng tuần, gồm Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TPHCM và Hà Nội.

Lạng Sơn: Xuất hiện bệnh phong cùi

Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 35 tuổi, từ Lạng Sơn, khám do nổi nhiều nốt sần đỏ, ấn đau, rải rác tay chân và thân mình.

Bệnh nhân khai tình trạng đã diễn biến hơn hai năm nay, mặc dù khám ở nhiều nơi, điều trị nhiều đợt nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng tiến triển nặng.

Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương phát hiện bệnh nhân có các tổn thương sẩn đỏ kích thước 1-3 cm, rải rác khắp vùng mặt, tay chân, thân mình. Khám không sờ thấy các dây thần kinh nông, mu bàn tay hai bên của bệnh nhân khô.

Bệnh nhân phong xuất hiện các tổn thương sẩn đỏ. Ảnh: BV Da liễu Trung ương

Nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh phong - một căn bệnh da liễu rất phổ biến ở Việt Nam trước đây, các bác sĩ chỉ định xét nghiệm rạch dái tai tìm vi khuẩn phong và kết quả dương tính khẳng định chẩn đoán bệnh.

Hiện có nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong hiệu quả, do đó tỷ lệ mắc phong tại Việt Nam tại thời điểm này rất thấp. Tuy nhiên, bà con cũng không nên coi thường bởi nhiều trường hợp mắc bệnh phong chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật nguy hiểm cho bệnh nhân và có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng.

Thêm 14 ca mắc COVID-19

Các ca đều nhập cảnh vào Việt Nam ngày 3/7 từ Bangladesh về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh trên chuyến bay VJ5967 và được cách ly tập trung ngay tại Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 390, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, không có nguy cơ lây ra cộng đồng.

Cụ thể:

- BN356: bệnh nhân nam, 42 tuổi, có địa chỉ tại Phường 6, Quận 4, TPHCM.

- BN357: bệnh nhân nam, 55 tuổi, có địa chỉ tại Phường 2, Quận Tân Bình, TPHCM.

- BN358: bệnh nhân nam, 56 tuổi, có địa chỉ tại Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội.

- BN359: bệnh nhân nam, 35 tuổi, có địa chỉ tại Chương Mỹ, Hà Nội.

- BN360: bệnh nhân nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại Quảng Nhân, Quảng Xương, Thanh Hóa.

- BN361: bệnh nhân nam, 32 tuổi, có địa chỉ tại Phủ Túc, Krông Pa, Gia Lai.

- BN362: bệnh nhân nam, 34 tuổi, có địa chỉ tại Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định.

- BN363: bệnh nhân nam, 33 tuổi, có địa chỉ tại Thái Học, Bình Giang, Hải Dương.

- BN364: bệnh nhân nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại Phường 5, Đông Hà, Quảng Trị.

- BN365: bệnh nhân nam, 36 tuổi, có địa chỉ tại Thị trấn Quán Lào, Yên Định, Thanh Hóa.

- BN366: bệnh nhân nam, 45 tuổi, có địa chỉ tại Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ.

- BN367: bệnh nhân nam, 26 tuổi, có địa chỉ tại Quận 2, TPHCM

- BN368: bệnh nhân nữ, 36 tuổi, có địa chỉ tại Mỏ Cày Bắc, Bến Tre.

- BN369: bệnh nhân nữ, 30 tuổi, có địa chỉ tại Vị Thanh, Hậu Giang.

Đến 18h ngày 6/7, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, gồm: BN 329 (22 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi; BN 91(43 tuổi, nam, phi công người Anh) tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Căn cứ kết luận Hội chẩn Quốc gia ngày 3/7, BN91 được chính thức công bố khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân có thể ra viện và không cần cách ly. Tuy nhiên bệnh nhân còn tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động để có thể hồi hương trên chuyến bay thương mại ngày 12/7.

Tính đến 6h chiều nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 369 bệnh nhân COVID-19, trong đó 341 ca đã được tuyên bố khỏi bệnh, 28 người đang điều trị tích cực.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X