Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao phân biệt đột quỵ và chứng phình động mạch não?

Phình động mạch não và đột quỵ đều là tình trạng nguy hiểm. Những người sống sót thường gặp phải biến chứng có thể kéo dài đến cuối đời. Do đó, cần nhận biết một cách đúng đắn để được điều trị kịp thời tránh di chứng.

I. Đột quỵ và chứng phình động mạch não là gì?

Thuật ngữ “đột quỵ” và “phình động mạch não” đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau, tuy nhiên 2 tình trạng này có một số khác biệt quan trọng.

Một cơn đột quỵ xảy ra khi có một mạch máu bị vỡ và rỉ máu trong não hoặc máu cung cấp cho não bộ bị tắc nghẽn (nguyên nhân thường do cục máu đông).

Còn chứng phình động mạch là kết quả của thành động mạch bị suy yếu, gây ra các túi phồng trong cơ thể, nó có thể bị vỡ và sau đó chảy máu làm ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm não và tim.

Chứng phình động mạch khác với đột quỵ nhưng có thể dẫn đến đột quỵ

II. Triệu chứng của đột quỵ và chứng phình động mạch não

Các triệu chứng của đột quỵ và chứng phình động mạch não có thể phân biệt tương đối như sau:

Triệu chứng đột quỵ

Triệu chứng của phình động mạch não

  • Đau đầu đột ngột, dữ dội
  • Tê, yếu chân tay cùng bên
  • Mờ mắt
  • Nói nhầm, khó hiểu lời người khác nói
  • Méo miệng, nói khó
  • Chóng mặt
  • Có thể hôn mê
  • Đau đầu kéo dài hoặc đau tại vị trí túi phình
  • Tê, yếu ở 1 hoặc cả 2 chi cùng bên
  • Mờ mắt, một mí mắt rủ
  • Giảm trí nhớ
  • Nôn mửa

Tuy nhiên, không phải lúc nào đột quỵ cũng xảy ra tất cả các triệu chứng nên, vì vậy nếu có 1 hoặc vài dấu hiệu cảnh báo bạn cần liên hệ ngay tới trung tâm cấp cứu 115 để được hỗ trợ.

Đa số phình động mạch thường nhỏ, không gây biến chứng và không được phát hiện. Tuy nhiên một số khác có thể lớn dần, chèn ép nhu mô não và thần kinh chung quanh, gây các triệu chứng như trên.

dấu hiệu chứng phình động mạch Chân bị tê yếu do chứng phình động mạch

III. Nguyên nhân gây đột quỵ và chứng phình động mạch não

Có 2 dạng đột quỵ chính là đột quỵ do nhồi máu não (đột quỵ do thiếu máu cục bộ) và đột quỵ do xuất huyết não.

Chứng phình động mạch là kết quả của thành động mạch bị suy yếu, có thể do chấn thương, tình trạng sức khỏe như huyết áp cao, lạm dụng thuốc, hoặc một vấn đề về mạch máu mà bạn đã có sẵn (bẩm sinh).

1. Đột quỵ nhồi máu não

Đột quỵ do nhồi máu não là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 70-80% tổng số đột quỵ. Nó xảy ra khi một động mạch trong não hoặc một động mạch mang máu đến não bị tắc nghẽn.

Sự tắc nghẽn có thể là cục máu đông hoặc động mạch bị thu hẹp do tích tụ mảng bám. Mảng bám trong động mạch được tạo thành từ chất béo, tế bào và cholesterol xấu.

Khi các động mạch ở bất kỳ đâu trong cơ thể bị thu hẹp bởi mảng bám được gọi là xơ vữa động mạch.

2. Đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi động mạch bị vỡ và chảy máu.

Nguyên nhân có thể do sự hình thành bất thường của các mạch máu. Đây được gọi là dị dạng động tĩnh mạch (AVM). Những mạch máu này có thể bị vỡ và tràn máu lên não.

Ngoài ra, xuất huyết não có thể xảy ra do phình động mạch não, khiến thành mạch máu trở nên yếu hơn. Cuối cùng, một túi phình có thể vỡ ra làm cho máu tràn vào mô xung quanh động mạch.

