Hotline 24/7
08983-08983

Lạm dụng kháng sinh: Tước đoạt cơ hội tự tăng cường miễn dịch của trẻ

Việc lạm dụng kháng sinh vô tội vạ ngay từ những năm đầu đời của trẻ sẽ tác động mạnh mẽ và lâu dài đến sức khỏe trong tương lai. Vậy, để sử dụng kháng sinh an toàn và hiệu quả cho trẻ, cha mẹ cần nhớ nguyên tắc nào? BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Những sai lầm khi sử dụng kháng sinh cho trẻ cha mẹ thường mắc phải

Trong thực tế thăm khám, bác sĩ nhận thấy những sai lầm khi sử dụng kháng sinh ở trẻ mà cha mẹ thường mắc phải là gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Một trong những tác động quan trọng nhất đến trẻ đó là sử dụng thuốc nói chung và thuốc kháng sinh nói riêng bừa bãi. Điều này để lại những hậu quả không chỉ cho hiện tại mà còn về lâu dài liên quan đến sự phát triển và sức đề kháng của trẻ.

Thực tế, tôi đã gặp những trẻ vào viện trong bệnh cảnh rất nặng, kết quả xét nghiệm ghi nhận vi trùng kháng với tất cả các loại kháng sinh đang có. Với những em bé này diễn tiến rất nặng, bởi vì kháng sinh là “vũ khí” để điều trị vi trùng nhưng hiện tại đã kháng lại toàn bộ, dẫn đến rất nhiều khó khăn, đó là những đòn cân não đối với bác sĩ.

Trong cộng đồng, khi tiếp nhận trẻ đến khám, chúng tôi nhận thấy nhiều bậc phụ huynh mang theo lỉnh kỉnh các loại túi, trong đó đầy rẫy những toa thuốc dày đặc kháng sinh. Nhiều người “thần thánh” hóa các loại thuốc này, thậm chí tin rằng đây là thuốc đầu tay dùng mỗi khi con ốm.

Hiện, chúng ta đang cạn kiệt với các nguồn kháng sinh được tạo ra, trong khi đó vi trùng luôn luôn biến đổi, chống đối lại với những kháng sinh đang có. Trong tương lai gần, nếu tình trạng này không được kiểm soát tốt, chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn khi điều trị những trường hợp nhiễm trùng.

Tình trạng, bệnh lý nào ở trẻ khiến cha mẹ có xu hướng tự sử dụng kháng sinh nhiều nhất, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Thường, cha mẹ sử dụng kháng sinh khi nghĩ rằng trẻ bị nhiễm trùng. Bất kỳ khi nào trẻ có biểu hiện bất thường, ví dụ như sốt, ho, sổ mũi, đau rát họng, tiêu chảy, vết thương trên da… cha mẹ đều nghĩ rằng có thể con bị nhiễm trùng. Đôi khi, các bậc phụ huynh sử dụng thuốc nhưng không biết đó là kháng sinh gây hại cho trẻ và có xu hướng dùng lại đơn thuốc cũ. Đây là thói quen rất thường gặp và nguy hiểm cho trẻ.

Hơn nữa, ngày nay việc tiếp cận các nguồn thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc lại rất dễ dàng, càng làm gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh. Hoặc nhiều phụ huynh mặc dù sử dụng chỉ định kháng sinh theo y lệnh của bác sĩ, nhưng lại không tuân thủ theo hướng dẫn, tự ý ngừng thuốc khi thấy thuyên giảm triệu chứng. Việc không uống thuốc đủ liều cũng là thói quen gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ trong tương lai.

Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh, khi mới điều trị được 2-3 ngày, thấy con không khỏi bệnh nên đi khám bác sĩ khác, để lấy đơn thuốc khác hoặc tự ý mua loại thuốc khác. Nhưng việc đổi thuốc liên tục không theo trình tự, lộ trình điều trị vô tình khiến trẻ có thể sử dụng nhiều loại thuốc giống nhau cùng lúc, điều này dẫn đến không những con không khỏi bệnh mà sức khỏe ngày càng kém đi, gia tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh. Lâu dần sẽ đi vào vòng luẩn quẩn giữa bệnh tật - nhiễm trùng - đề kháng kháng sinh.

