Hotline 24/7
08983-08983

Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng nCoV

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán - thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đã lây lan hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện loại virus này đã giết chết 565 người và lây nhiễm cho hơn 28.000 trường hợp trên toàn cầu.

1. Tổng quan

- Coronavirus (CoV) là một họ vi rút lớn có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nặng, đe dọa tính mạng như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2019, một chủng coronavirus mới (2019-nCoV) gây viêm phổi cấp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc được xác định và đang có nguy cơ lan rộng khắp thế giới.

- Người nhiễm nCoV có các triệu chứng cấp tính: ho, sốt, khó thở, đau ngực, có thể diễn tiến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

- Thời gian ủ bệnh: 2-14 ngày

2. Nguồn gốc

- Trong lịch sử, các biến chủng vi rút gây thành các trận dịch lớn đều được xác định có nguồn gốc từ động vật, ví dụ:

+ SARS-CoV (2002-2003): có nguồn gốc từ loài cầy hương

+ MERS-CoV (2012): có nguồn gốc từ loài lạc đà

- Chủng vi rút 2019-nCoV hiện đang được nghi ngờ có nguồn gốc từ loài dơi, hoặc có thể là một chủng lai giữa các vi rút corona tồn tại ở loài dơi và rắn.

3. Đường lây truyền

- Chủng 2019-nCoV là một chủng mới, hiện giờ các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để hiểu biết sâu hơn về chủng này.

- Các kiến thức về đường lây truyền của vi rút đến từ những nghiên cứu về chủng SARS-CoV:

+ Mầm bệnh vi rút từ người đang nhiễm bệnh được phát tán ra xung quanh thông qua các giọt nước nhỏ li ti bắn ra khi người bệnh ho, hắt xì hơi, thậm chí là nói chuyện bình thường (thuật ngữ y khoa gọi là “giọt bắn”);

+ Các “giọt bắn” mang theo mầm bệnh vi rút có thể được hít trực tiếp vào phổi của người lành xung quanh người bệnh trong khoảng cách gần (ít hơn 2m);

+ Các “giọt bắn” này cũng có thể “đậu” lại trên mặt, trên mũi, miệng, mắt của người lành, rồi từ đó đi vào đường hô hấp của người lành;

+ Các “giọt bắn” này cũng có thể “đậu” lại trên các bề mặt ở xung quanh người bệnh (ví dụ: giường, bàn, ghế…) và gây ô nhiễm vi rút vào các bề mặt này; tiếp theo sau đó, người lành ở xung quanh chạm tay vào các bề mặt này (vì không thấy được) dẫn đến ô nhiễm bàn tay; tiếp theo sau đó, người lành có bàn tay bị ô nhiễm vi rút dùng tay chạm vào mũi, miệng, mắt (dụi mắt) tạo cơ hội cho vi rút từ bàn tay xâm nhập vào đường hô hấp;

+ Các nhà khoa học cũng đang rất nghi ngờ vi rút có khả năng lây truyền qua không khí đến những người không có tiếp xúc gần với người bệnh (giống đường lây truyền của vi khuẩn lao).

- Các kết quả có được cũng từ các nghiên cứu về chủng SARS-CoV cho thấy, trong điều kiện nhiệt độ từ 22-25°C và độ ẩm từ 40-50% (nhiệt độ và độ ẩm trung bình của một phòng kín có máy điều hòa nhiệt độ) vi rút có thể tồn tại khoảng 5 ngày; còn trong môi trường ngoài có nhiệt độ từ 28-33°C, vi rút cũng có khả năng sống sót từ 4-5 ngày; trong điều kiện nhiệt độ cao ≥38°C và độ ẩm cao 80-90%, vi rút có thể sống sót 1 ngày.

Virus Corona có các gai nhỏ giống như vương miện. Ảnh: FDA

4. Chẩn đoán

Theo các hướng dẫn hiện nay của Bộ Y tế, có các trường hợp là: “ca bệnh nghi ngờ”, “ca bệnh có thể” và “ca bệnh xác định”, cùng với các trường hợp chẩn đoán phân biệt, và có các tiêu chuẩn cụ thể như sau:

4.1. Ca bệnh nghi ngờ

Bao gồm một trong các trường hợp sau:

4.1.1. Sốt và viêm phổi hoặc viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-Quang mà không lý giải được bằng các nhiễm khuẩn hoặc nguyên nhân khác, và:

- Sống hoặc đi du lịch đến vùng dịch tễ có bệnh do nCoV trong 14 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng;

- Hoặc tiếp xúc với người bệnh có sốt và nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi du lịch đến vùng dịch tễ có bệnh do nCoV.

4.1.2. Sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở…) và:

- Tiền sử đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế ở vùng dịch tễ có bệnh do nCoV đã xác định có ca bệnh do nCoV;

- Hoặc tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ có bệnh do nCoV trong vòng 14 ngày.

4.1.3. Sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.

4.2. Ca bệnh có thể

Khi có các bằng chứng về lâm sàng và dịch tễ:

- Bằng chứng dịch tễ: Người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm, bao gồm những người chăm sóc người bệnh: Nhân viên y tế, người bệnh cùng phòng, những người sống chung với người bệnh, người nhà chăm sóc, khách thăm bệnh trong thời gian có biểu hiện bệnh.

- Bằng chứng lâm sàng: Người bệnh có các dấu hiệu lâm sàng, X-Quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh của bệnh lý nhu mô phổi (ví dụ như viêm phổi hoặc ARDS) phù hợp với định nghĩa ca bệnh nghi ngờ ở trên, và:

+ Không được khẳng định bằng xét nghiệm;

+ Không lý giải được bằng các nhiễm khuẩn hoặc căn nguyên khác.

