Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Hở, hẹp van tim - Phòng và trị như thế nào?

Hẹp, hở van tim có thể dẫn đến suy tim. Hiện nay tỷ lệ người mắc phải bệnh lý này ngày càng nhiều và gây một số biến chứng nguy hiểm. Chương trình livestream "Hở, hẹp van tim - Phòng và trị như thế nào?" với sự tham gia của BS Đỗ Văn Bửu Đan - Trưởng khoa Điện sinh lý tim, Bệnh viện Tim Tâm Đức giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc về căn bệnh này.

PHẦN 1: TRÒ CHUYỆN VỚI MC NGỌC HƯƠNG

[HOI]Thưa bác sĩ, bệnh van tim là gì? Bao gồm những dạng nào? Tỷ lệ mắc bệnh van tim hiện nay ra sao, tăng hay giảm so với trước đây?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Bệnh van tim là bệnh tổn thương những van trong trái tim chúng ta. Thông thường tim có 4 van, bên trái có van 2 lá và van động mạch chủ, bên phải có van 3 lá và van động mạch phổi. Tuy nhiên, 2 van tim thường bị tổn thương nhiều nhất là van 2 lá và van động mạch chủ.

Nguyên nhân gây tổn thương van tim phân làm 3 nhóm:

- Nhóm 1: bệnh tim bẩm sinh, có những trẻ em sinh ra đã bị những tổn thương van tim đi kèm và thường gọi là tổn thương van tim bẩm sinh.

- Nhóm 2: tổn thương van tim xảy ra sau khi bệnh nhân bị bệnh thấp tim, và thường gọi là van tim hậu thấp. Đây là nhóm bệnh thường gặp nhất ở các nước đang phát triển và đặc biệt là ở Việt Nam. Ngày xưa đất nước chúng ta mắc nhóm bệnh này rất nhiều; sau này nhờ sự phát triển của ngành y tế, tình trạng vệ sinh, chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỉ lệ này đã giảm đáng kể.

- Nhóm 3: tổn thương van tim do những bệnh lý như thiếu máu cục bộ cơ tim gây ra. Nhóm bệnh này càng ngày càng nhiều, đặc biệt là ở những người lớn tuổi có bệnh lý kèm theo như cao huyết áp, tiểu đường.

Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ bệnh lý van tim gần như không thay đổi qua nhiều năm, chỉ thay đổi ở thành phần mắc bệnh. Nếu ngày xưa chúng ta hay gặp những bệnh van tim hậu thấp rất nhiều, thì ngày nay nhóm bệnh này chuyển sang bệnh van tim do thiếu máu cục bộ. Riêng nhóm bệnh vam tim bẩm sinh vẫn chiếm tỷ lệ gần như ổn định, không thay đổi qua năm tháng.[/DAP]

[HOI]Trong số các van tim thì van nào hay bị hẹp hở nhất thưa bác sĩ? Và van nào hẹp hở thì gây nguy hiểm hơn, dễ tiến triển thành các biến chứng nặng nề, khó điều trị hơn thưa bác sĩ?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Mặc dù chúng ta có 4 van tim nhưng tổn thương là do hoạt động của nó, thành ra những van tim bên trái là thường hay gặp nhất. Do đó, khi đi khám, chúng ta thường nghe hẹp 2 lá, hẹp van động mạch chủ; trong khi những trường hợp như  hở van 3 lá, hẹp hở van động mạch phổi thì ít hơn. Tuy nhiên cũng tùy từng trường hợp. Chẳng hạn trẻ em nhỏ tuổi mắc bệnh van tim bẩm sinh thì hẹp van động mạch phổi nhiều hơn. Do đó, rất khó nói chính xác, nhưng tổn thương van nào tùy thuộc nguyên nhân nhiều hơn.

Về nguyên tắc, nhiệm vụ của van tim như là cánh cửa đóng mở để dòng máu đi vào và đi ra khỏi cơ thể. Khi đóng lại thì phải đóng thật kín để dòng máu không dội ngược lại. Do đó, nếu tổn thương van tim gây suy tim tùy vào mức độ của nó. Nếu hẹp nhẹ thì bệnh nhân rất ít triệu chứng, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi van tim bị hẹp hở nặng thì gây triệu chứng, thậm chí có người bị ngất đột ngột, phù phổi và đột tử.[/DAP]


[HOI]Vậy nguyên nhân gây hẹp hở van tim thường gặp là gì thưa bác sĩ? Có sự khác biệt về nguyên nhân hẹp hở mỗi loại van tim không ạ?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Cụ thể, đối với người Việt Nam, ngày nay, bệnh lý gây hẹp hở van tim nhiều nhất vẫn là bệnh tim hậu thấp, tức là khi nhỏ, người bệnh đã có tiền căn thấp tim, thấp khớp chuyển sang tổn thương van tim, và khi lớn bệnh tiến triển làm hư các van tim.

