Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: 40 tuổi, đừng nghĩ bạn quá trẻ cho một cơn đột quỵ!

GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam đang giao lưu trực tuyến với chủ đề "40 tuổi, đừng nghĩ bạn quá trẻ cho một cơn đột quỵ!". Mời bạn đọc đón xem.

[HOI]Lâu nay chúng ta vẫn thường nghĩ đột quỵ là nguy cơ của tuổi già, của những người mang sẵn bệnh nền như tim mạch, tiểu đường… nhưng nay thông tin người trẻ, người thành đạt, người đang khỏe mạnh bỗng đột ngột ra đi vì cơn tai biến lại tràn ngập trên báo đài. Thưa GS Nguyễn Văn Thông, ông có thấy có sự dịch chuyển về tuổi, về giới, về nghề nghiệp trước căn bệnh đang được xem là “sát thủ” này không?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Theo y văn thế giới và tổng kết chung của y học thế giới, đột quỵ hay xảy ra ở những người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở những người 40 tuổi trở lên tương đối nhiều. Theo thống kê, trong 1 năm sẽ tăng thêm 2% những người 40 tuổi trở lên bị đột quỵ.[/DAP]

[HOI]Cả tuổi trẻ phấn đấu cho sự nghiệp, đến độ tuổi ngoài 40, bắt đầu có chỗ đứng, có vị thế trong xã hội thì một số người “lăn đùng” ra đột quỵ. Nhờ BS lý giải vì sao đột quỵ lại “canh me” giai đoạn vàng son này mà “ra tay” vậy ạ?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Đột quỵ có rất nhiều yếu tố, nguyên nhân.

Thứ nhất, lối sống hiện đại, xã hội ngày càng phát triển, tỷ lệ người dân thành thị nhiều hơn, những người từ nông thôn ra thành thị mưu cầu cuộc sống tăng lên. Ở thành thị, khi làm việc tại các cơ quan nhà nước, công ty, xí nghiệp có nhiều áp lực trong công việc từ chuyện phải tăng ca, làm liên tục kéo dài, hay người làm văn phòng thì ít vận động. Bên cạnh đó, nhu cầu nhà ở, sinh hoạt làm tăng áp lực, gánh nặng cho mỗi người, từ đó đòi hỏi phải cắt giảm nhiều thời gian cho bản thân để tập trung vào sự nghiệp dẫn đến stress, tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn, rồi thì đến mất ngủ, rối loạn mất ngủ... Đây đều là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Thứ 2, lối sống hiện đại khiến sinh hoạt đảo lộn, ăn nhanh hơn, vội vã hơn, thức ăn nhanh trở nên phổ biến trong khẩu phần ăn của nhiều người, thích đồ ăn chiên rán, giảm thời gian ăn rau xanh, hoa quả, lạm dụng đồ uống có gas, đồ uống có cồn làm tăng tỷ lệ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp... Xơ vữa động mạch, tăng huyết áp là 2 yếu tố quan trọng có thể dẫn đến đột quỵ.

Thứ 3, thời gian làm nhiều việc nhiều, bận con cái nên ít thư giãn, bỏ qua việc luyện tập thể dục thể thao, mà khi làm việc một tư thế, thành mạch trở kém trung giãn, kém đàn hồi dẫn đến hẹp lòng mạch, tăng huyết áp.

Thứ 4 là chúng ta coi thường. Vì nghĩ đột quỵ gặp ở người già, mình mới 40 tuổi thì có gì đáng lo nên không quan tâm, không kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đây là 4 vấn đề khiến đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng lên.[/DAP]

[HOI]Tuổi 40, rất nhiều người bước vào các bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường. Vậy 2 căn bệnh này có liên quan như thế nào tới đột quỵ? Trong mùa đông giá rét, họ cần lưu ý gì để tránh nguy cơ đột quỵ?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Hiện nay, tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ, ngoài ra còn có xơ vữa động mạch, bệnh tim và một số bệnh mạn tính khác. Người ta thống kê trong những người đột quỵ có khoảng 70-90% những trường hợp có tiền sử huyết áp và tăng huyết áp. Gần như tăng huyết áp là nguy cơ quan trọng nhất.

Vậy tại sao tăng huyết áp lại dẫn đến đột quỵ? Khi huyết áp tăng sẽ gây tổn thương thành mạch. Khi thành mạch bị tổn thương sẽ kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ làm tăng sinh lòng mạch, hẹp lòng động mạch, làm cho các mảng xơ vữa ở những thành phần hữu hình trong máu như bạch cầu, tiểu cầu, đại thực bào, gốc tự do… bám vào, làm hẹp và tạo huyết khối.

Khi có cơn tăng huyết áp có thể gây cục máu đông di trú đi chỗ khác, gây tắc mạch chỗ khác… Hoặc làm thành mạch kém bền vững, vỡ mạch và chảy máu não. Vì vậy, tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nguy cơ đột quỵ.

