Hotline 24/7
08983-08983

Livestream với GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông về bí quyết phòng ngừa đột quỵ lúc giao mùa

Mời bạn đọc đón xem chương trình tư vấn với GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông để biết những bí quyết phòng ngừa đột quỵ khi thời tiết chuyển mùa như hiện nay.

Thầy thuốc Nhân dân - GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông

PHẦN 1: TRÒ CHUYỆN VỚI MC ANH THƯ
MC: Thưa GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông, vì sao khi trời lạnh chúng ta lại dễ bị đột quỵ hơn? Yếu tố thời tiết tác động thế nào đến nguy cơ đột quỵ, thưa ông?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:
Chào MC Anh Thư,
Chúng ta thấy rất rõ, yếu tố ảnh hưởng đến đột quỵ chính là thời tiết. Bởi sang mùa lạnh, thống kê chung trên toàn quốc khoảng 10-30% số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện so với mùa khác. Điều đó cho thấy, khi giao mùa lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì sao lại như vậy, nhất là thời tiết rét đậm, rét hại?
Vào mùa lạnh, mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra, tim hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn. Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của thời tiết giá lạnh, lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường do mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp. Mặt khác, huyết áp dễ tăng cao dẫn đến tăng áp lực trong lòng mạch, với người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay cục máu đông, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ khiến nguy cơ tử vong cao.
Không những thế, nhiệt độ lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu, làm tăng sự vận chuyển của oxy, máu đặc quánh, dễ dẫn đến đột quỵ.


MC: Hotline tư vấn của AloBacsi thường nhận được các cuộc gọi nhờ kết nối bác sĩ cấp cứu đột quỵ vào nửa đêm và rạng sáng. Đây có phải là các điểm “đen” mà cơn đột quỵ thường ập đến không thưa bác sĩ? Bác sĩ có thể lý giải giúp nguyên nhân vì sao?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:
Thực tế tại bệnh viện, tỷ lệ người mắc đột quỵ nửa đêm về sáng cao hơn.

Vì sao lại có tình trạng này?

Đối với ở nước ta, thời điểm nửa đêm về sáng, mặt trời xa chúng ta nhất, nhiệt độ sẽ giảm, lạnh hơn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng đột quỵ như tôi đã nói ở trên.

Thứ 2 là ở người cao tuổi có bệnh mạn tính như nam giới là tiền liệt tuyến, hay tăng huyết áp. Hơn nữa, người lớn thường ngủ và dậy rất sớm để chuẩn bị bữa sáng cho con cháu hay tập thể dục, lúc đó khi đang nằm trong chăn, đang ấm mạch máu đang dãn nhưng nếu dậy ra ngoài lạnh ngay thì mạch máu co lại, dễ dẫn đến đột quỵ.
MC: Đột quỵ tim và đột quỵ não khác nhau như thế nào? Tại sao khi trời trở lạnh, nhiều bệnh nhân tim mạch lại có nguy cơ đột quỵ cao hơn? Có triệu chứng đặc thù nào để phân biệt đột quỵ tim và đột quỵ não không thưa bác sĩ?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Trước kia, các chuyên gia xác định đột quỵ là chung, cả đột quỵ tim và đột quỵ não nhưng ngày nay đã được phân biệt rõ ràng.

Nhắc đến đột quỵ nghĩa là nhồi máu não, còn đột quỵ tim là nói về nhồi máu cơ tim (không nói đột quỵ tim nữa). 2 vấn đề này có điểm khác nhau.

Ví dụ như cơn thiếu máu cơ tim dẫn đến nhồi máu cơ tim thường đau nặng nề giữa xương ức, ngực trái, đau có thể từng cơn ngắn, thở nhanh, thở mạnh, làm việc gắng sức là đau mạnh hơn. Đặc biệt, cơn đau của nó sẽ từ ngực lan sang vai trái, tay trái, thậm chí có người lan ra cả vùng cằm, đầu. Thứ 2 là người bệnh có cảm giác tức nặng ở ngực, vã mồ hôi, khó thở, có thể ho. Đối với người bệnh nhồi máu cơ tim thì thường tỉnh táo, không có dấu hiệu liệt.

