Hotline 24/7
08983-08983

Khoai lang và những công dụng tuyệt vời với sức khỏe

Khoai lang không chỉ có công dụng làm đẹp mà còn giúp chúng ta phòng ngừa chứng xơ cứng động mạch, hạ huyết áp, giảm béo phì và chứng già yếu. Nó cũng có khả năng chống ung thư vú và ung thư đại tràng.

Tác dụng của khoai lang


Khoai lang cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể như vitamin A, vitamin C, Vitamin D, protein, vitamin B6, kali, sắt, magie... Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khoai lang, được gọi là sweet potatoes (tên khoa học: Ipomoea batatas). Trong hệ thống phân loại, khoai lang có “họ hàng” với khoai tây, cả hai cùng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Đây là là thực phẩm phổ biến, có thể dùng trong bữa ăn hàng ngày, hữu ích cho sức khỏe con người, cung cấp dưỡng chất quý giá.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), mỗi 100 gram khoai lang chứa 3 gam chất xơ, giúp đốt cháy calo hiệu quả cũng như đẩy nhanh chuyển hóa. Ngoài ra, khoai lang còn giàu tinh bột, đường, vitamin A dưới dạng beta-caroten và vitamin C, Vitamin D, protein, vitamin B6, kali, sắt, magie… Nhờ những thành phần dinh dưỡng phong phú này từ khoai lang mà nó có tác dụng rất tốt trong việc chống oxy hóa, kháng viêm cực công hiệu, tốt cho hệ tim mạch, ngăn chặn sự phát triển và hình thành các tế bào ung từ các gốc tự do.

Những dưỡng chất này đã được nhiều công trình nghiên cứu khoa học chứng minh. Chẳng hạn, một nghiên cứu do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện trên 124.000 người thì cho thấy, những người tiêu thụ thức ăn giàu carotene trong chế độ ăn uống thường xuyên sẽ giảm tới hơn 32% nguy cơ ung thư phổi. Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị ung thư vú. Và màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức carotene rất cao trên thực phẩm này.

Ăn khoai lang để giữ dáng, đẹp da


Ăn khoai lang đúng cách giúp giảm cân. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khoai lang không chỉ món ăn vặt ngon miệng mà loại thực phẩm được mệnh danh là “sâm xứ Nam” này còn có công dụng giảm cân nhờ:

Chứa nhiều chất xơ: Chất xơ được tìm thấy trong khoai lang dồi dào và lượng nước cao gấp 2 lần so với các thực phẩm khác, dẫn đến dạ dày sẽ có cảm giác nhanh no, hạn chế khẩu phần ăn so với bình thường. Hơn nữa, trong khoai lang còn chứa chất rất khó bị phân hủy trong dung môi hữu cơ, tạo cho bạn cảm giác no lâu, cơn đói của bạn sẽ đến chậm hơn bình thường. Đặc biệt, chất xơ có trong khoai lang tím còn giúp ngăn ngừa sự tích tụ các chất béo có trong thực phẩm khi nạp vào cơ thể.

Chứa ít tinh bột: Trong một củ khoai lang chỉ chứa có 10% trong số gần 2000 lượng calo mà cơ thể cần phải nạp vào mỗi ngày. Lượng tinh bột của khoai lang chỉ rơi vào 4gr- bằng 1/3 so với khoai tây và ½ so với một chén cơm.

Hầu như không chứa chất béo và cholesterol: Chỉ chứa 0.1 mg chất béo nên khoai lang là thực phẩm rất có lợi giúp ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa và gây tăng cân. Trong chúng cũng không chứa lượng cholesterol gây hại cho cơ thể.

Vậy chúng ta nên ăn khoai lang thế nào để đảm bảo công dụng giảm cân của nó?

