Hotline 24/7
08983-08983

Molnupiravir có phải là “thần dược”?

Trước thực trạng số ca F0 đang tăng nhanh và nguy cơ lây lan của biến thể Omicron, nhiều người đã tự ý tìm mua tích trữ và tự ý sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19. Liệu Molnupiravir có phải là “thần dược”, phù hợp với tất cả mọi người? Lời khuyên từ PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Liên chi Hội Phụ Sản TPHCM sẽ giúp bạn có sự lựa chọn đúng đắn trong việc dùng thuốc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Từ hơn hai năm qua, SARS-CoV-2 hoành hành toàn thế giới và cho đến nay tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp. Đã có nhiều loại thuốc được nghiên cứu để điều trị COVID-19 nhưng có nhiều loại đã thất bại từ sớm. Trong nghiên cứu gần đây cho thấy có sự tiến bộ rất lớn với sự phát hiện một loại thuốc kháng virus dạng viên uống giúp làm giảm 50% khả năng nhập viện điều trị và giảm tử vong (thực tế sau này cho thấy chỉ giảm 30% bệnh nhân nhập viện). Thuốc Molnupiravir đã đem lại tia sáng hy vọng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trong vài tuần gần đây khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trên cả nước ta, đặc biệt ở một số tỉnh thành phía Bắc nhất là tại Hà Nội, số F0 điều trị tại nhà tăng lên. Nhiều người đã tìm mua Molnupiravir để dự phòng hoặc sử dụng. Nhưng chúng ta đã biết gì về Molnupiravir? Đây có thật sự là thần dược không? Sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về thuốc có khi đem đến những hậu quả tai hại cho người sử dụng nhất là đối với những phụ nữ và nam giới trong lứa tuổi sinh sản.

Không nên tích trữ, không tự ý sử dụng Molnupiravir để điều trị COVID-19 nếu như không có chỉ định của bác sĩ (Ảnh minh họa)

Corona virus khi muốn phát triển phải nhờ một enzyme gọi là RNA - polymerase phụ thuộc RNA (RdRp) sao chép để nhân đôi chuỗi RNA của virus. Molnupiravir là một chất được chuyển hóa thành một thành phần giống cytidine cấu tạo nên RNA của virus. Do đó, Molnupiravir được  enzyme RNA - polymerase phụ thuộc RNA ghép nhầm vào chuỗi RNA khi nhân đôi để tạo virus mới. Với cơ chế hoạt động sai lạc như thế, sẽ không có virus mới sinh sôi nảy nở để gây bệnh.

Molnupiravir đã được biết đến như một loại thuốc kháng virus dùng điều trị bệnh cúm mùa ở Đại học Emory năm 2018, thuốc còn được dùng chữa bệnh Ebola, chikungunya và nhiều loại virus corona khác nhưng sau đó Molnupiravir đã không được dùng vì có liên quan đến đột biến gen. Tuy nhiên, sau này với sự hợp tác của công ty dược phẩm Merck có nhiều nghiên cứu cho thấy Molnupiravir điều trị thành công SARS-CoV-2.

Nhờ các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên mù đôi có nhóm chứng cho kết quả khả quan đáng tin cậy nên Molnupiravir được công nhận và cho phép sử dụng ở Anh Quốc tháng 11 năm 2021. Đến tháng 12 năm 2021, FDA của Hoa Kỳ cấp phép sử dụng thuốc trong tình huống khẩn cấp cho Monulpiravir nhưng có điều kiện.

Trong nghiên cứu kéo dài 3 tháng trên chuột mang thai từ ngày thứ 6 - ngày 17 ở phòng thí nghiệm cho thấy Monulpiravir liều 1000mg/kg/ ngày gây sẩy thai sau khi phôi làm tổ, dị tật mắt, thận và bất thường trong sự hình thành xương sụn của bào thai chuột, giảm trọng lượng cơ thể thai. Những con chuột con có sự tạo xương chậm trễ hoặc không hoàn toàn. Vì lý do đó, FDA không cho phép sử dụng cho phụ nữ dự định có thai và đang mang thai, người cho con bú và trẻ em.

Ngoài ra, Molnupiravir chỉ áp dụng cho các trường hợp bệnh từ nhẹ đến trung bình ngay khi bắt đầu xét nghiệm COVID-19 dương tính. Bộ Y tế Việt Nam cũng có hướng dẫn sử dụng Molnupiravir như sau:

  • Dùng cho bệnh nhân COVID-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng (trên 60 tuổi, mắc bệnh nền: đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch).
  • Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị Molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
  • Phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
  • Đối với phụ nữ cho con bú, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
  • Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng…
  • Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
  • Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
  • Không sử dụng Molnupiravir cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên xương, sụn thai nhi của thuốc

Như vậy, không phải Molnupiravir có khả năng điều trị khỏi COVID-19 cho tất cả mọi trường hợp, mọi người nên tuân theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

  • Không nên lo lắng, không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
  • Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc.

[DAP]

Đôi nét về tác giả bài viết:

PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung sinh ra và lớn lên tại TPHCM, học Trường Gia Long, sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1978. PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung được cấp bằng tiến sĩ y học chuyên ngành phụ sản năm 2003 và được phong phó giáo sư (2007), Huân chương Lao động hạng III (2007), Thầy thuốc nhân dân (2008).

Sau khi ra trường, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung tình nguyện về Bến Tre công tác, mười năm vừa là trưởng khoa sản Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, vừa là giáo viên kiêm nhiệm bộ môn sản phụ khoa của Trường trung học Y tế Bến Tre, tham gia đào tạo 9 khóa y sĩ đa khoa để cung cấp cho mạng lưới y tế tỉnh.

Năm 1988, bà trở về TPHCM công tác tại Bệnh viện Hùng Vương. Do Sở Y tế có nhu cầu thành lập khoa phụ sản tại Bệnh viện Nguyễn Trãi nên điều bà sang làm phó khoa ngoại, đến năm 1990 được chuyển trở lại Bệnh viện Hùng Vương.

Từ năm 1995-2001 bà là Phó Giám đốc và từ 2001 đến tháng 12/2007 là Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, là cán bộ giảng kiêm nhiệm của Đại học Y dược và ĐH KHTN TPHCM. Nghỉ hưu, bà tiếp tục làm chuyên viên cố vấn ban giám đốc bệnh viện.

Tuổi hưu nhưng lịch làm việc của bà vẫn dày đặc công tác cộng đồng: đi họp, chấm luận văn tốt nghiệp, báo cáo về sức khỏe sinh sản, nói về lãnh cảm ở phụ nữ...

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X