Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Dịch viêm phổi Corona - Nhìn nhận rõ để phòng tránh đúng

Virus corona hiện đang gây nỗi ám ảnh trên toàn cầu. Số lượng người tử vong và ca nhiễm mới được các phương tiện truyền thông cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Ngay tại Việt Nam cũng đã có 16 người nhiễm khiến người dân hoang mang, lo lắng. Hiểu được tâm lý này, AloBacsi đã mời BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp. Mời bạn đọc đón xem.

[HOI]MC Ngọc Hương: Khi dịch bước vào đỉnh, cơ sở y tế Việt Nam có kế hoạch triển khai gì để chống sự lây lan của virus nCoV-2019?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cao đỉnh dịch chính là ở Trung Quốc, biểu đồ còn tăng đến đỉnh dịch trong vòng 1 đến 2 tuần sau đó nó đi ngang rồi đi xuống. Đối với Việt Nam, thì tốc độ tăng không đáng kể.

Hiện nay, môi trường, không khí và số lượng người Việt Nam chưa bị mắc bệnh nhiều. Trước đây mình có 13 ca nhiễm và dân số Việt Nam tầm 93 triệu dân. Khi tính tỷ lệ thì người ta tính theo mức trăm nghìn dân, số bị nhiễm chia cho trăm nghìn dân thì ta tính ra có bao nhiêu người cần cách ly, đó là điều quan trọng.

Hiện tại Bộ Y tế đang triển khai kế hoạch phòng ngừa để bảo vệ mọi người.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Người dân có có thái độ như thế nào trước dịch bệnh hiện nay? Bản chất của dịch bệnh có được người dân hiểu đúng chưa bác sĩ?[/HOI]

[DAP] BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bệnh COVID 2019 xuất hiện, nhiều người theo dõi tin tức thường xuyên hơn. Khi bệnh này bắt đầu lây lan, mọi người hoang mang lo lắng, vì thế truyền thông và người đưa tin cần làm rõ hơn về hiện tượng Coronavirus, cung cấp thông tin chính xác cho cộng đồng.

Mọi người nên bình tĩnh tìm hiểu từ các nguồn tin chính thống về cách nhận biết và phòng tránh, khi nào cần cách ly hay phải đến cơ sở y tế.

Có một số người hiểu đúng, nhưng cũng có người hiểu sai. Khi hiểu sai một thời gian thì một thời gian sau, họ mới hiểu đúng.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Có bao nhiêu chủng loại virus gây bệnh viêm phổi ở người?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cũng có rất nhiều loại, mình hay gặp nhiều nhất đó là cúm. Đối với trẻ em, thường là virus Aderno và RSV. Trong đó, human coronavirus cũng được xem là một tác nhân gây ra bệnh. Nhắc đến năm 2009, ta không thể không nhắc đến bệnh H1N1.

Bệnh tay chân miệng và thủy đậu thường sẽ xuất hiện theo mùa. Còn bệnh H5N1, H1N1, và 2019-nCoV này thì sẽ đến bất cứ lúc nào và ta sẽ không biết khi nào nó đến.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Vậy 2019-nCoV có độc lực hay không?[/HOI]

[DAP] BS Trương Hữu Khanh trả lời: 2019-nCoV không có độc lực mạnh, độc lực mạnh nhất hiện nay là độc lực của virus gia cầm. Virus này không lây từ người sang người nhưng nó có thể gây chết người. Những virus khác không có độc lực nhiều.

Tính lây lan không phụ thuộc vào độc lực mà nó phụ thuộc vào việc nó còn mới. Bởi vì đứng trước 1 loại virus mới, nhiều người chưa có miễn dịch thể thì họ dễ bị bệnh. Còn những ai đã có miễn dịch thì dù có gặp virus cơ thể họ vẫn chống lại được. Đối với những đứa bé đã được chích ngừa sởi từ nhỏ thì chúng sẽ chống lại được bệnh COVID 2019 dễ dàng hơn.

Thể trạng của một người sẽ phụ thuộc vào sức khỏe, cơ địa và lứa tuổi. Với 2019-nCoV, rõ ràng là số ca tử vong thấp và số ca viêm phổi là không nhiều.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Virus sẽ làm gì trong cơ thể chúng ta?[/HOI]

[DAP] BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi nói về virus xâm nhập cơ thể chúng ta thì nó sẽ nhân đôi lên và gây bệnh. Nói về virus H1N1 có thể xâm nhập hệ thống cơ thể qua đường phổi và đường tiêu hóa. Virus này có thể gây viêm phổi và viêm mũi họng.