4.3. Ca bệnh xác định

Là ca bệnh có biểu hiện lâm sàng như đã nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm Real time RT – PCR dương tính với nCoV.

4.4. Chẩn đoán phân biệt

Cúm A/H1N1, A/H5N1, SARS-CoV, MERS-CoV hoặc viêm phổi không điển hình do các căn nguyên khác như vi rút hợp bào hô hấp (SRV), adenovirus, mycoplasma,…

4.5. Xét nghiệm cận lâm sàng

Real time RT-PCR bệnh phẩm dịch đường hô hấp, đàm, dịch nội khí quản.

5. Nguyên tắc điều trị

- Ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh có thể: Khám ở phòng cách ly tại bệnh viện, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định;

- Ca bệnh xác định: chỉ định nhập viện theo dõi vào phòng cách ly hoàn toàn;

- Tiêu chuẩn xuất viện: Hết sốt ít nhất 3 ngày, toàn trạng tốt;

- Điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời suy hô hấp, suy thận, suy đa tạng.

6. Phòng ngừa lây nhiễm nCoV

6.1. Phòng ngừa lây nhiễm nCoV trong bệnh viện

6.1.1. Tổ chức khu vực cách ly

- Khu vực có nguy cơ cao phải có bảng cảnh báo và hướng dẫn chi tiết ở lối vào, có người trực gác: Nơi điều trị người bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm nCoV;

- Khu vực có nguy cơ phải có bảng hướng dẫn chi tiết ở lối vào: Nơi có nhiều khả năng có người bệnh nhiễm nCoV đến khám (như khoa Hô hấp, Cấp cứu, Khám bệnh…);

- Người bệnh không khó thở cần được cho mang khẩu trang y tế.

6.1.2. Phòng ngừa lây qua đường tiếp xúc và giọt bắn

- Cách ly ngay lập tức những ca nghi ngờ (không xếp chung phòng các ca nghi ngờ và ca xác định) và cho mang khẩu trang y tế;

- Việc chụp X-Quang, các xét nghiệm… nên được tiến hành tại giường, hạn chế di chuyển người bệnh, nếu di chuyển cần phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân;

- Người bệnh tránh khạc nhổ bừa bãi, người bệnh khạc vào khăn giấy và bỏ vào thùng rác lây nhiễm;

- Nhân viên y tế khi chăm sóc: Dùng khẩu trang ngoại khoa, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng sử dụng một lần, găng tay, nón, bao giày;

- Kê giường khoảng cách tối thiểu 1 mét;

- Nếu có thể nên sắp xếp nhân viên y tế chỉ chăm sóc trong khu vực các ca nghi ngờ, có thể hoặc xác định để tránh lây nhiễm chéo;

- Sử dụng máy đo huyết áp, ống nghe, nhiệt kế… riêng cho từng người bệnh, trước khi dùng cho người bệnh khác cần được lau khử khuẩn;

- Bệnh phẩm xét nghiệm phải được đặt trong túi nylon hoặc hộp vận chuyển theo quy định;

- Vệ sinh tay với nước và xà phòng khử khuẩn hoặc chà tay khử khuẩn với dung dịch vệ sinh tay chứa cồn sau khi tiếp xúc dịch tiết đường hô hấp, dụng cụ bẩn, chăm sóc người bệnh, sau khi tháo găng tay, khẩu trang, áo choàng và trước khi rời khu vực cách ly;

- Những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh ở khu vực cách ly phải tắm, thay quần áo trước khi ra khỏi khu vực cách ly;

- Cấm người nhà và khách thăm đến khu vực cách ly;

- Lập danh sách những người tiếp xúc gần và theo dõi trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Tư vấn cho người tiếp xúc các dấu hiệu như sốt, đau họng, ho, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám.

6.1.3. Phòng ngừa lây qua đường không khí

Khi thực hiện các thủ thuật có nguy cơ tạo khí dung như đặt nội khí quản, mở khí quản, hồi sức tim phổi, nội soi phế quản… ần phải đeo khẩu trang N95, kính bảo hộ, mặt nạ che mặt, áo choàng không thấm nước, găng tay dài.

6.1.4. Xử lý môi trường và chất thải

- Các bề mặt thường xuyên tiếp xúc lau tối thiểu 2 lần/ngày bằng hóa chất khử khuẩn.

- Hướng dẫn nhân viên vệ sinh tuân thủ sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân như NVYT.

- Mọi chất thải rắn tại khu vực cách ly là rác lây nhiễm, được phân loại, thu gom xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

6.2. Phòng lây nhiễm nCoV ở ngoài cộng đồng

- Đeo khẩu trang và đến các cơ sở y tế khám bệnh ngay khi có triệu chứng hô hấp

- Vệ sinh cá nhân:

+ Rửa tay sạch: Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi;

+ Che mũi, miệng khi có hắt hơi và ho, vứt các khăn giấy lau mũi miệng vào thùng rác riêng có nắp đậy;

+ Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng;

+ Không hút thuốc lá.

- Vệ sinh môi trường:

+ Duy trì thông khí nơi ở hoặc nơi làm việc tốt;

+ Tránh tiếp xúc và tụ tập đông người, nơi không thoáng khí;

+ Hạn chế tiếp xúc trực tiếp các vật nuôi, động vật hoang dã.

TS.BS. Huỳnh Minh Tuấn
Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X