Cách phòng chống là nên chăm sóc sức khỏe răng miệng đầy đủ cho trẻ. Khi có những tình trạng thấp khớp thấp tim cần đến các cơ sở y tế để khám và chữa trị đúng mức để tránh các biến chứng do thấp tim gây ra.

Có sự khác biệt về nguyên nhân hẹp hở mỗi loại van tim. Chẳng hạn như van 2 lá và van động mạch chủ hay gặp tình trạng hẹp ở vành tim, ngược lại van động mạch phổi, bệnh lý thường gặp là hẹp van động mạch phổi bẩm sinh ở trẻ nhỏ; tổn thương van 3 lá ít gặp hơn, nhưng cũng có thể gặp hở 3 lá bẩm sinh hoặc hở van 3 lá sau khi bị thấp tim.[/DAP]


[HOI]Hẹp van tim, hở van tim có triệu chứng nhận biết không thưa bác sĩ? Với mỗi loại van tim bị hở thì có triệu chứng đặc trưng là gì ạ?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Triệu chứng hẹp hở van tim rất đa dạng. Thứ nhất, tùy thuộc vào vị trí van tim bị hẹp hoặc hở. Thứ hai, tùy thuộc vào mức độ, nhưng nhìn chung có những nhóm triệu chứng sau:

Do van tim có nhiệm vụ mở ra để cho máu đi ra khỏi cơ thể, khi van tim hẹp hở thì chức năng đóng mở bị hư và đưa đến sự lưu thông máu không tốt từ tim đưa ra cơ thể.

Bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng, nhẹ nhất là mệt khi gắng sức, sau đó có thể khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm, thậm chí khi vừa nằm xuống người bệnh đã ho sặc sụa. Nặng nhất, trong trường hợp bệnh nhân hẹp van tim có thể bị phù phổi cấp phải vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp.[/DAP]


[HOI]Người ta thường dựa trên tiêu chí gì để phân loại bệnh hẹp hở van tim thưa bác sĩ? Trong số các mức độ hở hẹp van tim ¼; 2/4; ¾; 4/4 thì mức độ hở nào nhẹ nhất, nặng nhất ạ?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Trước tiên tôi sẽ tách ra 2 phần:

Về hở van tim thường chúng ta sẽ phân loại cơ bản là độ 1, độ 2, độ 3, độ 4. Độ 1 là hở van tim rất nhẹ, đây là những hở cơ năng sinh lý, những người bình thường như chúng ta có thể hở và không gây hậu quả nghiêm trọng. Hở độ 3, độ 4 là hở nặng và cần phải điều trị. Hở độ 2 là mức độ trung bình.

Hẹp van tim không chia như vậy mà chia theo mức độ nhẹ, trung bình, nặng. Nếu hẹp nhẹ thì bệnh nhân ít triệu chứng nhưng vẫn được coi là tình trạng bệnh lý. Khi hẹp trung bình và nặng trở lên thì cần phải điều trị. Trước tiên sẽ được điều trị bằng thuốc, sau đó nếu không đáp ứng sẽ tiến hành phẫu thuật để sữa chữa tình trạng hẹp van tim.[/DAP]

[HOI]Thưa BS, vậy nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh hẹp hở van tim dẫn đến biến chứng gì? Và biến chứng do hẹp hở van tim nào gây ra là nặng nhất ạ?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Ở đây có hai mặt vấn đề. Một mặt là nhiều khi chúng ta chỉ đi khám và phát hiện, ghi nhận hở nhẹ nhưng lại quá lo lắng. Chúng ta cần biết, nếu bác sĩ khám và siêu âm, sau đó ghi hở van 2 lá ¼ chẳng hạn, điều đó có nghĩa bệnh nhân gần như là người bình thường, không có gì phải lo lắng và chắc chắn không cần phải uống thuốc để điều trị hở van 2 lá ¼.

Mặt khác, nếu thật sự chúng ta có tình trạng hẹp hoặc hở van tim ở mức độ bệnh lý do bác sĩ đánh giá, thì cần được theo dõi và điều trị thường xuyên.

