Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để giảm tác dụng phụ khi bệnh nhân ung thư vào hóa trị?

Hóa trị luôn là nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân ung thư. Nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng của bệnh nhân mà tác động lớn đến tinh thần. Vậy có cách nào làm giảm tác dụng phụ khi bệnh nhân vào hóa chất? Mời quý khán giả cùng theo dõi hướng dẫn từ BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trương khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM trong bài viết dưới đây.

1. Vai trò của hóa trị trong điều trị ung thư?

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư, xin hỏi BS hóa trị đóng vai trò như thế nào trong quá trình điều trị cho một bệnh nhân? Có ung thư nào mà một mình hóa trị có thể tiêu diệt khối u hay không ạ?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Hóa trị là một trong các mô thức điều trị ung thư chủ yếu. Mặc dù hiện đã có nhiều phương pháp điều trị hiện đại hơn, tuy nhiên hóa trị vẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với điều trị bệnh lý ung thư. Đến nay, có hơn 100 loại thuốc hóa trị ung thư, phân thành nhiều nhóm khác nhau dựa theo cơ chế tác dụng hoặc cấu trúc hóa học của thuốc. Tùy thuộc vào từng loại ung thư, tình trạng bệnh nhân và giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc và cách thức sử dụng các loại thuốc này.

Hóa trị có thể áp dụng đơn độc hoặc phối hợp chung với các phương pháp điều trị khác, hay còn gọi là phối hợp điều trị đa mô thức.

Hóa trị đơn độc có thể áp dụng trong các bệnh lý như: bướu tế bào mầm, các loại bệnh lý huyết học như bạch cầu cấp hoặc bệnh lý ung thư hạch lympho (lymphôm)

2. Các tác dụng phụ của hóa trị và cách làm giảm bớt tác dụng phụ?

Nhắc đến hóa trị, rất nhiều bệnh nhân e ngại tác dụng phụ của phương pháp điều trị này. Nhờ BS mô tả rõ những tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp phải khi điều trị hóa trị và làm sao để giảm tác dụng phụ?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Hóa trị khi điều trị ung thư là sử dụng thuốc (hay hóa chất gây độc tế bào) để tiêu diệt các tế bào phát triển, tránh tăng sinh nhanh bên trong cơ thể. Chúng được sử dụng để điều trị các loại ung thư vì những tế bào ung thư thường có đặc tính là nhân lên nhanh hơn so với đa số các tế bào thường trong cơ thể, nhưng cũng vì vậy nhiều tế bào lành có đặc tính tăng sinh nhanh trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng, gây ra các biểu hiện không mong muốn, gọi là tác dụng phụ của hóa trị. Bên cạnh đó, nền tảng sức khỏe, tuổi tác và lối sống cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Một số bệnh nhân cảm nhận về tác dụng phụ không rõ ràng nhưng số khác cảm thấy rất mệt mỏi và nghiêm trọng. Các tác dụng phụ phổ biến có thể phân nhóm trên các hệ cơ quan như sau:

Hệ tuần hoàn và miễn dịch

Bởi các thuốc này có nguy cơ gây tổn hại cho tế bào tủy xương, nơi sản xuất máu. Điều đó có thể khiến cơ thể thiếu máu, làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng khác của bệnh thiếu máu bao gồm chóng mặt, da nhợt nhạt.

Hóa trị có thể làm giảm số lượng tế bào bạch cầu. Loại tế bào này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch là giúp chống nhiễm trùng. Vì vậy, những người có hệ miễn dịch yếu do hóa trị phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc với virus, vi khuẩn.

Tiểu cầu là tế bào quan trọng trong quá trình đông máu. Lượng tiểu cầu sụt giảm nghĩa là bạn sẽ dễ dàng bị bầm tím, mất máu chỉ vì vết thương nhỏ. Các triệu chứng bao gồm chảy máu cam, nôn ra máu hoặc hoặc đi ngoài ra máu, kinh nguyệt nhiều hơn bình thường hoặc rong kinh.