2. Lạm dụng kháng sinh ở trẻ dẫn đến hậu quả gì?

Lạm dụng kháng sinh ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả gì trong tương lai thưa BS? Đặc biệt là tác động ra sao đến sự phát triển của trẻ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Cho đến nay, theo thống kê của các Hiệp hội điều tra về sức khỏe, miễn dịch cũng như hệ thống đề kháng kháng sinh:

- Thứ nhất, tần suất tiếp xúc với kháng sinh của tất cả chúng ta rất nhiều, do việc sử dụng kháng sinh cho súc vật, động vật, gia cầm… Khi tiếp xúc thường xuyên, đều đặn khiến chúng ta hấp thụ một lượng kháng sinh, gây ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh của cơ thể.

- Thứ hai, trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, việc lạm dung và sử dụng kháng sinh không đầy đủ sẽ đưa đến hậu quả vi trùng gây ra đột biến chống lại kháng sinh. Khi vi trùng đã tạo ra gen đột biến chống lại kháng sinh thì gen đó lại được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng các loại vi trùng, tương tự như một giọt mực nhỏ nhưng lại lan rộng rất nhanh khi cho vào nước.

Trong khi đó, người mang vi trùng đề kháng kháng sinh có thể lây lan ra cộng đồng. Nếu chẳng may nhiễm phải vi trùng này, tác dụng, hiệu quả của kháng sinh sẽ bị ảnh hưởng. Song song đó, khi kháng sinh không “hề hấn” với vi trùng thì hoạt tính của nó làm tổn thương cơ thể con người rất nhanh và rất mạnh, diễn tiến ồ ạt.

Điển hình như vi khuẩn lao - một trong những vi khuẩn gây bệnh nặng nề, thậm chí tỷ lệ tử vong vẫn còn rất cao. Hiện nay, người ta phát hiện ra rằng, có những vi khuẩn kháng với hầu hết các loại thuốc điều trị kháng lao, đôi khi chúng ta phải kết hợp đến 5-6 loại mới có thể điều trị một cách cầm cự.

Hoặc các loại vi trùng liên quan đến đường tiêu hóa, không chỉ kháng với kháng sinh đường uống mà còn với cả kháng sinh tiêm/chích, gây ra hội chứng nhiễm trùng nặng, tổn thương đa cơ quan, không đáp ứng với thuốc.

Hoặc với những loại vi trùng gây viêm họng, viêm tai, khi chúng tôi xét nghiệm ra phế cầu thì ghi nhận gen kháng thuốc rất mạnh, hầu như không đáp ứng với hầu hết các loại kháng sinh thông thường.

Trước đây, khi nhắc đến vi trùng đề kháng kháng sinh, người ta thường nghĩ đến các loại vi trùng trong bệnh viện (ở những bệnh nhân nằm viện lâu ngày). Nhưng hiện nay, vi trùng ngoài cộng đồng cũng bắt đầu kháng thuốc, không thua kém với các loại vi trùng trong bệnh viện. Như vậy, những vi trùng ngoài cộng đồng đã trở nên độc hại hơn, nguy hiểm hơn, gây tổn hại đến chính chúng ta trong hoạt động hằng ngày, dẫn đến các bệnh hiểm nghèo, nặng nề.

Chúng ta đang dần dần tự cưa bỏ “vũ khí” chống lại vi trùng - đó là những kháng sinh. Khi đó, kháng sinh trở nên vô dụng, không có tác dụng với vi trùng đã kháng thuốc.

