Hotline 24/7
08983-08983

Méo miệng do sốt cao, có chữa khỏi không?

Méo miệng là một trong những di chứng nghiêm trọng của sốt cao nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách? Vậy làm sau để cải thiện được tình trạng này? Mời bạn đọc đón xem câu trả lời của ThS.BS Võ Thị Tố Uyên ngay trong bài viết dưới đây.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Hoàng Văn Ninh - Hoangvan...@gmail.com

Thưa bác sĩ, ngày xưa lúc 5 tuổi tôi bị sốt cao, hồi đó tiêm penicillin quá nhiều nên bị méo miệng. Bình thường thì không, chỉ nói cười mới bị. Trước đây chưa từng chữa, giờ tôi 42 tuổi rồi có chữa được không bác sĩ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Liệt Bell’s là một dạng liệt thần kinh mặt vô căn thường gặp nhất, thường có liên quan nhiễm siêu vi, đặc biệt là Herpes simplex virus. Hầu hết các trường hợp sẽ hồi phục một phần hay hoàn toàn sau vài tháng tới 1 năm đầu, khoảng 1/3 trường hợp có thể để lại biến chứng yếu cơ hoặc rối loạn co thắt ở mặt.

Những trường hợp này, song song với tập vật lý trị liệu cho cơ mặt, bạn có thể tham khảo thêm các dạng phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tiêm botulinum toxin để giúp cải thiện tình trạng liệt mặt bạn nhé!

Thân mến.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

Rối loạn thần kinh thực vật và rối loạn dạng cơ thể có giống nhau?

ZL Biển Nhơ

Bác sĩ cho em hỏi rối loạn thần kinh thực vật có giống rối loạn dạng cơ thể không ạ? Em xin cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Các dấu hiệu và triệu chứng của hệ thực vật rất phong phú. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới các rối loạn thực vật như cơ quan bị tổn thương, sự cân bằng giao cảm - phó giao cảm, căn bệnh tiềm ẩn, mức độ nặng nhẹ và giai đoạn tiến triển của bệnh nhân. Các biểu hiện thường gặp là rối loạn tiêu hoá, tim mạch, bàng quang, cơ vòng, mồ hôi, thân nhiệt. Thực tế thường thấy sự kết hợp đồng diễn của nhiều dấu hiệu và triệu chứng.

Rối loạn dạng cơ thể là một bệnh lý có liên quan tới các rối loạn thần kinh thực vật, dùng để chỉ sự xuất hiện các triệu chứng cơ thể gắn liền vói một nhu cầu được thăm khám và điều trị; nhưng khi đi khám chỉ thấy kết quả âm tính và các thầy thuốc cũng đã coi các triệu chứng đó không có cơ sở thực thể. Nói nôm na thì có thể xem hai chẩn đoán này là của một loại bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần kinh và nên được khám đúng chuyên khoa bạn nhé!

Thân mến.

Thuốc điều trị lao vú có làm trễ kinh nguyệt?

Trần Thị Vân Uyên - Vanuyen...@gmail.com

Chào bác sĩ! Con năm nay 19 tuổi, mắc bệnh lao vú và đang uống thuốc tháng thứ 2. Tháng trước con bị trễ kinh 3 ngày, tháng này trễ 1 tuần. Bác sĩ cho con hỏi có phải do ảnh hưởng của thuốc không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào Vân Uyên,

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường phổ biến từ 22-35 ngày, trong đó, giai đoạn hành kinh có thể kéo dài từ 2-7 ngày. Độ dài ngắn của chu kỳ có thể biến đổi nhẹ trong vài ngày là bình thường.

Nếu trễ kinh ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần xem xét thêm vấn đề mang thai và thử que nếu nghi ngờ. Các nguyên nhân khác cũng khá thường gặp gây rối loạn kinh nguyệt bao gồm sử dụng các phương pháp tránh thai, thay đổi cân nặng - tăng cân quá nhanh hoặc giảm cân quá nhanh, suy dinh dưỡng, căng thẳng tâm lý hay lo lắng quá mức, thay đổi thói quen, sử dụng chất kích thích...