Đối với đột quỵ có triệu chứng khác: tê bì, yếu liệt nửa người, không đau vùng ngực. Người bệnh có thể xây xẩm mặt mày, nói khó, nói ngọng, líu lưỡi, méo miệng...

Như vậy, dấu hiệu để có thể phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim, về cơ bản là: nhồi máu cơ tim không liệt - đột quỵ có thể gây liệt; người bệnh đột quỵ có thể rơi vào trạng thái không có ý thức - nhồi máu cơ tim thì tỉnh táo.

Điểm chung của cả 2 căn bệnh này là nếu không được xử trí sớm, đúng cách thì đều có thể dẫn đến tử vong, tàn tật.
MC: Thưa BS, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường có phải là đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao không? Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn vì sao các đối tượng này lại có nguy cơ cao hơn bình thường? Ngoài các đối tượng trên, nguy cơ đột quỵ còn có thể xảy ra với ai nữa không ạ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam: Đột quỵ xảy ra mọi độ tuổi. Trước đây khi khoa học, kỹ thuật chưa phát triển thường bị nhầm lẫn giữa các bệnh khác nhau. Tuy nhiên hiện nay, cuộc sống áp lực, nhiều yếu tố gây nên tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa, có người đột quỵ ở độ tuổi 30-35, thậm chí trẻ sơ sinh cũng bị đột quỵ.

Vậy có nên tầm soát đột quỵ?
Câu trả lời là việc khám sức khỏe định kỳ và tầm soát yếu tố nguy cơ là vấn đề cần thiết. Nếu ở người bình thường (không tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch)… thì nên khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/ lần, để xử lý sớm kịp thời khi phát hiện bất thường, vì cơ thể sẽ có những dấu hiệu thầm lặng, để đến khi phát ra thành triệu chứng, đôi khi lại trở thành quá muộn.
Còn những người có các bệnh lý mạn tính như đã nói ở trên thì cần tầm soát, khám bệnh từ 3-6 tháng/ lần, tuân thủ điều trị của bác sĩ sẽ phòng ngừa các biến chứng.
MC: Trong trường hợp người thân bị đột quy, cách cấp cứu, xử lý hiệu quả và tốt nhất như thế nào?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Khi thấy người thân có dấu hiệu hiệu nói ngọng, nói khó, líu lưỡi, rối loạn ý thức, yếu liệt thì cần đặt nằm trên giường, chếch 30 độ. Nếu có nôn ói thì đặt nằm nghiêng, móc họng, kéo lưỡi tụt ra. Sau đó, nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc gọi xe taxi đưa đến bệnh viện gần nhất có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ.

Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống, kể cả uống thuốc huyết áp, vì lúc này đã không còn tác dụng. Ngoài ra, không được cạo gió, chích lễ, vì như vậy sẽ làm mất thời gian vàng.

Xin nói thêm với bạn đọc AloBacsi, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 3 giờ (hiện nay đã được mở rộng ra 4 giờ 30 phút nhưng tốt nhất vẫn là 3 giờ), đối với việc lấy huyết khối là 6 giờ.

MC: Đột quỵ dễ nhầm lẫn với trúng gió. Xin bác sĩ chỉ những điểm phân biệt giữa hai trường hợp này để tránh nhầm lẫn, làm mất đi thời gian vàng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam: Đây là vấn đề chúng ta cần hiểu rõ để tránh trường hợp người cần được đưa đến bệnh viện thì để ở nhà hoặc ngược lại.

Làm sao để phân biệt đột quỵ và trúng gió?

Thứ 1, đột quỵ xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, trúng gió cũng vậy nhưng đột quỵ thường xảy ra ở người trung niên, lớn tuổi.

Thứ 2, đột quỵ có dấu hiệu nói ngọng, nói khó, líu lưỡi, rối loạn ý thức, yếu liệt… Trúng gió là mệt mỏi, nôn, có thể hạ huyết áp, lơ mơ… nhưng không bao giờ có yếu liệt.

Thứ 3, đột quỵ xảy ra bất cứ thời gian nào nhưng trúng gió có thể xảy ra khi có gió lùa, đi nắng về…

Thứ 4, đột quỵ để lại di chứng nhưng trúng gió thì không.