Thứ hai là đái tháo đường. Người ta thống kê những người bị đái tháo đường sẽ có nguy cơ đột quỵ gấp 1.5 lần so với người bình thường. Tại sao đái tháo đường cũng dẫn đến đột quỵ? Đái tháo đường, tăng huyết áp là 2 bệnh song hành. Khi đái tháo đường làm cho độ quánh trong máu tăng lên, tốc độ dòng máu chậm lại và dẫn đến tăng huyết áp.

Như vậy, đái tháo đường dẫn đến tăng huyết áp, tăng huyết áp dẫn đến đái tháo đường, và dẫn đến các tổn thương tắc mạch nhiều hơn. Vì vậy tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 nguy cơ song hành, cái nọ là nguyên nhân của cái kia, cái kia là hậu quả của cái nọ, nên đây là 2 yếu tố nguy cơ rất quan trọng khiến cho người mắc dễ bị đột quỵ hơn.[/DAP]
[HOI]Trong sinh hoạt và dinh dưỡng của tuổi 40, nên có bài tập và chế độ ăn uống như thế nào để tránh đột quỵ tim và não? Như người Nhật có món đậu nành lên men, vậy Việt Nam chúng ta có những thực phẩm nào giúp cho mạch máu dẻo dai, tránh xơ vữa?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Đột quỵ có 2 dạng, tắc mạch và vỡ mạch. Ở người trung niên và cao tuổi, không có bài tập riêng cho cá nhân, lứa tuổi đó cả. Nên xem bài tập nào phù hợp với sức khỏe, ví dụ bệnh mạn tính cũng có bài tập riêng, người bị thoái hóa khớp thì không chạy bộ, đi bộ nhiều vì sẽ làm tăng trọng lực cơ thể, tạo áp lực lên các khớp. Như vậy, tùy theo tình trạng sức khỏe mà có bài tập khác nhau. Nếu chúng ta tập xong mà thấy thư giãn, thoải mái, khỏe mạnh, huyết áp không tăng, mạch không nhanh quá mức, hiệu suất công việc tăng lên sau đó thì đó là bài tập đúng, chứ không có bài tập nào chung cho tất cả mọi người. Ví dụ như tập yoga ai cũng nghĩ là tốt nhưng không phải người nào cũng phù hợp, nếu người thoái hóa làm sao bẻ cổ, bẻ chân, xoạc chân lên được, có khi nguy cơ thoái hóa nặng thêm.

Về chế độ ăn uống liên quan rất nhiều đến tình trạng xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Chúng ta nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, vì nó cung cấp chất xơ tăng để hấp thu cholesterol dư thừa thải ra ngoài cơ thể. Nên hạn chế ăn đồ ăn chiên rán, quá mặn, đồ ăn có nhiều chất béo ví dụ như nội tạng (tim, gan...). Đồng thời nên giảm tinh bột, chúng ta tưởng rằng tinh bột không gây ra mỡ, nhưng nếu chúng ta ăn nhiều mà ít vận động thì sẽ không chuyển hóa được bao nhiêu, làm tái tạo thành mỡ, rồi làm tăng lượng đường máu lên nhiều.

Mặt khác, không nên lạm dụng rượu bia, hạn chế đồ uống có gas. Đó là những nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ của đái tháo đường, tăng nguy cơ dẫn đến tổn thương các bệnh mạn tính khác như gan...

Không nên ăn quá mặn, quá no vào một bữa, nhất là vào buổi tối. Chế độ ăn rất quan trọng dẫn đến xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, đây đều là các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.[/DAP]

[HOI]Phong trào detox đang rất hot được cho rằng sẽ giúp thanh lọc cơ thể, quét sạch mỡ máu, ngừa ung thư, đột quỵ… Xin hỏi, phương pháp này có cơ sở phòng các bệnh hiểm không thưa GS?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Nói một cách đơn giản, detox là thanh lọc, thải chất độc, chất dư thừa ra khỏi cơ thể, vệ sinh các cơ quan trong cơ thể. Từ đó dẫn đến thải các chất độc trong cơ thể, làm cơ thể nhẹ nhàng, đó là một giải pháp tốt. Hiện nay, những phương pháp “detox” người ta thường áp dụng, đó là: chế độ ăn uống, uống nhiều nước, uống nước xay hoa quả; thải độc gan, thải độc ruột già, thải độc thận, thải độc đại tràng…

Tuy nhiên, tôi muốn nêu 1 vấn đề, detox có vai trò như thế nào? Detox là 1 giải pháp tốt nhưng chúng ta phải áp dụng cho đúng, bởi vì theo cơ sở khoa học, năng lượng, nhu cầu cơ thể trong 1 ngày là khác nhau.

Thí dụ, những người trong độ tuổi trưởng thành, nam giới nếu lao động nhẹ cần khoảng 200-300kcalo/ ngày; những người lao động vừa cần 2600kcalo/ ngày; những người lao động nặng cần 3000kcalo. Đối với nữ giới cũng khác nhau, nếu lao động nhẹ cần 1900kcalo/ ngày; lao động vừa cần 2200kcalo/ ngày; lao động nặng 2500-2600kcalo/ ngày. Tuy nhiên, năng lượng đưa vào cơ thể phải gồm: tinh bột (chiếm khoảng 60-65%), chất béo (12-14%), chất đạm (protein chiếm khoảng >20%), ngoài ra còn các yếu tố vi lượng, vitamin…

Vậy nếu uống nước không có được không? Uống các nước sinh tố, hoa quả có đủ năng lượng không, có đủ chất béo, protein không?… Đây là vấn đề chúng ta cần xem xét, cân nhắc. Nếu detox không đúng thì dẫn đến mệt mỏi, uể oải, thậm chí nhiều trường hợp còn phải cấp cứu và tử vong bởi vì detox không đúng phương pháp.