Một số loại thuốc hóa trị có thể làm suy yếu cơ tim hoặc gây rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đau tim. Tuy nhiên, nguy cơ này ít có khả năng xảy ra nếu bạn bước vào quá trình hóa trị với trái tim khỏe mạnh.

Giải pháp: Thường xuyên xét nghiệm máu trước mỗi đợt điều trị là một phần quan trọng của hóa trị. Các BS sẽ giúp bạn nhận diện các bất thường liên quan tế bào máu và hướng dẫn , xử trí phù hợp; Các BS cũng sẽ cho bạn kiểm tra tim mạch định kỳ trong thời gian dùng các thuốc có nguy cơ ảnh hưởng nhiều trên tim mạch hoặc khi có triệu chứng nghi ngờ

Hệ cơ và thần kinh

Hệ thần kinh trung ương có vai trò kiểm soát vấn đề cảm xúc, vận động. Thuốc hóa trị có thể gây ra vấn đề với bộ nhớ hoặc gây khó khăn trong suy nghĩ, tập trung trí óc. Tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ này có thể mất đi sau khi điều trị nhưng cũng có thể kéo dài trong nhiều năm.

Một số loại thuốc hóa trị có thể gây đau, yếu, tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên). Khi đó, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức hoặc run rẩy tay chân. Khả năng phản xạ và kỹ năng vận động nhỏ có thể bị chậm lại.

Giải pháp: cần thông báo khi xuất hiện những biểu hiện trên cho BS để được kê toa thuốc điều trị và có những lời khuyên phù hợp

Hệ tiêu hóa

Tác dụng phụ khi hóa trị biểu hiện rõ ràng nhất qua hệ tiêu hóa. Bạn có thể bị khó nhai, khó nuốt vì tình trạng lở miệng, khô miệng. Lưỡi, môi, nướu răng, cổ họng cũng có thể bị đau. Loét miệng có thể làm cho bạn dễ bị chảy máu và nhiễm trùng.

Những loại thuốc kháng sinh mạnh có thể gây tổn hại cho các tế bào xuyên suốt đường tiêu hóa. Buồn nôn là triệu chứng phổ biến.

Một số vấn đề tiêu hóa khác là phân lỏng hoặc tiêu chảy. Ngược lại, nhiều người gặp phải tình trạng phân cứng và táo bón. Điều này có thể đi kèm với triệu chứng đầy hơi. Khi đó, bệnh nhân nên bổ sung nhiều nước.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể mất cảm giác ngon miệng hay cảm thấy no bụng ngay cả khi không ăn nhiều. Giảm cân là hệ quả phổ biến.

Giải pháp: người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thức ăn nấu chin kỹ nhừ mềm, giúp dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, Chú ý ăn nhiều chất xơ và không nên ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh. nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để cải thiện tình hình. Cần thông báo cho BS của bạn về những loại rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, lở miệng, buồn nôn hoặc nôn nhiều để BS có những xử trí và kê toa dùng thuốc phù hợp cho bạn

Hệ biểu bì

Hóa trị có thể gây rụng tóc trong vài tuần điều trị đầu tiên. Bệnh nhân cũng có thể bị rụng lông trên cơ thể. Một số bệnh nhân lại bị kích ứng da nhẹ như khô, ngứa, phát ban.

Trong quá trình hóa trị, móng tay, móng chân sẽ phát triển chậm hơn, có thể chuyển sang màu nâu, màu vàng và trở nên khô, giòn, dễ gãy.