Tốt nhất bạn hãy ăn 1-2 củ khoai lang vào buổi sáng thay cho thói quen ăn phở hay bánh mì, chúng sẽ giúp bạn có đủ năng lượng cho ngày mới và cảm giác no lâu. Nhờ vậy, chúng sẽ hạn chế cảm giác thàm đồ ăn vặt và giảm khẩu phần ăn vào các bữa tiếp theo. Các nhà khoa học tại Viện dinh dưỡng TW cũng đưa ra lời khuyên là bạn nên ăn kèm khoai với sữa nguyên kem hay sữa chua hoặc chút rau xanh vào bữa sáng để đảm bảo cơ thể đủ năng lượng cho một ngày dài làm việc.

Bạn nên ăn khoảng 1 củ khoai trước khi ăn trưa sẽ giúp bạn không thể tiếp tục ăn quá nhiều. Ánh sáng trong mặt trời vào giai đoạn từ 2-5 giờ chiều có tác dụng rất tốt trong việc thúc đẩy hấp thụ canxi trong khoai lang mà cơ thể vừa hấp thụ vào bữa trưa.

Bạn cần tránh ăn khoai lang vào bữa tối, bởi nó có thể gây trào ngược axit dạ dày và chứng đầy bụng, khó tiêu, mất ngủ.

Mách nhỏ, bạn nên ưu tiên lựa chọn khoai lang trắng thay vì khoai lang tím, vàng và nên ăn khoai lang hấp, luộc chứ không nên chiên để giảm cân nhanh hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, kể cả đối với người muốn giảm béo vẫn cần đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, do đó không nên thúc đẩy quá trình giảm béo nhanh chóng bằng việc chỉ ăn nguyên khoai lang cả ngày. Nếu muốn, bạn chỉ nên thay thế một phần cơm trong các bữa ăn chính và dùng kèm với các thực phẩm giàu protein, rau tươi để có được khẩu phần ăn cân đối dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, ăn khoai lang 1-2 lần/tuần sẽ giúp da được cung cấp nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ, không những làm căng da mà còn làm mịn phẳng các nếp nhăn trên mặt. Để làm đẹp da tốt nhất, bạn có thể làm khoai lang hấp chín, nghiền nhuyễn rồi trộn với sữa chua để làm mặt nạ chống lão hóa rất hiệu quả cho da.

Ăn khoai lang 1-2 lần/tuần sẽ giúp da được cung cấp nhiều sinh tố có lợi, làm căng da, mịn phẳng các nếp nhăn trên mặt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cần lưu ý gì khi ăn khoai lang?


Khoai lang có nhiều công dụng từ việc làm đẹp, giảm cân lại tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng nhiều và dùng không đúng cách cũng gây không ít tác hại cho cơ thể. Do đó, tốt nhất khi ăn khoai lang cần tuyệt đối tránh những điều sau đây:

Để khoai lang càng lâu càng ngon: Bạn phải nói lời tạm biệt ngay với thói quen để khoai lang lâu rồi mới sử dụng. Trong thời gian đó, nước trong củ khoai sẽ tham gia vào phản ứng thủy phân tinh bột, làm gia tăng lượng đường trong khoai đáng kể, từ đó dẫn tới tăng cân không kiểm soát.

Không ăn khi đói: Khoai lang chứa nhiều tinh bột nhưng không giống như gạo. Nếu đói bụng mà bạn ăn khoai lang sẽ gây ra những tổn thương cho dạ dày. Các chất có trong khoai sẽ kích thích nêm mạc gây cảm giác đầy bụng, ợ chua cực khó chịu. Với người bị bệnh tiểu đường nên tuyệt đối tránh xa khoai lang khi đang đói vì nó sẽ làm chiều hướng của bệnh thêm xấu đi.

Ăn quá nhiều:
Đây là một sai lầm rất dễ mắc của chúng ta khi nghĩ rằng cái ghì tốt thì nên ăn nhiều. Thực tế thì cái gì sử dụng quá mức cũng sẽ biến thành có hại. Lạm dụng khoai để giảm cân sẽ khiến cơ thể thiếu hụt protein, đồng thời lượng chất xơ trong khoai khi được tiêu thụ quá lớn sẽ làm tăng sự hấp thụ vi khoáng làm cho cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây suy nhược cơ thể.

