Hotline 24/7
08983-08983

Khuẩn Salmonella, kẻ "tình nghi" khiến hàng trăm học sinh nhập viện có trong thực phẩm nào?

Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Vi khuẩn này thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm.

Mới đây, 387 học sinh trường Ischool Nha Trang phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa tại trường, trong đó một bé tử vong.

Tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa ra thông báo cho biết kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang ngộ độc là vi khuẩn Salmonella, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh. Ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh gồm Gentamicin, Amikacin, Tobramicin. Dự kiến ngày 23/11, Viện Pasteur Nha Trang cũng sẽ có kết quả xác định nguyên nhân độc tố.

Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây bệnh thương hàn, đồng thời vi khuẩn này cũng là căn nguyên phổ biến, gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong những năm gần đây (Ảnh minh họa)

Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella

Theo các chuyên gia, Salmonella là loại khuẩn gặp nhất trong các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Bệnh gặp khắp nơi trên thế giới, nhất là các nước nhiệt đới.

Khuẩn Salmonella có sức đề kháng rất cao, khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, trong môi trường nước hay phân từ 2 - 3 tuần; trong nước đá từ 2 - 3 tháng. Salmonella sống được cả ở trong thực phẩm có nồng độ muối, đường cao.

Khuẩn này bị hủy trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Salmonella là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn. Hồi tháng 4, một số nước châu Âu cảnh báo và thu hồi kẹo trứng chocolate Kinder do nghi ngờ nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Cuối năm 2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ghi nhận một người chết và 10 người nhập viện sau khi ăn phải thịt bò chứa vi khuẩn Salmonella.

Tại Việt Nam, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do khuẩn Salmonella. Điển hình năm 2018, khoảng 200 em học sinh mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) phải nhập viện hay năm 2019, hơn 50 người dân ở Hà Tĩnh bị ngộ độc sau khi ăn đám giỗ cũng do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn này.

Khuẩn Salmonella có trong những loại thực phẩm nào?

Chúng ta có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella khuẩn này từ nhiều loại thực phẩm, thường có trong thịt, gia cầm, sữa, lòng đỏ trứng còn sống hoặc bị ô nhiễm. Vi khuẩn có thể lây lan qua dao, bề mặt cắt hoặc dụng cụ xử lý thực phẩm bị nhiễm.

Thực phẩm không phải là con đường duy nhất mà Salmonella lây sang người. Vi khuẩn cũng lây lan qua nước bị ô nhiễm, môi trường, người khác và động vật. Ngay cả vật nuôi và động vật mà bạn có thể tiếp xúc tại vườn thú, trang trại, hội chợ, trường học và nhà trẻ cũng có thể mang vi khuẩn Salmonella và các vi trùng có hại khác.

Biểu hiện nhiễm khuẩn Salmonella là gì?

Biểu hiện nhiễm độc là nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, sốt..., có thể khởi phát 1-3 ngày sau nhiễm. Trong đó, triệu chứng nghiêm trọng nhất là mất nước và các muối, khoáng chất cần thiết. Trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh mạn tính có thể bị mất nước nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

Nếu bệnh nhân không nhập viện bù điện giải kịp thời sẽ dễ co giật, biến chứng. Một số trường hợp có thể nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan, nguy hiểm tính mạng.

Nhiễm khuẩn Salmonella phổ biến hơn trong các tháng mùa hè (tháng 6, 7 và 8) so với mùa đông. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, hay gặp ở trẻ nhỏ, người già có sức đề kháng yếu. Ngoài ra, những người không có axid dạ dày do cắt dạ dày hoặc dạ dày thiểu toan thường dễ mắc bệnh.

Một số người có nhiều khả năng bị nhiễm khuẩn Salmonella nghiêm trọng hơn, bao gồm trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do một số tình trạng bệnh lý (chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh gan hoặc thận và ung thư).

Điều trị nhiễm khuẩn Salmonella ra sao?

Người nhiễm khuẩn nhẹ thường hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, một số người bị tiêu chảy nặng có thể phải nhập viện hoặc dùng thuốc kháng sinh.

Khi bị ngộ độc, người bệnh cần được bù nước bằng điện giải, uống oresol, không nên uống thuốc cầm nôn hay cầm tiêu chảy do đây là phản xạ của cơ thể để đào thải chất độc. Khi không thể bù nước bằng đường uống, bệnh nhân phải đi viện để truyền dịch, can thiệp thuốc.

Theo Bộ Y tế, khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2-3 tháng sau khi hết các triệu chứng.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, cần lưu ý những gì?

Để phòng tránh nhiễm khuẩn, bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn chín uống sôi. Đặc biệt, nên nấu chín kỹ trứng, rửa sạch vỏ trứng trước khi chế biến. Rau ăn sống phải rửa sạch dưới vòi nước giúp trôi vi khuẩn, nên ngâm rau bằng thuốc tím. Thường xuyên rửa sạch tay với xà phòng, nhất là trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Dùng nước nóng, xà phòng để rửa đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng nhà bếp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X