Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh, nâng sức đề kháng?

Không ít cha mẹ đang nuôi con sai cách khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng, mất sức “phòng thủ” trước nguyên nhân gây bệnh. Vậy làm sao để bổ sung, tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ, giúp con khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt? Mời quý độc giả cùng theo dõi những chia sẻ từ TTƯT.BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp trong bài viết dưới đây.

1. Vai trò của hệ miễn dịch đối với sự phát triển của trẻ

Thưa BS Ngọc Diệp, hệ miễn dịch đóng vai trò như thế nào trong quá trình phát triển của trẻ em?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Hệ miễn dịch đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh, nhờ đó mà trẻ có thể tồn tại và phát triển bình thường.

Ngược lại, nếu hệ miễn dịch không tốt trẻ sẽ hay bị mắc bệnh và dẫn tới suy dinh dưỡng, làm ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng trưởng của trẻ.

Bên cạnh đó, một khi trẻ đã rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu các chất dinh dưỡng thì sức đề kháng và hệ miễn dịch sẽ yếu đi, dẫn đến trẻ lại bị suy dinh dưỡng.

Chúng ta thấy rằng, trẻ càng bé thì càng hay bị bệnh, vì lúc này hệ miễn dịch chưa trưởng thành, chưa phát triển đầy đủ. Đặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng lại hay mắc các bệnh nhiễm trùng, khiến cho các tế bào, cơ quan tham gia vào hệ miễn dịch của cơ thể khó mà trưởng thành.

Thầy thuốc ưu tú, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam và MC Hiền Thục

2. Mối liên hệ của hệ tiêu hóa và sức đề kháng, hệ miễn dịch

Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ quyết định đến 80% sức đề kháng cho con yêu, xin BS có thể giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn, hệ tiêu hóa và sức đề kháng, hệ miễn dịch có mối liên hệ ra sao?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Trước tiên, chúng ta cần hiểu hệ miễn dịch bao gồm các cơ quan, tổ chức nào, thì mới có thể tìm hiểu sâu hơn về vần đề hệ tiêu hóa.

Hệ miễn dịch của cơ thể là 1 hệ thống đan xen trên toàn bộ cơ thể, tham gia vào sức đề kháng để cùng nhau chống lại các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là các bệnh lý nhiễm trùng.

Hàng rào bảo vệ cơ thể đầu tiên chính là da và niêm mạc. Niêm mạc có ở đường hô hấp và đường tiêu hóa. Niêm mạc đường tiêu hóa là một trong những cơ quan trực tiếp trong quá trình bảo vệ cơ thể. Vì vậy, có thể nói đây là một trong những “hệ miễn dịch” quan trọng của cơ thể.

Tiếp theo là hệ thống của các tế bào mà chúng ta gọi là tế bào bạch cầu và các đại thực bào. Bạch cầu là các tế bào máu.

Thứ ba, là các kháng thể. Ngoài ra, còn có các tế bào lympho, gồm tế bào lympho B và tế bào lympho T.

Cụ thể thì hệ miễn dịch của trẻ sẽ trưởng thành theo thời gian.

Em bé khi sinh ra sẽ có hệ tiêu hóa rất nhỏ, bao gồm: ruột non và ruột già (đại tràng) sẽ lớn dần lên. Trong khi hệ tiêu hóa lại được coi là cơ quan miễn dịch khá quan trọng, được cấu tạo bởi nhiều các lớp niêm mạc, giúp hấp thu để chuyển hóa.

Trên những lớp niêm mạc sẽ có một lớp nhầy, đây chính là hàng rào bảo vệ cơ thể. Có nghĩa là hệ tiêu hóa tốt thì sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào trong cơ thể.

Nếu em bé có sức đề kháng yếu là do các tế bào ở đường tiêu hóa niêm mạc còn non nớt, lớp màn nhầy còn khá mỏng.

Cần phải hiểu thêm, đường tiêu hóa là một trong những cơ quan sản sinh ra các các loại kháng thể và nó chiếm tỷ trọng rất cao, có vai trò quan trọng với sức đề kháng của cơ thể.

Nếu hệ tiêu hóa của chúng ta yếu đi thì các vi khuẩn sẽ xuyên qua lớp nhầy, các tế bào niêm mạc của ruột và đi vào máu, gây ra bệnh. Đây là lý do tại sao trẻ em rất dễ bị tiêu chảy.

