Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để sinh con an toàn, khi đang nhiễm viêm gan B?

Em phải làm gì để không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé? Ngoài ra, nếu em đang có em bé mà đặt viên đặt viêm nhiễm có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

Xin hỏi bác sĩ: Em và chồng đi xét nghiệm đều có kết quả: HBsAg (+); HBeAg (-); SGOT: 42U/L; SGPT:37U/L. Như vậy là đã bị viêm gan B phải không ạ? Chúng em có ý định sinh em bé (khoảng 7 ngày - kiểm tra que thử thai vẫn 1 vạch).

Em đã tiêm phòng sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu, viêm gan A, HPV. Em đang nghi ngờ có em bé nhưng 2 ngày nay lại bị ngứa ở bộ phận sinh dục, rất khó chịu, ra khí hư, đi tiểu có màu vàng đục, em đã mua viên đặt viêm nhiễm (mới đặt 1 viên).

Như vậy em muốn hỏi: Em phải làm gì để không ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé? Nếu em đang trong thời gian có em bé mà đặt viên đặt viêm nhiễm có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?
(Hoàng Hồng - Quảng Ninh)

  

Chào Hoàng Hồng,

 

Bạn tham khảo thêm về các xét nghiệm viêm gan B nhé:

 

- Nếu HBsAg (-) thì bệnh nhân không mắc bệnh viêm gan B, Anti HBs là một kháng thể chống virus viêm gan B, khi HBsAg (-) và Anti HBs (-) thì bạn cần được tiêm ngừa viêm gan B, trường hợp Anti HBs (+) bạn không phải tiêm ngừa do đã có kháng thể chống virus viêm gan B.

 

- Nếu chỉ dựa vào xét nghiệm HBsAg (+)  chỉ nói lên người đó có nhiễm siêu vi B thôi, chứ chưa chắc chắn người đó mắc bệnh viêm gan B, đây là một xét nghiệm tầm soát.

 

* Khi HBsAg (+) cần làm thêm một số xét nghiệm như: HBeAg, men gan, xét nghiệm sinh học phân tử HBV DNA sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

 

+ HBsAg (+) nhưng men gan không tăng: đây là trường hợp người lành mang trùng, bạn không phải điều trị, bạn sống hòa bình với virus viêm gan B và kiểm tra men gan mỗi 6 tháng.

 

+ HBsAg (+) và men gan tăng, bạn cần được theo dõi, nếu men gan tăng liên tục trong 6 tháng mới kết luận bạn bị viêm gan B mạn tính. Trường hợp này bạn cần điều trị, cẩn thận hơn bạn sẽ được làm thêm xét nghiệm HBeAg và xét nghiệm sinh học phân tử HBV DNA(định lượng virus).

 

Với những xét nghiệm phân tích ở trên và dựa vào xét nghiệm, có thể nói bạn đang nhiễm siêu vi B, bạn cần theo dõi và làm xét nghiệm mỗi 6 tháng ở những cơ sở y tế có uy tín, để đảm bảo tính chính xác của xét nghiệm.

 

Trước khi có thai, bạn chuẩn bị tiêm ngừa là rất tốt, nhưng dịch âm đạo ra như vậy là bất thường “huyết trắng màu vàng đục, ngứa, khó chịu”, cần khám phụ khoa ngay để BS cho xét nghiệm huyết trắng và điều trị kịp thời.

 

Bạn không nên tự ý đặt thuốc khi chưa khám và xét nghiệm huyết trắng, vì như thế vi khuẩn sẽ kháng thuốc và việc điều trị cũng không đem lại kết quả như mong muốn. Để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và thai nhi, trong thời gian mang thai hoặc trong thời gian chuẩn bị có thai, bạn cần hạn chế dùng thuốc ngoại trừ có chỉ định dùng của BS.

 

Thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi không còn tùy thuộc vào loại thuốc bạn đặt, bạn không cho biết tên thuốc nên BS không tư vấn cho bạn rõ được. Bạn mới đặt 1 viên thì nên ngưng ngay và khả năng ảnh hưởng đến thai nhi là rất thấp.

 

Thân mến!
 
BS Chuyên khoa của AloBacsi
 
 
 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X