Detox đúng nhất là gì? Chế độ ăn uống cần đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng. Tập luyện thường xuyên. Uống đủ nước. Nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc… Detox là 1 phương pháp, nhưng không ai chỉ dùng detox để giảm cân bởi thực chất detox không giúp giảm cân và thải chất độc ra ngoài. Thế nên, chúng ta phải hiểu cho đúng. Detox giúp thanh lọc cơ thể, nhưng nếu làm không đúng dẫn đến các cơ quan trong cơ thể không đủ năng lượng, người mệt mỏi, uể oải, suy nhược…[/DAP]

[HOI]Ai cũng biết thường xuyên stress có nguy cơ đột quỵ cao, nhưng cuộc sống khó tránh khỏi stress. Vậy theo BS, làm cách nào để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả khi các vấn đề khiến cho chúng ta stress vẫn đang “thập diện mai phục”?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Stress hay căng thẳng không phải hoàn toàn có hại mà nó cũng là một phản ứng của cơ thể để bảo vệ với những kích ứng nào đó. Tuy nhiên, stress thường xuyên sẽ có hại bởi vì cơ thể không tự điều chỉnh được.

Để bản thân stress, chấn thương tâm lý kéo dài tôi nghĩ rằng chúng ta nên bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không phải là về ý nghĩa phấn đấu mà chẳng hạn như trong gia đình, chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá cao vào con cái để rồi tự tạo áp lực cho chính bản thân và con chúng ta. Không nên yêu cầu con cái phải phấn đấu để vào trường chuyên nọ, trường chuyên kia trong khi con lại có khả năng, sở thích khác. Hay trong mối quan hệ vợ chồng cũng vậy, sẽ không tránh khỏi quan điểm khác nhau, như vợ thích xem phim Hàn Quốc, chồng thích thể thao nhưng trong nhà chỉ có 1 chiếc tivi, 2 vợ chồng đến giờ là căng thẳng xem ai là người được coi trước. Đó cũng là một kiểu căng thẳng trường diễn mà chúng ta không nên bỏ quan, tìm cách hóa giải. Trong cuộc sống, có rất nhiều vấn đề cần phải lo như kinh tế, quan hệ vợ chồng, con cái, nhu cầu... vậy thì chúng ta nên hài lòng, chập nhận với những gì đang có.

Trong công việc cũng vậy, không nên đặt áp lực phải đạt được vị trí này, vị trí khác mà chúng ta xa rời cuộc sống, không hòa nhập với các sinh hoạt thường ngày.

Thứ hai, để tránh stress thì chúng ta cần một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Ví dụ như không nên vì kinh tế, tăng ca 12 tiếng/ ngày trường diễn trong cả tuần dẫn đến căng thẳng mà không được nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi đã khám cho nhiều trường hợp bị đau đầu, căng thẳng vì tăng ca, dù có thêm thu nhập nhưng không có thời gian nghỉ ngơi, cuối cùng số tiền đó để đi khám bệnh thì cũng bằng với tiền thu nhập thêm. Đây là thực tế mà khi khám bệnh tôi đã thấy. Vì thế, cần phải có thời gian cho riêng mình, lao động - nghỉ ngơi hợp lý, giải stress cũng là để tái lập lại năng lượng cho cơ thể.

Ngoài ra, còn vấn đề khác đó là tránh xa lối sống “buông thả” như rượu bia, nhậu nhẹt suốt ngày. Nếu xem đây là niềm vui, thư giãn thì không đúng.

Tóm lại để tránh stress thì đầu tiên là bằng lòng với hiện tại, thứ 2 phải tập luyện, có thời giân thư giãn nghỉ ngơi, thứ 3 là tránh các thói hư tật xấu. Nếu làm được những điều này, tôi tin rằng sẽ giảm stress cho cuộc sống của chúng ta.

Chắc hẳn trong cuộc sống, GS Thông cũng có lúc stress vì công việc, vậy ông làm cách nào để relax bản thân ạ?

Có những lúc tôi bị căng thẳng thì thường sẽ nghe nhạc, những bản nhạc yêu thích, hay ra ngoài hít thờ, hoặc buổi sáng dậy sớm hơn, buổi chiều về sớm hơn để tập luyện thể dục một chút. Ngoài ra, chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi với bạn bè... để hạn chế stress.[/DAP]

[HOI]Với những người làm công việc kinh doanh, khó có thể tránh khỏi những buổi giao tiếp có bia rượu. Họ cũng nghĩ tới sức khỏe của mình, nhưng việc cần làm thì vẫn phải làm. Vậy giải pháp nào giúp họ phòng ngừa đột quỵ, thưa BS?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Thực chất “văn hóa rượu bia” là cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên những quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam thường là do thói quen, nếp sống, phong tục tập quán… thì rượu bia “nổi hơn”. Nhưng nếu lạm dụng rượu bia thái quá thì rất có hại. Thứ nhất, ảnh hưởng chức năng giải độc của cơ thể như gan, thận,… và dẫn đến các bệnh mạn tính, nguy hiểm hơn là huyết áp, đột quỵ.