Nếu người bệnh bỏ lơ, không để ý thì từ mức độ trung bình có thể diễn tiến đến mức độ nặng và rất nặng nhanh chóng. Và từ đó dẫn đến chuyện: nếu may mắn thì người bệnh được phẫu thuật kịp thời. Nếu nặng hơn nữa, tức tim đã suy nặng, thì ngay cả phẫu thuật cũng không đem lại lợi ích cho người bệnh.[/DAP]


[HOI]Liên quan đến vấn đề điều trị. Câu hỏi được bạn đọc quan tâm nhất là hẹp, hở van tim được điều trị bằng những phương pháp nào? Có thể chữa khỏi hẳn các căn bệnh này không?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Hẹp hở van tim cũng như những bệnh lý nội khoa khác nói chung và bệnh lý tim mạch nói riêng. Bước điều trị đầu tiên vẫn là nhắm vào điều trị các nguyên nhân gây ra. Nếu là bệnh lý tim bẩm sinh thì không thay đổi gì được, tuy nhiên có một số trường hợp hở van tim do thiếu máu cục bộ cơ tim, việc điều trị là tái lưu thông mạch vành những mạch máu nuôi tim, để đảm bảo tim không bị tình tạng thiếu máu cục bộ, từ đó giúp cải thiện chức năng hoạt động của van tim và bớt tình trạng hở.

Trong tình trạng không thể giải quyết nguyên nhân thì chúng ta phải giải quyết hậu quả, tức là điều trị ngay tình trạng hẹp hở van tim đó. Sẽ có 2 phương pháp điều trị chính. Trước tiên là dùng thuốc để giữ cho người bệnh ở tình trạng  cân bằng, tránh khó thở, suy tim. Trong trường hợp người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa (dùng thuốc) thì cân nhắc và xem xét chỉ định ngoại khoa, tức là sửa chữa van tim bằng phương pháp phẫu thuật.

Về nguyên tắc, khi người bệnh đến gặp chúng tôi cũng mong có thể điều trị dứt điểm. Đối với những trường hợp van tim hẹp hở nặng, chúng ta có thể sữa chữa, thậm chí thay những van đó. Tuy nhiên, chúng ta nên biết, do trời sinh ra van tự nhiên là van tốt nhất, do đó, chúng ta có thể điều trị bảo tồn mà không cần phải thay van thì vẫn là tốt hơn.

Trong trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật thay van, bác sĩ phẫu thuật sẽ cân nhắc xem van đó có thể sữa chữa được không. Nếu sữa chữa được thì vẫn là van tự nhiên "dùng" vẫn tốt. Trong trường hợp không sữa chữa được thì bác sĩ phẫu thuật sẽ phải thay van nhân tạo cho bệnh nhân. Trong trường hợp thay van nhân tạo lại có những vấn đề liên quan là lựa chọn van nào phù hợp với bệnh nhân.[/DAP]


[HOI]Xin hỏi bác sĩ chi phí thay van tim là bao nhiêu và giữa các loại van thay thì chi phí có khác nhau không? Từng tu nghiệp ở nhiều nước và hiện đang công tác tại một trong những BV chuyên sâu về tim mạch lớn nhất của cả nước, BS Bửu Đan đánh giá thế nào về kỹ thuật điều trị các bệnh van tim ở Việt Nam so với các nước?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Chi phí phẫu thuật thật ra rất khó nói, là ở chỗ nó rất đa dạng, tùy vào trung tâm thực hiện phẫu thuật, ở Việt Nam thì khác, ở nước ngoài lại khác hơn; ở bệnh viện công thì khác, ở bệnh viện tư chi phí cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung chi phí phẫu thuật van tim khá cao so với thu nhập trung bình của người dân. Tuy nhiên ngày nay, chẳng hạn như tại bệnh viện chúng tôi có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, do đó có thể hỗ trợ cho người bệnh.

Những người ngày xưa phải chờ đợi để kiếm tiền, thậm chí gần như vô vọng và không kịp phẫu thuật, thì ngày nay, hầu như đã được phẫu thuật khá nhiều nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân đó. Nói chung chi phí phẫu thuật trung bình ở Việt Nam dao động từ 150 triệu - 200 triệu, dĩ nhiên là bao gồm phí phẫu thuật, thuốc men trước - sau mổ…

Phương pháp phẫu thuật của Việt Nam gần như là tiệm cận và bắt kịp thế giới. Phần lớn, các bác sĩ phẫu thuật viên đều được đào tạo ở nước ngoài và chúng ta áp dụng các kỹ thuật đó khá thành công. Cộng với sự khéo tay cũng như đặc tính kiên nhẫn của người Việt thì ngày nay, hầu như những kỹ thuật nước ngoài đều được chuyển giao ở Việt Nam.