Vì vậy khi có dấu hiệu đột quỵ thì cần nhanh chóng xử trí như tôi đã nói ở trên và đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ.

MC: Người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ đột quỵ lần 2 không? Cách phòng tránh như thế nào để tránh tái đột quỵ lần 2?
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam: Điều này chúng ta thấy rất rõ, tỷ lệ đột quỵ tái phát tương đối cao. Theo thống kê, trong năm đầu sau khi bị đột quỵ khoảng 30% sẽ tái phát, cả Việt Nam và trên thế giới, nếu như không có biện pháp dự phòng đột quỵ trở lại.
Những người đã từng bị đột quỵ, sau khi được điều trị ổn định, hoặc để lại di chứng nhẹ thì phải kiểm soát huyết áp hằng ngày là điều tiên quyết, thứ 2 nữa là uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thường xuyên, đúng liều lượng, chứ không phải thấy đỡ là ngưng thuốc. Thậm chí có nhiều trường hợp, uống thuốc thấy huyết áp ổn định rồi liền ngưng thuốc vì sợ "nếu uống tiếp lỡ tụt huyết áp thì sao", hoặc sợ uống thuốc tây nhiều làm tăng men gan, tác dụng phụ... Tuy nhiên, tôi xin lưu ý bạn đọc, dùng thuốc huyết áp là phải dùng cả đời, đúng thời gian quy định, không được bỏ thuốc.
Mặt khác, hiện nay chúng ta đo huyết áp chưa đầy đủ. Cách đo đúng là phải đo cả sáng, chiều và tối. Đo 3 lần mỗi ngày, mỗi lần đo phải lấy huyết áp trung bình. Ví dụ, buổi sáng, lần thứ 1 đo được 130/90 mmHg, lần thứ 2 đo 135/95mmHg, lần thứ 3 đo 125/80 mmHg thì ta lấy trung bình khoảng 130/90 mmHg và ghi vào sổ để tránh quên, nhầm lẫn. Bởi huyết áp rất nhạy cảm với môi trường, thời tiết, tâm lý... nên nếu đo một lần thì không nắm bắt được.

Bên cạnh đó, cần đo liên tục trong 7 ngày để xác định được huyết áp cơ bản của chúng ta. Còn việc do huyết áp trong 1 ngày có thể tăng giảm dao động, sáng một con số khác, chiều lại thay đổi. Do đó, chúng ta cần đo đúng cách, đầy đủ để kiểm tra các phát hiện bất thường để kịp thời xử lý. Nếu không kiểm soát nó, chỉ cần một cơn tăng huyết áp thôi cũng đủ để gây đột quỵ. Theo các con số thống kê tại bệnh viện, các bệnh nhân bị đột quỵ thì có đến 90% là tăng huyết áp.
Thứ 2 về cách đo, dù nằm hay ngồi thì đều phải để băng ép ngang tim, chứ không thể để thõng tay thì sẽ không chính xác.
MC: Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cho là giúp ngăn ngừa đột quỵ, có thật sự hiệu quả?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam: Thật ra chế độ ăn rất quan trọng. Chúng ta có thể áp dụng truyền thống ăn của người Nhật, chẳng hạn như món Natto được làm từ đậu nành lên men được áp dụng cả nghìn năm. Trong món ăn này có enzym Nattokinase - là một hoạt chất sản sinh trong quá trình lên men tự nhiên giúp hạn chế cục máu đông, góp phần hỗ trợ tiêu cục huyết, từ đó giúp làm ổn định huyết áp.

Men Nattokinase đã có nhiều công bố nghiên cứu, bằng chứng khoa học cũng như trong thực tiễn. Ở Việt Nam đã có nhiều sản phẩm du nhập vào có tác dụng tốt, điển hình như Natto Enzym của Nhật Bản có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, giúp ổn định huyết áp, lưu thông khí huyết.

Ngoài ra, khi sử dụng, các bạn cần lưu ý phải lựa chọn những sản phẩm được sản xuất quy mô, đạt chuẩn GDP, được Bộ Y tế cho phép.