Trong trường hợp chỉ trễ kinh từ vài ngày tới 1 tuần nhưng cơ thể vẫn khoẻ mạnh, ăn uống ngon miệng, tăng cân, đáp ứng tốt với thuốc trị lao thì không vấn đề gì cả em nhé!

Máu kinh màu đen do tiêm vắcxin HPV?

Nguyễn Thị Lan - nguyenth...@gmail.com

Em chào bác sĩ! Em có đi tiêm vắcxin HPV cách 1 ngày, hôm nay em ra kinh nguyệt nhưng rất lạ là máu kinh có màu đen, đây là lần đầu tiên em bị như vậy. Có phải tiêm vắcxin ảnh hưởng màu sắc kinh nguyệt em không bác sĩ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Máu kinh bình thường vốn đã có màu đỏ khá sẫm, nếu bị ảnh hưởng do yếu tố sức khoẻ, như cảm cúm, căng thẳng, dùng thuốc... có thể biến đổi màu sắc 1 chút trong 1-2 ngày, không kèm theo các triệu chứng đau bụng nhiều, mệt mỏi, choáng váng thì không quá lo ngại. Nếu tình trạng tái diễn nhiều chu kỳ hoặc có thể mệt mỏi nhiều, xanh xao, kinh nguyệt không đều, rong kinh rong huyết thì nên khám chuyên khoa bạn nhé!

Thân mến.

Xương đầu gối bị nhô ra, có phải bệnh Osgood schlatter?

Tường Thuật - vantuong...@gmail.com

Em là nam, 18 tuổi, xương đầu gối em bị nhô ra như hình, em nghi mình bị Osgood schlatter, không biết phải làm sao để hết ạ bác sĩ? Em bị vậy từ lúc lớp 4, trước đó không chấn thương gì, chỉ đau nhức. Ngày xưa em đau nhiều hơn, giờ gập chân thì hay bị kêu rắc rắc, tiếng kêu rất to và rõ. Mong bác sĩ tư vấn cho em.

Ảnh: bạn đọc Tường Thuật

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Tường Thuật thân mến,

Với thông tin ít ỏi như vậy cộng với việc không được thăm khám trực tiếp thì rất khó để bác sĩ đánh giá nguyên nhân gây ra cục ở dưới gối của em là gì.

Bệnh Osgood schlatter mà em đang lo lắng là một dạng đau ở vùng gối thường gặp ở trẻ em đang lớn, vận động thể thao nhiều và thường tự khỏi.

Ở tuổi của em ít khi gặp hội chứng này, do đó, nếu có đau khớp gối và tiếng kêu khi vận động kéo dài, có khả năgn còn có nguyên nhân khác gây tổn thương sụn khớp, em nên khám phát hiện sớm để điều trị phòng ngừa biến chứng em nhé!

Đang mang thai uống thuốc chống say xe Nautamine được không?

Nguyễn Thu Thuỷ - Ocsen...@yahoo.com

Bác sĩ cho em hỏi, em có thai được 25 tuần, đang dự định đi xa 2 ngày. Em có thể dùng thuốc chống say xe Nautamine không ạ? Và nếu được thì liều dùng ra sao? Bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nautamine có thành phần Diphenhydramine thuộc nhóm thuốc kháng histamin, thường được chỉ định trong các trường hợp ngứa, dị ứng da, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng... Do có tác dụng lên thần kinh thuốc còn được dùng để trị say tàu xe, ngừa nôn.

Theo phân loại của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, mức độ an toàn của thuốc ở phụ nữ mang thai thuộc vào nhóm B, tức là chưa tìm thấy tác hại đối với bào thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa thai kỳ. Do đó, bạn có thể dùng với liều lượng phù hợp, thường là 1 viên trước khi đi tàu xe nửa giờ bạn nhé!

Thân mến.

Chỉ số Creatinine 119, nước tiểu dư đạm, dấu hiệu suy thận?