Khi các đồng nghiệp nước ngoài đến thăm và làm việc tại Việt Nam, họ đều ngạc nhiên bởi chi phí phẫu thuật rất rẻ. Chi phí phẫu thuật nước ta phần lớn nằm ở dụng cụ; trong khi ở nước ngoài, chi phí phẫu thuật lớn là do trả công cho phẫu thuật viên. Hầu như ở các trung tâm tại Việt Nam trả cho các phẫu thuật viên khá khiêm tốn so với chi phí các vật tư, vật liệu tiêu hao trong phẫu thuật.[/DAP]

[HOI]Tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền (như tăng huyết áp, tiểu đường…) có tác động thế nào tới van tim và liệu chúng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hẹp hở van tim không?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Như đã nói ở phần trên, trong nhóm bệnh hở van tim, đặc biệt có nhóm bệnh lý gây ra do thiếu máu cục bộ cơ tim. Thiếu máu cục bộ cơ tim là tình trạng những mạch máu nuôi tim bị hẹp, gọi là hẹp mạch vành. Quá trình hẹp mạch vành diễn ra kéo dài, hầu như xảy ra ở nững người có yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, đái tháo đường, lớn tuổi, béo phì, cholesterol máu tăng. Quá trình đó làm xơ vữa mạch máu nuôi tim, từ đó đưa đến  tình trạng thiếu máu nuôi cho các bộ  phận tham gia vào quá trình đóng mở van tim như lá van, dây chằng tim, trụ cơ thành tim... Chính vì vậy, trong số những bệnh van tim chúng tôi gặp ở bệnh viện, bệnh hở van tim do thiếu máu cục bộ cơ tim chiếm tỷ lệ khá đáng kể.

Những bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cục bộ cơ tim chủ yếu gây hở van tim; hẹp van tim là do bẩm sinh hoặc diễn tiến sau  quá trình bị thấp tim.[/DAP]


[HOI]Để khép lại phần 1 của chương trình, xin bác sĩ cho biết chế độ sinh hoạt, ăn uống của những người bị mắc các bệnh về van tim nên lưu ý gì thưa BS? Và với người thay van tim bằng phương pháp ozaki thì họ phải kiêng những thực phẩm nào?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Cơ thể chúng ta là một thể thống nhất. Nếu yếu hoặc có bệnh lý thì những bộ phận trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng và tim cũng không ngoại lệ. Để có trái tim khỏe mạnh, phương pháp đầu tiên trước khi điều trị, là chúng tôi khuyên bệnh nhân có chế độ tập luyện và ăn uống hợp lý. Cần tập thể dục ít nhất 30 phút trong 1 lần, ít nhất 3 lần/ tuần, đó là tối thiểu. Nếu tập mỗi ngày thì càng lý tưởng hơn.

Ngoài ra chúng ta phải tránh chế độ sinh hoạt và làm việc quá căng thẳng, thức khuya, dùng nhiều smartphone, máy vi tính… những chuyện này đều gây stress lên cơ thể và stress cho quả tim.

Bên cạnh chế độ tập luyện thì việc ăn uống cũng quan trọng. Chế độ ăn uống giúp giảm tình trạng tăng đường huyết, giảm tình trạng cholesterol trong máu… những điều này góp phần bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

Đối với những người mắc bệnh lý hẹp hở van tim (mức độ trung bình và nặng) cần phải điều trị, thì việc ăn uống càng chú trọng đúng mức. Quan trọng nhất, là người bệnh không nên ăn mặn. Ăn mặn dẫn đến tình trạng giữ muối và nước trong cơ thể, làm quá tải thể tích, tim làm việc nhiều hơn và tình trạng suy tim diễn tiến nhanh chóng hơn.[/DAP]

PHẦN 2: BẠN ĐỌC HỎI - BÁC SĨ TRẢ LỜI

[HOI]Lê Thu Anh - Hà Nội

Chào bác sĩ, mẹ em thay van sinh học được 5 năm, đến bây giờ van 3 lá bị hở hẹp rất nặng do ảnh hưởng từ van tim sinh học. Bác sĩ tư vấn cho em, xem mẹ em năm nay 65 tuổi phải xử lý cách nào để tốt nhất và duy trì được sức khỏe.[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Thu Anh thân mến,

Câu hỏi của bạn thiếu một chút thông tin. Bạn cho biết mẹ thay van sinh học nhưng không nói rõ thay van gì, thường hay gặp nhất thay van động mạch chủ hoặc thay van 2 lá.

Tuy nhiên, bạn có cung cấp thêm thay van sinh học đưa đến hở van 3 lá, tôi dự đoán có thể mẹ bạn thay van 2 lá và bây giờ chuyển sang giai đoạn thoái hóa van 2 lá. Thông thường, thay van 2 lá bằng sinh học có tuổi thọ khoảng 7-8 năm sẽ gây ra thoái hóa, dẫn đến hẹp hở van sinh học đó và tạo ra áp lực lên buồng tim phải gây hở van 3 lá.