PHẦN 2: TƯƠNG TÁC VỚI BẠN ĐỌC ALOBACSI
Nguyễn Thu Hồng - hongnt…@gmail.com

Xin chào BS, bây giờ tôi mới hiểu thế nào là đột quỵ lấy đi mạng người nhanh như tia chớp. Tổng giám đốc của tôi mới ngoài 50, sáng vẫn uống cafe cùng mọi người, 9g chỉ đạo một cuộc họp, 11g thì khuỵu xuống. Cả công ty nháo nhào lên, những thanh niên khỏe nhất vội bế anh ấy ra xe đi bệnh viện. Nhưng anh ấy đã chết khi vừa vào tới phòng cấp cứu.

Em trai tôi, 47 tuổi, là bác sĩ trưởng khoa đang ở độ tuổi chín của nghề cũng vừa ra đi vì cơn nhồi máu não. Trong một tháng tôi chứng kiến sự ra đi của hai người thân cận, thực sự rất sốc.

Tôi muốn kể câu chuyện của mình để mong BS chia sẻ thêm nhiều kiến thức để tất cả mọi người biết cách phòng tránh và xử lý đúng cách, kịp thời để giảm thiểu hậu quả nặng nề do bệnh đột quỵ gây ra? Xin cảm ơn BS.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Thu Hồng thân mến,
Trước hết tôi xin được chia sẻ nỗi buồn cùng với bạn.
Đột quỵ xảy ra ở mọi độ tuổi, đừng nghĩ rằng chỉ người lớn tuổi mới bị, hiện nay căn bệnh này đã “nhòm ngó” độ tuổi trẻ hơn vì nhiều nguyên nhân. Nhất là trong điều kiện áp lực công việc quá lớn, đòi hỏi sự quá sức, môi trường… Đây là vấn đề chung của nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng gì Việt Nam.
Theo thống kê, năm 2010 tỷ lệ đột quỵ là khoảng 33 triệu, tỷ lệ tử vong là 35%. Đến năm 2030, mặc dù phương tiện kỹ thuật, phương tiện truyền thông nhiều nhưng tỷ lệ không giảm, vẫn ở 34-35%. Điều đó cho thấy, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chúng ta nên tầm soát định kỳ, thay đổi chế độ sinh hoạt, lối sống, không nên ỷ lại vào sức khỏe. Nhất là cần kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường... để ngăn ngừa đột quỵ.
Tôi cũng xin nói thêm, ngày nay, tỷ lệ đái tháo đường rất cao. Ở Việt Nam là 15% (nghĩa là 100 người có 15 người bị đáo đường). Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ rất đáng báo động.
Hay căn bệnh tăng huyết áp. Trước kia, khoảng vài chục năm về trước, người ta xác định tăng huyết áp là tuổi + 100. Ví dụ, tôi 60 tuổi thì cộng thêm 100 là huyết áp tâm thu, nếu ở trên ngưỡng đó thì tăng huyết áp, dưới thì không phải. Nhưng đến nay, để xác định huyết áp bình thường là phải nằm trong khoảng 120/90 mmHg, còn trên 120 thì đã là dấu hiệu của tiền tăng huyết áp...
Chúng ta đừng coi thường huyết áp, nhất là với những người huyết áp dao động thất thường, nếu không kiểm soát tốt đến lúc nào đó huyết áp tăng đột biến rất dễ đột quỵ. Do đó, trong ngày cần đo huyết áp thường xuyên và cần xác định huyết áp của ta từ 120/90 thì mới hoàn toàn bình thường, còn ở trên đó thì cần cảnh giác.

Tăng huyết áp là con dao thầm lặng. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ đơn giản một cơn đau đầu váng vất, hay áp lực, gắng sức vì công việc quá dễn đến mất ngủ nhưng đây có thể dấu hiệu báo động mà cơ thể gửi đến. Lúc này, để yên tâm thì cần đo huyết áp ngay. Tầm soát huyết áp là khâu đầu tiên giúp chúng ta dự phòng đột quỵ.
Huỳnh Thanh Trúc - truchuynhthanh6955…@gmail.com

Thưa BS, để phòng tránh đột quỵ khi thời tiết giao mùa, những người có bệnh lý tim mạch, huyết áp cần lưu ý gì? Tập luyện và chế độ sinh hoạt như thế nào? Mong BS tư vấn giúp.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn Thanh Trúc,
Trong thời tiết giao mùa, huyết áp có thể tăng lên do lạnh, co mạch. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Chính vì vậy, với người tăng huyết áp để phòng ngừa đột quỵ, cần:
- Uống thuốc huyết áp theo đúng chỉ dẫn, không tự ý thay đổi liều lượng, loại thuốc. Nếu có bất thường thì thông báo với bác sĩ.

