Hotline 24/7
08983-08983

Mời đón xem livestream: Tăng huyết áp có phải bệnh chỉ xảy ra ở người già?

Bạn còn trẻ, bạn khỏe mạnh - vậy có cần quan tâm đến huyết áp? Câu trả lời là CÓ, bởi vì các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo: Tăng huyết áp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng dài hạn đến sức khỏe.

Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa

Theo phân tích toàn cầu đầu tiên về các xu hướng trong tỉ lệ lưu hành, phát hiện, điều trị và kiểm soát bệnh cao huyết áp, do Đại học Hoàng gia London và WHO thực hiện và công bố trên tạp chí The Lancet, số người trưởng thành trong độ tuổi 30 - 79 bị cao huyết áp đã tăng từ 650 triệu lên 1,28 tỷ trong ba mươi năm qua. Và gần một nửa trong số này không biết mình bị cao huyết áp.

Tại Việt Nam, khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành có 1 trường hợp mắc bệnh. Đáng lưu ý, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa. Một nghiên cứu trên cả ba vùng miền cho thấy, ở lứa tuổi 25 tuổi trở lên có khoảng 25% là tăng huyết áp.

Nguyên nhân là bởi áp lực công việc và cuộc sống, chế độ ăn mặn - ăn quá nhiều muối, thịt và mỡ động vật, ít rèn luyện thể lực, ít rau xanh. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ đang có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp nhiều hơn do rượu bia nhiều, hút thuốc lá thường xuyên.

Huyết áp gồm 2 trị số: Trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg và trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg.

Phân độ tăng huyết áp cho người lớn trên 18 tuổi theo Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH) năm 2018:

  • Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.
  • Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.

Hơn 700 triệu người bị tăng huyết áp không được điều trị

Ngay cả khi bạn chỉ ở độ tuổi 20 hoặc 30, các nghiên cứu dài hạn cho thấy huyết áp tăng cao sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng sau này trong cuộc sống.

Các chuyên gia tin rằng, huyết áp cao không được kiểm soát là một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim ở tuổi trung niên, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Đồng thời, tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ, bệnh thận và một số bệnh về mắt.

Thêm vào đó, tăng huyết áp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động về tài chính. Một người bị tăng huyết áp chi gần 2.000 đô la một năm cho các loại thuốc và chi phí sức khỏe liên quan. Những chi phí này sẽ tăng vọt nếu huyết áp cao không được kiểm soát và dẫn đến các tình trạng y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim.

Mặc dù có thể chẩn đoán dễ dàng bệnh tăng huyết áp và tương đối dễ điều trị bằng các loại thuốc chi phí thấp, nhưng nghiên cứu đã cho thấy những lỗ hổng đáng kể trong chẩn đoán và điều trị. Khoảng 580 triệu người bị cao huyết áp (41% phụ nữ và 51% nam giới) không biết về tình trạng vì họ không bao giờ được chẩn đoán.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hơn một nửa trong tổng số người bị cao huyết áp (53% phụ nữ và 62% nam giới), tương đương 720 triệu người, không nhận được phương pháp điều trị cần. Ít hơn 1/4 phụ nữ và 1/5 nam giới bị tăng huyết áp được kiểm soát huyết áp bằng cách sử dụng thuốc để đưa huyết áp về mức bình thường. (1)

Thực tế, tăng huyết áp không còn là căn bệnh xa lạ, với đầy đủ công cụ chẩn đoán và nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả nhưng người bệnh lại đối diện với nghịch lý: chưa được phát hiện và chưa được điều trị. Nhiều câu hỏi đặt ra:

Làm sao để nhận diện bệnh tăng huyết áp?

Những thách thức trong điều trị, kiểm soát tăng huyết áp?

Giải pháp nào giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả, tránh biến chứng?

Tất cả những thắc mắc này sẽ được BS Nguyễn Xuân Tuấn Anh - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM giải đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tăng huyết áp có phải bệnh chỉ xảy ra ở người già?

Chương trình sẽ được phát sóng vào lúc 19g, ngày 29/6/2022 trên các nền tảng của AloBacsi và chuỗi Nhà thuốc An Khang. Ngay từ bây giờ, mời quý khán giả đón xem và đặt câu hỏi cho chuyên gia trên các kênh Fanpage AloBacsi, Youtube, Website AloBacsi.com, fanpage Nhà thuốc An Khang vào khung giờ trên.

Chương trình do AloBacsi thực hiện với sự đồng hành của Hội Bác sĩ Gia đình TPHCM, chuỗi Nhà thuốc An Khang, được tài trợ bởi Merck healthcare Việt Nam.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X