Hotline 24/7
08983-08983

Mất cơ do nằm lâu sau đột quỵ, liệu có thể phòng ngừa?

Mất cơ là tình trạng phổ biến ở nhiều người nằm lâu sau đột quỵ. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa bằng cách tập vật lý trị liệu và có chế độ dinh dưỡng phù hợp. BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tư vấn kỹ hơn cho bạn đọc.

1. Hiện tượng mất cơ là gì? Các nguyên nhân gây ra?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Tình trạng mất cơ sau đột quỵ là hiện tượng rất nhiều bệnh nhân gặp phải. Lý do là cơ phải tiếp nhận tín hiệu từ dây thần kinh để hoạt động. Khi tín hiệu mất sẽ khiến cơ teo dần. Cơ chế này không những gặp trong đột quỵ mà còn nhiều bệnh khác, ví dụ như đau lưng, đau thần kinh tọa cũng gây ra tình trạng teo cơ.

Sau đột quỵ, bệnh nhân thường ít vận động phần yếu liệt nên sẽ hạn chế cử động, từ đó làm cho cơ yếu dần dẫn đến cơ tự động teo đi.

2. Mất cơ để lại hệ lụy gì cho bệnh nhân sau đột quỵ?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Tình trạng mất cơ khiến người bệnh không thể đi đứng hay ngồi dậy. Đôi khi, nó dẫn đến tình trạng tổn thương khớp.

Khi chúng ta đứng sẽ phải chịu lực đều giữa hai chân, bên còn lại phải gòng để nghiêng cơ thể qua bên đó. Đồng thời khớp phải dồn lực để chịu. Chân lành chịu lực lên đến 80%, như vậy sẽ tăng áp lực lên cơ xương khớp dẫn đến chấn thương gân đối diện vùng cơ bị teo.

Yếu cơ còn làm gia tăng nguy cơ té ngã, loãng xương bên bị teo cơ, vì xương luôn chịu áp lực do cơ tạo nên dù cử động hay không. Khi cơ bị teo, xương sẽ không làm mới lại dẫn đến tình trạng loãng xương ở cơ bị teo. Đó là biến chứng của tình trạng teo cơ.

3. Làm sao nhận biết tình trạng mất cơ?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Bác sĩ sẽ đo kích thước cơ tại vùng đùi, tay và so sánh với bên đối diện.

Ngoài ra, còn có những phương pháp khác như đo khối lượng cơ thông qua máy đo loãng xương hoặc chụp MRI cũng có thể giúp chúng ta biết được tình trạng mất cơ. Phương pháp này giúp xác định khối lượng cơ hoặc kích thước cơ ở vùng chúng ta cần quan tâm đến để biết được bệnh nhân có bị mất cơ hay không.

4. Sau đột quỵ, bệnh nhân nên khám chuyên khoa nào?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Sau đột quỵ, bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên phục hồi chức năng. Các bác sĩ sẽ giúp người bệnh xác định tình trạng mất cơ để tìm đúng bài tập phục hồi sức mạnh của cơ. Bên cạnh đó, sẽ kết hợp điều trị vật lý trị liệu. Để tránh tình trạng mất cơ, chúng ta sẽ tập ngay sau vài ngày đầu bị đột quỵ, vì lúc này giai đoạn teo cơ bắt đầu. Chúng ta phải tập thường xuyên cho đến khi cơ phục hồi được.

5. Bệnh nhân đột quỵ có thể cải thiện tình trạng mất cơ không?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu ngay sau khi bị mất cơ càng sớm càng tốt. Sau khi bị đột quỵ khoảng 3-4 ngày, chúng ta có thể tập vật lý trị liệu. Thông thường, chúng ta phải có sự hướng dẫn của bác sĩ và chuyên viên về vật lý trị liệu.

Bệnh nhân và người nhà có thể tự tập như gòng cơ ở vùng tay chân bằng cách nâng lên hay cử động vùng khớp. Chúng ta có thể dùng tay đối diện để nắm và cử động cơ bên này. Ví dụ như bên này bị yếu, chúng ta dùng bên đối diện kéo lên để giúp cho cơ được vận động. Tình trạng cứng khớp sẽ khiến chúng ta khó cử động.

Đối với chân, bệnh nhân cố gắng nâng chân lên hoặc cố gắng cử động chân để đứng được và đi lại.

6. Cách bổ sung chất dinh dưỡng cho bệnh nhân mất cơ sau đột quỵ?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Tình trạng khó nuốt sẽ phục hồi trong 2 tuần sau đột quỵ. Trong giai đoạn đầu sẽ khá nặng. Nếu bệnh nhân ăn uống hay bị sặc, bắt buộc chúng ta phải đặt ống thông dạ dày khi ăn. Khi bệnh nhân ăn uống ít sặc, chúng ta có thể cho ăn thức ăn sệt, sau đó là thực phẩm có viên và nhỏ hơn.

Những động tác có thể gia tăng tình trạng nuốt bằng cách cho bệnh nhân ngửa đầu ra phía sau hoặc nghiêng ở bên lành, sẽ giúp hạn chế tình trạng sặc của bệnh nhân.

Trong trường hợp bệnh nhân không thể uống được chất lỏng, chúng ta sẽ sử dụng sữa năng lượng cao để bổ sung năng lượng cho bệnh nhân tránh tình trạng mất cơ. Trong giai đoạn này, chúng ta sẽ tập trung vào protein cũng như tinh bột để duy trì tình trạng cơ của bệnh nhân.

7. Cách khắc phục tình trạng mất cơ?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Bất cập thường nhất là chúng ta không tích cực tập phục hồi chức năng. Giai đoạn quan trọng nhất là 3 tháng đầu, vì sau 6 tháng việc phục hồi chức năng sẽ kém hiệu quả. Tập sớm sẽ ngăn ngừa tình trạng mất cơ ngay từ đầu.

Sai lầm thứ hai là người bệnh có xu hướng quên nửa bên liệt, họ hay sử dụng tay và chân bên bình hường. Họ quên vấn đề tập, khi họ cảm thấy ổn trong khi tập họ phân bố lực không đều. Người nhà cần tạo điều kiện cho bệnh nhân sử dụng thường xuyên phần cơ thể bị yếu liệt.

8. Cách phòng ngừa tình trạng mất cơ?

BS.CK2 Mai Duy Linh:

Để phòng ngừa tình trạng mất cơ, chúng ta phải tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt. Chế độ dinh dưỡng cần có tinh bột và protein. Đó là cách phòng ngừa mất cơ sau đột quỵ.

Trọng Dy (ghi), benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X