- Khi có dấu hiệu như bốc hỏa trên đầu, nói ngọng, yếu liệt, thì cần cẩn thận, đó có thể là cơn đột quỵ, hãy cảnh giác!

- Không nên tập thể dục thái quá, không chơi môn thể thao nặng, tập luyện trong khả năng, sau khi tập phải cảm thấy khỏe, thoải mái. Trước khi tập thể dục nên đo huyết áp, sau khi tập xong cũng cần đo lại 1 lần, nếu sự chênh lệch không quá 10 mmHg thì không vấn đề gì.
Vũ Đình Lợi - TPHCM

Mẹ tôi năm nay 76 tuổi, bị cao huyết áp lâu năm. Siêu âm động mạch cảnh cho thấy hẹp đến 65%. BS nói mẹ tôi có nguy cơ đột quỵ cao do mạch máu bị tắc nghẽn bởi các mảng xơ vữa. Xin hỏi trường hợp của mẹ tôi nên điều trị thế nào để phòng đột quỵ hiệu quả?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Vâng, nguy cơ vữa xơ động mạch cũng là một trong những nguy cơ gây tăng huyết áp, giảm cung lượng máu lên não. Thậm chí, đây còn là nguy cơ của đột quỵ bởi bất kể một mảng xơ vữa bong lên thì các mạch nhỏ hơn sẽ bị tắc dẫn đến đột quỵ thiếu máu não.
Mảng xơ vữa làm thành mạch không vững, đàn hồi không bền thì một cơn tăng huyết áp gây vỡ động mạch, chảy máu não. Cho nên, vữa xơ động mạch là nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Mẹ của bạn đã bị hẹp động mạch, xác định trên siêu âm là 65%, do đó nên đến khám chuyên khoa để kiểm tra. Đây có phải là bệnh nằm trong nhóm bệnh có thể đặt stent, hoặc lấy bỏ vữa xơ… hay không thì chuyên khoa sẽ xác định cho mẹ của bạn.
Tuy nhiên, nên lưu ý chế độ ăn và sinh hoạt của mẹ bạn như tôi đã nói ở trên: Tất cả mỡ động vật, thịt nội tạng chứa cholesterol xấu thì không nên ăn. Có thể thay thế bằng những loại thực phẩm cung cấp năng lượng cao nhưng ít cholesterol tự do.
Ví dụ: Các sản phẩm từ các loại đậu, lạc, vừng; rau xanh, cá… Hoặc bạn có thể cho mẹ bạn dùng thuốc dự phòng như thuốc chống mỡ máu, nhóm thuốc statin, giữ huyết áp ổn định. Trong số đó, có Natto Enzym, tôi cho là rất tốt trong việc chống hình thành cục máu đông, giảm đột quỵ. Bên cạnh đó, nên kết hợp với tập luyện một cách nhẹ nhàng. Đây là những giải pháp giúp mẹ bạn phòng tránh những nguy cơ dẫn đến đột quỵ.


