Hotline 24/7
08983-08983

“Mổ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cần phải chỉ định cho đúng”

Đây là quan điểm của TS.BS Võ Xuân Sơn nhân một trường hợp đến khám vì bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Mới đây, TS.BS Võ Xuân Sơn chia sẻ về một trường hợp đến khám vì bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Bệnh nhân bị đau vùng cổ gáy, vai và tay, đã khám và điều trị thuốc và vật lí trị liệu, đỡ đau nhiều, hiện chỉ còn mỏi vai tay một bên. Khi đến khám, bệnh nhân đã hỏi rất nhiều về bệnh lý tủy.

TS.BS Võ Xuân Sơn giải thích, khi người bệnh bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, có 4 khả năng có thể xảy ra: (1) Không có bất cứ triệu chứng gì, chỉ là tình cờ phát hiện thoát vị đĩa đệm mà thôi; (2) Đau vùng cổ gáy, thỉnh thoảng có đau đầu, đau tăng khi ngủ, nằm gối cao hoặc gối không thích hợp; (3) Bệnh lý rễ: có thể đau theo lĩnh vực của 1 rễ thần kinh nào, như dọc theo tay, có thể có tê, giảm hoặc mất cảm giác một vùng nào của vai, tay, có thể teo cơ, yếu cơ nào đó của tay, một hoặc hai bên; (4) Bệnh lý tủy: Có thể có tê vùng ngực, bụng, hoặc tê bì vùng hội âm (vùng hậu môn - sinh dục), yếu cơ hai chân, rối loạn tiêu tiểu…

Trong đó, nếu bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây ra bệnh lý tủy, phải quyết định mổ ngay, không chờ đợi. Một trong các chỉ định mổ ngay, không chờ đợi là sự hiện diện của nhồi máu tủy trên hình ảnh MRI cột sống cổ. Ngoài hai trường hợp này, các trường hợp khác cần cân nhắc có nên mổ hay không. Thường sẽ có chỉ định mổ khi có thương tổn thần kinh như tê, giảm hoặc mất cảm giác, yếu cơ, teo cơ tiến triển, hoặc đau nhiều, gây ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, công việc mà điều trị không mổ không hiệu quả.

Trường hợp của bệnh nhân nói trên chỉ có đau và bệnh lý rễ. Bệnh lý rễ của bệnh nhân thì cũng chỉ có đau, không có thương tổn thần kinh nào, và hiện tại triệu chứng đau theo rễ cũng đã giảm, hoàn toàn không có chỉ định mổ. Tuy nhiên, bệnh nhân rất lo lắng. “Đến cuối cùng, bệnh nhân mới đưa ra một cái toa, của một bác sĩ cũng thuộc chuyên ngành có thể mổ cột sống. Trên toa, bác sĩ này ghi là bệnh nhân có thoát vị đĩa đệm gây bệnh lý tủy” - TS.BS Võ Xuân Sơn cho biết.

Chuyên gia nói thêm: “Tôi không biết nói sao, chỉ giải thích rằng, hiện bây giờ bệnh nhân không có bệnh lý tủy, và không có chỉ định mổ. Còn nếu là tôi, khi ghi nhận bệnh lý tủy, tôi sẽ chỉ định mổ ngay, và thuyết phục bệnh nhân chấp nhận mổ. Vì bệnh nhân có mất vững cột sống cổ, tôi có đề nghị bệnh nhân tập những bài tập tăng sức cơ cổ, ngoài ra, tôi cũng yêu cầu bệnh nhân tìm cơ sở Vật lý trị liệu gần nhà để kéo cổ và có thể dùng sóng ngắn và kích thích điện”.

Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn lo lắng. Với trường hợp này, chuyên gia cho rằng, “có lẽ nếu tôi đề nghị mổ, bệnh nhân lại ít lo lắng hơn. Mổ có thể giúp bác sĩ thêm vững vàng về kinh tế, nhưng lại có thể gây ra những biến chứng và những di chứng nặng nề cho người bệnh. Bản thân tôi, sau khi đã mổ rất nhiều ca thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đã có bệnh nhân tử vong, hoặc bị liệt. Cho dù tỷ lệ là rất thấp, nhưng dù thấp đến đâu thì cũng vẫn phải làm sao để tỷ lệ đó thấp hơn nữa”.

Do vậy, quan điểm của TS.BS Võ Xuân Sơn là, việc đầu tiên, cần phải chỉ định mổ cho đúng. Trước khi mổ, cần phải cân nhắc lợi hại của mổ và không mổ. Những biến chứng như liệt, chết người… thì cả mổ và không mổ đều có. Nếu nguy cơ của mổ cao hơn là không mổ, thì khoan hãy mổ. Còn nếu nguy cơ của không mổ cao hơn, thì đừng chần chờ gì mà hãy mổ.

Để tránh những sang chấn do mổ gây ra cho tủy, cần phải dùng vi phẫu thuật để mổ (ngoại trừ mổ nội soi) cho bệnh nhân. Trung tâm nào không có kính hiển vi phẫu thuật, có lẽ cần cân nhắc khi quyết định mổ tại trung tâm mình. Trường hợp không có kính hiển vi phẫu thuật lớn, có thể dùng loupe có nguồn chiếu sáng kèm theo. Loupe rẻ hơn nhiều, cá nhân bác sĩ có thể trang bị, nhưng độ phóng đại và chiếu sáng không mạnh như kính hiển vi phẫu thuật. Và nếu mang lâu sẽ làm cho phẫu thuật viên rất mỏi cổ, thậm chí nó có thể là nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm cổ cho phẫu thuật viên.

“Nguyên nhân tử vong sau mổ nhiều nhất không phải là thương tổn do mổ gây ra, mà là chảy máu vùng mổ. Nếu chảy máu vùng mổ mà không phát hiện và xử lý kịp, khối máu tụ sẽ chèn ép làm bệnh nhân không thở, hoặc máu không lên não được gây tử vong. Do vậy, những bệnh nhân sau mổ khoảng 24 giờ cần được theo dõi chặt chẽ cả hô hấp và huyết áp ở tại nơi có khả năng đặt nội khí quản.

Trong khoảng 200 bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gần đây nhất tôi mổ không có biến chứng chảy máu sau mổ. Điều này dễ làm cho ê kíp chủ quan mà không theo dõi chặt chẽ bệnh nhân sau mổ. Một số bệnh nhân vì thấy mổ xong khỏe quá, dứt khoát không chịu nằm hồi sức. Cho nên, việc kiểm soát tuân thủ qui trình điều trị sau mổ rất quan trọng” - TS.BS Võ Xuân Sơn khuyến cáo.

Cuối cùng, chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù tỷ lệ biến chứng là rất thấp, nhưng thấp đến mấy thì vẫn không bằng là không có. Cần chỉ định mổ sau khi cân nhắc lợi hại. Và chuẩn bị sẵn phương án cấp cứu kịp thời khi có biến chứng xảy ra.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X