Hotline 24/7
08983-08983

Loét miệng, loét lưỡi trên 10 ngày không khỏi: Cảnh giác với ung thư lưỡi!

Trong chương trình tư vấn liên quan đến chủ đề phẫu thuật ung thư lưỡi, TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã đưa ra khuyến cáo: “Trong trường hợp có vết loét vùng miệng, loét vùng lưỡi từ 10 ngày trở lên không lành thì nên đi khám ngay. Việc phát hiện sớm ung thư lưỡi góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống”.

1. Phẫu thuật được chỉ định trong giai đoạn nào của ung thư lưỡi?

Thưa bác sĩ, bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn nào được chỉ định phẫu thuật?

Tại Việt Nam, việc chỉ định phẫu thuật ung thư lưỡi đã có sự thay đổi lớn trong 5-10 năm qua. Trước đây phẫu thuật ung thư lưỡi thường chỉ định trong giai đoạn rất sớm. Khoảng 10 năm trước, Bệnh viện Ung Bướu thấy các đồng nghiệp ở nước ngoài có thể thực hiện các phẫu thuật lớn, phẫu thuật tạo hình rất phức tạp kéo dài 8-10 giờ đồng hồ cho bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn muộn. Khi đó, Bệnh viện Ung Bướu chưa thực hiện được.

Tuy nhiên ngày nay, ê-kíp phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ tại Bệnh viện Ung Bướu với sự đào tạo bài bản đã thực hiện được phẫu thuật ung thư lưỡi không chỉ ở giai đoạn sớm mà còn ở những giai đoạn muộn, đem lại hiệu quả rất tốt, chăm sóc chất lượng sống cho người bệnh. Có thể nói, đây là một trong những tiến bộ, làm thay đổi bộ mặt điều trị cho ung thư lưỡi, đặc biệt là ở giai đoạn muộn tại Bệnh viện Ung Bướu.

2. Phẫu thuật mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân ung thư lưỡi?

Việc phẫu thuật này mang lại lợi ích gì cho bệnh nhân thưa BS?

Thi thoảng chúng ta xuất hiện vết loét trong lưỡi, miệng đã rất khó chịu. Với bệnh nhân ung thư lưỡi khi bệnh tiến triển tại chỗ là những khối bướu lớn loét ra gây rất nhiều đau đớn. Chính vì vậy, việc kiểm soát đau cho bệnh nhân ung thư lưỡi là một trong những vấn đề lớn.

Bên cạnh việc kiểm soát cơn đau bằng các thuốc giảm đau mạnh, gây nghiện dạng opioid (Morphine) thì việc phẫu thuật ung thư lưỡi ở giai đoạn tiến xa lan tràn vẫn còn khả năng phẫu thuật là một giải pháp hữu hiệu, mang tính nhân văn để lấy toàn bộ khối ung thư tạo hình. Sau phẫu thuật, qua theo dõi chúng tôi thấy rằng những cơn đau của người bệnh do khối ung thư gây ra gần như biến mất.

Tất nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, ung thư lưỡi ở giai đoạn tiến rất xa, dự hậu khỏi bệnh hoàn toàn là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu không phẫu thuật, người bệnh sẽ chịu đựng sự đau đớn, suy kiệt, phần lớn có thể tử vong trong khoảng 3 tháng hoặc 6 tháng trở lại. Song hiện nay, tại Bệnh viện Ung Bướu đối với những trường hợp này, chúng tôi vẫn thực hiện được các phẫu thuật tạo hình, vừa để kiểm soát khối ung thư và vừa giúp kiểm soát cơn đau mà bệnh nhân đang chịu đựng.

Qua các dữ liệu cho thấy, sau phẫu thuật cuộc sống của người bệnh tốt hơn vì không còn đau, hai là thời gian sống còn của người bệnh được kéo dài thêm (thay vì chỉ 3-6 tháng như trước đây thì hiện tại có thể kéo dài một vài năm, trung bình là 2-3 năm, có những trường hợp đến 5-7 năm). Đây thực sự là khoảng thời gian rất quý đối với người bệnh. Tôi nghĩ rằng, ê-kíp phẫu thuật cho các bệnh nhân ung thư lưỡi tại Bệnh viện Ung Bướu đã đạt được tiến bộ vượt bậc.

3. Biến chứng có thể gặp phải khi phẫu thuật ung thư lưỡi?

Việc phẫu thuật trên bệnh nhân ung thư lưỡi đối diện với những rủi ro, biến chứng như thế nào ạ?

Bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn tiến xa thường trong thể trạng không được tốt, gầy mòn, suy kiệt nhanh. Bởi khi lưỡi bị đau sẽ rất khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp, nói chuyện, do vậy bệnh nhân sẽ dễ bị suy kiệt. Khi phẫu thuật cho bệnh nhân suy kiệt sẽ có khả năng đối diện với nhiều biến chứng liên quan đến viêm phổi, làm lành vết thương (vết mổ chậm lành hoặc không lành) và chảy máu.

Đây là vấn đề làm các bác sĩ phải cân nhắc, đồng thời tư vấn kỹ trong quá trình đồng hành cùng bệnh nhân, từ vấn đề dinh dưỡng (làm sao để vết mổ nhanh lành), chăm sóc vật lý trị liệu, khạc nhổ, dịch tiết để tránh các biến chứng viêm phổi do hít phải các chất tiết ở vùng họng miệng.

4. Phẫu thuật có phải là hướng đi bắt buộc trong điều trị ung thư lưỡi?

Phẫu thuật trong ung thư lưỡi có phải là hướng đi bắt buộc sau khi việc hóa trị, xạ trị không đạt hiệu quả? Hay đây chỉ là một trong những phương pháp được bệnh nhân lựa chọn mà thôi?