Nhưng nói qua cũng phải nói lại, những người kinh doanh, đầu tư, hay ngay cả bản thân chúng tôi lắm lúc vì công việc, hoặc thư giãn, bàn bạc công việc, phải có chén rượu ngà ngà một chút mới bắt đầu ra công trình, dự án… Nhưng chúng ta phải biết kiềm chế bằng cách uống rượu vang, rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không uống rượu tây tàu lung tung. Theo đánh giá chung, uống rượu mạnh không quá 100ml/ ngày, rượu vang không quá 1 cốc/ ngày, bia không quá 2 lon/ ngày… là tiêu chuẩn giảm đột quỵ. Rượu vang cũng có tác dụng hạn chế nguy cơ đột quỵ bởi tăng HDLC lên rất cao, làm các gốc tự do rời khỏi cơ thể.

Thứ hai, không nên uống thâu đêm suốt sáng, bởi chúng ta sẽ ăn những thức ăn không đảm bảo sức khỏe, ngủ không đủ giấc.

Thứ ba, chúng ta cần có thời gian cho các cơ quan thải độc nghỉ ngơi. Thí dụ, uống 2/3 lần/ tuần, chứ không nên ngày nào cũng uống rượu bia. Chúng ta không nên uống rượu bia làm tiêu chí để thúc đẩy công việc, chính nhất vẫn là công sức lao động, kế hoạch làm việc, quan điểm… Không nên lấy cớ uống rượu bia phục vụ công việc để buông thả bản thân.[/DAP]

[HOI]Hiện tại, phong trào chạy bộ đang phát triển rầm rộ khắp trong Nam ngoài Bắc, thu hút rất nhiều người trẻ và giới doanh nhân. Xin hỏi GS, những người tuổi 40 có nên tham gia các cuộc đua marathon không? Nếu có, họ cần lưu ý những gì?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Chạy bộ hay marathon là một hoạt động thể thao rất tốt cho sức khỏe. Bởi nó làm tăng trung giãn của thành mạch, tăng các cơ khớp hoạt động tốt, thay đổi môi trường, hoạt động cơ bắp giúp chúng ta sảng khoái, đẩy lùi căng thẳng.

Nhưng khi ở tuổi 40, cơ thể đã bước vào giai đoạn trung niên thì chúng ta cần cân nhắc, lúc này các cơ khớp đã bắt đầu thoái hóa, các dây chằng chùng lại, một số hoạt động khác của cơ cũng bắt đầu giảm đi, đương nhiên chúng ta không ai cưỡng lại tuổi tác được cả.

Khi ở độ tuổi này mà không có kèm theo bệnh mạn tính, vẫn chạy thường xuyên thì có thể có thể tham dự các cuộc đua marathon, tuy nhiên nên chạy với tần số, cường độ giảm dần, khi chạy có thể nói chuyện mang tính chất trao đổi thoải mái, nghĩa là chạy bộ nhưng thực chất là đi bộ nhanh. Chạy làm sao để huyết áp không tăng quá cao, không vượt quá 150 mmHg, mạch sau khi nghỉ ngơi, thư giãn sẽ quay trở lại bình thường.

Với những người mắc bệnh mạn tính, thoái hóa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, xơ vữa động mạch... thì phải xem xét, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi chạy. Chúng ta không nên nghĩ rằng "Người ta chạy được, tôi cũng chạy được". Tuổi trung niên các cơ quan có xu hướng đi vào quá tình thoái hóa do đó cần cân nhắc.

Nếu có chạy thì theo khuyến cáo 1 tuần chỉ nên chạy dưới 3 giờ, như vậy 1 tuần có thể chạy 2-3 buổi, mỗi lần không quá 1 giờ thì tôi nghĩ rằng sẽ rất tốt. Chúng ta không nên vì quá vui nên chạy tăng tốc khiến cho huyết áp tăng quá nhiều, vượt quá mức thì sẽ rất nguy hiểm.[/DAP]

[HOI]Đột quỵ và di chứng của căn bệnh này thật đáng sợ. Nhưng cũng rất may là hiện có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa đột quỵ có chứa các dược liệu, dược chất khác nhau như nattokinase, tỏi đen, địa long… Vậy chúng ta nên lựa chọn như thế nào ạ?[/HOI]
[DAP] GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Ở đây tôi muốn nói rằng những sản phẩm hỗ trợ và dự phòng đột quỵ, không nói đến thuốc điều trị, đều mang tính dược liệu, y học cổ truyền. Có rất nhiều sản phẩm chứa nattokinase, tỏi đen, địa long… đều rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải lựa chọn những sản phẩm thích hợp với mình, đạt tiêu chuẩn GDP, có quy trình sản xuất hiện đại và được Bộ Y tế cho phép. Nếu nghe truyền miệng và uống không đúng, rồi sắc, đun không đúng phương pháp thì không nên.