Tran Quang Nhuong - nhuon...@...house.com

Tôi 59 tuổi, xét nghiệm máu thì Creatinine là 119, nước tiểu dư đạm, như vậy có bị suy thận chưa bác sĩ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào cô/chú

Chỉ số Creatinine là công cụ gián tiếp để ước đoán độ lọc cầu thận, dựa trên các thông số kèm theo là tuổi tác, cân nặng, chiều cao, chủng tộc, giới tính. Nếu có giảm độ lọc cầu thận (tăng Creatinine) kéo dài đi kèm với tiểu đạm bệnh lý thông thường là dấu hiệu của suy thận mạn. Tuy nhiên, cần phải đánh giá nguyên nhân suy thận là gì thì mới có thể can thiệp xử trí, ngăn chặn diễn tiến của bệnh. Do đó, cô/chú nên khám chuyên khoa Thận để bác sĩ khám, làm thêm xét nghiệm đánh giá và điều trị nhé!

Kết quả xét nghiệm của em có bị giang mai không BS?

Huynh Cam - Huynhc...@gmail.com

Em đi xét nghiệm giang mai và kết quả là: Syphilis (Treponemal test) âm tính 0.07 (col<1.0.), RPR (Non- Treponemal test) dương tính 3.17 (< 1.0 ). Kết quả như vậy là em có bị giang mai không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nhiễm giang mai có thể gây bệnh ở nhiều giai đoạn và nhiều thể bệnh, xét nghiệm chẩn đoán thông thường kết hợp giữa một nontreponemal test (VDLRL hoặc RPR) và một Treponemal test. Test huyết thanh có thể âm tính giả trong giai đoạn giang mai nguyên phát và dương tính giả ở bệnh nhân không bị giang mai. Xét nghiệm RPR không đặc hiệu cho chẩn đoán giang mai, do đó, khi dương tính cần làm thêm xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

Với kết quả hiện tại nhiều khả năgn bạn không bị giang mai, nhưng kết quả này còn phụ thuộc vào độ tin cậy của loại xét nghiệm và cơ sở xét nghiệm Treponema test. Tốt nhất bạn nên mang kết quả này tới gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá thêm triệu chứng lâm sàng và chất lượng xét nghiệm để trả lời chính xác cho bạn nhé!

Nổi nốt đỏ cạnh amidan, triệu chứng bệnh gì?

ZL Trương Lê Phụng Thư

Em thấy bên trong lưỡi có những đốm đỏ to và chính giữa là mảng mịn đỏ hơn toàn lưỡi. Và hình như có 1 cục amidan nhỏ như trên hình. Em thấy biểu hiện rất lạ, bác sĩ tư vấn giúp em xem đây là triệu chứng gì ạ? Chân thành cảm ơn.

Ảnh: bạn đọc Trương Lê Phụng Thư

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nốt trên vị trí cạnh amidan có dạng nốt viêm, kèm theo các nhú hình V nằm ở gốc lưỡi, chưa có dấu hiệu gì khác lạ. Bạn nên dùng thuốc theo toa bác sĩ Tai Mũi Họng trong khoảng 5-7 ngày để theo dõi diễn tiến. Nếu các nốt sưng viêm kéo dài hoặc có dấu hiệu tăng kích thước thì nên tái khám bạn nhé!

Nguyên nhân xuất hiện mồ hôi xanh sau khi can thiệp tĩnh mạch chân?

Nguyễn Thị Hồng - Hong9hon...@gmail.com

Năm nay con 24 tuổi, cách đây hơn 2 tháng con có can thiệp thông động tĩnh mạch bàn chân trái. Hiện con thấy xuất hiện mồ hôi màu xanh lục, ngón chân cũng như vậy; người không sốt chỉ đau đầu. Bác sĩ tư vấn giúp con với ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào em,

Mồ hôi là một chất bài tiết của cơ thể, có thể bị oxy hóa và đổi màu. Màu sắc mồ hôi đơn thuần không thể dự đoán được bệnh lý, tuy nhiên, dấu hiệu ngón chân có đổi màu xanh tím thường là dấu hiệu của thiếu máu nuôi hoặc thiếu oxy mô, cũng có thể là các đường tĩnh mạch bị giãn, nổi trên bề mặt da. Em nên tái khám sớm để bác sĩ đánh giá trực tiếp và can thiệp kịp thời em nhé!