Nếu cơ địa đó khỏe mạnh thì nó sẽ sản xuất ra kháng thể để tiêu diệt virus đó. Nhưng nếu một người có cơ địa yếu, chẳng hạn như người lớn tuổi, có nhiều bệnh mạn tính (hay bệnh phổi mạn tính) thì sức đề kháng của người đó không mạnh để bắt con virus đó lại được, dẫn tới bị bệnh nặng.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Thời gian điều trị virus corona phải mất bao lâu?[/HOI]

[DAP] BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường con virus này sẽ gây bệnh trong vòng từ 5 - 7 ngày thì nó sẽ tự nguôi đi. Còn những ai bị viêm phổi thì bệnh tình có thể ngày càng nặng và sẽ kéo dài. Đặc biệt khi họ đang nằm trong bệnh viện.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Thời gian kể từ khi tiếp xúc đến khi có triệu chứng của bệnh nhân bị nhiễm nCoV?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cho đến hiện nay, người ta phỏng đoán là 14 ngày. Nếu con virus tấn công vào người mình mà hệ miễn dịch yếu thì virus sẽ dễ sinh sôi nảy nở trong cơ thể. Còn nếu lượng virus không nhiều, và hệ miễn dịch khỏe thì nó sẽ không gây bệnh.

Vì vậy người ta ước chừng trong vòng 14 ngày, lũ virus sẽ hình thành bệnh, xuất hiện triệu chứng. Có con virus sẽ xuất hiện triệu chứng sớm, có con thì xuất hiện triệu chứng trễ. Nhưng thường virus gây bệnh trong vòng từ 3 đến 5 ngày, sau đó nó sẽ hết dần dần.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Việc phòng chống dịch bệnh của hiện tại và trước đây có khác nhau không?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tin về bệnh lan truyền rất nhanh, vì thế ta phải giải thích cho cộng đồng để họ hiểu đúng về bệnh để phòng ngừa, đó là điều quan trọng, bởi nếu bệnh xảy ra rồi, việc tìm thuốc để điều trị luôn là một việc khó.

Trước kia, việc phòng chống rất cực bởi vì ta phải tuyên truyền cho mọi người, đi đến nhà người ta, và cùng nhau điều tra ra bệnh.

Công nghệ thông tin thời nay giúp chúng ta được nhiều thứ, như những thông tin mà các nhà chuyên môn cần để nghiên cứu về bệnh, nhưng nó lại khiến chúng ta khó kiểm soát được thông tin lan truyền trong cộng đồng. Chính vì vậy ta cần phải giải thích thông tin cho người khác hiểu, nếu không giải thích có thể dẫn đến sự hoảng loạn.

Chẳng hạn như điện thoại giúp ta gọi điện và gửi mail qua cho nhau, ta không cần phải chạy qua chạy lại. Nhưng ngược lại, mạng xã hội có thể dẫn đến tin đồn thật và giả khó phân biệt. Cái gì cũng có tính hai mặt của nó.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, nhiều thông tin có thể khiến cho nhiều người lo lắng, làm sao nhận ra tin đồn thất thiệt?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tin khác với thông tin. Thông tin thì phải phân tích, phải có số liệu, dữ liệu thì ta mới sử dụng được. Tin tức thì nói bâng quơ. Khi nghe thông tin thì ta cần biết cách phân tích.

Ví dụ như khi người ta nói ta dùng một phương pháp gì đó đặc biệt để chống nCoV thì làm sao chứng minh được vì đây là virus mới. Chúng ta phải nghiên cứu virus cũ và họ chỉ có cách để có được thuốc mới. Nhưng muốn có thuốc mới sẽ rất lâu vì phải trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm…

Có người đồn rằng uống nước tiểu vào sẽ diệt được nCoV, nhưng hồi xưa không có virus này nên đây là lời đồn bậy. Hoặc là mình nghe đồn là có bao nhiêu người chết ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì với sự việc như vậy bệnh viện không thể nào giấu được.

