Hotline 24/7
08983-08983

Mang thai trở lại sau khi bị thai ngoài tử cung, cơ hội ra sao?

Mang thai ngoài tử cung, liệu có thể mang thai trở lại? Bao lâu sau khi điều trị thai ngoài tử cung có thể mang thai lại lần nữa? Tất cả những thắc mắc này đã được BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Bệnh viện Từ Dũ giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Thai ngoài tử cung nguy hiểm như thế nào?

Thừa BS, thai ngoài tử cung là gì? Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thai ngoài tử cung là bệnh lý hiếm gặp. Đa số trường hợp các chị em phụ nữ thử thai đều là mang thai bình thường. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ xảy ra tình trạng gọi là thai ngoài tử cung.

Bình thường, một túi thai được thụ thai và phát triển trong nội mạc của lòng tử cung. Nếu thai phát triển trên ở bất kỳ vị trí nào ngoài nội mạc tử cung (hoặc có thể trong tử cung nhưng nằm ở sẹo mổ lấy thai) được gọi là thai ngoài tử cung. Hay nói cho dễ hiểu, thai ngoài tử cung là một khối thai phát triển ngoài buồng tử cung.

Tử cung người phụ nữ có 2 ống dẫn trứng (hiểu nôm na là 2 đường dẫn tinh trùng gặp trứng). 95% trường hợp thai ngoài tử cung sẽ nằm ở vòi trứng.

Khi khối thai còn nhỏ, người phụ nữ thường sẽ không có triệu chứng. Nhưng một số trường hợp xuất hiện triệu chứng (bác sĩ Sản phụ khoa thường gặp là tam chứng), đầu tiên là trễ kinh, thứ hai là cảm giác đau bụng và thứ ba là ra huyết ít (tính chất không giống như ra huyết kinh nguyệt).

Khi mang thai ngoài tử cung, ở giai đoạn thai nhỏ có thể phát triển bình thường nhưng nếu không phát hiện thì túi thai sẽ bị vỡ. Trong buồng tử cung, tử cung là cơ quan rất tốt để bao bọc che chở cho túi thai phát triển và tử cung sẽ lớn theo thai. Nhưng với thai ngoài tử cung, vì túi thai phát triển ở vị trí không thuận lợi, nên chỉ khoảng vài tuần sau khi thụ thai nguy cơ vỡ rất cao. Khi bị vỡ sẽ gây mất máu, đưa đến tình trạng khẩn cấp, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên tham gia chuyên đề tư vấn các bệnh lý sản phụ khoa cho bạn đọc AloBacsi

2. Ai dễ bị thai ngoài tử cung?

Nguyên nhân và những trường hợp nào dễ mắc thai ngoài tử cung?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra thai ngoài tử cung như:

- Người từng bị thai ngoài tử cung.

- Người sử dụng một số thuốc làm giảm nhu động của tai vòi.

- Người phụ nữ bị viêm nhiễm vùng chậu quá nhiều.

Hiện nay, thai ngoài tử cung là bệnh lý có thể chẩn đoán sớm nếu các chị em phụ nữ kịp thời đến bệnh viện để tầm soát và điều trị.

Không phải trường hợp nào bị thai ngoài tử cung cũng cần phẫu thuật. Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau:

- Nếu may mắn khối thai có thể tự thoái triển (khối thai tự ngưng phát triển và tiêu dần). Với những trường hợp này bác sĩ sẽ chỉ theo dõi (lượng máu thai thế nào, có tình trạng cấp cứu không…).

- Nếu khối thai nhỏ, vừa phải, phát hiện sớm, lượng máu thai (xét nghiệm Beta Hcg ở mức độ thấp), tình trạng người phụ nữ ổn định (không có dấu hiệu cấp cứu cần phải mổ) thì đa số bác sĩ sẽ chỉ định chích thuốc để khối thai tiêu dần. Đây được gọi là điều trị nội khoa. Trong đó, ưu điểm của phương pháp này là, nếu khối thai nằm ở tai vòi, việc điều trị bằng nội khoa thì sẽ giúp giữ được tai vòi cho người phụ nữ, bảo vệ khả năng sinh sản.

- Trong trường hợp nặng, điều trị nội khoa thất bại hoặc nhập viện trễ, có thể khối thai đã vỡ và mất máu thì bắt buộc cần điều trị phẫu thuật, có khả năng cắt tai vòi, nghĩa là người phụ nữ mất đi một bên ống dẫn trứng, ảnh hưởng một phần đến tỷ lệ mang thai.

3. Triệu chứng nhận biết thai ngoài tử cung?

Làm sao để nhận biết tình trạng sản phụ có bị thai ngoài tử cung? Nên đi tầm soát vào tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ở giai đoạn mới trễ kinh, bác sĩ siêu âm đôi khi chưa phát hiện túi thai. Trong giai đoạn này, thông thường bác sĩ sản phụ khoa sẽ đưa ra lời khuyên các chị em phụ nữ tái khám 1-2 tuần sau đó, đợi túi thai đi vào lòng tử cung.