Giải pháp: Bs của bạn sẽ giúp bạn nhận diện các tác nhân dễ gây ảnh hưởng trên da lông tóc móng, đưa ra lời khuyên cho bạn như nên cắt ngắn móng, cắt ngắn tóc hoặc cần thiết thì cạo tóc và đội tóc giả trước khi bắt đầu hóa trị, nhất là với các tác nhân dễ gây rụng tóc

Hệ sinh dục

Thuốc hóa trị có thể có ảnh hưởng đến hormone. Các triệu chứng như mệt mỏi, lo âu và rối loạn nội tiết tố có thể ảnh hưởng ham muốn tình dục ở cả nam giới và phụ nữ.

Ở phụ nữ, thay đổi nội tiết tố khiến họ cảm thấy nóng, kinh nguyệt không đều. Thậm chí, điều này có thể gây vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn. Họ cũng có thể gặp tình trạng khô âm đạo, làm quá trình giao hợp khó khăn, đau đớn. Cơ hội phát triển nhiễm trùng âm đạo tăng lên.

Ở nam giới, một số loại thuốc hóa trị có thể gây tổn hại tinh trùng hoặc làm giảm số lượng tinh trùng, gây vô sinh tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Giải pháp: cần được tư vấn kỹ trước điều trị để nên có biện pháp tránh thai phù hợp trong thời gian điều trị, tránh mang thai sớm vì tăng nguy cơ dị tật thai nhi, cần thiết BS sẽ tư vấn cho bạn nên trữ trứng hoặc tinh trùng trước khi bắt đầu điều trị.

Hệ bài tiết

Thận có nhiệm vụ bài tiết các loại thuốc hóa trị ra ngoài cơ thể. Trong quá trình này, một số tế bào thận và bàng quang có thể bị kích thích hoặc hư hỏng. Các triệu chứng của tổn thương thận bao gồm đi tiểu giảm, phù nề chân tay và đau đầu. Triệu chứng của bàng quang bị kích thích là cảm giác đau rát và tăng tần suất đi tiểu.

Giải pháp: Bạn nên uống nhiều nước để quá trình bài tiết diễn ra thuận lợi hơn, ghi nhận các bất thường liên quan số lượng, màu sắc, mùi của nước tiểu để thông báo cho BS có hướng hỗ trợ phù hợp.

Hệ xương

Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), những người phụ nữ đã điều trị ung thư vú có nguy cơ cao đối mặt với loãng xương và gãy xương. Điều này là do sự kết hợp của các loại thuốc và sự sụt giảm nồng độ estrogen. Các khu vực chịu ảnh hưởng thường xuyên nhất là cột sống, xương chậu, hông và cổ tay.

Giải pháp: Bs của bạn sẽ giúp bạn nhận diện các tác nhân dễ gây ảnh hưởng trên xương, khuyên bạn nên kiểm tra định kỳ độ loãng xương để có giải pháp xử trí phù hợp

Tâm lý

Những người điều trị hóa trị thường có tâm lý sợ hãi, căng thẳng, lo lắng về tình trạng sức khỏe. Thậm chí một số người còn bị trầm cảm.

Giải pháp: Một số liệu pháp như massage và ngồi thiền có thể giúp bệnh nhân bớt căng thẳng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị trầm cảm kéo dài nên tìm sự trợ giúp của bác sĩ.

4. Sau hóa trị, bao lâu sẽ hết tác dụng phụ?

Vậy sau khi kết thúc điều trị hóa trị, bao lâu thì các tác dụng phụ này sẽ mất hẳn, thưa BS?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Ở mỗi bệnh nhân và mỗi loại thuốc, thời gian kéo dài những tác dụng phụ của hóa trị sẽ khác nhau. Nhiều trường hợp xảy ra rất ít tác dụng phụ và trong nếu có chỉ trong thời gian rất ngắn. Ngược lại, nhiều bệnh nhân lại phải đối mặt với những tác dụng phụ khá nghiêm trọng và lâu dài.