Những người đọc tin tức bị nhiễu loạn nên phân tích và đối chiếu hoặc đi hỏi người có chuyên môn. Tuy nhiên cũng có những người hễ thấy tin là muốn share ngay, điều đó dẫn đến tin tức hỗn loạn.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Chúng ta cần nhìn nhận thế nào về đúng về virus nCoV?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Con virus đáng lo ngại nhất là virus cúm bởi vì nó xảy ra hằng năm và khiến nhiều người chết, mặc dù người ta đã chế ra vacxin phòng ngừa. Virus ARSP là tác nhân gây viêm phổi, tới mùa thì chúng sẽ tấn công nếu ta rửa tay không tốt. Kế đến là những con virus ADERNO và virus sởi.

Xét cho cùng, nCoV chính là đàn em của những loại virus này. Hãy tưởng tượng và ước chừng nếu 10% viêm phổi thì mấy chục nghìn người là bao nhiêu? Rồi hàng trăm nghìn người thì bao nhiêu?[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Tại sao cúm H1N1 trở thành cúm mùa?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bởi vì đó là quy luật tự nhiên, virus không thể nào tồn tại được, nó phải sống ký sinh trong một ký chủ nào đó. Ví dụ như virus corona có hai loại: một dòng sống bám ở người, một dòng sống bám ở súc vật.

SARS ngày xưa sống bám ở chồn là chính, MERS thì sống ký chủ ở dơi và lạc đà. Nhưng khi con người tiếp xúc nhiều với súc vật quá, nó có thể bị lây truyền và khiến cho người đó chết.

Nhưng nếu mình tiếp xúc ít thì virus dùng tế bào của mình và nó sẽ thay đổi cấu trúc tế bào để nó có thể lây từ người sang người một cách dễ dàng. Chẳng hạn như khi SARS lây từ con chồn hương thì ta cách ly con chồn hương. MERS thì lây từ lạc đà sang con dơi, nhưng MERS trung Đông thì vẫn còn vì lạc đà còn nhiều. Nhưng nếu họ đã biết được thì họ sẽ cách ngừa không cho chúng lây nhiễm.

Bệnh H1N1 là một quy trình của 20 năm, nó xuất hiện vào năm 1999 khi nó giao thoa giữa heo và gà, sau đó nó lan dần dần và trở nên hợp với người vào năm 2009. Ban đầu bệnh này ít lây từ người sang người, nhưng sau đó nó sẽ lan rộng nhanh. Điều này có nghĩa là gần như trên thế giới bị H1N1.

Có thể con virus nCOv 2019 mà không bị tuyệt chủng thì nó sẽ được kế nạp vào con virus thứ 5 của human virus corona. Bởi vì trước giờ mình có 4 loại Corona virus ở người, hiện tại tạm thời kết nạp con MERS. Nếu con virus này thuần với mình thì nó sẽ trở thành con virus corona thứ 5. Trong tương lai, ta sẽ có con virus thứ 6.

Đó là lý do vì sao tổ chức y tế thế giới khuyên chúng ta không nên ăn thịt sống và tiếp xúc với động vật sống quá nhiều vì nó sẽ nhảy vào cơ thể mình. Ban đầu thì có vẻ con virus chưa quen với cơ thể, nhưng một ngày một ít nó sẽ quen dần với cơ thể mình và gây bệnh mạnh.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Sau khi dịch bệnh này kết thúc thì chúng ta cần chuẩn bị tinh thần và đối phó với các loại virus này ra sao?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ví dụ như bệnh SARS làm người ta nhớ về bài học không được tiếp xúc với động vật hoang dã. Người ta không bao giờ ăn động vật hoang dã, nhưng lâu dần thì người ta quên và dịch vụ thương mại du lịch càng phát triển khiến nhiều người muốn ăn món lạ có liên quan đến động vật hoang dã, bệnh cũng trở lại.

Nếu con người không sửa chữa thói quen ăn động vật hoang dã, thì con người sẽ gánh lấy hậu quả.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Làm sao để cải thiện tình hình sức khỏe của mình trong mùa dịch COVID 2019?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tăng cường sức đề kháng rất quan trọng đối với mỗi chúng ta. Ví dụ như ta cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước, tập thể dục và tránh đi những hoạt động gây mất đi sức đề kháng chẳng hạn như chơi ngoài nắng lâu quá, tắm quá lâu, chơi thể thao quá mức cần thiết (vẫn nên duy trì thể dục ở mức độ vừa phải vì hoạt động này giúp ích cho hệ miễn dịch, chú ý là không để quá sức),…

