Hotline 24/7
08983-08983

Mắc COVID-19, nên đo nồng độ oxy máu bao nhiêu lần một ngày?

Đo nồng độ oxy máu bao nhiêu một ngảy là đủ với người mắc COVID-19 khỏe mạnh hay người lớn tuổi, người bệnh nền? BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM đã trả lời thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Thiếu oxy máu thầm lặng là gì?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, đầu tiên nhờ BS chia sẻ cụ thể về khái niệm “Thiếu oxy máu thầm lặng” để bạn đọc hiểu rõ hơn ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Nhiều người không hiểu đúng về thiếu oxy máu thầm lặng nên gây ra lo lắng. “Thầm lặng” là oxy máu đã giảm nhưng người bệnh không cảm nhận được do sức khỏe còn tốt và không đo nồng độ oxy trong máu bằng dụng cụ nên bỏ sót. Đến khi người bệnh cảm nhận được thì nồng độ oxy quá thấp, can thiệp không kịp. Điều đó có nghĩa là không phải dụng đo nồng độ oxy trong máu không phát hiện được, mà do người bệnh không đo.

Cũng không phải nồng độ oxy trong máu đang tốt mà tụt thấp bất ngờ ngay sau đó. Nhiều người nhắn cho tôi hỏi: “Nồng độ của em đo 96, như vậy một chút có bị giảm oxy thầm lặng không”, điều này hoàn toàn không có. Vì vậy, trong cách truyền tải thông tin cũng cần lưu ý để người bệnh không hoang mang, nhầm lẫn, trong khi họ đã đo nồng độ oxy trong máu tốt rồi.

Nếu chúng ta theo dõi nồng độ oxy máu thường xuyên (trường hợp dụng cụ đo đúng) thì sẽ không có chuyện giảm oxy thầm lặng mà không biết.

2. Người mắc COVID-19, nên đo nồng độ oxy trong máu bao nhiêu lần một ngày?

Vậy người mắc COVID-19 nên đo nồng độ oxy trong máu một ngày bao nhiêu lần, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Tần suất đo còn phụ thuộc vào nhóm người (người có nguy cơ và người sức khỏe bình thường) và yếu tố ngày mắc bệnh (ví dụ trong những ngày đầu hoặc những ngày nằm trong giai đoạn có thể trở nặng).

Đặc biệt, 10 ngày đầu, những người nguy cơ cao như người lớn tuổi, người bệnh nền, người chưa chích ngừa… có thể đo bất kỳ lúc nào mà người đó muốn đo. Hoặc thứ hai là người bệnh có thể đo từ 2-4 lần, khi có điều kiện.

Khi đo nồng độ oxy trong máu bằng dụng cụ kẹp cần lưu ý:

- Thứ nhất cần phải kiểm tra chất lượng dụng cụ. Nghĩa là khi đo cho người bình thường thì nồng độ oxy trong máu phải “bình thường”, chứ nếu đo người bình thường mà ra kết quả thấp là sai.

- Thứ hai là đo đúng cách. Trong trường hợp người đo sơn móng tay hoặc ngón tay nhỏ mà kẹp dụng cụ lớn thì gây ra kết quả có thể sai.

- Thứ ba là xem kết quả đúng cách. Khi đo nồng độ oxy trong máu nên để khoảng 3 phút mới đọc kết quả, không nhúc nhích tay như vậy mới đảm bảo độ chính xác.

3. Ngoài COVID-19, những bệnh nào cần đo nồng độ oxy trong máu?

Trong đại dịch chúng ta biết đến việc đo nồng độ oxy máu phổ biến hơn. Trong thực tế ngày bình thường, những bệnh nào có thể gây hạ oxy máu mà chúng ta cần đến dụng cụ đo này, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Thực tế, đo nồng độ oxy trong máu là một trong những chỉ số sống còn của bệnh nhân, chứ không chỉ riêng COVID-19. Các chỉ số sống bao gồm nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu. 4 chỉ số này sẽ đi cùng người bệnh thường xuyên, tùy theo tình trạng sức khỏe, bệnh nhẹ hay người bệnh nằm cấp cứu thì bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi các chỉ số này thường xuyên hay định kỳ.

