Hotline 24/7
08983-08983

Lựa chọn phác đồ điều trị viêm đường hô hấp

Vào mùa đông, thời tiết trở lạnh cũng là thời điểm mà các loại vi khuẩn phát triển mạnh mẽ khiến các bệnh viêm đường hô hấp lan rộng với các ca mắc ngày càng gia tăng. Cùng tìm hiểu ngay các phác đồ điều trị viêm đường hô hấp hiện nay.

1. Các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp

Tùy theo vị trí và nguyên nhân gây bệnh, các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp gồm:

- Viêm mũi họng cấp: Trong các trường hợp cấp có mủ trắng bên trên bề mặt amidan đều điều trị như viêm mũi họng do liên cầu khi chưa có xét nghiệm phân loại vi khuẩn hay virus.

- Viêm phế quản cấp: Chỉ định điều trị được áp dụng khi ho kéo dài trên 7 ngày, có khạc đờm mủ rõ hoặc trên đối tượng có bệnh lý nền nặng như suy tim, ung thư. Kháng sinh được lựa chọn tùy thuộc vào mô hình vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương.

- Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng: Bệnh có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Pseudomonas aeruginosa, Legionella, tụ cầu vàng, virus cúm, nấm,... Dựa vào chính căn nguyên gây bệnh đó để lựa chọn kháng sinh phù hợp. Nhưng trong giai đoạn ban đầu, sẽ điều trị theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng nhẹ của bệnh, tuổi bệnh nhân, các bệnh lý kèm theo, tương tác và tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó, cần xử trí tùy theo mức độ nặng nhẹ, điều trị triệu chứng.

2. Phác đồ điều trị viêm đường hô hấp

2.1. Viêm mũi họng cấp

2.1.1. Nguyên tắc điều trị:

- Tất cả mọi viêm mũi họng đỏ cấp, có chấm mủ trắng hay bựa trắng trên bề mặt amidan đều phải điều trị như viêm mũi họng đỏ cấp do liên cầu khi chưa có xét nghiệm phân loại vi khuẩn hay virus.

- Các nhóm thuốc sử dụng: kháng sinh; hạ sốt, kháng viêm, giảm đau; sát trùng họng và nhỏ mũi sát khuẩn; co mạch, chống dị ứng…

2.1.2. Sơ đồ/ Phác đồ điều trị:

Dù chưa có xét nghiệm vi trùng, virus, kháng sinh đồ, kháng virus đồ, nhưng cũng phải điều trị kháng sinh ngay cho kịp thời. Khi có kết quả xét nghiệm (thường sau 3,4 ngày), điều chỉnh lại cho phù hợp kháng sinh đồ.

-              Kháng sinh.

-              Hạ sốt giảm đau.

-              Giảm viêm.

-              Điều trị kháng sinh theo đúng kháng sinh đồ.

-              Chế độ ăn uống và sinh tố nâng cao thể trạng.

2.1.3. Điều trị cụ thể:

-              Lựa chọn kháng sinh:

+           Dùng kháng sinh ngay từ đầu, cho đến khi có kháng sinh đồ thì điều chỉnh lại cho phù hợp.

+           Penicillin V uống 50-100 UI/kg cho trẻ, 3 triệu UI cho người lớn, chia 3 lần trong ngày kéo dài trong 10 ngày.

+           Benzathine - Penicillin G liều 600.000UI cho trẻ < 30kg 1,2 triệu UI cho trẻ > 30kg và 2,4 triệu UI cho người lớn.

+           Cephalosporin thế hệ 1, hoặc Penicillin A (Amoxicilline) trong 10 ngày.

Trường hợp bệnh nhân dị ứng với Penicillin thì có thể thay thế nhóm Macrolid như Rulide, Zaromax, Dynabac, hay Josacine trong 5-7 ngày.

-              Hạ sốt, giảm đau, chống viêm:

+           Paracetamol, Alphachymotrypsin, Aspirin… cho liều phù hợp với trẻ em và người lớn, uống sau ăn.

+           Lưu ý: Trước khi kê đơn, cần hỏi kỹ tiền sử viêm dạ dày tá tràng của bệnh nhân để chống chỉ định vì hầu như tất cả các thuốc giảm đau hạ sốt đều có nguy cơ chảy máu dạ dày và hệ thống đường tiêu hóa.