Hệ tiêu hóa yếu cũng khiến cho việc hấp thu các chất dinh dưỡng trở nên yếu kém. Từ đó, trẻ sẽ rơi vào tình trạng bị thiếu các chất dinh dưỡng, khiến trẻ biếng ăn và suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ thiếu các chất có vai trò quan trọng với hệ thống sức khỏe miễn dịch, như vitamin A, C, nhóm B, D, E… là những vitamin rất quan trọng đến hệ thống miễn dịch của trẻ.

3. Sai lầm cần tránh để không gây hại hệ miễn dịch của trẻ

Theo kinh nghiệm của BS, những sai lầm nào trong ăn uống, sinh hoạt mà cha mẹ dễ mắc phải gây tổn hại đến hệ miễn dịch, tiêu hóa của trẻ?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Hiện tại, vẫn còn một số các bậc phụ huynh mắc sai lầm khi nuôi trẻ, làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, đường tiêu hóa của con.

Thứ nhất, không nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Cũng có nhiều bà mẹ làm được điều này, nhưng lại không thể cố gắng duy trì cho đến khi trẻ được khoảng 2 tuổi.

Thứ hai là cho các cháu ăn dặm không đúng thời điểm và không đúng loại. Nhiều cha mẹ không chú ý đến quá trình thay đổi để tương thích với sự trưởng thành của đường tiêu hóa ở trẻ. Ví dụ như cho con ăn dặm quá sớm. Trẻ mới 4 tháng đã bắt đầu cho cháu ăn dặm, trong khi để tốt cho hệ tiêu hóa thì nên để trẻ bước sang tháng thứ 7.

Ngược lại, một số phụ huynh lại cho con ăn dặm quá muộn, điều này cũng không đúng. Hầu hết các phụ huynh cho rằng các cháu không thích rau, trái cây nên chỉ cho ăn chất bột đường và thịt. Tuy nhiên, ăn nhiều chất đạm dẫn đến sự mất cân đối, làm cho quá trình trưởng thành của hệ tiêu hóa, cũng như sức đề kháng bị ảnh hưởng khá nhiều.

Một trong những sai lầm nữa là không tập cho trẻ quen với việc ăn trái cây toàn phần, mà chỉ cho trẻ uống nước ép. Việc ăn trái cây nguyên phần sẽ cung cấp được chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan. Rau cũng vậy.

Một số thói quen sai lầm khác là vì phải thuyết phục trẻ ăn nên cho con vừa ăn vừa uống và hay uống quá nhiều các loại nước ngọt. Hoặc chiều con với các loại đồ ăn nhanh, xúc xích, snack… dẫn đến tình trạng thừa muối, mất cân bằng về dinh dưỡng.

Nhiều cha mẹ nhanh chóng cắt sữa của con, vì cho là trẻ đã lớn rồi nên không cần uống sữa.

Bên cạnh đó, ở 1 số trẻ lớn nhưng các bậc phụ huynh vẫn cho các cháu ăn thức ăn nghiền nát, nhuyễn. Điều này không tốt, phải cho con ăn thực phẩm khô dần và cần ăn đa dạng các loại thực phẩm.

Rất nhiều trẻ không chú ý đến việc ăn cá, chỉ ăn thịt, nên cha mẹ chiều cho ăn tất cả các ngày trong tuần. Như vậy sẽ không tốt, làm thiếu cân đối và hao hụt đi nhiều dinh dưỡng cần cho quá trình tăng trưởng và trưởng thành của trẻ.

4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường đề kháng

Vậy cha mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cho con như thế nào để tăng cường sức đề kháng, hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thưa BS?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng, chúng ta nên nhớ rằng trẻ cần được cung cấp đủ các nhóm thực phẩm trong tất cả các ngày trong tuần:

Thứ nhất là nhóm gạo và các loại ngũ cốc. Thứ hai là thịt gia súc, gia cầm, cá và các loại thủy sản, trứng. Nhóm thứ ba là rau. Nhóm thứ tư là trái cây. Nhóm thứ 5 là dầu và mỡ và các loại hạt có dầu. Nhóm thứ 6 là sữa và các thực phẩm từ sữa.