Về cơ bản, nếu có các nguy cơ thì chúng ta cần điều chỉnh huyết áp, điều chỉnh tim mạch, đái tháo đường… Trong các sản phẩm mang tính chất hỗ trợ, tôi thấy Natto Enzym được chiết xuất từ đậu tương lên men, xuất xứ từ Nhật, được nhiều người sử dụng và có tác dụng hạn chế, dự phòng đột quỵ, ổn định huyết áp về lâu dài.[/DAP]

[HOI]Ngoài việc chọn lựa, bạn đọc còn rất quan tâm đến việc nên sử dụng bao lâu. Vậy chúng ta có nên dùng lâu dài 1 sản phẩm, hay dùng một thời gian như 3 tháng, 6 tháng rồi “đổi gió” qua sản phẩm khác? Việc dùng lâu dài 1 sản phẩm có gì bất lợi không ạ?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Đây là một câu hỏi rất hay. Ở những người từ 40 tuổi trở lên, các cơ quan có xu hướng bắt đầu vào quá trình thoái hóa tăng hơn quá trình tổng hợp, nhiều yếu tố nguy cơ đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim... Những bệnh đó không phải tự nhiên xuất hiện mà nó là cả quá trình trường diễn và sẽ đi theo cả đời. Vì thế, chúng ta sử dụng một loại nào đó thì nên kéo dài, chọn sản phẩm nào phù hợp với mình và không nên thay đổi thường xuyên. Đây là những sản phẩm mang tính hỗ trợ, chiết suất từ thảo dược không ảnh hưởng đến sức khỏe thì có thể dùng lâu dài. Tuy nhiên, khi dùng phải thường xuyên kiểm tra cơ thể,  nếu thấy huyết áp vẫn tăng lên, xét nghiệm xơ vữa động mạch vẫn tăng lên thì phải dùng kết hợp Đông y với Tây y xem xét thêm.[/DAP]

[HOI]Song song với việc dùng sản phẩm phòng ngừa thì việc tầm soát đột quỵ nên tiến hành như thế nào, thưa BS?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Tuổi 40 trở lên phải tầm soát đột quỵ. Bởi theo những điểm chung của thế giới và Việt Nam, những người 40 tuổi trở lên không có các yếu tố nguy cơ: không tăng huyết áp, không đái tháo đường, không xơ vữa động mạch, không mắc bệnh tim và các bệnh mạn tính khác thì kiểm tra sức khỏe 6 tháng/ lần để tầm soát những gì mới xuất hiện. Những người có các yếu tố nguy cơ trên thì 3 tháng tầm soát 1 lần.

Quan trọng nhất, chúng ta phải theo dõi kỹ cơ thể của mình, nếu như thấy có những bất thường cần nhanh chóng đến các bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra. Ví dụ, anh cảm thấy nóng bừng trong đầu, nhiều người tưởng đó là căng thẳng nhưng không phải, đó là cơn huyết áp. Hoặc anh đang bị đái tháo đường, nhưng gần đây bị sụt ký hoặc tự nhiên ăn uống tốt lên, thì đó là lúc anh cần tầm soát… Vậy nên những đối tượng có yếu tố nguy cơ cần theo dõi những biểu hiện bất thường của cơ thể. Còn những đối tượng khác là nên kiểm tra đúng thời hạn.[/DAP]

[HOI]Theo GS, những môn thể thao nào phù hợp với độ tuổi 40 và giới trung niên? Việc tập luyện thể dục thể thao vào mùa đông cần lưu ý gì? Thỉnh thoảng có tin tức doanh nhân bị đột quỵ trên sân tennis, làm sao để phòng tránh - đặc biệt là trong những ngày thời tiết lạnh giá?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Đây là vấn đề chúng ta cần cân nhắc. Các môn thể thao nào cũng đều tốt. Tuy nhiên, vì bất kỳ vấn đề gì chúng ta làm thái quá cũng đều không tốt cho cơ thể. Những người tuổi cao có tăng huyết áp, thoái hóa khớp ra sân tennis đánh vài trận vẫn thấy xoay mạnh được khiến chúng ta không để ý, nhưng một thời gian thoái hóa sẽ tăng lên.

Với những người trên 40 tuổi, vẫn chơi tennis từ trước đến giờ, hay các môn thể thao khác như cầu lông, đánh golf và thấy duy trì sức khỏe thì vẫn nên tiếp tục, nhưng sẽ phải xem xét thư giãn, khởi động trước sau cẩn thận. Quan trọng hơn cả là cảm thấy thoải mái sau khi chơi. Bên cạnh đó, sau khi chơi thể thao không phải là đi uống rượu bia thiệt nhiều để giải trí, vì như vậy cuối cùng vẫn mất đi tác dụng của việc tập luyện.

Còn với những người có nguy cơ thì không nên chơi các môn thể thao nặng, ví dụ như tennis, bóng đá, mà có thể chọn những môn thể thao nhẹ hơn như bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bơi hoặc tập trên máy. Không nên đến tuổi này lại đi chơi vài trận tennis, nhiều trường hợp gục ngay tại sân, rất nguy hiểm.

