Hotline 24/7
08983-08983

Kỳ tích giành lại sự sống cho bệnh nhân bị xuất huyết não 4 ngày

Cụ bà 80 tuổi bị xuất huyết não, sau 4 ngày hội chẩn tại một bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM mới đến được với BS Cường trong tình trạng 3 phần sống, 7 phần chết. Sau 2 năm, bệnh nhân khi ấy nay đã trở thành mạnh thường quân nhiệt tình của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ dường như là nơi có duyên với nhiều câu chuyện kỳ diệu. Đó là khi y bác sĩ dốc sức cứu bà cụ 73 tuổi đã ngưng tim, ngưng thở do tràn dịch màng ngoài tim - một ca bệnh hiếm và hiểm. Hay khi ban giám đốc bệnh viện quyết tâm bằng mọi giá phải cứu người đàn ông làm nghề mò ốc bị đột quỵ dù gia cảnh người bệnh rất khó khăn, không đủ tiền chữa trị. Nơi đây, bác sĩ thường xuyên chống lại sự an bài của số phận khi tiếp nhận nhiều ca “còn nước, còn tát”.

Câu chuyện của cụ bà N.K.K. (80 tuổi, Việt kiều Úc) là một minh chứng.

Trở về từ “cõi chết” sau 4 ngày xuất huyết não

Bước đi nhanh nhẹn, thoải mái vui đùa cùng con cháu, không ai nhận ra cụ K. từng trải qua cơn xuất huyết não cách đây 2 năm khiến ngôn ngữ, trí nhớ và khả năng vận động gần như bằng 0.

Cụ bà tóc bạc trắng không thể quên được một ngày tháng 10/2017, mới hồi chiều còn khỏe mạnh chăm cháu, trò chuyện với bạn bè thì đến nửa đêm đột ngột đau đầu, nôn ói, ngất xỉu, bất tỉnh trong toilet.

Cụ K. kể lại, khi ngã xuống là hầu như không còn nhận biết được gì, tay chân cử động được nhưng yếu. Lập tức, người nhà gọi xe đến Bệnh viện Đa khoa TP Long Xuyên và chuyển lên bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM ngay sau đó.

Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện chẩn đoán cụ K. bị xuất huyết não. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu nên bệnh viện chỉ điều trị thuốc. Sau những cuộc hội chẩn kéo dài… 4 ngày không kết quả, gia đình sốt ruột và muốn đưa bệnh nhân nhanh chóng về Úc chữa trị bằng trực thăng. Tuy nhiên, người con gái đã tìm kiếm được thông tin liên lạc của TS.BS Trần Chí Cường, lúc này công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. BS Cường chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, giục người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện mình sớm nhất có thể.

“Nhận được cuộc điện thoại dù không quen biết, cũng không có sự “gửi gắm” của người quen, lại sát nút thời điểm lên máy bay công tác nước ngoài nhưng BS Cường vẫn nhận lời. Khi đến được với bác sĩ, tôi chỉ có 3 phần sống, 7 phần chết” - cụ K. vừa nói vừa dẫn chứng qua những tấm hình được chụp lại vào thời điểm nhập viện.

BS Cường cũng không quên tình trạng cụ K. lúc đó: “Tôi tiếp nhận ca trong tình trạng bệnh nhân hoàn toàn hôn mê. Xem xét qua các kết quả chụp chiếu, cụ bị xuất huyết não do vỡ túi phình. Phương án can thiệp nội mạch đặt coil là tối ưu nhất. Sau can thiệp cụ hồi tỉnh và dần hồi phục”.



Những ngày sau mổ, cụ B. (84 tuổi) - người chồng tận tụy hết mực chăm sóc vợ mình trên giường bệnh

Gia đình tuy định cư tại Úc nhưng khi cụ K. lâm bệnh tại Việt Nam, con gái cụ đã bay về gần như lập tức đưa mẹ tìm đến BS Cường

Cuối tháng 10 năm đó, cụ K. được xuất viện về nhà, lúc này tay chân cử động tốt, đã nhận biết được người xung quanh, nhưng vẫn lúc nhớ, lúc quên.

Nhắc lại kỷ niệm vui, cụ bà hóm hỉnh nói: “Lúc được BS Cường cứu sống, việc đầu tiên khi tôi tỉnh dậy là tìm điện thoại và tiền. Hết hạn lưu trú, tôi phải quay lại Úc, tái khám với bác sĩ bên đó, nhìn vết mổ và sức khỏe của tôi, bác sĩ còn thốt lên, bác sĩ Việt Nam giỏi quá!.

Điều làm tôi hạnh phúc nhất là sau cơn đột quỵ vì gặp đúng thầy, đúng thuốc nên không trở thành người tàn phế. Thậm chí khi bạn bè đến thăm, ai cũng nhìn tôi lom lom nghĩ chắc không đi lại, cử động được. Thấy vậy, tôi liền làm “người mẫu”, đi tới đi lui cho coi. Họ không tin được khen rằng hay quá!”.

Cụ B. - người chồng tận tụy của cụ K. cũng khoe rằng: “Bên Úc không tin Việt Nam có bác sĩ làm can thiệp giỏi như thầy Cường (BS Cường). Lúc nào đưa bà xã đi khám tui cũng khoe về thầy Cường nghen. Thầy hay đi nước ngoài, có cả Úc nữa nè, để tham dự hội thảo và trao đổi nghề nghiệp nha. Lại còn nhận đào tạo bác sĩ nước ngoài nữa. Mấy bác sĩ bên kia nghe xong khen dữ lắm đó”.

Hai vợ chồng cụ B. cùng chăm sóc cháu sau khi xuất viện và về Úc

Trong lần tái khám mới đây, BS Cường đánh giá tình hình sức khỏe cụ K. diễn tiến tốt, cần chụp hình mạch máu kiểm tra. Tuy nhiên, do cụ đang đặt Pacemaker (máy tạo nhịp tim) nên không thể chụp MRI mà chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA để đánh giá túi phình.

Bệnh nhân trở thành mạnh thường quân

Mỗi năm, trong những dịp thăm gia đình ở Việt Nam, cụ K. không quên ghé thăm và tái khám với BS Cường, dù là TPHCM hay Cần Thơ.

Mang ơn người đã cứu mình ra khỏi cửa tử, không biết lấy gì báo đáp, khi hay tin vị bác sĩ ấy muốn xây bệnh viện chuyên sâu về đột quỵ, cụ K. và gia đình không ngần ngại đóng góp 200 triệu đồng. Một phần vì tin tưởng vào bàn tay cứu người của BS Cường, phần nữa vì đã trải qua căn bệnh này nên cụ hiểu sinh mạng con người là rất quý giá.



Những chuyến đi chơi, du lịch của vợ chồng cụ K.

Năm 2018, là bệnh nhân đầu tiên ghé thăm Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ khi chỉ mới có nền móng, cụ lại tiếp tục quyên góp thêm 20 triệu đồng.

Nhắc lại câu chuyện này, cụ xua đi và tự nhận số tiền đóng góp chỉ là “cát đãi sa mạc” nhưng có lẽ với nhiều người, đặc biệt là TS.BS Trần Chí Cường và đội ngũ xây dựng bệnh viện thì mỗi viên gạch mà mạnh thường quân đóng góp đều vô cùng ý nghĩa, trân trọng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X