Theo tôi nghĩ, việc đầu tiên là phải dùng thuốc để điều trị tình trạng hở van 3 lá. Khi hở van 3 lá quá nặng không thể uống thuốc được nữa thì bác sĩ phải cân nhắc hội chẩn để quyết định mổ, sửa van 3 lá đó.[/DAP]

[HOI]Trịnh Phan Minh - TPHCM

Hồi nhỏ em bị hở van tim nhẹ, BS nói chỉ là hở sinh lý. Nay em đã lấy chồng và có con nhỏ, cuộc sống nhiều áp lực nên bệnh tim tái phát. Năm ngoái em thấy mệt mỏi, hồi hộp nên đi khám thì biết nhịp tim nhanh, bị hở van tim 2 lá nhẹ, hở van 3 lá nhẹ, hở động mạch phổi nhẹ, dày van 2 lá nhẹ. Sau uống thuốc điều trị 6 -7 tháng thì không còn tình trạng tim đập nhanh nữa, đỡ mệt hơn. Vậy có phải bệnh của em đã khỏi không? em cần phải dùng thuốc đến bao giờ thưa Bs.[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Theo thông tin cung cấp, tôi nghĩ tình trạng van tim của bạn gần như bình thường, chỉ hở 1/4 tất cả các van 2 lá, 3 lá, động mạch phổi. Trường hợp của bạn hầu như không liên quan đến tình trạng tổn thương của van tim.

Vấn đề bạn nêu ra chủ yếu là nhịp tim nhanh. Trước tiên phải biết rõ tình trạng nhịp tim nhanh có phải bệnh lý thực sự hay phản ứng sinh lý. Theo kinh nghiệm của tôi nhiều người có tình trạng nhịp tim nhanh do ít vân động, khi có thói quen ngồi một chỗ thì tim sẽ đập nhanh để bù trừ lại. Ở những người tập thể dục đều đặn thì người ta ghi nhận tim sẽ đập chậm lại.

Do đó, nếu bạn đã đi khám bác sĩ tim mạch, tìm kỹ không thấy vấn đề bất thường gây nhịp tim nhanh bệnh lý thì theo tôi chỉ cần điều chỉnh lối sống thì nhịp tim sẽ về gần như bình thường và không cần dùng thuốc để kiểm soát nhịp tim nhanh đó.[/DAP]

[HOI]Trịnh Thu Hương - Đăk Lăk

Chào bác sĩ, mẹ con 54 tuổi, đi khám tim có kết quả là:

- Đối với van tim 2 lá bị hẹp van trung bình (diện tích mở van = 1,6 cm2) độ chênh áp ngang van =25/9mmHg; hở van 2 lá 3/4, type IIIAP, AC = 9 mm. Van 2 lá dày, xơ hoá, vôi hoá, bộ máy dưới van dày dính.

-  Đối với van động mạch chủ, bị hở 1/4, type III, van 3 mảnh,

- Với van 3 lá bị dày và và hở van 2/4, không tăng áp phổi, (PAPs =30mmHg)

Con muốn nhờ bác sĩ coi giùm mẹ con bị như vậy đã đến mức nặng cần phải mổ chưa?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Thu Hương thân mến,

Đây là một trường hợp điển hình của người bị hẹp, hở van 2 lá. Về mức độ theo tôi đánh giá hẹp thì trung bình nhưng hở khá nặng khoảng ¾.

Theo kinh nghiệm của tôi thì không thể dựa trên một kết quả siêu âm để đánh giá được, thường ở bệnh viện tôi sẽ tiến hành làm 2 bản siêu âm để so sánh kết quả cho khách quan và thống nhất.

Trong trường hợp van tim hở nặng và bệnh nhân có triệu chứng cơ năng ảnh hưởng khả năng gắng sức bình thường, tức là đi bộ lên dãy cầu thang cũng thấy mệt. Theo tôi thì nên được can thiệp phẫu thuật sớm. Nếu bệnh nhân chưa có điều kiện phẫu thuật thì có thể dùng thuốc, tuy nhiên đối với trường hợp van tim đã hẹp, hở nặng thì thuốc gần như là ít tác dụng.[/DAP]

[HOI]Dương Thị Anh Hoa - hoaduong12…@gmail.com

Em năm nay 30 tuổi, bị hở van 3 lá 2/4, rối loạn nhịp nhanh và đang điều trị bằng thuốc chẹn beta, nhưng em vẫn thấy mệt mỏi, thỉnh thoảng đau nhói ngực bên trái thì phải làm sao?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Anh Hoa thân mến,

Tình trạng của bạn cũng là vấn đề tôi hay gặp thường ngày, nhiều bệnh nhân nữ, trẻ tuổi đến với chúng tôi than phiền nhịp tim nhanh, thỉnh thoảng hay nhói ngực.