Ngoài sử dụng thuốc, cần hướng dẫn người bệnh kết hợp chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

2.2. Viêm phế quản cấp

2.2.1. Nguyên tắc điều trị:

Viêm phế quản cấp ở những bệnh nhân khỏe mạnh khác là nguyên nhân chính gây lạm dụng kháng sinh. Gần như tất cả các bệnh nhân chỉ cần điều trị triệu chứng, chẳng hạn như acetaminophen và bù dịch.

-  Giảm triệu chứng (ví dụ acetaminophen, bù dịch, có thể là thuốc giảm ho)

-  Thuốc cường beta đường hít cho các bệnh nhân có triệu chứng thở khò khè.

-  Chỉ sử dụng kháng sinh khi ho kéo dài trên 7 ngày, ho, khạc đờm mủ rõ hoặc  viêm phế quản cấp ở người có bệnh mạn tính nặng như suy tim, ung thư.

2.2.2. Điều trị cụ thể:

-              Kháng sinh:

Lựa chọn kháng sinh phụ thuộc vào mô hình vi khuẩn và tình hình kháng thuốc tại địa phương. Áp dụng 1 trong những phác đồ sau:

+           Ampicillin, amoxicillin liều 3g/24 giờ

+           Amoxicillin + acid clavulanic (Klamentin); ampicillin + sulbactam: liều 3g/24 giờ

+           Cephalosporin thế hệ 1: Cephalexin 2-3g/24 giờ

+           Cefuroxim (Haginat) 1,5 g/24 giờ

+           Macrolid: Erythromycin 1, 5g ngày x 7 ngày, Azithromycin (Zaromax) 500mg x 1 lần/ngày x 3 ngày (tránh dùng thuốc nhóm này cùng với thuốc giãn phế quản nhóm xanthin, thuốc nhóm IMAO)

-              Điều trị triệu chứng:

+           Nghỉ ngơi, bỏ thuốc lá, giữ ấm.

+           Thuốc giảm ho: Terpin codein hoặc Dextromethorphan.

+           Thuốc long đờm: Acetylcystein.

+           Nếu có co thắt phế quản: thuốc giãn phế quản cường β2 đường phun hít salbutamol, terbutanyl hoặc khí dung, viên uống salbutamol.

Ngoài ra, cần bảo đảm đủ nước uống, dinh dưỡng cho người bệnh để mau hồi phục.

2.3. Điều trị viêm phổi mắc phải ở cộng đồng

2.3.1. Nguyên tắc chung:

-              Xử trí tuỳ theo mức độ nặng.

-              Điều trị triệu chứng.

-              Điều trị nguyên nhân: lựa chọn kháng sinh theo căn nguyên gây bệnh, nhưng ban đầu thường theo kinh nghiệm lâm sàng, yếu tố dịch tễ, mức độ nặng của bệnh, tuổi bệnh nhân, các bệnh kèm theo, các tương tác, tác dụng phụ của thuốc.

-              Thời gian dùng kháng sinh: từ 7 đến 10 ngày nếu do các tác nhân gây viêm phổi điển hình, 14 ngày nếu do các tác nhân không điển hình, trực khuẩn mủ xanh.

2.3.2. Điều trị cụ thể:

a. Điều trị ngoại trú:

Áp dụng 1 trong những phác đồ sau:

+           Amoxicillin 500 mg-1g: uống 3 lần/ngày

+           Clarithromycin 500 mg x 2 lần/ngày

+           Amoxicilin + macrolid (Erythromycin, hoặc clarithromycin) khi nghi do vi khuẩn không điển hình

+           β - lactam/ức chế men β - lactamase: Amoxicillin + clavulanat (Klamentin) kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid: Clindamycin hoặc Azithromycin (Zaromax)

+           Cephalosporin thế hệ 2: Cefuroxim (Haginat) 0,5 g/lần x 3 lần/ngày hoặc kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid

Lưu ý: Cần đảm bảo cân bằng nước - điện giải và thăng bằng kiềm - toan

b. Điều trị viêm phổi trung bình:

-              Lựa chọn kháng sinh:

+      Amoxicilin - Acid clavulanic (Klamentin) kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid: Clindamycin hoặc Azithromycin (Zaromax)

+      Nếu không uống được: Amoxicilin - Acid clavulanic (Klamentin) 1g x 3 lần/ngày (tiêm tĩnh mạch) kết hợp với 1 thuốc nhóm macrolid dùng theo đường tĩnh mạch: Clindamycin 500 mg x 2 lần/ngày hoặc  Azithromycin (Zaromax) 500mg/ngày), hoặc levofloxacin 750mg/ngày hoặc moxifloxacin 400 mg/ngày.