Phải luôn lưu ý rằng, trong các bữa ăn cần phải đầy đủ chất đạm (có nguồn gốc từ động vật).

Bên cạnh đó, cần phải chọn cá và các loại thủy sản để cung cấp đầy đủ omega-3.

Trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ cũng cần cung cấp đủ lượng rau, khoảng 5 phần rau và 2 phần trái cây. Cần ưu tiên chọn các loại rau có lá màu xanh, vàng, cam, đỏ để cung cấp tiền vitamin A, đặc biệt là cung cấp vitamin C. Nên ưu tiên chọn những loại trái cây có vị ngọt mềm.

Ngoài ra, cần chọn thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm B, kali, photpho, canxi và thêm nữa nếu mà có nhiều đồng, xilen, kẽm mới tốt cho sức khỏe của trẻ.

Với các loại dầu mỡ, chúng ta nên lưu ý trẻ vừa cần mỡ động vật vừa cần dầu ăn. Nếu chọn dầu ăn thì ưu tiên dầu nành, dầu mè, dầu ô liu, dầu gấc… chính là các nguồn để cung cấp cho chúng ta vitamin E và cung cấp chất béo, giúp hỗ trợ hấp thu các chất dinh dưỡng một cách tốt nhất.

Sử dụng các loại ngũ cốc và các loại ngũ cốc nguyên hạt, cũng như ăn rau và trái cây sẽ giúp cung cấp chất xơ và chất xơ hòa tan.

Lựa chọn sữa theo đúng độ tuổi của trẻ cũng là điều rất quan trọng. Ngoài 3 bữa chính, trẻ cần có các bữa ăn nhẹ. Tùy theo lứa tuổi mà số bữa phụ sẽ từ 2 cho đến 3, nên ưu tiên chọn sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm giàu dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

Thời điểm khi trẻ đang chuyển từ chế độ ăn này sang chế độ ăn khác, chuyển mùa hoặc dịch bệnh… là những lúc chúng ta nên bổ sung vitamin, các chất khoáng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Nên chọn rau, trái cây có hàm lượng các vitamin, chất khoáng cao và có lượng chất xơ vừa hòa tan, vừa không hòa tan.

Với trẻ nhỏ, nên cắt nhỏ thực phẩm và với trái cây thì nên tập cho trẻ ăn trái cây tươi, không nên cho trẻ ăn trái cây dưới dạng nghiền quá nát….

5. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm giữ được hàm lượng dưỡng chất

Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm, chế biến nào phụ huynh cần nhớ để giữ được hàm lượng dưỡng chất tốt nhất, thưa BS?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Việt Nam là xứ sở nhiệt đới gió mùa, chúng ta gần như có tất cả các loại trái cây giàu dinh dưỡng, nhiều vitamin C, tiền vitamin A…

Tiêu chí thứ nhất là lựa chọn trái cây cho trẻ giàu dinh dưỡng, giúp hỗ trợ cho sức đề kháng và sự tăng trưởng của trẻ. Tiêu chí thứ hai là phải hợp với khẩu vị của trẻ để trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.

Bạn có thể chọn quả chuối, thanh long. Các loại trái cây được nhập khẩu về Việt Nam có thể chọn theo trật tự ưu tiên là kiwi, quả táo và quả lê… Đây là những trái cây có nhiều vitamin C, tiền vitamin A, vitamin nhóm B, kẽm, xilen, canxi, photpho, kali… Tất nhiên là còn nhiều loại trái cây nữa nhưng đây là những trái cây dễ tìm mua.

Câu hỏi là làm thế nào để trẻ thích ăn những trái cây này thì thường trẻ hay thích màu sắc và yếu tố mới lạ. Trừ một số trẻ được mẹ tập cho ăn trái cây từ nhỏ.

Tại Úc, người ta có những cách thức kích thích trẻ em ăn rất hay. Đầu tiên là chúng ta phải giới thiệu là loại quả cho con ăn và quả đó chứa dinh dưỡng như thế nào, rồi tại sao con phải ăn.

Cách thứ hai là chọn trái cây mềm mịn, có màu sắc tự nhiên đẹp và ngọt thì trẻ sẽ rất thích. Cho nên đó cũng là lý do trẻ thích ăn chuối chứ không thích ăn cam, thích ăn kiwi chứ không thích quýt…

Đặc biệt, cha mẹ hãy cho trẻ ăn trái cây tươi và có thể bày ra rất nhiều món khác nhau chứ không phải chỉ cần cắt đôi một quả trái cây ra xong rồi ăn.

