Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ bầu chớ vội hoảng loạn nếu chẳng may mắc COVID-19

Theo BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, nếu chẳng may mắc COVID-19 trong thai kỳ chị em phụ nữ cũng không nên quá hoảng loạn và lo lắng, vì khả năng chuyển biến nặng sẽ rất thấp nếu đã được chích ngừa vắc xin đầy đủ.

1. Sản phụ là đối tượng dễ mắc COVID-19?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Trong mùa dịch COVID-19 có rất nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai rất lo lắng cho sức khỏe bản thân cũng như em bé trong bụng.

Tuy nhiên, nguy cơ mắc COVID-19 ở phụ nữ đồng đều trong dân số và tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ mắc COVID-19 hay không.

Nhưng nếu đã chích ngừa vắc xin phòng COVID-19 thì nguy cơ mắc bệnh hoặc nếu mắc thì tình trạng diễn tiến nặng cũng giảm rất nhiều.

2. Sản phụ mắc COVID-19 có nguy cơ diễn tiến nặng?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Phụ nữ mang thai mắc COVID-19 diễn tiến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Nếu đã chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin thì nguy cơ diễn tiến nặng rất thấp.
  • Nếu mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng giữa, kèm chích ngừa vắc xin thì triệu chứng khi mắc COVID-19 sẽ thoáng qua.

Nhiều trường hợp phụ nữ mang thai vô tình test và phát hiện COVID-19 chứ không hề có triệu chứng gì cả. Do đó, trường hợp này vẫn có thể theo dõi ở nhà.

Hoặc trường hợp mang thai có triệu chứng cần nhập viện thì cũng sẽ được bác sĩ theo dõi kỹ lưỡng và chăm sóc cẩn thận

Theo thống kê, trong 10 phụ nữ mang thai sẽ có 2 phụ nữ có nguy cơ diễn tiến nặng. Nên chị em phụ nữ không cần quá lo lắng.

3. Mẹ mắc COVID-19 có lây sang thai nhi?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Theo dữ liệu lâm sàng, không có bằng chứng nào cho thấy người mẹ mắc COVID-19 sẽ gây dị tật thai nhi. Tuy nhiên, trong thai kỳ sẽ có những biến cố có thể xảy ra làm tình trạng bệnh nặng hơn khi nhiễm COVID-19.

Ví dụ, chị em phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ sanh non hoặc nếu mắc COVID-19 ở mức độ nặng thì có thể bác sĩ phải lấy thai ra sớm để điều trị COVID cho mẹ. Còn trường hợp nhẹ và trung bình thường không ảnh hưởng.

Ngoài ra, một số dữ liệu khác cho thấy tỷ lệ thai lưu và các biến chứng khác của thai kỳ có tăng hơn so với các phụ nữ mang thai bình thường khác.

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai mắc COVID-19 gần như tương đương hoặc thấp hơn dân số chung.

4. Thai phụ nên làm gì khi mắc COVID-19?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Tùy thuộc vào giai đoạn thai phụ mắc COVID-19 và mức độ nhiễm bệnh ra sao mà có cách xử trí khác nhau.

Nếu đang mang thai ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa thai kỳ, kèm đã chích ngừa vắc xin COVID-19 thì triệu chứng thường thoáng qua như sổ mũi, nhức đầu, sốt nhẹ, mẹ bầu vẫn có thể theo dõi bình thường.

Tuy nhiên, 3 tháng cuối thai kỳ dù không mắc COVID-19 thì chị em phụ nữ cũng thấy mệt mỏi, nặng nề do em bé lúc này phát triển khá lớn, nên đôi khi triệu chứng khó thở không phải do COVID-19 mà do bụng quá to chèn ép gây khó thở.

Nếu chẳng may mắc COVID-19 vào 3 tháng cuối thai kỳ, chị em phụ nữ cần được tư vấn và theo dõi sát bởi bác sĩ Sản phụ khoa. Đặc biệt, khi tuổi thai 38 tuần thai phụ sẽ được chỉ định nhập viện dù không có triệu chứng khó chịu.