3. Chứng phình động mạch não

Ngoài dị dạng động tĩnh mạch AVM, các tình trạng sức khỏe di truyền khác, chẳng hạn như bất thường mô liên kết có thể dẫn đến chứng phình động mạch não. Chứng phình động mạch cũng có thể phát triển khi thành động mạch bị tổn thương.

Huyết áp cao và hút thuốc đều làm căng các mạch máu. Xơ vữa động mạch, nhiễm trùng và chấn thương ở đầu cũng có khả năng dẫn đến chứng phình động mạch.

Yếu tố nguy cơ của đột quỵCác yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và chứng phình động mạch

IV. Yếu tố nguy cơ của đột quỵ và chứng phình động mạch

Đột quỵ và chứng phình động mạch có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau như:

  • Khi huyết áp cao không được kiểm soát, bạn sẽ có nhiều nguy cơ bị phình động mạch não và đột quỵ
  • Hút thuốc cũng là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến phình động mạch não và đột quỵ vì tác hại của nó đối với sức khỏe và các mạch máu của bạn.
  • Tiền sử đột quỵ hoặc đau tim trước đây cũng làm tăng khả năng bị tai biến mạch máu não.
  • Tuổi cao làm tăng rủi ro của bạn
  • Tiền sử gia đình về chứng phình động mạch hoặc đột quỵ có thể khiến bạn có nguy cơ mắc cao hơn.

V. Chẩn đoán đột quỵ và chứng phình động mạch não

Khi có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ hoặc chứng phình độnh mạch não, bạn nên báo cho nhân viên y tế càng sớm càng tốt. Các triệu chứng và tiền sử bệnh cá nhân của bạn sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán và kế hoạch điều trị thích hợp.

Chụp CT và MRI có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chứng phình động mạch hoặc đột quỵ. Chụp CT cho thấy vị trí chảy máu trong não và các vùng não bị ảnh hưởng. Chụp MRI có thể tạo ra hình ảnh chi tiết của mạch máu não.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm động mạch cảnh, xét nghiệm máu, đo điện tâm đồ, siêu âm tim.

VI. Điều trị đột quỵ và chứng phình động mạch não

Bác sĩ sẽ xác định phương pháp điều trị tốt nhất dựa trên mức độ nghiêm trọng của đột quỵ hoặc chứng phình động mạch và tiền sử bệnh của bệnh nhân.

1. Đột quỵ nhồi máu não

Phương pháp lấy cục máu đôngPhương pháp lấy cục máu đông

Nếu bạn bị đột quỵ nhồi máu não và đến bệnh viện trong vòng “thời gian vàng” là 4,5 và 6 giờ từ khi khởi phát đột quỵ, bạn có thể được tiêm thuốc tiêu sợi huyết. Thuốc này giúp phá vỡ cục máu đông.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng các thiết bị nhỏ để loại bỏ cục máu đông khỏi mạch máu (kỹ thuật DSA).

2. Đột quỵ xuất huyết não

Đối với đột quỵ xuất huyết não, bạn có thể cần can thiệp hoặc phẫu thuật để sửa chữa mạch máu bị hư hỏng do bị vỡ và chảy máu. Bác sĩ sẽ dùng một chiếc kẹp đặc biệt để cố định phần mạch máu bị vỡ.

Bác sĩ cũng sẽ phẫu thuật trong trường hợp cần giảm áp lực nội sọ và dẫn lưu máu tụ.

3. Chứng phình động mạch não

Trường hợp phình động mạch não nhỏ chưa vỡ, bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc và theo dõi kích thước của nó bằng cách chụp hình ảnh túi phình định kỳ.

VII. Phòng ngừa đột quỵ và chứng phình động mạch

Dưới đây là những phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa chứng phình động mạch hoặc đột quỵ:

  • Kiểm soát tốt huyết áp
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Chế độ ăn uống lành mạnh
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Thực hiện lối sống lành mạnh
  • Tầm soát đột quỵ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X