Phẫu thuật và xạ trị cũng là giải pháp để phối hợp trong vấn đề chăm sóc bệnh nhân ung thư lưỡi ở giai đoạn tiến xa. Tuy nhiên, hiệu quả của xạ trị và phẫu thuật khi khối bướu còn nhiều, còn ở trong hốc miệng cũng chỉ ở mức độ hạn chế. Vì vậy, nếu thể trạng của bệnh nhân cho phép đánh giá tất cả mọi mặt (bệnh lý, thể trạng), và có thể tiến hành phẫu thuật thì việc phẫu thuật là một giải pháp đem lại lợi ích tốt nhất cho người bệnh.

Chúng tôi nhấn mạnh, không phải bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn cuối, giai đoạn lan tràn nào ở vùng hốc miệng cũng đều phẫu thuật được, mà phải có lựa chọn những bệnh nhân còn thể trạng tốt, chức năng các cơ quan còn tốt để có thể chịu đựng được cuộc mổ rất lớn, bởi đây là một cuộc phẫu thuật tạo hình kéo dài 8-10 tiếng. Có những bệnh nhân ở giai đoạn lan tràn tại chỗ, thể trạng xấu, có nhiều bệnh nền đi kèm thì việc đáp ứng gây mê, chịu đựng cuộc phẫu thuật kéo dài sẽ rất nguy cơ, do đó cần lựa chọn rất kỹ.

5. Để phẫu thuật tái tạo lưỡi thành công đòi hỏi những yếu tố nào?

Tùy từng mức độ lây lan và kích thước khối u mà bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần lưỡi, nạo vét hạch cổ, loại bỏ một phần xương hàm, sàn miệng… Vậy đối với các trường hợp này thì tái tạo lưỡi như thế nào?

Phẫu thuật tái tạo lưỡi là một cuộc phẫu thuật lớn, đòi hỏi ê-kíp là những bác sĩ chuyên sâu, hiểu biết, được đào tạo chuyên nghiệp, có kỹ năng về kỹ thuật tạo hình, kỹ thuật vi phẫu, khâu nối các mạch máu. Ngoài ra, khi thực hiện cuộc phẫu thuật này cũng đòi hỏi dụng cụ chuyên dụng, ví dụ như kính hiển vi, hệ thống siêu âm doppler tại chỗ để xác định mạch máu.

Trước khi mổ, các bác sĩ sẽ hình dung vị trí của khối ung thư, mức độ ăn lan để từ đó định ra kế hoạch. Khi đó, các bác sĩ dự định được, sau khi cắt khối bướu sẽ lấy cơ từ đâu (từ khu vực lân cận hay từ vị trí khác) để tái lập vào khoảng trống đã mổ cắt đi.

6. Ăn uống và hồi phục chức năng nói sau phẫu thuật ung thư lưỡi ra sao?

Việc phục hồi sau phẫu thuật như thế nào? Bao lâu có thể phục hồi hoàn toàn để thực hiện bình thường chức năng nói và ăn uống?

Dinh dưỡng là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu khi chăm sóc hậu phẫu cho người bệnh ung thư lưỡi. Có những trường hợp bác sĩ phải cắt toàn bộ lưỡi, như vậy vấn đề về nói, ăn uống của người bệnh sẽ rất khó khăn. Mặc dù bác sĩ sẽ phẫu thuật tái tạo nhưng việc tạo hình này chắc chắn không như bình thường.

Một trong những biến chứng của phẫu thuật ung thư lưỡi hay phẫu thuật tạo hình đầu cổ đó là vấn đề ghép da, ghép cơ có thể không lành do nhiều lý do, mà dinh dưỡng là một trong những lý do quan trọng. Vì vậy, sau phẫu thuật ung thư lưỡi, ê-kíp phẫu thuật phải phối hợp với bác sĩ Dinh dưỡng để tư vấn chế độ ăn phù hợp cho người bệnh. Trong thời gian đầu sau phẫu thuật, người bệnh chưa ăn được qua ngả tự nhiên bình thường, các bác sĩ có thể nuôi ăn qua ống thông. Việc nuôi ăn phù hợp sẽ giúp hạn chế các biến chứng sau mổ.

Việc nói chuyện sau phẫu thuật cũng là trở ngại rất lớn. Khi vết thương đã lành lại, ê-kíp sẽ phối hợp với các bác sĩ Vật lý trị liệu để tập sớm cho người bệnh về những kỹ năng giúp vận động cơ nhẹ nhàng, không bị co rút, và lấy lại một phần giọng nói như bình thường. Đây là một hành trình rất dài. Như vậy, sau khi mổ, còn đòi hỏi quá trình tập Vật lý trị liệu để giúp bệnh nhân lấy lại chức năng nói gần như bình thường.

7. Lời khuyên từ chuyên gia giúp phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi là căn bệnh gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, nhưng điểm thuận lợi là hoàn toàn có thể phát hiện sớm. Nếu bạn có bất kỳ vết loét nào trong vùng lưỡi, vùng miệng từ 10 ngày trở lên không lành thì cần phải đi khám bác sĩ ngay. Khi chúng ta phát hiện được các tổn thương ung thư lưỡi rất nhỏ thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn, phẫu thuật ít tàn phá hơn, như vậy giúp nâng cao chất lượng sống.

Ngoài ra, chúng ta biết rằng, nguyên nhân của ung thư lưỡi là do rượu bia, thuốc lá. Như vậy, hạn chế tiêu thụ rượu bia và bỏ thuốc lá là hai giải pháp quan trọng nhất để phòng ngừa ung thư lưỡi. Song song đó nên giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt để hạn chế nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X