Do đó, theo tôi nên chọn giải pháp phù hợp với cơ thể, chọn môn thể thao nhẹ nhàng thích hợp hơn với người 40 tuổi như tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên, chơi thể thao nhẹ nhàng cũng cần chú ý đến khả năng của cơ thể, không phải thấy môn bóng bàn nhẹ nhàng rồi chơi đến 10 trận xong thở dốc là không đúng. Quan trọng nhất xin nhắc lại một lần nữa là phải khởi động trước sau cẩn thận, chơi thể thao phải có kết quả là cảm thấy thoải mái, nâng cao tinh thần, thể trạng, huyết áp, mạch không tăng cao quá nhanh.[/DAP]

[HOI]Theo dự báo thời tiết, từ hôm nay cho đến 3 ngày nữa, nhiệt độ của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lúc thấp nhất chỉ còn 7, 8 độ C. Cái lạnh đột ngột và đến sớm như vậy mang theo nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý khác nguy hiểm như thế nào, thưa GS?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Thực tế tại bệnh viện cho thấy, vào mùa đông, tỷ lệ đột quỵ cao hơn các mùa khác, kể cả những người trẻ. Tại sao lại như thế?

Thứ nhất, đột quỵ tắc mạch hay xảy ra vào ban đêm và gần sáng. Buổi sáng mùa đông lại vội vàng đi thể dục từ 5h sáng, ra đường gặp các xe phóng nhanh, vội vã, trước hết sẽ bị tai nạn giao thông. Hoặc do cơ thể vừa đang trong chăn ấm nệm êm, lại vội vùng dậy ra đường trong nhiệt độ khác biệt, cơ thể không thể thích nghi cho sự thay đổi đột ngột của thời tiết… là hoàn toàn không có lợi.

Chúng ta nên mặc ấm khi đi thể dục buổi sáng, muộn một chút; những người cao tuổi nên đợi mặt trời lên rồi mới đi bách bộ… nhưng quan trọng nhất chúng ta phải cho cơ thể dần thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài. Hoặc chúng ta có thể tập trong nhà… Và không nên quá rập khuôn, công thức như bình thường mà nên thay đổi linh hoạt.[/DAP]

[HOI]Để kết thúc phần 1, giáo sư có thể kể một trường hợp bệnh nhân đột quỵ nhờ được phát hiện sớm, tập luyện đúng cách mà phục hồi ngoạn mục?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Trước khi đi vào kể, tôi muốn khuyến cáo: nếu phát hiện đột quỵ do thiếu máu não, thời gian vàng để tiêm thuốc tiêu huyết khối là 4 giờ 30, và thời gian để lấy huyết khối là 6 giờ, nhưng đến càng sớm càng tốt; đối với chảy máu não có nhiều giải pháp để chúng ta điều trị được. Tuy nhiên, khi đột quỵ xảy ra rồi, nhu mô não bị tổn thương và 80-90% để lại di chứng.

Có rất nhiều trường hợp cấp cứu đột quỵ thành công. Tôi có một bệnh nhân 42 tuổi - là trưởng phòng nghiên cứu của một viện nghiên cứu rất lớn, cũng làm việc cả ngày, căng thẳng quá mức, say mê nghiên cứu, bị đột quỵ chảy máu não, liệt hoàn toàn, rối loạn ngôn ngữ và nói không rõ tiếng… Sau khi được điều trị tích cực và đúng phương pháp, tuy vẫn để lại di chứng đi không được, nhưng anh này vẫn kiểm tra, tái khám định kỳ thường xuyên với nghị lực rất lớn, tập luyện với sự trợ giúp của gia đình cùng quyết tâm cao. Sau 1-2 năm, anh vẫn đi làm việc và dần chống gậy, bước đi tập tễnh.

Tôi cho rằng anh ấy là tấm gương để các bệnh nhân có thể học hỏi. Rõ ràng anh đến bệnh viện kịp thời và duy trì các chế độ kiểm soát huyết áp, ăn uống, tập luyện và quan trọng nhất là nghị lực nên anh ấy mới có thể quay lại làm việc. Tất nhiên, không thể trở lại được như cũ, nhưng một người liệt hoàn toàn, nằm tại chỗ mà sau 1-2 năm quay lại làm việc và đi tập tễnh là quá tốt. Tôi cho rằng các bệnh nhân đột quỵ nên khám định kỳ, thường xuyên, duy trì chế độ ăn, chế độ tập luyện, kiểm soát huyết áp, tầm soát… Anh ấy là trưởng hợp điển hình mà ban đầu chúng tôi nghĩ rằng anh này chắc chắn sẽ tàn tật và nằm liệt giường, phụ thuộc vào người thân.[/DAP]

PHẦN 2: BẠN ĐỌC HỎI - BÁC SĨ TRẢ LỜI

[HOI]Nguyễn Đức Trung Tín - 34 tuổi, TPHCM

Thưa GS, gần đây bạn bè của em tag nhau cùng tham gia vào cuộc khảo sát đứng trên một chân trong 60 giây để nhận biết khả năng đột quỵ của một người. Em được biết các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản cũng từng công bố rằng là nếu một người trưởng thành không thể đứng trên một chân trong 20 giây thường có xu hướng bị đột quỵ.

