Hotline 24/7
08983-08983

Mệt mỏi do hở van 2 lá và 3 lá mức độ 1.5/4, có nên phẫu thuật?

Câu hỏi

Con xin chào BS, Con bị thấp tim năm 2005, lúc đó con mới 17 tuổi, bị hở van 2 lá mức độ 1.5/4 và con hay bị mệt, không thể làm nặng hoặc chạy nhảy nhiều được. Con có điều trị dự phòng bằng thuốc Peniciline 1,2 triệu đơn vị 1 tháng 1 lần bằng tiêm bắp. Con điều trị liên tục tới năm 2012, tức là 8 năm. Nhưng lúc đó thuốc tiêm Peniciline hết sản xuất và con không mua được nên con vào Viện Tim TPHCM khám, có xét nghiệm máu và siêu âm lại tim thì hở van 2 lá và 3 lá mức độ 1.5/4. BS bảo không cần tiêm Peniciline nữa mà chỉ cần nghỉ ngơi và tái khám khoảng 1 năm 1 lần thôi. Lúc đó, con vẫn chưa yên tâm nên qua Bệnh viện 115 xin làm xét nghiệm Aslo (âm tính) và siêu âm tim lại thì BS vẫn bảo y như BS Viện Tim nói. Do đó con về nhưng vẫn chưa yên tâm lắm vì con đọc trên mạng khi bị thấp tim có biến chứng thì điều trị dự phòng ít nhất tới năm 40 tuổi. Dạo này, con thấy rất mệt và không làm gì được vì tim đập rất nhanh và mạnh, hơn 1 năm con chưa khám lại. Con đang lo lắng và không biết những lời BS bên Viện Tim và Bệnh viện 115 nói có đúng không? Con nghe nói BV Tim Tâm Đức cũng tốt, tính qua đó khám lại. Con xin cảm ơn ạ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Mệt mỏi vì tim đập nhanh, mạnh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Mệt mỏi vì tim đập nhanh, mạnh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Bệnh thấp tim là biến chứng trên tim xảy ra sau khi bị bệnh thấp khớp cấp, nguyên nhân là do nhiễm liên cầu tan huyết beta nhóm A. Sau thời điểm viêm họng do liên cầu, tim có thể bị viêm và dẫn đến bệnh tim hậu thấp sau này (chủ yếu là bệnh van tim).

Thấp tim rất dễ tái phát, đặc biệt trong thời kỳ thanh thiếu niên, mà mỗi lần tái phát là mỗi lần bệnh tim có thể nặng lên, nên việc dự phòng bệnh rất quan trọng.

Nguyên lý của phòng bệnh là ngăn chặn sự tấn công của loại liên cầu trùng nói trên bằng kháng sinh Penicillin, chích hoặc uống. Thời gian dự phòng sẽ thay đổi tùy theo tình trạng bệnh (bị đợt thấp lần đầu hay tái phát nhiều lần, bệnh thấp có ảnh hưởng đến tim hay chưa, bệnh van tim hậu thấp nặng hay nhẹ...), thông thường là 10 năm sau lần bị nhiễm trùng cuối cùng hoặc tới 40 tuổi.

Thời điểm hiện tại bạn có thể không cần phòng ngừa nữa do nguy cơ thấp, tuy nhiên, nếu hở van 2 lá gây ra triệu chứng khó thở, suy tim thì có chỉ định phẫu thuật sửa van hoặc thay van.

Bạn nên tái khám tại BV chuyên khoa Tim để BS đánh giá thêm và cho chỉ định phù hợp, có thể lựa chọn BV Tim Tâm Đức nếu điều kiện đi lại thuận lợi bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Hở van hai lá là bệnh lý van tim bẩm sinh. Bệnh gây nên các triệu chứng ứ đọng tuần hoàn ngược dòng và lâu ngày dẫn đến suy tim. Thông thường người bệnh sẽ không có triệu chứng gì trong nhiều năm và đến nhập viện trong tình trạng suy tim diễn tiến.

Bệnh hở van hai lá là bệnh lý có thể điều trị bằng nội khoa và ngoại khoa. Đối với các trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn và dùng thuốc hỗ trợ. Trong những trường hợp hở van hai lá nặng hoặc hở van hai lá đột ngột gây rối loạn huyết động, bệnh nhân có chỉ định điều trị ngoại khoa sửa van hoặc thay van tim nhân tạo. Bệnh thường biểu hiện triệu chứng khi đã tiến triển lâu dài.

Do đó, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi phát hiện các triệu chứng như tim loạn nhịp, đau ngực khi gắng sức, khó thở khi nằm, phù chân… để được kịp thời khám và điều trị bệnh.

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X