3. Vì sao lạm dụng kháng sinh có thể gây suy yếu hệ miễn dịch?

Một nghiên cứu cho thấy, lạm dụng kháng sinh là tương đương với việc tước đoạt cơ hội tự tăng cường miễn dịch của trẻ. Quan điểm của BS về vấn đề này như thế nào ạ? Vì sao việc lạm dụng kháng sinh có thể gây suy yếu hệ miễn dịch?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Đúng là việc lạm dụng kháng sinh tương đương với việc tước đoạt cơ hội tự tăng cường miễn dịch của trẻ cũng như người lớn. Chúng ta có hệ thống bảo vệ cơ thể rất tốt, chuyên nghiệp, được luyện tập từ khi còn trong bào thai, đó là hệ thống miễn dịch.

Hệ thống này phát hiện và chống lại nhanh chóng các tác nhân bất thường khi xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời hệ miễn dịch cũng ghi nhớ lại tất cả các tác nhân đã từng xâm nhập. Từ đó giúp nhận diện nhanh hơn, mạnh hơn, đáp ứng nhanh và chính xác, hiệu quả cho bất kỳ tác nhân nào khác tương tự như vậy xâm nhập vào cơ thể những lần sau.

Tuy nhiên, khi sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ góp phần loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch. Bởi vì chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài, đó là thuốc. Sử dụng thuốc quá sớm, quá nhiều, quá lớn làm tiêu diệt vi trùng trước khi hệ thống miễn dịch nhận diện, làm cho tế bào nhớ không kịp ghi nhận tác nhân đã tấn công. Đồng thời hệ miễn dịch không được luyện tập, để đáp ứng cho những lần nhiễm trùng sau.

4. Nguyên nhân nào khiến trẻ mệt hơn khi sử dụng kháng sinh?

Tự mua thuốc là thói quen khó thay đổi ngay của người Việt và thực tế, cha mẹ vẫn có thể mua những loại thuốc không cần kê đơn cho trẻ tại các nhà thuốc, quầy thuốc.

- Vậy xin hỏi BS, làm sao để nhận biết được đâu là thuốc kháng sinh ạ?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Theo tiêu chuẩn GPP của các nhà thuốc, nguyên tắc khi mua thuốc có kháng sinh bắt buộc phải có toa của bác sĩ. Đây là lý thuyết nhưng trong thực tế gặp rất nhiều tình huống:

- Sử dụng lại thuốc còn dư, “để dành” của các toa trước.

- Thói quen tự ý sử dụng thuốc theo kinh nghiệm hoặc lời truyền miệng, nhất là các loại thuốc thường dùng trong dân gian như amoxicillin hoặc thuốc “con nhộng”… Người bán-người mua ngầm hiểu ý nhau. Vì vậy, trong liều thuốc điều trị viêm họng, viêm phổi, viêm xoang, đau bụng… đều có khả năng có thuốc kháng sinh.

Trên thực tế, rất khó để nhận diện kháng sinh. Bởi đôi khi chúng ta không hiểu khái niệm về thuốc kháng sinh, mà chỉ biết đơn giản đó là thuốc điều trị bệnh. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất là mỗi khi có các vấn đề về sức khỏe nên đi khám ở các cơ sở y tế, để được hướng dẫn về các thành phần có trong toa thuốc. Từ đó cũng sẽ giúp chúng ta nhận diện các tên thuốc, mặt thuốc thường gặp.

- Nhiều phụ huynh phản ánh, khi sử dụng kháng sinh trẻ có vẻ mệt hơn bình thường. Điều này là do đâu, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Kháng sinh là thuốc diệt vi khuẩn. Vì vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, bé dùng thuốc khi bị bệnh, do đó bệnh + thuốc sẽ càng làm cho trẻ mệt hơn bình thường. Tuy nhiên, có một số loại kháng sinh khi vào cơ thể với liều lượng cao hoặc kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đường ruột, gây loạn khuẩn đường ruột.

