Hotline 24/7
08983-08983

Mẹo hay giải rượu bia dễ áp dụng

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành đã chia sẻ những tips nhỏ để bảo vệ gan, dạ dày khi uống rượu bia, đặc biệt là các dịp sử dụng nhiều như tiệc tùng, lễ Tết.

1. Vì sao tửu lượng mỗi người khác nhau?

Thưa BS, rượu bia khi vào cơ thể chúng ta sẽ chuyển hóa như thế nào? Uống đến ngưỡng nào thì sẽ có biểu hiện say rượu ạ? Vì sao tửu lượng mỗi người khác nhau, điều này có phải do “luyện” mà thành?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Không chỉ Tết mà trong cuộc sống có rất nhiều dịp chúng ta thường sử dụng rượu bia. Ví dụ như tiệc sinh nhật, đám cưới, trong các buổi họp gia đình rượu bia là một chất không thể thiếu trong bữa ăn.

Dạ dày là cơ quan có chức năng nhào nhuyễn thức ăn. Cấu tạo của dạ dày có 3 dãy cơ (dãy cơ dọc, dãy cơ chéo, dãy cơ tròn) có nhiệm vụ làm mềm thức ăn và đưa xuống ruột. Rượu rất dễ hấp thu, nếu uống lúc bụng đói sẽ hấp thu từ dạ dày vào máu và được chuyển hóa ở gan.

Rượu chúng ta uống là rượu ethanol, khi vào cơ thể sẽ hấp thu vào gan. Nhờ men ADH (còn gọi là ethanol dehydrogenase) sẽ khử ethanol thành andehit axetic. Đây là một chất rất độc cho cơ thể. Dưới tác dụng của enzym andehit dehydrogenase sẽ khử chất này thành axit axetic. Và axit axetic sẽ thủy phân thành CO2 và nước để chuyển hóa rượu.

Trong một số trường hợp, nhiều người không có đầy đủ men để chuyển hóa theo một chu trình tự nhiên. Ví dụ thiếu men khử giai đoạn 2, làm cho andehit axetat không được khử và sẽ tồn tại, gây rất nhiều triệu chứng độc cho gan và các cơ quan khác.

Điều này cũng lý giải vì sao tửu lượng người này lại hơn người kia. Với một số người chúng ta thấy uống rượu như uống nước, không có biểu hiện say rượu. Còn một số người chỉ uống một chút mặt đã đỏ bừng lên và không chịu nổi xuất hiện những triệu chứng như say rượu, đó là cảm giác chóng mặt, đi loạng choạng, không kiểm soát được. Chính andehit axetat không được chuyển hóa thành axit axetic nên gây hiện tượng này.

Bên cạnh đó, người ta thấy rằng người có trọng lượng cơ thể lớn thì khả năng uống rượu nhiều hơn người gầy và nam thì tửu lượng cao hơn nữ. Gen cũng có tác động đến việc uống rượu nhiều hay ít.

2. Paracetamol có phải là “thần dược” giúp nâng cao tửu lượng?

Để cuộc vui trọn vẹn, nhiều người thường dùng thuốc giải rượu, hoặc uống paracetamol để nâng cao tửu lượng, ngàn chén không say. Theo BS, điều này có nên không và vì sao? Thuốc giải rượu có thực sự công hiệu như lời đồn?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Gan giúp chuyển hóa rượu, cần một giờ để chuyển hóa 7g cồn. Với 1 lon bia 330ml phải mất 85 phút để gan chuyển hóa hết. Bên cạnh đó, gan phải chuyển hóa rất nhiều những chất khác.

Chúng ta hay sử dụng paracetamol, đây là một nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt rất thông thường, được sử dụng trong nhiều chỉ định khác nhau của bệnh nhân từ người trẻ đến người lớn tuổi. Đây là thuốc được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn có khả năng gây ngộ độc.

Nếu uống quá liều paracetamol thì glutathione không sản xuất đủ để khử chất độc từ rượu bia. Do đó sẽ làm ảnh hưởng tổn thương gan rất nhiều. Vì vậy không khuyến cáo uống paracetamol trước khi uống rượu với mục đích tăng tửu lượng sẽ vô tình tạo cảm giác uống không say tuy nhiên rất độc cho gan.

3. Giải quyết cơn say bằng cách móc họng để nôn ói có hiệu quả không?

Nhiều người không dùng thuốc, mà sử dụng cách đơn giản hơn, đó là móc họng để nôn ói. Giải quyết cơn say bằng cách này liệu có hiệu quả, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Rượu có thể hấp thu một phần từ dạ dày, khi xuống ruột diện tích hấp thu sẽ nhiều hơn. Nếu uống quá chén vào dạ dày cùng với những thức ăn đang có sẽ làm khó chịu.

Khi chúng ta móc họng để ói ra sẽ có cảm giác khỏe, thoải mái hơn nhưng thực tế không giải quyết được vấn đề hấp thu. Vì lúc này chỉ ói ra một phần nào đó, đây không phải giải pháp dành cho người uống quá nhiều rượu.

4. Những sai lầm nào khi giải rượu chúng ta thường mắc phải?

Theo kinh nghiệm của BS nhận thấy, những sai lầm khi giải rượu chúng ta thường mắc phải là gì ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Một số những sai lầm khi giải rượu thường mắc phải là:

- Nhiều người nghĩ sử dụng một số thuốc như paracetamol trước khi uống rượu sẽ không say (sỉn) nhưng thực tế chỉ tạo cảm giác giả. Đây là một sai lầm tuyệt đối không nên sử dụng nhưng thường xảy ra ở phụ nữ.