-              Lưu ý:

+           Đảm bảo cân bằng nước - điện giải và thăng bằng kiềm - toan

+           Dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ > 38,5oC

c. Điều trị viêm phổi nặng:

-              Lựa chọn kháng sinh:

+         Amoxicilin - Acid clavulanic 1g/lần x 3 lần/ngày (tiêm tĩnh mạch) kết hợp với: Clarithromycin 500 mg (uống 2 lần/ ngày) hoặc levofloxacin 750 mg/ngày.

+      Cephalosporin phổ rộng (cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim) kết hợp với macrolid hoặc aminoglycosid hoặc fluoroquinolon (levofloxacin, moxifloxacin)

+           Thay đổi kháng sinh tuỳ theo diễn biến lâm sàng và kháng sinh đồ.

-              Lưu ý:

+           Thở oxy, thông khí nhân tạo nếu cần, đảm bảo huyết động.

+           Điều trị các biến chứng nếu có

d. Điều trị một số viêm phổi đặc biệt:

(Lưu ý: Phác đồ điều trị cho bệnh nhân nặng khoảng 60 kg)

STT

Tác nhân

Phác đồ 1

Phác đồ 2

1

Viêm phổi do Pseudomonas aeruginosa

Ceftazidime 2g x 3 lần/ngày + Gentamycin

Ciprofloxacin 500 mg x 2 lần/ngày + piperacilin 4g x 3 lần /ngày + gentamycin hoặc tobramycin hoặc amikacin với liều thích hợp

2

Viêm phổi do Legionella

Clarithromycin 0,5g x 2 lần/ngày Rifampicin 0,6g x 1-2 lần/ngày x 14-21 ngày

Fluoroquinolon (ciprofloxacin, ofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin)

3

Viêm phổi do tụ cầu vàng

Tụ cầu vàng nhạy cảm với methicillin:

Oxacillin 1g x 2 lần/ngày + Rifampicin 0,6g x 1- 2 lần/ngày

Tụ cầu vàng kháng với methicillin:

Vancomycin 1g x 2 lần/ngày

 

4

Viêm phổi do virus cúm

- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Điều trị triệu chứng

- Oseltamivir 75mg x 2 viên/ngày uống chia 2 lần.

Trường hợp nặng có thể dùng liều gấp đôi

- Dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn: Tobramycin hoặc amikacin với liều thích hợp

5

Viêm phổi do nấm

Amphotericin B, itraconazol, voriconazol

 

6

Viêm phổi do Pneumocystis Jiroveci

- Cotrimoxazol: liều dựa trên TMP (15 mg/kg/ngày chia 4 lần) x 21 ngày; người bệnh < 40kg: TMP- SMX 480mg, 2 viên/lần x 4 lần; người bệnh > 40kg: TMP- SMX 480mg, 3 viên/lần x 4 lần

- Trong trường hợp suy hô hấp: prednisolon (uống hoặc tĩnh mạch) (40mg x 2 lần/ngày x 5 ngày, sau đó 40mg x 1 lần/ngày x 5 ngày rồi 20 mg x 1 lần/ngày x 11 ngày).

7

Viêm phổi do do Amip

Metronidazol 0,5 g x 3 lọ/ngày truyền tĩnh mạch chia 3 lần

Những phác đồ điều trị viêm đường hô hấp trên sẽ giúp việc lựa chọn phương án phù hợp cho từng bệnh. Để tiện cho việc ghi nhớ, những kiến thức trên đã được Bác sĩ Phạm Văn Hoài - admin của page Chiaseyhoc.net tổng hợp thành sơ đồ tư duy, xin mời các bác sĩ tham khảo tại đây.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X