Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý về cách sử dụng thuốc khi cho con bú

Khi đang cho con bú, nếu chẳng may bị bệnh, hoặc đã có những bệnh mãn tính, người mẹ bắt buộc phải dùng thuốc thì dù muốn hay không, chất lượng của sữa cũng bị ảnh hưởng. Phần lớn thuốc người mẹ dùng đều được chuyển vào sữa, trừ những thuốc có phân tử lượng rất lớn như insulin, heparin...

Dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú phải thật thận trọng do một số thuốc có thể ảnh hưởng đến sự tiết sữa hoặc có thể bài tiết qua sữa mẹ gây tác dụng không mong muốn cho trẻ. Mặc dù hầu hết các thuốc qua được sữa mẹ chỉ bài tiết vào sữa với nồng độ nhỏ nhưng vẫn có những thuốc có hoạt tính mạnh ở nồng độ thấp, có khả năng gây tác dụng xấu đối với trẻ đang bú mẹ cần phải đặc biệt lưu ý.

Các loại thuốc tránh dùng ở phụ nữ đang cho con bú

Các loại thuốc không nên dùng ở phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ thường là các thuốc có ảnh hưởng đến sự tiết sữa của mẹ hoặc thuốc bài tiết qua sữa gây tác động không tốt đến trẻ đang bú mẹ. Dưới đây là một số loại thuốc nên tránh sử dụng:

Thuốc ức chế sự tiết sữa:

Sự tổng hợp và bài tiết sữa mẹ được điều hòa và kiểm soát chủ yếu thông qua prolactin, một hormon được bài tiết từ tuyến yên. Nồng độ hormon này thường tăng cao nhất trong 2 tuần đầu sau đẻ, sau đó giảm dần và trở về mức bình thường sau 6 tháng. Hầu hết các tác động của thuốc ức chế quá trình tiết sữa đều thực hiện thông qua sự ức chế prolactin, điển hình là thuốc có chứa estrogen như thuốc ngừa thai chứa estrogen (phụ nữ đang cho con bú muốn ngừa thai phải dùng thuốc ngừa thai chỉ chứa progesteron như Exluton), bromocriptin (được dùng làm thuốc cai sữa), thuốc trị dị ứng cyproheptadin.

Thuốc làm sữa có vị đắng:

Điển hình là kháng sinh metronidazol có thể làm trẻ bỏ bú.

Thuốc ức chế phản xạ bú của trẻ: Điển hình của thuốc ức chế phản xạ bú là các thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương (như thuốc an thần hay thuốc kháng histamin cổ điển gây buồn ngủ) mà mẹ đang dùng có thể làm trẻ ngầy ngật bỏ bú.

Các loại thuốc cần thận trọng khi dùng ở phụ nữ đang cho con bú

Thuốc điều trị bệnh phụ khoa
Thuốc điều trị bệnh phụ khoa thường chia làm 2 loại: loại thuốc uống có tác dụng toàn thân và loại thuốc đặt, các dung dịch vệ sinh phụ khoa có tác dụng tại chỗ.

Loại thuốc uống thường chứa kháng sinh hay hoạt chất trị nấm, trong đó có nhiều thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ cho con bú. Các thuốc phụ khoa dùng ngoài cho tác dụng tại chỗ rất ít hấp thu vào sữa của mẹ đang cho con bú. Tuy nhiên, thuốc rất ít hấp thu nhưng cũng có nghĩa là vẫn có khả năng thuốc vào máu để vào sữa mẹ, do đó dạng thuốc này cũng chỉ dùng khi thật cần thiết.

Để an toàn, phụ nữ đang cho con bú khi bị bệnh phụ khoa tốt nhất nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân bệnh và được kê toa, tư vấn sử dụng thuốc an toàn, đúng cách.

Thuốc kích thích sự tiết sữa
Ở những bà mẹ bị thiếu sữa do nồng độ prolactin không đủ cao nhưng vẫn đủ số lượng các nang tạo sữa, việc sử dụng một số thuốc ức chế các thụ cảm thể dopamin ở vùng dưới đồi như metoclopramid, domperidon… có thể gây tăng tiết prolactin từ tuyến yên và kích thích việc tạo sữa.

Một số thuốc có thể làm tăng tiết sữa như: methyldopa, haloperidol, theophyllin. Metoclopramid và domperidon là hai loại thuốc được sử dụng nhiều nhất cho mục đích này và cần được bác sĩ chỉ định (phụ nữ cho con bú không được tự ý sử dụng).

Domperidon cũng là một thuốc kích thích bài tiết prolactin nhưng an toàn hơn so với metolclopramid vì không qua hàng rào máu não và do đó không có tác dụng phụ trên hệ thần kinh. Tuy nhiên, gần đây đã có những cảnh báo về việc dùng domperidon có nguy cơ gây tai biến tim mạch. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cần cân nhắc khi sử dụng các loại thuốc này.

Lời khuyên chung:
- Phụ nữ đang cho con bú nên dùng những loại thuốc thường được sử dụng cho trẻ nhỏ vì những loại thuốc này có thể sẽ an toàn hơn cho trẻ bú mẹ. Nguyên nhân là do nồng độ thuốc trẻ nhận được trong sữa mẹ nhỏ hơn rất nhiều so với liều dùng thông thường.

- Nên dùng thuốc ngay sau khi cho trẻ bú hoặc cách ít nhất 2-4 giờ trước khi cho bú để thời gian cho bú cách xa thời điểm nồng độ thuốc cao nhất trong máu người mẹ.

- Không sử dụng các dạng thuốc phóng thích chậm hay phóng thích kéo dài do thuốc sẽ hiện diện trong máu và nguồn sữa của người mẹ rất lâu.

- Nên dùng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

- Khi đang sử dụng thuốc, người mẹ nên chú ý đến những thay đổi về hành vi và thể trạng của trẻ như bỏ bú, ngầy ngật, sụt cân, tiêu chảy,… Khi có những triệu chứng này, người nhà nên đưa trẻ đến khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác nhất.

- Đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ nhà thuốc nếu có bất kỳ thắc mắc nào.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X