- Uống dầu ăn trước khi uống rượu: Dầu ăn khi uống vào sẽ tạo một lớp ở niêm mạc dạ dày để tránh hấp thu. Trong thực tế nếu chúng ta uống quá nhiều sẽ đưa xuống ruột non và vẫn hấp thu bình thường.

- Viên giải rượu trên thị trường: Đây là thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm tình trạng say rượu. Nhưng nếu chúng ta lạm dụng để uống quá nhiều rượu thì tình trạng say rượu vẫn không cải thiện.

5. Giải rượu như thế nào là đúng cách?

Vậy khi say rượu, chúng ta giải rượu sao cho đúng ạ? Người Hàn thường có nhiều món ăn để giải rượu nếu lỡ quá chén vào đêm hôm trước. Vậy ở Việt Nam, những món ăn nào có công hiệu này ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để sử dụng rượu bia ít ảnh hưởng đến cơ thể:

- Khuyến cáo nên sử dụng vừa phải theo liều lượng cho phép. Nam không uống quá 3 đơn vị/ngày và nữ không quá 2 đơn vị/ngày.

- Trong một số trường hợp phải uống nhiều hơn thì cách để làm giảm hấp thu rượu cũng như chuyển hóa rượu đó là không uống rượu lúc bụng đói. Vì khi vừa uống vào dạ dày rượu sẽ hấp thu ngay.

- Nên ăn một ít trước khi uống. Trong khẩu phần ăn nên có thực phẩm chứa chất béo như mỡ cá. Chất béo phủ ở lớp niêm mạc ruột non và làm giảm hấp thu trong ruột.

- Khi uống rượu có thể pha loãng bằng cách uống xen kẽ với nước lọc để làm giảm nồng độ của rượu.

- Nếu đã uống rượu quá nhiều có thể sử dụng một số chất trong tự nhiên có thể giúp giảm bớt tình trạng này như: nước mía; nước trái cây có nhiều kali, canxi như nước dừa.

6. Cách phân biệt giữa ngộ độc rượu với say rượu?

Triệu chứng ngộ độc rượu có thể nhầm lẫn với say rượu. Nhờ BS chia sẻ một số dấu hiệu nhận biết và biểu hiện để phân biệt hai tình trạng này ạ? Nếu là triệu chứng ngộ độc rượu, chúng ta nên xử trí thế nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thành phần chính của rượu là ethanol. Nhưng hiện nay có rất nhiều người sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu công nghiệp (methanol) - đây là loại rượu rất độc hại cho cơ thể và dễ xảy ra tình trạng ngộ độc rượu.

Khi say rượu biểu hiện sẽ không quá dữ dội, người bệnh có thể mất thăng bằng, nói lảm nhảm,… Nhưng nếu ngộ độc rượu triệu chứng thần kinh sẽ rất nặng nề. Người bệnh có thể lừ đừ, hôn mê, thậm chí co giật và dẫn đến tử vong.

Khi có bất kỳ bệnh nhân nào quá chén mà có biểu hiện của ngộ độc rượu như mất ý thức, gọi không đáp ứng hoặc co giật, suy hô hấp, chúng ta nên lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp xa cơ sở y tế chúng ta nên đặt người bệnh nằm xuống và nằm nghiên một bên để tránh hiện tượng hít sặc trong cơ thể.

Người bệnh có dấu hiệu ngộ độc nhưng chưa nặng, tri giác vẫn tiếp xúc được thì nên thực hiện biện pháp gây nôn để nôn hết những thứ trong dạ dày ra ngoài. Nhưng nếu đã ngộ độc nặng có dấu hiệu thần kinh thì phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.

7. Những tips giúp uống rượu bia lâu say trong ngày Tết

Nhờ BS chia sẻ những tips nhỏ để bảo vệ gan, dạ dày và giúp uống rượu bia lâu say trong các dịp lễ Tết, tiệc tùng?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Để sử dụng rượu bia nhưng ít ảnh hưởng đến gan và dạ dày thì có một số cách như sau:

- Uống nước lọc xen kẽ với rượu bia để pha loãng nồng độ rượu hấp thu.

- Không uống rượu khi dạ dày trống (bụng đói). Nên ăn một ít thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm có chất béo.

- Khi uống rượu bia không nên sử dụng nước ngọt có gas.

8. Dấu hiệu của “say nguội” và cách xử lý phù hợp

Nhiều người còn gặp tình trạng “say nguội”. Xin hỏi BS, khi bị “say nguội” cơ thể sẽ phát di những dấu hiệu nào ạ? Và cách nào xử lý ổn thỏa nhất cho tình huống này ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: “Say nguội” nghĩa là sau khi uống rượu bia vào và ngủ dậy người sẽ cảm thấy không khỏe, mệt mỏi, lừ đừ, uể oải. Theo các nghiên cứu, những người bị triệu chứng say nguội là do trong cơ thể thiếu men chuyển hóa giai đoạn 2.

Khi gặp trường hợp say nguội người bệnh nên:

- Uống nhiều nước lọc để pha loãng nồng độ rượu.

- Nên uống một số nước trái cây, nước ép chứa nhiều kali, canxi, điện giải như nước dừa, nước mía.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X