Hầu hết những tác dụng phụ này sẽ dẫn biến mất sau khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc và những tế bào bình thường hồi phục trở lại. Thời gian hồi phục trở lại cũng sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Các chuyên gia khuyên bạn nên trang bị kiến thức cơ bản và trao đổi với bác sĩ để được giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình điều trị. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường khi đang trong thời kỳ sử dụng thuốc, cần thông báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, bạn cũng cần giữ vững tâm lý, tránh suy nghĩ tiêu cực sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị.

5. Tiếp xúc với mồ hôi, phân… của bệnh nhân hóa trị có nguy hiểm?

Hơi thở, mồ hôi, nước tiểu, phân… của bệnh nhân ung thư đang hóa trị có chứa thành phần hóa chất của thuốc hóa trị không, thưa BS? Bệnh nhân hóa trị tiếp xúc với trẻ em, thai phụ… có gây ảnh hưởng gì không?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Thuốc hoá trị thường chuyển hoá qua thận, đào thải qua nước tiểu hoặc chuyển hoá qua gan, được đào thải qua phân, dẫn đến có mùi khác biệt so với lúc chưa hóa trị. Tuy nhiên những hoạt chất này trước khi đào thải qua hơi thở, mồ hôi, nước tiểu, phân đã được chuyển hoá nên thường không gây nguy hại.

Thông thường thân nhân có thể tiếp xúc, ăn chung, sinh hoạt chung với bệnh nhân và không có chịu ảnh hưởng gì từ quá trình điều trị của bệnh nhân. Để cẩn thận người bệnh nên tắm rửa sạch sẽ trước khi bồng, bế, hôn, hít con, cháu.

Điều cần lưu ý là không được cho con bú sữa mẹ trong suốt quá trình hóa trị

6. Có được dùng thuốc khác trong thời gian hóa trị?

Trong thời gian hóa trị, nếu bệnh nhân đang có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… thì có tiếp tục dùng thuốc trị bệnh này không?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trương khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Bệnh nhân cần thiết duy trì các thuốc điều trị các bệnh lý mạn tính đi kèm;

Tuy nhiên trong một số trường hợp thuốc hóa trị có thể ảnh hưởng làm thay đổi kết quả điều trị các bệnh mạn tính đang có;

Cá biệt hơn, BS điều trị có thể cho tạm ngưng dùng một thời gian hoặc đề nghị đổi thuốc do có chống chỉ định hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng xuất hiện…

7. Bệnh nhân bị ho, cảm khi đang hóa trị, có sao không?

Nếu đang điều trị hóa trị, bệnh nhân ung thư đột xuất bị cảm, ho… thì sau khi có toa thuốc điều trị cảm ho, có cần phải đưa cho BS điều trị ung thư xem lại hay không ạ?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Rất cần thiết ghi nhận và thông báo cho bác sĩ trực tiếp điều trị các triệu chứng lạ, các tác dụng hụ mới xuất hiện, cũng như các thuốc đng sử dụng, để các BS điều trị ung thư có thêm thông tin về chủng loại, hoạt chất, tình trạng triệu chứng bệnh, ..qua đó nhận định có hay không có liên quan tới quá trình điều trị bệnh lý ung thư, và nên hay không nên duy trì hoặc thay đổi thuốc phù hợp hơn.

8. Bệnh nhân đang hóa trị có được chích ngừa không?

Bệnh nhân đang hóa trị có được chích ngừa không ạ? Chẳng hạn như bị chó cắn hay giẫm đinh?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Bệnh nhân đang hoá trị vẫn cần thiết và có thể chích ngừa theo các khuyến cáo y tế liên quan. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tối đa cũng như hạn chế những ảnh hưởng không có lợi, bệnh nhân nên tham vấn kĩ càng với bác sĩ điều trị và bác sĩ, chuyên gia về tiêm chủng để hướng dẫn việc chích ngừa và thời điểm chích ngừa cho phù hợp và tối ưu.