Trong đường tiêu hóa luôn tồn tại vi khuẩn tốt để giúp hệ miễn dịch đường tiêu hóa hoạt động tốt. Khi sử dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt luôn cả vi khuẩn tốt trong đường ruột, gây ra biểu hiện của rối loạn tiêu hóa, ví dụ như tiêu chảy, đau bụng quặn hoặc có những trường hợp bị tiêu chảy kéo dài do hệ vi sinh đường ruột không được phục hồi sau quá trình sử dụng kháng sinh do bị bệnh kéo dài.

5. Bí quyết nào giúp phục hồi sức khỏe sau khi sử dụng kháng sinh?

Những biện pháp nào phụ huynh có thể áp dụng để phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ khi sử dụng kháng sinh, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Trong những trường hợp trẻ phải sử dụng kháng sinh hoặc do tác động liên quan đến bệnh tật gây ảnh hưởng sức khỏe và đặc biệt là hệ tiêu hóa, khiến cho trẻ mệt mỏi. Vì vậy, cần cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp để hồi phục sức khỏe. Song song đó nên bổ sung thêm men tiêu hóa, probiotic để bồi hoàn lại lợi khuẩn bị tiêu diệt do sử dụng kháng sinh giúp đường ruột của trẻ dễ chịu, nhanh chóng hồi phục.

6. Vì sao sau khi sử dụng kháng sinh, cha mẹ cần bổ sung probiotic cho trẻ?

Vì sao sau khi sử dụng kháng sinh, cha mẹ cần bổ sung probiotic cho con? Chủng probiotic nào mang lại nhiều lợi điểm nhất trong trường hợp này, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Khi sử dụng kháng sinh có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ vi sinh đường ruột. Vì vậy bổ sung chế phẩm probiotic sẽ giúp bù đắp lại quần thể vi sinh đường ruột, giúp cho việc hoạt động đường ruột trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý, không nên lạm dụng quá mức cũng như không nên sử dụng bừa bãi, tự ý dùng kéo dài. Nên bổ sung vừa đủ, khi các hoạt động của trẻ trở lại bình thường, phụ huynh nên cố gắng duy trì các giải pháp khác như dinh dưỡng, bổ sung probiotic tự nhiên từ thực phẩm, ăn uống hằng ngày.

7. Những nguyên nhắc cần nhớ để sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả cho trẻ

Cuối chương trình, nhờ BS chia sẻ thêm kinh nghiệm: để sử dụng kháng sinh an toàn và hiệu quả cho trẻ, cha mẹ cần nhớ những nguyên tắc nào, thưa BS? Những điều nên làm để tránh lạm dụng kháng sinh ở trẻ em?

BS.CK2 Nguyễn Trần Nam trả lời: Sử dụng kháng sinh là nỗi lo không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn là trăn trở của nhân viên y tế chúng tôi. Gần 30 năm nay, chúng ta tạo ra rất ít kháng sinh, bởi vì giới hạn trong hoạt động của ngành Dược, trong khi đó gen kháng thuốc của các loại vi khuẩn phát triển mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng kháng sinh một cách thận trọng bằng cách:

- Cân nhắc trong mọi tình huống khi nào trẻ cần sử dụng kháng sinh, dùng đúng chỉ định của nhân viên y tế.

- Dùng đúng liều, đủ thời gian để không ảnh hưởng sức khỏe của trẻ sau đó.

- Nâng cao sức khỏe của trẻ với việc tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ vitamin và khoáng chất; xây dựng lối sống lành mạnh để hạn chế các bệnh lý, hoặc chính sức đề kháng sẽ đủ sức chống lại các mầm bệnh một cách chủ động. Song song đó, hợp tác cùng với nhân viên y tế chống lại đề kháng kháng sinh. Đối với những trường hợp có vấn đề về sức khỏe, đừng ngại đến các cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị, tránh việc sử dụng thuốc bừa bãi, không hợp lý.

Kỳ 1: Thủ thỉ cùng con trước ngày trẻ trở lại trường học

Kỳ 2: Cẩm nang để bé không ốm khi đi nhà trẻ

Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng AB21 thuộc MEDPHARM đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X