Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao giảm muối cho người tăng huyết áp?

Yêu cầu dinh dưỡng cho người tăng huyết áp phải đủ các yếu tố: Ít các gia vị muối, đường, cholesteron và nhiều kali, đủ canxi, không rượu bia và thuốc lá... Trong đó, việc sử dụng muối "quá tay" là thói quen khó bỏ của nhiều người khiến việc điều trị bệnh khó hiệu quả.

Ăn nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính gây ra tăng huyết áp và các biến chứng liên quan.

Mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt là 9,4g/ ngày - gấp 2 lần so với khuyến cáo là 6g muối/ ngày.

Thói quen của người Việt khi nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị, chế biến và thưởng thức. Có nghĩa, lượng muối được “nạp” 3 liên tiếp vào cơ thể.

Chưa kể, việc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, thịt muối và các loại thịt chế biến khác… cũng khiến lượng muối trở nên dư thừa một cách trầm trọng.

Thói quen ăn mặn của nhiều người Việt khiến lượng muối dư một cách trầm trọng

Theo ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân - Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhân dân 115: Đối với bệnh nhân tăng huyết áp được khuyến cáo không nên ăn quá 4g muối/ ngày. Bệnh nhân bị suy tim thì nghiêm ngặt hơn, không nên ăn quá 3g muối/ ngày. Cần lưu ý, lượng muối sẵn có trong thực phẩm tươi sống chiếm từ 1-2 g muối, tức gần bằng ½ nhu cầu muối/ ngày.

Để cụ thể, hãy thử nhìn xem lượng muối có bao nhiêu trong những thực phẩm sử dụng hàng ngày. 100g giò lụa cho 4g muối, 100g lạp xưởng có 4g muối, 100g dăm bông heo có 2.5g muối, 01 gói mì ăn liền có 2g muối, 1 muỗng cà phê nước mắm tương đương 1g muối và 1 muỗng cà phê nước tương chứa 0.7g muối... Từ đó, bệnh nhân cao huyết áp có thể tính toán được lượng muối cần dùng cho mỗi ngày để không bị “lố”.

Để giảm lượng muối ăn hằng ngày, bệnh nhân cao huyết áp có thể thực hành các nguyên tắc sau

- Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi

- Ăn nhiều thực phẩm giàu kali. Kali giúp giảm hiệu ứng của natri lên huyết áp

- Dùng các gia vị khác để tăng hương vị cho thực phẩm thay vì dùng muối và các sản phẩm nhiều muối

- Để ý và chọn thực phẩm ít muối (natri) theo hàm lượng trên bao bì

- Không dùng các loại thực phẩm có nhiều muối như cà muối, dưa muối, mắm, thực phẩm đóng hộp, giò chả…

- Hạn chế các loại nước sốt pha sẵn: tương cà, tương ớt…

- Chỉ dùng muối, nước mắm trong nêm nếm các món canh, kho, xào

Ngoài ra, nên uống thêm 1-2 ly sữa, ăn ngủ, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya. Nhớ uống thuốc huyết áp đều đặn theo toa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X