9. Có nên “thanh lọc cơ thể” giữa 2 lần hóa trị?

Xin BS hướng dẫn thời gian tạm nghỉ giữa 2 lần hóa trị, bệnh nhân nên và không nên làm gì? Trong thời gian “tạm nghỉ” này, việc dùng các sản phẩm được quảng cáo là thanh lọc cơ thể có làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị không ạ?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Trong khoảng thời gian giữa những lần hoá trị, bệnh nhân

NÊN:

+ Có duy trì chế độ ăn uống, làm việc, vận động, nghỉ ngơi hợp lý.

+ Nên theo dõi sát các triệu chứng, dấu hiệu gợi ý tác dụng phụ của thuốc hoá trị hoặc những triệu chứng khác

+ Tái khám định kỳ hoặc sớm hơn nếu có dấu hiệu bất thường hoặc khi cần thiết.

KHÔNG NÊN:

+ Làm việc quá sức, vận động quá sức dẫn tới mệt mỏi.

+ Kết hợp các bài thuốc gia truyền, thuốc nam, thuốc bắc… không rõ tính hữu dụng.

Vì hiện nay theo các khuyến cáo điều trị ung thư của các Hiệp hội trên thế giới và Việt Nam, đều chưa khuyến cáo sử dụng các sản phẩm hỗ trợ (không phải là thuốc) kèm theo trong quá trình điều trị ung thư nói chung và hoá trị nói riêng.

Các sản phẩm này thường được đăng ký lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng, chưa đi kèm các bằng chứng khoa học đáng tin cậy để chứng minh tính hữu ích trong hỗ trợ hay điều trị người bệnh ung thư, và việc sử dụng hoàn toàn là do người bệnh quyết định và chịu trách nhiệm. Cũng có thể có lợi, nhưng nếu có hại thì sao? Tiền mất tật mang thì sao? Cũng vì lý do đó người bệnh nên hết sức thận trọng khi quyết định sử dụng các sản phẩm này, nhất là trong lúc đang dùng thuốc đặc trị chống ung thư.

10. Có nên dùng thực phẩm chức năng làm giảm tác dụng phụ của hóa trị?

Gần đây báo chí đưa tin: “Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Ung thư Lâm sàng cho thấy việc sử dụng thực phẩm bổ sung có tác dụng chống oxy hoá, chất sắt, vitamin B12 và dầu cá omega-3 sẽ làm giảm tác dụng của hóa trị” BS có ý kiến thế nào với thông tin bài báo này đưa ra ạ?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Dữ liệu nghiên cứu được đề cập có số lượng cỡ mẫu nhỏ, thiết kế hồi cứu, không phải là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, và không kiểm soát được hàm lượng chất chống oxy hoá đưa vào cơ thể bệnh nhân.

Vì vậy nên độ tin cây của kết quả nghiên cứu trên không cao, bên cạnh đó kết quả chỉ cho thấy giảm nhẹ nguy cơ và sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Cần thêm nhiều kết quả từ các nghiên cứu khác, với độ chính xác, chuẩn hóa và độ tin cậy khoa học cao hơn để đối chiếu, so sánh trước khi chính thức áp dụng trong thực hành lâm sàng.

11. Hóa trị còn có tác dụng nào khác ngoài điều trị ung thư?

Hóa trị được biết đến một trong những phương pháp kinh điển dùng trong điều trị ung thư. Ngoài ung thư thì hóa trị còn được dùng để điều trị bệnh gì nữa, thưa BS?

BS.CK2 Võ Đức Hiếu - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, kiêm Trưởng khoa Nội 4B - Bệnh viện Ung bướu TPHCM: Hóa trị là sử dụng thuốc (hay hóa chất gây độc tế bào) để tiêu diệt các tế bào phát triển, tránh tăng sinh nhanh bên trong cơ thể. Vì lý do đó, ngoài điều trị bệnh lý ung thư, hoá trị còn có vai trò trong điều trị một số bệnh lý hệ huyết học và tự miễn (ví dụ như: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng bì,…)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X