Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ nhiễm HIV có nên cho con bú?

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về vấn đề mẹ bị HIV có nên cho con bú hay không. Để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm thì việc áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất cần thiết.

1. HIV có lây qua đường cho con bú không?

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 100 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì sẽ có khoảng 10 đứa trẻ sinh ra bị lây truyền HIV trong giai đoạn bú sữa mẹ. Trong đó, sẽ có khoảng 20% trẻ bị nhiễm khi bú mẹ hoàn toàn, nếu được nuôi hỗn hợp mà không được bú mẹ hoàn toàn thì tỷ lệ lây nhiễm là khoảng 25 - 35%, và đối với những trẻ được bú mẹ tới 24 tháng thì tỷ lệ lây nhiễm HIV là khoảng 30 - 45%.

Lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn cho con bú là 1 trong 3 giai đoạn được khuyến cáo, chính vì thế có thể khẳng định HIV có lây qua đường cho con bú. Tuy nhiên, để giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con, các tổ chức quốc tế liên quan tới nuôi dưỡng trẻ nhỏ như UNICEF, UNFPA, WHO, UNAIDS có khuyến nghị: "Khi các thức ăn thay thế được chấp nhận, gia đình có khả năng kinh tế và có thể duy trì được một cách an toàn thì việc tránh cho con bú mẹ bị nhiễm HIV được khuyến nghị". Mặc dù vậy, để có thể quyết định mẹ bị HIV có nên cho con bú hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Hiện nay, nhiều mẹ khi biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn muốn sinh con ngoài việc tuân thủ tuyệt đối các biện pháp dự phòng lây truyền HIV thì còn lựa chọn cho trẻ ăn hoàn toàn bằng sữa công thức (không được thay thế bằng nước hoa quả, cháo, bột hay nước đường đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi). Biện pháp này có thể giúp làm giảm nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ sang con an toàn và hiệu quả.

Theo thống kê, cứ 100 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì sẽ có khoảng 10 đứa trẻ sinh ra bị lây truyền HIV trong giai đoạn bú sữa mẹ

2. Cách cho con bú an toàn khi mẹ bị HIV

Mẹ bị nhiễm HIV cho con bú sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ mẹ sang con, chính vì thế, biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con được khuyến cáo chính là nuôi con bằng sữa thay thế.

Đặc biệt, bà mẹ bị nhiễm HIV khi sinh con chỉ nên chọn một cách nuôi, hoặc là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ (nếu như gia đình điều kiện không cho phép); hoặc là cho con ăn sữa công thức hoàn toàn. Tuyệt đối không nên cho trẻ vừa ăn sữa mẹ vừa ăn sữa ngoài vì như thế nguy cơ nhiễm bệnh sẽ càng cao hơn.

Trên thực tế, có nhiều các loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ được nghiên cứu và sản xuất trên dây chuyền khép kín, hiện đại và có khả năng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ, nên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi cho con ăn sữa ngoài. Tuy nhiên, khi sử dụng sữa công thức thì phải đảm bảo khâu pha sữa đạt chuẩn vệ sinh và sữa được pha đúng cách để trẻ không bị tiêu chảy hay suy dinh dưỡng.

Trong trường hợp không có sự lựa chọn nào khác dẫn đến bắt buộc phải cho con bú bằng sữa mẹ, thì cần phải vệ sinh đầu vú sạch sẽ và chỉ cho bé ăn sữa mẹ chứ không kèm thêm bất kỳ loại thức ăn, nước uống vào khác. Khi cảm thấy trẻ đã cứng cáp (6 tháng trở lên) thì nên ngừng cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt và chuyển ngay sang các loại thức ăn thay thế như bột, cháo hoặc sữa bột.

Đồng thời, trẻ được sinh ra bởi mẹ bị nhiễm HIV thì cần được thăm khám sức khỏe định kỳ, chuyên khoa để được theo dõi và xét nghiệm nhằm tầm soát bệnh, điều trị dự phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

3. Điều trị dự phòng khi mẹ bị nhiễm HIV cho con bú

Việc điều trị dự phòng lây truyền HIV cho trẻ bú sữa mẹ bị nhiễm HIV là cần thiết

Mặc dù nồng độ virus HIV trong sữa mẹ không cao nhưng vẫn có khả năng HIV có lây qua đường cho con bú. Sở dĩ như vậy là vì khi trẻ bú mẹ trực tiếp, virus HIV có trong sữa có thể xâm nhập qua niêm mạc lưỡi, miệng hoặc lợi của trẻ để tấn công cơ thể non nớt, nhất là khi trẻ có bệnh về miệng lưỡi. Ngoài ra, khi vú mẹ bị viêm nhiễm hay có vết nứt, chảy máu thì virus HIV sẽ theo máu vào miệng của trẻ và xâm nhập vào các niêm mạc và lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ là không thể phủ nhận, bởi trong sữa mẹ không chỉ chứa các chất dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển toàn diện của trẻ mà còn cung cấp các kháng thể cần thiết để giúp bảo vệ trẻ chống lại những căn bệnh gây tử vong cao. Chính vì thế, việc điều trị dự phòng lây truyền HIV cho trẻ bú sữa mẹ bị nhiễm HIV là cần thiết. Dựa theo nghiên cứu của WHO, bà mẹ bị nhiễm HIV hoặc trẻ sơ sinh nếu được điều trị dự phòng và dùng thuốc kháng virus thì bé được phép bú sữa mẹ, vì nguy cơ bị lây truyền mầm bệnh HIV từ mẹ sang con là rất nhỏ.

Tóm lại, để có thể đưa ra phương án tốt nhất cho bà mẹ bị nhiễm HIV trong việc chọn lựa cách thức nuôi con thì rất cần có sự tư vấn kỹ càng của các cán bộ y tế về chế độ dinh dưỡng, miễn dịch cũng như nguy cơ lây truyền mầm bệnh khi mẹ bị nhiễm HIV cho con bú; hoặc lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng các thức ăn thay thế, nếu quyết định nuôi con bằng sữa mẹ thì làm thế nào để đảm bảo an toàn và giảm tỷ lệ lây nhiễm đến mức tối thiểu nhất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X