Bác sĩ có thể giải thích thêm giúp em về điều này không ạ? Nếu vậy, với những người không thể đứng 1 chân trong vòng 20 giây thì nên làm gì tiếp theo? Phòng ngừa và phát hiện đột quỵ kịp thời ở những người này có gì khác biệt không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Cơ thể chúng ta là một khối thống nhất, tồn tại trong không gian mấy chiều để giữ thăng bằng, không chóng mặt, đi lại trong sức hút của trái đất. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thứ nhất là nhận cảm từ mắt, tai, tay, chân, thụ cảm thể gân cơ khớp, thụ thể ngoại vi bàn chân giúp cho cơ thể đệm trong không gian và tất cả thụ cảm thể đó nhận được các kích thích của cơ thể, từ bên ngoài dẫn đến não qua một hệ thống thông tin chằng chịt trên não và não bộ chỉ huy.

Rõ ràng, cơ thể ta cân xứng 2 bên, phải trái bằng nhau, bộ não điều chỉnh cả 2 bên, não bán cầu não phải điều chỉnh bên trái, bên trái điều chỉnh bên phải. Bài tập đứng một chân co một chân là để kiểm tra lại xem hệ thống tiếp nối, hệ thống thông tin mạng lưới chỉ huy của não có hoạt động tốt, đảm bảo không.

Từ một nghiên cứu tại Nhật, sau này một số nước châu Âu cũng tiến hành nghiên cứu trên 1.398 bệnh nhân ở tuổi 67, người ta cho đứng một chân thì kết quả khoảng 95% không đứng được 1 chân sau 20 giây. Sau đó tiến hành chụp cộng hưởng từ thì thấy rất rõ khoảng trên 50% có 1-2 ổ nhồi máu não nhỏ khuyết trong não, trên 45% có một vài ổ chảy máu vi thể cũ ở trong não. Như vậy, các nhà khoa học thấy rằng những người không đứng được 1 chân đã có tổn thương nhỏ dạng đột quỵ ở trên não, từ đó kết luận những người không đứng được 1 chân trong 20 giây thì có nguy cơ đột quỵ, hoặc thậm chí đã có đột quỵ nhỏ trong não.

Giải thích vấn đề này thì như tôi đã nói ở trên, bình thường khi đứng 2 chân ta duy trì mọi trạng thái trong không gian, đi, đứng, thăng bằng là do 2 bán cầu não chỉ huy tốt. Nếu như không đứng được một chân thì chỉ huy của cơ thể có thể đã bị rối loạn, hệ thống chỉ huy tổn thương hoặc tắc nghẽn. Đây có thể xem là một yếu tố báo hiệu.[/DAP]

[HOI]Trần Thị Kiều Oanh - oanhtrang78…@gmail.com

Chồng tôi 42 tuổi. Anh hiện đang giữ chức trưởng phòng tại một công ty nước ngoài nên làm việc với cường độ cao, thời gian làm việc tương đối nhiều, có khi 12-14 tiếng/ngày. Tôi được biết, người làm việc nhiều giờ liên tiếp, nhất là trên 10 giờ thì tăng nguy cơ đột quỵ rất cao, có thể tăng lên đến 50%.

Giáo sư cho gia đình tôi lời khuyên với ạ, về nguy cơ, cách phòng ngừa và các xét nghiệm có thể làm ở độ tuổi này? Có thuốc hay thực phẩm chức năng nào giúp phòng ngừa đột quỵ không thưa giáo sư? Chân thành cảm ơn và kính chúc giáo sư nhiều sức khỏe.[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Theo Luật Lao động cũng như quy định của các nước trên thế giới là làm việc 8 tiếng/ ngày. Như vậy chứng tỏ người ta đã nghiên cứu khá cẩn thận và sau giờ làm việc mọi người có thể thư giãn, nghỉ ngơi. Nếu chồng chị làm việc 12-14 tiếng/ ngày trường diễn, không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, năng lượng để làm việc đã vượt quá giới hạn. Vẫn nên có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng để tiếp tục làm việc.

Nếu làm việc liên tục nhiều giờ và kéo dài, năng lượng không đủ để làm việc, dễ dẫn đến căng thẳng, stress… đó là một trong những nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Chồng chị nên tập trung công việc vào ban ngày, ban đêm thư giãn nghỉ ngơi theo quy luật mặt trăng mặt trời. Ban ngày mặt trời tỏa năng lượng lớn, không thể ngủ ban ngày bù cho ban đêm. Ban đêm mặt trăng có sức hút thấp hơn, giúp cơ thể ngủ ngon và tái tạo tốt hơn.

Nếu chồng chị làm việc căng thẳng, stress,… ngoài thư giãn, nghỉ ngơi, thay đổi chế độ làm việc, chúng ta có thể dùng thêm vitamin. Nếu có thêm tăng huyết áp và các bệnh kèm theo thì dùng một số thực phẩm chức năng hay sản phẩm hỗ trợ để giúp hạn chế hình thành cục máu đông, đỡ hẹp hay xơ vữa động mạch.