Nhờ BS xem giúp kết quả định lượng virus viêm gan B qua mỗi năm

Lê Xuân Trọng - Trong...@gmail.com

Chào bác sĩ! Tôi nam, 35 tuổi, bị viêm gan B mạn tính từ nhiều năm (trên 9 năm). Hàng năm tôi đều định lượng virus.

Kết quả gần nhất như sau: AST 25/ ALT 28/ GGT 42/ AFP 3.44 HBsAg 668.67/ HBeAg 1.326/ HBsAb 0,62 HBV định lượng: 19.55 copies/ml (ngưỡng định lượng 11.9 copies/ml)

Năm 2019 kết quả định lượng là < 1×10^2 copies/ml. Năm 2018 kết quả định lượng là 2.2 × 10^3 copies/ml.

Vậy so với năm ngoái nồng độ giảm hay tăng và tôi nên làm gì? Hiện tại tôi không dùng thuốc.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Kết quả định lượng virus viêm gan B trong máu trong các năm đều ở ngưỡng thấp, chưa đủ tiêu chuẩn để điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus, định lượng nồng độ có giảm một ít so với năm ngoái nhưng không có ý nghĩa nhiều.

Các xét nghiệm máu khác đều cho thấy virus chưa hoạt động và chưa gây tổn thương gan, do đó, bạn nên tiếp tục theo dõi định kỳ 6 tháng ở BS chuyên khoa bạn nhé!

Bị bệnh về đường hô hấp, hít phải nhựa đường có nguy hiểm?

Phạm Nhật Huy - huypham...@gmail.com

Vừa rồi gia đình em gia cố nhà cửa chống bão. Bố em có đốt nhựa đường lên để trám lại mái tôn (lượng chất lỏng sau khi đốt chỉ khoảng 20ml), và dùng bếp gas để đốt, gần đó có nhiều thực phẩm. Em cũng vô tình hít phải, khoảng vài giây thì em bịt mũi và đeo khẩu trang ngay.

Em bị viêm họng mãn, có tiền sử viêm xoang, viêm phế quản và rất nhiều bệnh về đường hô hấp. BS cho em hỏi là thức ăn để gần nhựa đường nung nóng có thể ăn được nữa không, và vô tình hít phải nhựa đường như thế có sao không ạ? Em cảm ơn.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nhựa đường chủ yếu gây hại khi hít vào đường hô hấp ở nhiệt độ cao và gây bỏng. Tuy nhiên, do thành phần đa dạng, có thể bị pha trộn nhiều loại hoá chất khác nhau, và các hoá chất này chính là nguyên nhân gây hại khi hít phải ở nhiệt độ thấp. Nồng độ các chất gây ung thư trong hắc ín than đá cao hơn trong nhựa đường.

Những người có bệnh mạn tính về đường hô hấp bao gồm viêm mũi họng, viêm xoang mạn, viêm phế quản rất dễ bị ảnh hưởng khi hít phải nhựa đường, có thể kích hoạt gây viêm cấp tính niêm mạc; do đó cần tránh hít phải và nên mang đủ dụng cụ bảo hộ lao động khi bắt buộc phải làm việc ở khu vực có nhựa đường nóng.

Các loại thức ăn nếu để gần nhựa đường nóng bốc hơi và trong phòng kín thì không nên sử dụng nữa vì nguy cơ nhiễm phải bụi hoá chất là khá cao và khó có thể xác định được loại hoá chất nào được pha thêm vào nhựa đường bạn nhé!

Người già bị nấc cụt, chữa thế nào?

Võ Huân - dainam...@gmail.com

Ba của em năm nay 77 tuổi, khoảng 1 tháng gần đây ông bị nấc cụt nhiều. Nhiều nhất là sau khi ăn và lúc nằm ngủ, đã uống thuốc và sử dụng một số cách nhưng vẫn không hết. Xin bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên trả lời:

Chào bạn,

Nấc cục có rất nhiều nguyên nhân, từ các rối loạn tâm lý, bệnh trào ngược dạ dày thực quản cho đến những khối u  hoặc chấn thương thần kinh. Đặc biệt ở người lớn tuổi, cần phải tầm soát nguyên nhân cẩn thận, do đó bạn nên đưa bác đi khám tìm nguyên nhân và chữa trị bạn nhé!

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X