Theo kinh nghiệm của tôi, gần như trên 90% các trường hợp nhói ngực đó không phải xuất phát từ tim mà do thần kinh liền sườn, do những thần kinh tim.

Với những trường hợp này thường chúng tôi sẽ khảo sát và đánh giá tim mạch kỹ để loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra tình trạng đau tim.

Bạn còn khá trẻ tuổi nên ít nghĩ đến nguyên nhân thiếu máu cục bộ cơ tim. Trường hợp này theo tôi bạn chỉ cần tập thể dục đều đặn, giảm bớt stress trong cuộc sống thì triệu chứng đó sẽ biến mất. Nhiều trường hợp bệnh nhân than phiền chỉ đau ngực khi làm việc trong văn phòng nhiều, khi đi du lịch hay tập thể dục thì hoàn toàn không có triệu chứng gì cả. Đó là những gợi ý rõ ràng nhất về tình trạng đau nhói ngực không phải do tim thực sự.[/DAP]

[HOI]Trần Khánh Loan - 56 tuổi, TPHCM

Tôi đã thay van tim, hiện đang sử dụng thuốc chống đông Enoxaparin. Tôi muốn dùng thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ tim mạch thì cần lưu ý gì để tránh tương tác với loại thuốc đang sử dụng? Với người đã thay van tim thì nên lưu ý trong sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Chị Khánh Loan thân mến,

Theo thông tin chị cung cấp có lẽ chị được thay van tim cơ học nên cần dùng thuốc kháng đông để tránh hiện tượng hình thành cục máu đông gây kẹt van tim.

Thuốc chị nói có vẻ không phải chính xác lắm, Enoxaparin là thuốc chích. Thuốc kháng đông chúng ta hay dùng ngày nay đối với những người được thay van cơ học có 2 loại Wafarin và Acenocoumarol. 2 thuốc này còn có tên gọi khác là kháng vitamin K, tác dụng ức chế sự hấp thu của vitamin K từ đó gây ra tình trạng máu loãng hơn bình thường. Đặc điểm của thuốc này là tương tác rất nhiều với các loại thuốc khác và thức ăn. Do đó, rất khó để khuyên chị nên ăn cái này và không nên ăn cái kia.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đơn giản của chúng tôi thường khuyên bệnh nhân là nên có chế độ ăn đều đặn, đừng thay đổi quá mức, chẳng hạn như tháng này thì ăn thịt không, tháng sau lại ăn toàn rau không thì tự nhiên mức loãng máu kháng đông trong cơ thể thay đổi thất thường, từ đó có thể thay đổi đến hoạt động của van tim.

Trường hợp của chị nếu muốn dùng thực phẩm chức năng thì vẫn được nhưng cần đến gặp bác sĩ để xem thực phẩm chức năng đó có tốt cho tim mạch không, sau khi dùng thực phẩm đó thì cần có xét nghiệm đánh giá mức độ hiệu quả của thuốc kháng đông để điều chỉnh liều lượng thuốc kháng đông cho phù hợp. Đó là cách chúng tôi thường hướng dẫn cho bệnh nhân đang mang van tim cơ học và cần sử dụng thuốc kháng đông.[/DAP]

[HOI]Dương Văn Sơn - TPHCM

Em 34 tuổi, do thấy mệt và khó thở nên đi khám, bác sĩ kết luận em bị hở van 2 lá ¼, van 3 lá 2/4, van động mạch chủ ¼ nhưng em chưa đau ngực. Bác sĩ cho em hỏi trường hợp em vậy có nặng không? Liệu có thành suy tim không? Trường hợp của em nên ăn uống, sinh hoạt như thế nào? Có kiêng cữ hay dinh dưỡng đặc biệt gì không ạ?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Thông tin bạn cung cấp có thiếu một chút. Về van tim có thể nói ngay bạn không bị bệnh lý van tim gì đặc biệt. Tuy nhiên van tim không phải là tất cả, trong tim còn có cơ tim, sự co bóp của tim. Để đánh giá một người có suy tim hay không thì dựa vào 2 yếu tố, thứ nhất là triệu chứng cơ năng xem khả năng gắng sức của người đó có bình thường không, thứ 2 là dựa vào siêu âm tim để đánh giá chức năng tim.

Có nhiều người van tim không bị hẹp, hở gì nhưng tim vẫn bóp rất yếu, chức năng tim giảm so với người bình thường thì vẫn có thể đưa đến suy tim.