Trong đó, nồng độ oxy trong máu đa phần liên quan đến bệnh hô hấp (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi cấp tính, bệnh suyễn…). Tất cả những vấn đề liên quan đến hô hấp bắt buộc phải đo nồng độ oxy trong máu. Tình cờ là khi số ca COVID-19 quá nhiều, mức độ theo dõi của người dân chưa cao, cùng với tình trạng giảm oxy máu thầm lặng, người bệnh không cảm nhận được, vì vậy mới đặt ra vấn đề phải theo dõi nồng độ oxy máu tại nhà.

4. Không có dụng cụ đo oxy trong máu, làm sao biết do COVID-19 hay bệnh khác?

Nếu không có thiết bị đo oxy trong máu, làm sao để biết cơ thể mình mệt mỏi do vấn đề nào khác hay do COVID-19, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Theo tôi, nếu không có dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu thì nên đi bệnh viện. Không nên ở nhà nếu không có dụng cụ này, đặc biệt là trong 10 ngày đầu. Mặc dù vẫn có nghiệm pháp khác để thử là đi bộ đều trong 6 phút mà không thấy mệt thì có thể nồng độ oxy trong máu bình thường, tuy nhiên điều này không “chắc ăn”. Dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu rất dễ mua, do đó chúng ta nên trang bị cho bản thân, gia đình.

5. Âm tính với COVID-19, có cần đo nồng độ oxy trong máu?

Với người bệnh COVID-19 đã có kết quả âm tính, nhưng cơ thể vẫn còn mệt mỏi thì có cần duy trì việc đo nồng độ oxy trong máu không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh: Nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là trong 14 ngày đầu thì vẫn nên đo nồng độ oxy trong máu. Việc đo này sẽ chứng minh nồng độ oxy trong máu của cơ thể không thấp. Khi đó, vấn đề mệt mỏi có thể do nguyên nhân khác như tinh thần, không nạp đủ năng lượng và cơ thể đang cần phục hồi sau COVID-19.

6. Phòng ngừa thiếu oxy máu thầm lặng thế nào?

Thưa BS Trương Hữu Khanh, liệu có cách nào giúp chúng ta phòng ngừa tình trạng thiếu oxy máu thầm lặng ạ?

BS Trương Hữu Khanh: Khi mắc COVID-19 có thể xảy ra hiện tượng thiếu oxy máu thầm lặng, nhưng tỷ lệ này ở người đã chích ngừa rất thấp. Do đó, điều quan trọng để phòng ngừa việc thiếu oxy thầm lặng là tiêm ngừa.

Hai nữa, khi có bệnh nền thì phải giải quyết vấn đề bệnh đó, chẳng hạn có suyễn thì phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hoặc bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính cần kiểm soát chặt chẽ.

Ba là phải tập thở, bởi vì khi mắc COVID-19 nhu cầu trao đổi khí nhiều hơn, trong khi bình thường chúng ta chỉ thở một phần trên của phổi. Khi tập thở sẽ giúp chúng ta tăng cường lưu lượng phía dưới. Thậm chí, chúng ta phải thay đổi tư thế khi nằm thì mới ngừa được tình trạng giảm oxy máu thầm lặng và giảm oxy máu thực sự.

Cuối cùng chúng ta phải đo nồng độ oxy máu.

Cuối chương trình, nhờ BS Trương Hữu Khanh đưa ra lời khuyên để bạn đọc dễ nhớ về tình trạng thiếu oxy thầm lặng này ạ!

BS Trương Hữu Khanh: Thầm lặng là tình trạng thực sự “thiếu” mà người bệnh không cảm nhận được, do đó nó phải được chứng minh bằng cách đo nồng độ oxy trong máu. Nếu chúng ta đo nồng độ oxy trong máu tốt thì không có chuyện thiếu oxy máu thầm lặng, ngoài trừ dụng cụ đó sai.

Tóm lại, vấn đề quan trọng nhất cần nhớ là, thiếu oxy thầm lặng phải được phát hiện sớm bằng cách đo oxy trong máu kẹp ngón tay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X