Không ăn củ có đốm đen: Khoai lang bảo quản không tốt sẽ bị hà, xuất hiện đốm đen, nhiều người không vứt bỏ mà cắt bỏ phần hà, đốm đen đi để luộc lên ăn tiếp. Tuy nhiên khi xuất hiện vết này thì có nghĩa khoai đã bị nhiễm khuẩn vằn đen ô nhiễm gây độc cho gan. Loại độc tố này không hề bị tiêu diệt dù bạn có luộc khoai trong nước sôi sùng sục hay nướng khoai trong chậu than hồng rực. Vì vậy, khi có những biểu hiện này, bạn không nên tiếc của gọt những đốm đen để sử dụng tiếp mà nên vứt bỏ đi.

- Không nên ăn khoai lang còn cả vỏ: Khi luộc khoai lang thì nên giữ cả vỏ đã rửa sạch bởi nó sẽ giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong. Tuy nhiên, khi ăn tốt nhất nên bỏ vỏ bởi mặc dù chứa nhiều kiềm tốt cho người táo bón nhưng bên cạnh đó nó cũng chứa tạp chất có hại, nếu không biết thanh lọc rất dễ bị ngộ độc.

Một số lưu ý khác như:

- Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để giải cảm và chữa táo bón, phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.

- Nên ăn khoai lang với thực phẩm có đạm động vật hoặc thực vật, như vậy sẽ có tác dụng tối đa.

- Tuyệt đối không nên ăn khoai lang khi còn sống vì khi đó, các vi khuẩn vẫn chưa bị tiêu diệt sẽ gây tiêu chảy.

- Bạn cũng nên hạn chế nướng khoai vì khói và bụi than sẽ bám vào vỏ khoai gây mất vệ sinh. Vi khuẩn theo đó cũng xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn.

Tuyệt đối không nên ăn khoai lang khi còn sống vì khi đó, các vi khuẩn vẫn chưa bị tiêu diệt sẽ gây tiêu chảy. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Mẹo chọn khoai lang ngon và ngọt


Bạn nên chọn củ khoai lang còn cứng, tươi, không bị thâm, dập hay bị nứt, sứt. Không nên mua củ to quá dễ bị xơ, mà chỉ nên chọn củ cỡ vừa.

Những củ bị rỗ, có màu đen là những củ bị hà, đã hỏng không ăn được.

Khoai lang mua không nên bảo quản trong tủ lạnh, nó sẽ nhanh hỏng và bị mất mùi vị, bị héo. Bạn hãy để khoai ở nơi thoáng mát, không bọc kín trong túi nilon, đừng để ở chỗ ấm và ẩm thấp khoai sẽ mọc mầm. Nếu bảo quản tốt có thể để khoai từ 7 - 10 ngày.

Luộc khoai sao cho ngon và giữ được chất dinh dưỡng?


Nên ngâm khoai trong nước trước khi cho vào nồi nấu để khoai chín ngon hơn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khoai lang gọt 2 đầu rửa sạch cho vào nồi. Sau đó, bắc nồi khoai lên bếp, bật lửa lớn (khoảng ¾ độ lửa của bếp). Nấu đến 4 phút, giảm lửa nhỏ (vẫn còn 2 vòng lửa). Nấu tiếp đến 30 phút khoai chín, tắt bếp và đậy kín nắp thêm 5 phút.

Nên ngâm khoai trong nước trước khi cho vào nồi nấu để khoai chín ngon hơn. Tùy vào kích cỡ của khoai mà tăng giảm thêm thời gian nấu từ 5 đến 10 phút. Nên luộc trên bếp ga và hạn chế mở nắp nồi.

Hiện nay, có một số ít loại nồi giúp luộc khoai mà không cần nước giúp khoai chín mềm, bở và giữ nguôn độ ngọt, mùi thơm tự nhiên cũng như giá trị dinh dưỡng vốn có.

A.P (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X