Natto Enzym cũng là một sản phẩm giúp chúng ta ổn định huyết áp, hạn chế xơ vữa động mạch, dự phòng đột quỵ. Quan trọng nhất là chúng ta phải có chế độ ăn rau xanh, hoa quả, hạn chế đồ chiên rán, lạm dụng rượu bia, những điều này dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch.[/DAP]

[HOI]Hoàng My - Hà Nội

Em 48 tuổi, bị cao huyết áp. Hà Nội đang vào đông, nhà em có sử dụng máy điều hòa 2 chiều. Nhưng chỉ sợ khi đi ra ngoài đường thì bị sốc nhiệt, nhất là khi nhiệt độ chênh lệch nhiều. Vậy làm sao để cân bằng nhiệt độ trước khi ra đường để phòng tránh đột quỵ, thưa BS?[/HOI]

[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Chị Hoàng My thân mến,

Người ta đã nghiên cứu, nhiệt độ cơ thể chênh lệch trên 10 độ C thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nhà chị dùng điều hòa thường xuyên, thông thường vào mùa đông nhiệt độ vào buổi sáng có thể xuống đến 11 độ C, nhiệt độ cơ thể khoảng 36-37 độ, như vậy tốt nhất chị nên để nhiệt độ điều hòa trong nhà duy trì khoảng 26-27 độ. Trước khi ra ngoài chúng ta nên mặc ấm, có thể khởi động trước để cơ thể thích nghi dần dần rồi mới bước ra ngoài trời.

Nhiệt độ của điều hòa 26-27 độ kết hợp với sự điều chỉnh của cơ thể khoảng trên 10 độ C thì ra ngoài sẽ đỡ bị sốc nhiệt. Còn nếu chị để điều hòa khoảng 23-24 độ hoặc nóng quá và khi ra lạnh đột ngột thì cơ thể không điều chỉnh được sẽ dẫn đến trạng thái cơ thể không thích nghi, sẽ có phản ứng co - giãn mạch quá mức - đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.[/DAP]

[HOI]Dương Văn Long - TPHCM

Tôi là doanh nhân, thường xuyên làm việc căng thẳng và bay liên tục trên nhiều chặng. Tôi thấy mình vẫn khỏe lắm, dù có bị tiểu đường type 2, nhưng vợ tôi thì vô cùng lo lắng. Cô ấy mua NattoEnzym và các thuốc bổ khác cho tôi uống. Tôi được biết GS có làm các nghiên cứu khảo sát về tác động của men Nattokinase trong việc phòng ngừa đột quỵ, theo BS tôi uống sản phẩm này được không? Trân trọng cảm ơn GS![/HOI]
[DAP] GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Chúng tôi đã dùng y học hiện đại chứng minh, kết quả dùng Natto Enzym rất tốt. Trong trường hợp anh là doanh nhân, làm việc liên tục, đi máy bay liên tục, áp lực không khí thay đổi liên tục, hơn nữa anh còn bị đái tháo đường, rõ ràng đấy là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Anh dùng Natto Enzym là rất tốt. Vợ anh chắc cũng đã tìm hiểu và biết được công dụng của sản phẩm này. Anh nên dùng và có thể tốt cho anh.[/DAP]

[HOI]Vu nguyenquoc - Bạn đọc hỏi qua Youtube AloBacsi

Anh trai tôi bị xuất huyết não cách đây 3 tháng, rất may được cấp cứu kịp thời và hiện đang phục hồi. Tuy nhiên, 2 hôm trước tự nhiên lên cơn co giật, động kinh.

Tôi muốn hỏi cơn động kinh này là di chứng của đột quỵ hay là căn bệnh mới xuất hiện? Nếu là di chứng thì làm sao để đối phó với động kinh sau đột quỵ? Sử dụng thuốc và cách chăm sóc cần lưu ý gì? Trong mùa đông, người bệnh động kinh nên lưu gì trong sinh hoạt ạ?[/HOI]
[DAP]GS.TS.BS Nguyễn Văn Thông trả lời:

Trường hợp anh của bạn không có động kinh từ trước, khi bị đột quỵ chảy máo não rồi sau 2 tháng mới xuất hiện động kinh thì đây là động kinh muộn sau đột quỵ, chắc chắn là do nguyên nhân chảy máu não. Khi chảy máu não sẽ để lại tổn thương cho nhu mô não dẫn đến sẹo, xơ dính, ổ kích thích nên sẽ dẫn đến ổ kịch phát dẫn đến cơn động kinh.

Với những trường hợp động kinh muộn như thế này thì phải đến thầy thuốc để được đo điện não, đây là điều cơ bản nhất, sau đó có thể khảo sát lại CT, MRI… và dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc, thăm dò xem loại thuốc nào phù hợp với trường hợp của anh bạn. Lưu ý, đã là động kinh sau đột quỵ thì phải dùng thuốc lâu dài, không tự ý bỏ thuốc, thay thuốc.[/DAP]


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X