Minh Ngọc - Hỏi qua fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

BS ơi, ăn uống có tác dụng phòng ngừa đột quỵ không ạ? Nếu có thì nên có chế độ ăn như thế nào để dự phòng căn bệnh này? Bố mẹ em có thói quen tập thể dục vào buổi sáng sớm, 4 giờ hai cụ đã dậy đi bộ, dù đông hay hè. Gần đây thời tiết thấy cũng se lạnh rồi. Xin hỏi bác sĩ, với những người hay tập thể dục sáng sớm như bố mẹ em thì làm sao tránh được đột quỵ ạ? Đặc biệt là vào mùa đông.
GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Chào bạn,
Nửa đêm về sáng, nguy cơ xảy ra đột quỵ cao hơn hay còn gọi là “điểm đen” của đột quỵ. Thế thì, nhất là trong thời tiết giao mùa, đặc biệt là mùa đông, bạn nên khuyên bố mẹ của bạn không nên đi tập thể dục quá sớm. Dù có là thói quen đi nữa, vẫn nên đi tập muộn hơn một chút để tránh hiện tượng thay đổi thời tiết đột ngột. Vì đến một độ tuổi nào đó, sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra với người cao tuổi. Vì vậy, bạn nên khuyên bố mẹ của bạn không nên đi tập thể dục quá sớm.
Đi tập thể dục là tốt nhưng nguy cơ dẫn đến đột quỵ sẽ cao hơn. Mùa đông trong Nam và ngoài Bắc khác nhau, nên chúng ta nên đi tập thể dục lúc trời hửng sáng. Đi tập thể dục trong 30 phút, sau đó về nhà vệ sinh cá nhân sẽ tốt hơn. Người cao tuổi thường có vấn đề là khó ngủ hoặc ngủ ít hơn, thế nhưng giấc ngủ của người cao tuổi vẫn phải đảm bảo ít nhất từ 6 - 7 tiếng một ngày chứ không nên chỉ ngủ 3 - 5 tiếng.
Do đó, nếu bố mẹ bạn đi ngủ sớm và dậy sớm, vì không ngủ được vì nhiều yếu tố thì bạn nên khuyên bố mẹ không nên ngủ ngay sớm, nên ngủ vào 9 - 10 giờ tối và thức dậy lúc 6 giờ để đi tập sẽ tốt hơn, bạn nhé. Mặc dù bây giờ chưa có gì xảy ra nhưng đến một độ tuổi nào đó, nếu vẫn giữ nguyên thói quen này thì nguy cơ đột quỵ cũng sẽ xảy ra. Sẵn đây, tôi cũng giải thích vì trong nhà ra ngoài đường, thời tiết khác nhau, như gió lùa, nhiệt độ, giao thông… khiến cơ thể của người cao tuổi sẽ không thích ứng được với môi trường, dẫn đến nhiều nguy cơ gây đột quỵ hơn.
Trần Văn Tuấn - 46 tuổi, Thanh Hóa

Thưa bác sĩ, đột quỵ nhẹ là gì ạ? Các triệu chứng của đột quỵ nhẹ nếu không điều trị gây ra các biến chứng như thế nào?

Vì hiện tại tôi có các triệu chứng kéo dài từ 6-7 năm qua như: nhức đầu theo cơn, mặt bị xệ 1 bên, các phần da đầu đều mềm nhũn ra như thể có nước trong đó, mắt mờ, hàm đau nhức, hay quên, tê nhức chân tay… Tôi tìm hiểu thì thấy đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ nhẹ nên rất lo lắng và hiện cũng chưa biết khám ở đâu?

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam:

Đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu thoáng qua. Trước đây, cơn thiếu máu thoáng qua được xác định là đột quỵ nhưng hiện nay nó chỉ được xem là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Trên những người có nguy cơ cao như tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch như tôi đã kể trên có thể xuất hiện dấu hiệu như: xây xẩm mặt mày, hoa mắt, chóng mặt kéo dài trên 1 tiếng, tổn thương mô não thì xác định đột quỵ. Nếu các dấu hiệu này có thể hồi phục sau 24 giờ, diễn ra trong khoảng 1 tiếng và không để lại di chứng gì thì đấy là cơn thiếu máu thoáng qua và không có tổn thương mô não. Ngoài lâm sàng phân biệt bằng cộng hưởng từ, hình ảnh hoặc một số kỹ thuật khác.

Mặc dù có thể tự hồi phục nhưng đột quỵ nhẹ hay thiếu máu não thoáng qua là yếu tố nguy cơ đột quỵ nếu chúng ta không có dự phòng, không có chế độ sinh hoạt hợp lý thì chắc chắc nó sẽ quay lại và nặng hơn. Đột quỵ nhẹ không có nghĩa là an toàn, lành tính mà đây là dấu hiệu báo động sẽ có cơn đột quỵ nặng nề hơn. Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng này không nên chủ quan mà cần đến gặp bác sĩ để thăm khám, điều trị.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” do AloBacsi phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược phẩm Hậu Giang tổ chức nhằm đẩy mạnh việc tư vấn phòng ngừa và ứng phó với các bệnh tim mạch, nội thần kinh, đặc biệt là đột quỵ.


Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X