Đối với dinh dưỡng, ta cần ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin A, vitamin C và vitamin D chẳng hạn như trái cây tươi và rau xanh để tăng sức đề kháng.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Đánh giá của bác sĩ khi mọi người khi cuống cuồng bồi bổ cơ thể vì dịch bệnh?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mọi người nhanh chóng bổ sung chất bổ dưỡng cho cơ thể là tốt nhưng nó còn phụ thuộc ý thức về sức khỏe của mỗi cá nhân và thức ăn là phải tự nhiên. Nói chung ta không nên lạm dụng thuốc bổ.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Bác sĩ có ý kiến gì khi các phụ huynh truyền tai nhau các món bồi bổ cho con trẻ từ hạt chia, tổ yến, chùm ngây và các loại sữa... với mong muốn bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho con?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nó không giúp gì nhiều, đứa trẻ phải ý thức về việc uống đủ nước, ăn nhiều trái cây tươi và ngủ đủ giấc, chích ngừa đầy đủ.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Khi có dịch COVID 2019, nó cũng gây ảnh hưởng đến giờ sinh hoạt của các em học sinh?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sẽ có tình trạng các em thức khuya đến 11 hoặc 12h khuya, rồi ngày hôm sau dậy lúc 11 hoặc 12h trưa. Nhưng đối với trẻ em thì không nên như vậy, ta cần tập cho trẻ cái nếp ăn ngủ cho đúng giờ đúng lúc. Đặc biệt khi rảnh, các em sẽ chơi khuya, phụ huynh nên để ý việc này.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Theo bác sĩ, Việc đeo khẩu trang như thế nào đúng?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đeo khẩu trang y tế không đúng cách có thể dẫn đến phản tác dụng, khi không chịu nổi có người kéo khẩu trang xuống. Ví dụ như mình kéo khẩu trang xuống cho thoáng khí một lát, rồi mình lại kéo lên nghĩa là virus đã chui vào cơ thể mình rồi. Khẩu trang y tế chỉ được sử dụng 1 lần rồi bỏ.

Muốn đeo khẩu trang y tế thì phải chọn đúng nghề nghiệp và đối tượng, chẳng hạn như bác sĩ phẫu thuật. Nếu sợ virus thì ta có thể lót hai miếng giấy trong khẩu trang vải.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Nước súc họng miệng có ích lợi trong mùa dịch không ạ?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Ta phải làm đúng quy tắc để bảo vệ ta. Phải súc bằng nước muối, dùng kẹo ngậm, và nước sút miệng đúng cách, tuyệt đối không lạm dụng. Nói chung ta phải vệ sinh tai mũi họng đúng cách và uống đủ nước để tránh bị khô họng.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Số lượng trẻ em bị nhiễm nCOv ít hơn đối tượng người lớn đặc biệt là nam giới và người lớn tuổi, vì sao?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nguyên nhân là do trẻ được chích ngừa sởi, chính vì chích ngừa sởi vacxin sởi làm giảm tác hại của virus nCOv. Nhưng ta nên tìm tòi kỹ hơn về dịch COVID 2019.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Có một số ý kiến cho rằng nhiều người lớn cùng nhau chạy đua đưa con em mình đi chích ngừa sởi, như vậy có nên không?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đưa trẻ đi chích ngừa là tốt nhưng ta không nên nhao nhao để tránh phản tác dụng. Nói chung là trẻ cứ đi chích từng mũi theo lịch tiêm chủng.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Làm sao để phụ huynh được yên tâm khi con cái mình trở lại trường học?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cách đây 2 tháng, trẻ bị bệnh rất nhiều do dịch SRSP. Nhưng nếu con mình không đi chơi Trung Quốc hay tiếp xúc với người bị bệnh thì không có gì phải lo. Nói chung ta phải có trách nhiệm quan tâm và chăm sóc con của chúng ta như trung tâm y tế làm với chúng ta.[/DAP]

[HOI]MC Ngọc Hương: Để cùng nhau phòng chống dịch bệnh COVID 2019, cChúng ta cần làm gì trong giai đoạn này, thưa bác sĩ?[/HOI]

[DAP]BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước hết, ta cần phải rửa tay. Thứ hai, nếu ta là người được cách ly thì nên làm vì người thân. Hai điều đó là điều ta phải làm trên hết. Thứ ba, nếu ta không chắc ta có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay không thì ta cần phải tham vấn.

Nếu cộng đồng cùng chung tay thì bệnh COVID 2019 sẽ mau chóng được giảm. Còn không thì bệnh tình sẽ càng nặng hơn.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X