Hotline 24/7
08983-08983

Kỹ năng tự vận động - Cánh cửa mới mở ra cơ hội để trẻ khiếm thính hòa nhập xã hội

Máy trợ thính hay phương pháp cấy ghép ốc tai điện tử giúp hỗ trợ tích cực trong phục hồi tai ở trẻ khiếm thính. Song, trẻ cần nắm bắt được kỹ năng tự vận động để có thể dùng phần tai này phục vụ cho quá trình hòa nhập cộng đồng. Đó là những nội dung đáng chú ý trong bài báo cáo của GS Takashi Nakagawa tại Hội nghị Tai Mũi Họng Nhi châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 8.

Cánh cửa tươi sáng cho trẻ khiếm thính nhờ kỹ năng tự vận động

Mở đầu báo cáo “Tầm quan trọng của kỹ năng tự vận động ở trẻ khiếm thính”, GS Takashi Nakagawa đề cập đến khái niệm “Self-advocacy” - kỹ năng tự vận động. Cụ thể, self-advocacy là khả năng tự truyền đạt nhu cầu của bản thân.

“Việc sở hữu kỹ năng tự vận động tốt giúp mang lại nhiều lợi ích cho cả trẻ em lẫn người lớn. Có thể thấy, người có kỹ năng tự vận động sẽ có thể tiếp thu tốt thông tin, kiến thức trong trường học, công việc hoặc cuộc sống. Bên cạnh đó, việc có được kỹ năng tự vận động tốt còn khiến con người ta cảm thấy tự tin hơn vào những gì mình đang làm, giúp tạo nên sự chủ động và độc lập” - GS Takashi Nakagawa giải thích.

Kỹ năng tự vận động có 3 yếu tố chính, gồm: hiểu được nhu cầu của bản thân, biết được phương thức truyền đạt nào sẽ hữu ích và biết cách để truyền đạt những nhu cầu này đến người khác.

GS Takashi Nakagawa - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy quốc tế, và hiện đang công tác tại Trường Y Đại học Kyushu, Nhật Bản

GS Takashi Nakagawa cho biết, nhờ sự phát triển của khoa học - công nghệ mà việc khám và sàng lọc khiếm thính ở trẻ sơ sinh cũng ngày càng phổ biến, từ đó, việc tầm soát và hỗ trợ trẻ ngày càng tốt hơn, giúp tăng khả năng tiếp thu hiệu quả ở nhóm trẻ này.

Chính vì thế, trẻ khiếm thính vẫn có thể phát triển ngôn ngữ nhờ can thiệp sớm bằng máy trợ thính và cấy điện cực ốc tai. Nhờ đó mà những đứa trẻ này có thể đi học tại các trường chính khóa thay vì đi học tại trường đặc biệt dành riêng cho trẻ khiếm thính như trước kia.

Tuy nhiên, khả năng nghe của mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, các phương tiện cần thiết để giúp trẻ khiếm thính giao tiếp cũng khác nhau, chẳng hạn như ngôn ngữ ký hiệu, đọc, viết hoặc nghe thông qua thiết bị trợ thính.

Rõ ràng có thể thấy, để hiểu được nhu cầu của từng đứa trẻ khiếm thính là rất khó, đặc biệt là ở môi trường dạy học chính khóa. Ngay cả cùng một đứa trẻ, khả năng truyền đạt thông tin của chúng cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào các tình huống, chẳng hạn như trong lớp học, sân trường hay khu tập thể dục, thể thao,…

Trong những tình huống này, bản thân trẻ khiếm thính phải có khả năng tìm cách để bày tỏ, giao tiếp hay trình bày mong muốn của mình. Khả năng này được gọi là kỹ năng tự vận động ở trẻ khiếm thính, GS Takashi Nakagawa chia sẻ.

Xứ sở hoa Anh Đào áp dụng phương pháp gì để rèn luyện kỹ năng tự vận động cho trẻ khiếm thính?

Ngày nay, nhờ sự phát triển của máy trợ thính và phương pháp cấy ghép ốc tai điện tử mà trẻ khiếm thính có thể phát triển ngôn ngữ tốt, song trên lý thuyết điều này chỉ giúp phục hồi phần “tai”.

“Hơn hết, việc học kỹ năng tự vận động là vô cùng cần thiết để trẻ có thể dùng phần “tai” để lắng nghe, học nói, tự truyền đạt nhu cầu, mong muốn của mình trong mọi trường hợp” - vị chuyên gia nhận định.

Kỹ năng tự vận động ở trẻ khiếm thính bao gồm kiến ​​thức khả năng nghe của trẻ, các thiết bị hỗ trợ thính giác và những kỹ năng giao tiếp cơ bản. Việc giáo dục kỹ năng tự vận động lại càng quan trọng hơn khi trẻ kiếm thính bắt đầu bước vào độ tuổi đi học.

Chính vì thế, các chuyên gia tại Nhật Bản đã sử dụng một bảng đánh giá giúp kiểm tra kỹ năng tự vận động của trẻ khiếm thính bằng phiên bản tiếng Nhật. Từ đó, họ đã xây dựng sách giáo khoa phù hợp để dạy những kỹ năng cần thiết cho trẻ khiếm thính dựa trên kết quả nghiên cứu trong một thập kỷ.

Chuyên gia cho biết, quyển sách được thể hiện qua hình thức tranh minh hoạ nhằm giúp trẻ dễ hiểu. Theo đó, sách tập trung vào các kiến thức giao tiếp cơ bản, hướng dẫn trẻ cách sử dụng máy trợ thính thông qua việc tự vẽ những thiết bị này để ghi nhớ sâu hơn.

Đặc biệt, sách còn giúp nhấn mạnh tầm quan trọng của bạn bè đối với trẻ khiếm thính. Trong trường hợp trẻ khiếm thính không hiểu được thông tin có thể nhờ sự trợ giúp từ bạn thân. Hiện, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm hiệu quả của việc giáo dục trẻ khiếm thính thông qua sách mới này ở môi trường học chính khóa.

Hội nghị Tai mũi họng Nhi châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 8 do Liên chi hội Tai mũi họng Nhi TPHCM, Liên chi hội Tai Mũi Họng TPHCM phối hợp cùng Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM và Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tổ chức với chủ đề “Khuynh hướng mới trong chuyên ngành Tai Mũi Họng Nhi” thu hút gần 1.000 người tham dự, được thực hiện dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến thông qua zoom.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X