6. Lợi ích và cách ăn kiwi tốt cho sức khỏe của trẻ

Cha mẹ nên cho trẻ ăn kiwi với 1 hàm lượng như thế nào là phù hợp để tăng sức đề kháng cho trẻ?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Đầu tiên, chúng ta nên biết để nâng cao sức đề kháng cho trẻ, cần phải cung cấp đầy đủ chất đạm, tiếp theo là chất béo, trong đó có omega-3; vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E. Ngoài ra, còn có các chất khoáng, bao gồm: kẽm, xilen, sắt, đồng và iot.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trẻ em rất thích ăn kiwi bởi nhiều lí do. Lí do thứ nhất đó là loại quả này trông rất xinh xắn. Thứ hai, nó có vị ngọt và khi cắt ra thì có hình như tia nắng mặt trời rất đẹp.

Về giá trị dinh dưỡng của kiwi. Đầu tiên, kiwi chứa nhiều viatamin và chất khoáng. Đặc biệt, vitamin A có vai trò quan trọng với sức khỏe của mắt và sức khỏe của hệ miễn dịch. Hàm lượng vitamin C trong kiwi khá cao, trong 100g sẽ giao động khoảng từ 92mg đến 97mg vitamin C, tương thích với nhu cầu vitamin C khuyến nghị cho trẻ trong 1 ngày.

Bên cạnh đó, trong kiwi còn chứa vitamin E, xilen, kẽm, đồng, sắt, photpho, tuy hàm lượng không nhiều nhưng cũng rất tốt cho trẻ.

Ngoài ra, kiwi còn chứa magie, mangan là các chất khoáng vi lượng, rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa chất của cơ thể, đặc biệt là cho quá trình trưởng thành của xương và thần kinh.

Vitamin K2 trong kiwi giúp hỗ trợ và hấp thu lắng đọng canxi vào xương. Kili là chất điện giải có vai trò bảo vệ tim mạch. Chất xơ ở kiwi cũng khá cao, chủ yếu chất xơ hòa tan giúp vi khuẩn có lợi sống trong đường ruột.

Lượng đường trong kiwi cũng khá thấp, phù hợp với nhu cầu của trẻ.

Đó là những lý do vì sao cha mẹ nên chọn kiwi như 1 chất dinh dưỡng quan trọng cho trẻ.

Thưa BS, cho trẻ ăn kiwi như thế nào để có thể hấp thụ được hết dưỡng chất?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Trẻ nên ăn kiwi tươi là tốt nhất. Và cách ăn cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, bạn có thể cắt đôi quả kiwi để bé cầm muỗng và tự xúc ăn. Việc này tạo thói quen tự lập rất tốt cho trẻ. Bên cạnh đó, trong khi nhai cũng giúp cơ mặt trẻ phát triển cân đối.
  • Thứ 2, là cắt nhỏ kiwi và ăn kèm với các thực phẩm khác như sữa chua.
  • Thứ 3, làm salad kiwi cùng với rau, củ, quả ăn sống được.
  • Thứ 4, cắt 2 lát kiwi kẹp với phomai và 2 miếng bánh quy nhỏ, để chế biến thành snach. Ngoài ra, có thể sử dụng kiwi chung với cà chua, dưa leo, thịt và bánh mì sandwich để cho trẻ ăn sáng.

Bác sĩ có lời khuyên nào để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và có một hệ tiêu hóa tốt trong mùa dịch COVID-19?

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp:

Để giúp trẻ có sức đề kháng và tăng trưởng tốt, chúng ta cần đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng. Trong đó ưu tiên, cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, chất xơ, chất bột đường. Đặc biệt là vitamin như vitamin A, D, C, E và vitamin nhóm B; chất khoáng bao gồm: sắt, kẽm, selen, iod, đồng.

  • Trong bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo 4 nhóm chất đạm, béo, bột đường. Chất xơ có rau hàm lượng trung bình 300gr/ngày và 100-200gr trái cây/ngày.
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa.
  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Giữ vệ sinh và thực hiện đúng 5K là cách để bảo vệ trẻ mà các bậc phụ huynh nên làm.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X