Hotline 24/7
08983-08983

Lưu ý khi sử dụng bộ dụng cụ rửa mũi

Sử dụng bộ dụng cụ rửa mũi có thể giúp phòng ngừa và điều trị bệnh viêm mũi xoang. Tuy nhiên, chúng ta cần tuân thủ theo hướng dẫn các bước sử dụng và lưu ý đối với một số trường hợp riêng khi sử dụng bộ dụng cụ rửa mũi.

Viêm xoang là căn bệnh rất khó chịu, triệu chứng thường gặp là chảy mũi, nghẹt mũi một bên hoặc có thể cả hai bên, đau nhức vùng đầu, vùng mặt, điếc mũi (ngửi không biết mùi).

Bệnh thường gây mệt mỏi, làm giảm khả năng học tập và làm việc của người bệnh, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mạn tính, lao phổi giả, viêm họng mạn, viêm dây thần kinh thị giác…

Khi nhận thấy mình có dấu hiệu của bệnh viêm xoang, người bệnh cần đi khám để được điều trị kịp thời và đúng cách.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh bác sĩ có thể chỉ định:

- Thuốc kháng sinh nếu là viêm mũi xoang do vi trùng.

- Steroid xịt mũi.

- Thuốc kháng histamine.

- Thuốc giảm đau (nếu cần).

- Xịt rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Sau đây, Nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ hướng dẫn cách sử dụng bộ dụng cụ rửa mũi đúng cách để phòng ngừa, điều trị viêm mũi xoang.


1. Thành phần 1 gói:

- Natri Chloride.

- Natri Bicarbonate.

2. Công dụng:

- Rửa sạch bụi bẩn và các tác nhân có thể gây bệnh mũi xoang (chất ô nhiễm, nấm mốc, dị nguyên).

- Làm giảm và ngăn ngừa các triệu chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang, nghẹt mũi, chảy mũi, khô mũi và các triệu chứng cảm cúm.

- Vệ sinh mũi hàng ngày.

3. Chỉ định:

Sản phẩm khuyên dùng cho các trường hợp:
- Viêm mũi dị ứng, khô mũi.

- Phù nề và nghẹt mũi.

- Chảy mũi sau.

- Chăm sóc sau phẫu thuật mũi xoang.

- Các triệu chứng ở mũi của cảm cúm.

4. Chống chỉ định:
- Không sử dụng ở những bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.

5. Cách dùng:
Bước 1 - Chuẩn bị:

- Rửa tay.

- Châm đầy vào bình đến vạch quy định nước tinh khiết, nước lọc hoặc nước sạch đun sôi để nguội. Tốt nhất dùng nước hơi ấm tương đương nhiệt độ cơ thể (37 độ C). Có thể làm ấm nước bằng cách cho bình nước vào lò vi sóng trong khoảng 5 đến 10 giây, tránh để quá lâu vì có thể làm nước quá nóng gây hại niêm mạc mũi hoặc gây phá hủy bình dụng cụ.






Bước 2 – Pha dung dịch:

- Pha vào bình nước 1 gói Hỗn hợp rửa mũi.

- Ngón trỏ bịt vòi xịt, các ngón còn lại ôm bình lắc nhẹ để hỗn hợp hòa tan hết.




Bước 3 – Rửa bên mũi thứ nhất:

- Đứng trước bồn rửa, hướng về phía trước, đầu hơi cúi, thở bằng miệng.

- Đặt đầu vòi xịt vào 1 bên lỗ mũi, sau đó dùng tay bóp bình để cho dung dịch chảy từ bình vào lỗ mũi bên này, rồi chảy ra ở lỗ mũi bên kia.

- Duy trì bóp bình cho đến khi nước chảy được 1/4 đến 1/2 bình.

- Dung dịch có thể chảy xuống họng, hãy khạc bỏ, không nên nuốt dung dịch nhưng lỡ nuốt cũng không gây hại.



Bước 4 – Loại bỏ dung dịch trong mũi:

- Xì nhẹ để loại bỏ dung dịch trong mũi nhưng không bịt chặt mũi để tránh áp lực lên màng nhĩ tai.

- Nếu có thể, hãy hít nhẹ nhàng 1 đến 2 lần để dung dịch có thể vào rửa sâu trong xoang. Khạc bỏ nếu dung dịch chảy xuống họng.

- Để loại bỏ dung dịch còn lại trong xoang, hãy nghiêng về phía trước hoặc nghiêng về phía đối diện với bên lỗ mũi vừa rửa, sau đó xì mũi thật nhẹ nhàng.

Bước 5 – Rửa bên mũi còn lại:

- Lặp lại bước 3 và 4 cho bên mũi còn lại.

Bước 6 – Vệ sinh dụng cụ:

- Rửa bình và nắp dụng cụ sau khi dùng (xin tham khảo kỹ phần Hướng dẫn vệ sinh dụng cụ).

- Sau đó hong khô bằng hơi hoặc lau bằng khăn giấy khô hoặc đặt trên kệ chuyên dụng.

6. Những lưu ý khi sử dụng:
- Đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu không hết triệu chứng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Không nên rửa mũi trong các trường hợp: mũi bị nghẹt hoàn toàn, viêm tai, mất khả năng nghe. Nếu bạn mới phẫu thuật tai hoặc mũi xoang, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

- Hãy dừng rửa mũi nếu thấy căng tức ở tai hoặc cảm giác bỏng ở mũi để hỏi ý kiến bác sĩ.

- Nên rửa mũi trước khi đi ngủ khoảng một tiếng đồng hồ để tránh dung dịch còn đọng lại chảy xuống họng gây khó chịu.

- Nếu bệnh nhân không thể đứng và cúi xuống để rửa thì không nên sử dụng.

- Không nên sử dụng cho bệnh nhân ốm nặng không ra khỏi giường hoặc bị khuyết tật thể chất, thiểu năng tinh thần vì không đảm bảo thao tác đúng sản phẩm.

- Luôn há miệng và chỉ thở bằng miệng trong lúc rửa để tránh bị sặc.

- Luôn luôn xì mũi loại bỏ dung dịch thật nhẹ nhàng để tránh bị kích ứng niêm mạc do lực xì quá mạnh.

- Trong một số trường hợp, đặc biệt là sau khi phẫu thuật mũi xoang, một lượng dung dịch có thể đọng lại trong các ngách sâu trong xoang và chảy rỉ ra hàng giờ sau khi rửa.

Để tránh trường hợp vô hại nhưng khó chịu này, hãy làm thêm động tác sau đây sau khi rửa: hơi cúi, nghiêng đầu qua một bên rồi xì mũi nhẹ, sau đó nghiêng qua bên đối diện và xì mũi tiếp thật nhẹ nhàng. Động tác này giúp loại bỏ dung dịch còn lại kèm các chất nhầy bẩn. Nếu thường gặp phải trường hợp này, chúng tôi khuyên bạn không nên ra khỏi nhà hoặc đi ngủ ngay sau khi rửa mũi.

DS Đặng Ngọc Nhã Trang
Nhà thuốc Bệnh viện Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X