Nếu trường hợp tim bạn hoàn toàn bình thường, siêu âm tim thấy chức năng tim còn tốt thì theo quan của tôi thường sẽ được đánh giá khả năng gắng sức bằng test gắng sức, đi bộ trên máy như máy chạy bộ, vừa đi vừa đo điện tâm đồ. Từ đó chúng tôi sẽ đánh giá chính xác khả năng gắng sức để có thể kết luận bạn có bị suy tim hay không.

Có rất nhiều người đến với chúng tôi than phiền mệt, không làm việc được, không gắng sức được nhưng khi cho test gắng sức thì vẫn chạy rất khỏe, nsau đó có bị mệt, nhưng cái mệt này là sinh lý. Từ đó chúng tôi có những khuyến cáo phù hợp tập thể dục bình thường, không cần kiêng cữ gì cả.[/DAP]

[HOI]Trương Thành Tâm

Vợ tôi bị bệnh hở van tim 2 lá, chẩn đoán 4/4. Bác sĩ bảo phải mổ. Theo tôi tìm hiểu Bệnh viện Tim Tâm Đức của mình có mổ nội soi. Kính nhờ BS tư vấn giúp về mổ nội soi, tỷ lệ thành công ca mổ, chi phí và thời gian điều trị nội trú. Bảo hiểm chi trả bao nhiêu. Xin cám ơn![/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Anh Tâm thân mến,

Hở van 2 lá 4/4 là độ hở tối đa rồi và giống như anh nói bệnh của chị có lẽ cần được phẫu thuật để sửa chữa.

Phương pháp thông thường là mổ hở, mở ngực bệnh nhân và sửa chữa van tim. Ngày nay tiến bộ hơn đã có phương pháp nội soi. Ở Bệnh viện Tim Tâm Đức đã thực hiện mổ bằng phương pháp này, kỹ thuật viên sẽ dùng kẹp để kẹp van 2 lá lại, từ đó giảm bớt tình trạng hở.

Tuy nhiên, đây là phương pháp mới và lựa chọn bệnh nhân rất nghiêm ngặt. Không phải trường hợp nào cũng được mổ bằng phương pháp này. Anh nên đưa chị đến đến bệnh viện để được khám và tư vấn chính xác, xem trường hợp của chị lựa chọn phương pháp nào là tốt nhất.[/DAP]

[HOI]Phan Nhật Quang
Em năm nay 28 tuổi. Đi siêu âm tim ở BV Hòa Hảo kết luận, bị hở van 3 lá 3/4, thỉnh thoảng bị đau ngực, khó thở. Em không bị bệnh tim mạch nào khác . Xin cho em hỏi là bệnh của em có phải mổ không? Và chi phí khoảng bao nhiêu?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Khá may mắn là bạn bị hở van 3 lá, vì van 3 lá và van động mạch phổi là 2 van nằm ở tim phải, đóng vai trò vào hoạt động của tim ít hơn các van bên trái như van 2 lá và van động mạch chủ.

Nếu trường hợp của bạn hở van 2 lá và van động mạch chủ 3/4 thì nhiều khả năng có thể tiến triển thành bệnh tim nặng và phải mổ.

Trong khi nếu bạn hở van 3 lá 3/4 thì ít ảnh hưởng chức năng tim, bạn có thể sinh hoạt như bình thường, một số người cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức, có thể phù chân nhẹ.

Phần lớn, bệnh hở van 3 lá 3/4 có thể điều trị bằng thuốc, chỉ có một số trường hợp rất hiếm bệnh nhân hở van 3 lá quá nặng dẫn đến dãn buồng tim đưa đến tình trạng suy tim phải nặng thì mới cần phẫu thuật.[/DAP]

[HOI]Ngọc Huyền - khanhngoc97…@gmail.com

Thưa bác sĩ, mẹ cháu bị hở van 3 lá ¾ nhưng kèm theo bệnh tiểu đường type 2, vậy có nên phẫu thuật thay van tim không ạ? Trường hợp hở nặng như mẹ cháu liệu có bao nhiêu phần trăm chuyển sang suy tim? Kính nhờ bác sĩ hướng dẫn giúp em một số bài thuốc cho người hở van 3 lá ¾ để phòng ngừa biến chứng với ạ? Em rất biết ơn bác sĩ.[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Trường hợp của mẹ bạn thì có lẽ cũng giống như anh vừa hỏi trước đó là hở van 3 lá ¾.
Theo tôi để đánh giá chính xác mức độ hở van thì không chỉ dựa vào mức độ hở van 3 lá không mà còn dựa vào tình trạng của buồng tim phải xem mức độ giãn như thế nào.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp hở van 3 lá ¾ thì có thể điều trị bảo tồn. Nghĩa là có thể uống ít thuốc mà không cần phải phẫu thuật.