Ở giai đoạn này, nếu có triệu chứng đau bụng (đau lâm râm 1 hoặc 2 bên vùng bụng), sau đó ra một ít huyết thì các chị em phải đi khám ngay. Khi khám, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm Beta Hcg, nếu đến một ngưỡng nhất định mà vẫn chưa thấy túi thai thì sẽ nghĩ đến thai ngoài tử cung. Một số trường hợp rõ ràng hơn, bác sĩ siêu âm sẽ phát hiện ra khối thai nằm ngoài buồng tử cung. Khi đó sẽ tùy vào đánh giá tổng quát tình trạng của bệnh nhân (túi thai to hay nhỏ…) để quyết định phương pháp điều trị.

Tóm lại, điểm quan trọng nhất vẫn là phát hiện các dấu hiệu bất thường. Khi có dấu hiệu trễ kinh, đau bụng, ra huyết bất thường thì nên đi khám ngay để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.

4. Các biến chứng có thể xảy ra khi mang thai ngoài tử cung?

Nếu đi khám chậm trễ, thì nguy hiểm như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thai ngoài tử cung nằm ở nhiều vị trí khác nhau. Nếu khối thai nằm trên vết mổ cũ, nằm ở góc tử cung hoặc nằm ở tai vòi hoặc nguy hiểm và hiếm gặp hơn đó là nằm ở những cơ quan trong ổ bụng (có những túi thai nằm ở dưới gan) được phát hiện sớm sẽ điều trị kịp thời. Nếu không phát hiện sớm, khối thai sẽ càng ngày càng lớn, nguy cơ vỡ cao.

Tùy thuộc vào vị trí túi thai nằm ở đâu. Ví dụ những trường hợp túi thai nằm ở tai vòi (chiếm đa số đến 95%) nếu vỡ sẽ gây chảy máu trong ổ bụng, hay còn gọi là xuất huyết nội. Đa số các tình huống khi đã vỡ cần phải mổ ngay và có khi phải cắt bên tai vòi để cầm máu. Có những trường hợp hiếm gặp hơn nhưng cũng rất nguy hiểm, đó là khối thai nằm bên cạnh mạch máu, khi to và vỡ thì nguy cơ chảy máu nhiều trong ổ bụng, ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ.

5. Phòng ngừa thai ngoài tử cung như thế nào?

Hiện nay có cách nào giúp phòng ngừa mang thai ngoài tử cung không thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Hiện nay không có phương pháp nào phòng ngừa thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, với các chị em đã có thai ngoài tử cung 1 lần thì nguy cơ lần sau mắc thai ngoài tử cung cao gấp 3 - 5 lần so với người bình thường. Vì vậy, các chị em đã bị thai ngoài tử cung thì cần đặc biệt lưu ý cần đi khám sớm khi xuất hiện triệu chứng trễ kinh, đau bụng, ra huyết để phát hiện và điều trị kịp thời.

6. Bao lâu sau khi mang thai ngoài tử cung có thể mang thai lần tiếp theo?

Khi bị thai ngoài tử cung có thể có con lại được không? Bao lâu thì nên bắt đầu hành trình có em bé lại? Liệu thai ngoài tử cung có ảnh hưởng đến thai kỳ trong tương lai không?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Không phải bị thai ngoài tử cung một lần là không thể có con nữa. Nếu đã có tiền sử thai ngoài tử cung và lần trước thai tự thoái triển hoặc điều trị nội khoa, nghĩa là tai vòi của hai bên hoàn toàn bình thường thì vẫn có thai bình thường. Tuy nhiên, sau một lần bị thai ngoài tử cung, nếu điều trị nội khoa (chích thuốc MTX) để khối thai teo đi thì được khuyến nghị nên mang thai lại sau 3 tháng điều trị.

Trong trường hợp hiếm gặp, người phụ nữ bị thai ngoài tử cung nhiều lần, phải phẫu thuật cắt cả hai tai vòi thì không có khả năng mang thai tự nhiên. Nhưng vẫn có thể mang thai nhờ vào phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh ống nghiệm.

Các chị em phụ nữ cần biết rằng, nếu lần đầu bị thai ngoài tử cung thì lần thứ 2 nguy cơ sẽ tăng lên, không phải chắc chắn lần 2 sẽ bị thai ngoài tử cung. Vì vậy, các chị em dù đã bị thai ngoài tử cung 1 lần và vẫn mong muốn có con thì nên được tư vấn vởi các bác sĩ để có sự chuẩn bị về mặt dinh dưỡng, tâm lý tốt cho cả hai vợ chồng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X