Hotline 24/7
08983-08983

Mắc bệnh suy tủy xương vô căn, có nên tiêm vắc xin COVID-19?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch ngày 8/9 tiếp tục nhận rất nhiều thắc mắc về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tái phát bệnh nấc cụt có dùng toa thuốc cũ được không, hay sẩy thai bao lâu thì dùng được thuốc tránh thai...

1. Thường bị chảy máu chân răng, máu mũi khi sốt, có nên chích vắc xin COVID-19?

Sương Đêm: Chào AloBacsi. Tôi năm nay 33 tuổi. Mắc bệnh suy tủy xương vô căn (giảm 3 dòng) đã 7 năm. Hơn 1 năm nay chỉ số PLT của tôi thường ở mức 15.000 đến 25.000 đơn vị. Khi sốt nhẹ tôi thường bị chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.

Tôi nghe nói người sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thường thì sẽ bị sốt cao. Vậy tôi có tiêm vắc xin COVID-19 được không? Và loại vắc xin nào phù hợp với tôi? Nếu sau khi tiêm vắc xin COVID-19 tôi có phản ứng sốt cao thì tôi cần phải làm gì khi không thể đến được bệnh viện chuyên khoa? Mong AloBacsi giải đáp thắc mắc dùm tôi.

BS.CK1 Nguyễn Hồng Dũng: Với cơ địa như vậy bạn vẫn có chỉ định tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Sốt sau tiêm vắc xin là phản ứng của cơ thể với tác nhân ngoại lai, khi xâm nhâp vào cơ thể với liều thấp, không đủ để gây bệnh, do đó sốt thường nhẹ, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, sau 1-2 ngày sẽ ổn.

2. Nấc cụt tái phát, uống lại toa thuốc cũ vẫn không đỡ, phải làm sao?

An Hà: Chào bác sĩ ạ. Nhờ bác sĩ hỗ trợ giúp người nhà em bị nấc cụt đã gần tuần nay ạ. Lúc trước bị nấc cụt có đi khám ở TPHCM, BS chẩn đoán viêm dạ dày, uống thuốc 15 ngày thì hết, (toa gồm …). Giờ người nhà em bị lại, em có mua lại toa thuốc cũ nhưng uống không hết ạ. Giờ phải làm sao cho người nhà em hết bị nấc, mong BS tư vấn giúp. Em xin cảm ơn BS!

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Chào bạn, toa cũ bác sĩ của bạn đã cho bệnh nhân điều trị theo hướng bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây nấc cụt.

Tuy nhiên nếu bị bệnh phổi, tim, hoặc thần kinh cũng gây nấc cụt, thậm chí COVID-19 hay ho lao cũng nấc cụt.

Vì đang mùa dịch nên trước mắt là kiểm tra xem bệnh nhân có bị COVID-19 không (làm test), nếu không bị COVID-19 thì nên sắp xếp đến bệnh viện để tìm các nguyên nhân còn lại nhé.

3. Sau sẩy thai bao lâu thì uống thuốc ngừa thai hàng tháng được?

Xinh H.: Dạ cho em hỏi em mới vừa sẩy thai hôm 19/8 và hết dịch vào ngày hôm qua thì em uống thuốc ngừa thai tháng như thế nào ạ?

ThS.BS Trần Anh Tuấn: Chào bạn, thông thường sau sẩy thai 2 tuần sẽ được tái khám để xem còn sót nhau hay không? Nhưng do tình hình dịch bạn khó tái khám nên có thể thử que thử thai, nếu âm tính thì uống thuốc ngừa thai luôn.

Trường hợp không thử que thử thai được, nếu không đau bụng hay sốt cũng có thể uống luôn thuốc ngừa thai. Ngưng 7 ngày rồi uống vỉ mới nếu là vỉ 21 viên. Uống liên tục với vỉ 28 viên. Có điều kiện tái khám sau sạch kinh.

4. Làm gì để hạn chế tái phát đau thần kinh tọa?

Quang Vo: Thưa bác sĩ tôi bị đau thần kinh tọa lâu rồi. Tôi có uống thuốc đủ thứ, sau một thời gian đi châm cứu khỏi bầy giờ nó đau trở lại. Xin bác sĩ tư vấn nên uống thuốc gì khỏi bệnh? Cảm ơn bác sĩ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, đau thần kinh tọa không có thuốc gì chữa khỏi hẳn mà không tái phát, nhưng bạn có thể hạn chế tái phát bằng việc kết hợp uống thuốc và tập vật lý trị liệu.

Lưu ý: tập vật lý trị liệu không phải là châm cứu, và tự mình tập sau khi được bác sĩ hướng dẫn là tốt nhất. Bạn nên tái khám để được bác sĩ kiểm tra lại, kê thuốc và hướng dẫn tập nhé.

5. Xử trí thế nào khi bị sặc cơm?

Nguyễn Bảo Tuyến: Em ăn cơm mà bị sặc, giờ có cảm giác hít vào không được bình thường, hơi tức ở ngực. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Thường thì hạt cơm ít khi bị "dính" lại ở thành sau họng lắm, lý do là niêm mạc vùng này rất là trơn, chỉ sợ là hạt cơm "kẹt" lại ở ngách nào đó của hầu họng mà thôi. Nhưng mà, thường thì cảm giác còn vướng ở sau họng là do loạn cảm họng chứ không phải hạt cơm còn "nằm" ở đó.

Trước mắt, em tích cực dùng chai rửa mũi dạng xịt để xịt rửa mũi thường xuyên và súc họng bằng nước muối ngày 2-3 lần, sau 2-3 ngày xem có bớt cảm giác khó chịu này không. Nếu vẫn còn thì phải khám chuyên khoa Tai mũi họng để soi họng và soi mũi là chắc chắn nhất, nếu thấy hạt cơm kẹt lại thì hút ra, em nhé.

6. Xịt cồn vào hộp thuốc có làm hư hại hay giảm tác dụng của thuốc không?

Toàn Sỉ: Chào bác sĩ, mẹ mình lo sợ bị mắc COVID-19 nên mua cái gì về cũng xịt khuẩn bằng cồn 70 độ vào hàng hóa, bịch thức ăn. Vừa rồi mẹ mình đi bệnh viện mua thuốc về nhà cũng xịt cồn vào vỏ hộp thuốc bên ngoài.

Mình lo cồn sẽ thấm vào hộp thuốc làm hư thuốc bên trong hay giảm tác dụng thuốc. Mong bác sĩ giải đáp mình có nên bỏ những hộp thuốc đó. Cám ơn bác sĩ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn, các hộp thuốc đó dù là hộp nhựa hay hộp giấy thì vẫn bảo vệ được thuốc bên trong, cồn không xuyên qua được đâu bạn.

Hơn nữa, thuốc bên trong cũng còn nhiều lớp bảo vệ nữa như chai lọ, túi, vỉ… nên chất lượng thuốc không bị ảnh hưởng gì nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X