Quan trọng nhất trong việc điều trị hở van 3 lá là người bệnh cần tránh chế độ ăn mặn vì nó có thể đưa đến giữ nước và muối trong cơ thể làm tăng tình trạng suy tim phải và phù.[/DAP]

[HOI]Vũ Văn Tiến - Hà Nội

Thưa bác sĩ, tôi 59 tuổi, bị tăng huyết áp 6 năm nay, tháng 9 vừa qua đi khám phát hiện hở van tim 2 lá 2/4, dày thất trái. Xin hỏi bác sĩ nên điều trị thế nào? Van tim của tôi hở tới mức nào thì phải thay?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Có thể nói ngay là bác yên tâm về tình trạng hở van 2 lá của bác 2/4 được xem là hở trung bình. Hầu như trường hợp hở này không gây triệu chứng đáng kể trên vấn đề tim mạch.

Tuy nhiên, ngược lại là bác lại có vấn đề cao huyết áp từ lâu và ở tuổi của bác thì theo chúng tôi nên được tầm soát bệnh lý mạch vành là bệnh lý gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim.

Nếu đến bệnh viện thì thường chúng tôi sẽ làm trắc nghiệm gắng sức để xem có tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim hay không. Chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát sâu hơn là chụp hình mạch vành xem mạch máu nuôi tim có hẹp hay không.[/DAP]

[HOI]Lê Ngọc Giàu - Lâm Đồng

Con trai tôi 21 tuổi, bị hở van 2 lá bẩm sinh đã được thay van cơ học. Hiện tại cháu đang uống thuốc chống đông nhưng hiện tại vị viêm amidan phải cắt thì có ảnh hưởng gì không ạ? Ngưng thuốc chống đông để phẫu thuật xong rồi uống tiếp có được không? Cần lưu ý gì khi làm phẫu thuật này?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Đây là một tình huống lâm sàng mà chúng tôi cũng hay gặp đó là bệnh nhân mang van cơ học và uống thuốc kháng đông. Uống thuốc kháng đông sẽ đưa đến tình trạng máu loãng và chảy nhiều khi có sang chấn hoặc khi được làm phẫu thuật.

Do đó, khuyến cáo thông thường là khi cần phẫu thuật gây chảy máu thì chúng ta có thể tạm ngưng kháng đông. Tuy nhiên không được ngưng lâu quá. Phần lớn chúng tôi khuyên người bệnh ngưng một ngày uống thuốc và thử xét nghiệm đông máu có tên INR.

Nếu trong trường hợp chỉ số INR dưới 1.5 thì người bệnh có thể đi phẫu thuật được. Và sau khi phẫu thuật nếu tình trạng chảy máu ngưng thì lập tức uống trở lại ngay.

Thì khi thực hiện theo quy trình như thế hầu như không có nguy hiểm hay biến chứng gì trên van tim.[/DAP]

[HOI]Hoàng Văn Chí, 65 tuổi - Hải Phòng

Tôi bị hở van 2 lá ¾, van 2 lá có nhiều nốt vôi hóa, trong năm có 3-4 đợ tôi bị ho, khó thở, đau ngực phải nhập viện điều trị thì đỡ. Xin hỏi bác sĩ giờ tôi nên chữa bệnh van tim của tôi thế nào cho tốt?[/HOI]

[DAP]BS Đỗ Văn Bửu Đan trả lời:

Trường hợp của bác có lẽ hở van 2 lá là ở mức độ nặng ¾ và hở nó gây ra tình trạng như là mệt, khó thở. Tuy nhiên, ở tuổi của bác hở van 2 lá ngoài chuyện mình biết nó bị hở còn phải tìm nguyên nhân.

Như đã nói ở lứa tuổi lớn, cao huyết áp, tiểu đường thì 1 trong những nguyên nhân gây hở van là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim.

Do đó theo chúng tôi thì bác nên được khảo sát mạch vành. Tìm xem có những tổn thương mạch vành hay không.

Nếu trường hợp có tổn thương mạch vành như hẹp đáng kể mạch máu nuôi tim thì chúng ta cần phải can thiệp để tái lưu thông mạch vành cho tốt. Từ đó có thể đưa đến việc cải thiện tình trạng hở van.

Trong trường hợp nếu mạch vành của bác tốt thì cần tập trung điều trị hở van trước tiên là dùng thuốc, nếu dùng thuốc không hiệu quả và van hở nhiều hơn, gây ra tình trạng suy tim nhiều hơn thì cần phải được phẫu thuật kịp thời.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X