Mẹ bầu cần lưu ý một số dấu hiệu cần nhập viện do mắc COVID-19 như sau:

  • Cảm thấy khó thở (không thể hít sâu và nín thở trong vòng 10 giây).
  • SpO2 dưới 94%
  • Không thể hạ sốt bằng thuốc
  • Đau ngực
  • Vã mồ hôi
  • Da xanh
  • Tím tái đầu chi

Những dấu hiệu cần nhập viện do bệnh lý sản phụ khoa như:

  • Cử động thai giảm
  • Ra huyết âm đạo bất thường
  • Đau bụng (1-2 cơn trong vòng 10 phút)

5. Chích vắc xin COVID-19 có gây sinh non?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Vắc xin COVID-19 là một tiến bộ y khoa quan trọng, trong một thời gian ngắn các nhà khoa học đã nghiên cứu và đủ bằng chứng để đưa ra 1 loại vắc xin tốt để phòng COVID-19. Đặc biệt, vắc xin cũng được chứng minh đủ an toàn trong thai kỳ.

Hiện, chưa có nghiên cứu nào cho thấy tiêm vắc xin COVID-19 gây sinh non, nên chị em phụ nữ đang mang thai có thể yên tâm.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam cho phép phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên chích ngừa vắc xin COVID-19 theo phác đồ. Tuy nhiên, tại thời điểm chị em chích ngừa cần được thăm khám và đánh giá kỹ của bác sĩ Sản phụ khoa.

6. Sau khi khỏi COVID-19 kháng thể có truyền sang con?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Các mẹ đã mắc COVID-19 hoặc đã chích ngừa vắc xin thì cơ thể sẽ tự tạo kháng thể và may mắn kháng thể này có thể truyền qua sữa mẹ, nên góp phần bảo vệ cho em bé.

Có rất nhiều chị em phụ nữ mắc COVID-19 trong giai đoạn sanh em bé lo lắng không biết có thể cho con bú hay không? Điều này hoàn toàn tốt và các mẹ nên thực hiện vì sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và và sự phát triển tinh thần cho con.

Hiện tại, với những bằng chứng lâm sàng và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến khích phụ nữ sau sinh nên cho con bú bằng sữa mẹ.

Tuy nhiên, trường hợp nếu mẹ mắc COVID-19 nhưng em bé chưa nhiễm thì cần tuân thủ 5K để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bé bằng cách:

  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi cho con bú.
  • Đeo khẩu trang khi chăm sóc em bé.
  • Vệ sinh vú trước khi con cho bú.

Một số mẹ thắc mắc việc đeo khẩu trang hoặc màn chắn cho bé được không? Câu trả lời là không cần thiết. Vấn đề bảo vệ an toàn cho em bé sau sinh, đặc biệt dưới 2 tuổi không khuyến khích thực hiện điều này. Vì không phải lúc nào chúng ta cũng bế em bé trên tay và kiểm soát việc khẩu trang có gây ảnh hưởng gì đến em bé hay không.

7. Mẹ bầu phòng ngừa COVID-19 bằng cách nào?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời:

Trong tình hình COVID-19 hiện nay tại TPHCM đã tạm ổn nhờ vai trò to lớn của vắc xin COVID-19, vì vậy các chị em phụ nữ đừng quá lo lắng. Lời khuyên của tôi dành cho các mẹ bầu là:

  • Hãy tiêm vắc xin COVID-19 ngay khi có điều kiện.
  • Tuân thủ 5K khi đi khám thai hay ra ngoài tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
  • Nếu mắc COVID-19 trong thai kỳ cũng không nên quá hoảng loạn, lo lắng. Vì tỷ lệ chuyển biến nặng không cao.
  • Nên lắng nghe sự tư vấn của bác sĩ để theo dõi thai kỳ tốt hơn.

Chúc các chị em phụ nữ vượt qua đại dịch an lành!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X