Hotline 24/7
08983-08983

Khiếm thính ở trẻ em - phát hiện bằng cách nào?

Khiếm thính ở trẻ em là dạng khuyết tật cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả, nhất là với trẻ chưa biết nói.

Khái niệm về khiếm thính

Khiếm thính là tình trạng giảm sức nghe với nhiều mức độ khác nhau. Khiếm thính mức độ nặng ngôn ngữ dân gian gọi là điếc, để chỉ những trường hợp không nghe được âm thanh hoặc nghe mà không hiểu gì, nghễnh ngãng để chỉ người nghe kém, vẫn nghe được, hiểu được lời nói với cường độ âm thanh lớn hơn mức nghe của người bình thường.

Đơn vị đo cường độ âm thanh được tính bằng decibel (dB).

Nghe kém có thể ảnh hưởng lên một hoặc hai tai, với mức độ khác nhau.

Hiệp hội Thính giác - Ngôn ngữ - Lời nói Hoa Kỳ (American Speech - Language - Hearing Association (ASHA), năm 2015, chia nghe kém thành các mức độ dựa trên thính lực đồ đơn âm như sau:

Sức nghe bình thường:                        ngưỡng nghe từ 10 đến 15 dB.

Giảm sức nghe rất nhẹ:                       ngưỡng nghe từ 16-25 dB.

Giảm sức nghe nhẹ:                            ngưỡng nghe từ 26-40 dB.

Giảm sức nghe trung bình:                   ngưỡng nghe từ 41-55 dB.

Giảm sức nghe trung bình nặng:          ngưỡng nghe từ 56-70 dB.

Giảm sức nghe mức độ nặng:               ngưỡng nghe từ 71-90 dB.

Giảm sức nghe rất nặng gọi là điếc:      ngưỡng nghe từ > 90 dB.

Nguyên nhân của khiếm thính trẻ em

Khiếm thính bẩm sinh: bệnh do gen di truyền, bệnh do mẹ bị bệnh trong thời kỳ mang thai.

Khiếm thính mắc phải:

- Ngay lúc sinh và vài ngày đầu đời của trẻ: do sang chấn sản khoa là rủi ro gặp phải trong quá trình mẹ sinh con, do vàng da nhân trong mấy ngày đầu của trẻ mà không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể gây suy giảm thính lực nặng không hồi phục…

- Thời kỳ sơ sinh và niên thiếu: có một số nguyên nhân thường gặp như:

+ Bệnh viêm tai giữa thủng màng nhĩ, có thể chảy mủ tai hoặc không chảy mủ. Viêm tai giữa màng nhĩ đóng kín như viêm tai ứ dịch, xẹp nhĩ…, tai không bị chảy mủ, có thể không đau nên bệnh nhân và người nhà khó phát hiện bệnh.

+ Nghe kém do nhiễm siêu vi như bị quai bị, cúm...

+ Nhiễm khuẩn nặng gây điếc mà không hề bị viêm tai: như viêm màng não mủ, đặc biệt như viêm màng não do nhiễm liên cầu lợn (hay gặp ở bệnh nhân ăn tiết canh).

+ Giảm thính lực do dùng thuốc không đúng cách, có thể là thuốc uống, thuốc tiêm, thậm chí thuốc nhỏ tai.

+ Do chấn thương vùng tai và xương thái dương.

+ Nghe kém có yếu tố gia đình như bệnh xốp xơ tai, bệnh nhân nghe kém dần, không đau tai, không chảy mủ tai. Bệnh xốp xơ tai có thể bắt đầu từ tuổi thiếu niên.

+ Bệnh lý khối u thần kinh, một số bệnh nội khoa khác...

+ Khiếm thính không rõ nguyên nhân: khoảng một nửa số trường hợp khiếm thính không thể xác định nguyên nhân, trong đó có căn bệnh điếc đột ngột vô căn, tức là không tìm được nguyên nhân rõ ràng.

Biểu hiện khiếm thính ở trẻ nhỏ

Biểu hiện khiếm thính ở trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)

Khiếm thính là dạng khuyết tật cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả, nhất là với trẻ chưa biết nói. Giai đoạn này cha mẹ, người chăm sóc trẻ có vai trò quan trọng nhất trong việc phát hiện trẻ có nghe kém hay không. Chúng ta cần lưu ý các dấu hiệu gợi ý nghe kém, ví dụ:

- Từ lúc mới sinh: Không giật mình, chớp mắt hay quay mặt, quay đầu về phía có âm thanh lớn đột ngột (tiếng vỗ tay, tiếng sập cửa,…)

- Từ 4 – 6 tháng: Không có phản ứng với các âm thanh, giọng nói.

- Từ 7 tháng – 1 tuổi: chậm nói, không bập bẹ từ đơn giản (ma ma, ba ba). Chưa nói được các từ đơn 1 tiếng lúc 1 tuổi, 2 tiếng lúc 2 tuổi.

- Xem ti vi với âm lượng rất lớn.

- Gặp khó khăn khi nói chuyện trong hoàn cảnh có âm thanh nền, nơi đông người.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý các triệu chứng ở tai như: chảy dịch tai, than đau tai, ù tai, thấy chóng mặt (cảm giác đồ vật xung quanh xoay chuyển,…)

Làm gì để phát hiện sớm trẻ khiếm thính: CHỈ ĐỊNH TẦM SOÁT

Trên thực tế, Hoa Kỳ đã thực hiện một số test thính học, khám sàng lọc mọi trẻ sơ sinh để phát hiện khiếm thính. Việt Nam đã thực hiện sàng lọc khiếm thính ở một số thành phố, trung tâm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Phòng…

Cần thực hiện đo kiểm tra sức nghe trong các trường hợp:

- Sơ sinh: cân nặng lúc sinh dưới 1 kg, vàng da nặng sau sinh, não úng thủy, mẹ mắc Rubella thai kỳ,…

- Gia đình có người khiếm thính từ nhỏ.

- Trẻ mắc một số bệnh di truyền (hội chứng Down, Alport,…)

- Trẻ có biểu hiện chậm nói.

- Viêm tai tái đi tái lại nhiều lần.

- Sử dụng thuốc độc cho tai (một số nhóm kháng sinh, thuốc hóa trị)

- Học tập kém, lơ đãng, phải nói to mới trả lời…

Các nghiệm pháp kiểm tra sức nghe

Việc sử dụng các phương pháp kiểm tra sức nghe tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, hoặc chậm phát triển, có thể sử dụng các phương pháp khách quan – chỉ yêu cầu trẻ nằm yên mà không cần hợp tác, như:

+ Đo âm ốc tai (OAE): Bình thường khi âm thanh truyền vào tai, phần lớn sẽ chuyển thành tín hiệu điện để lên não, tuy nhiên một phần sẽ bị dội lại từ ốc tai và đi ra ngoài tai (“âm ốc tai”).  Đầu dò sẽ ghi nhận âm thanh này, việc ghi nhận được các âm này cho thấy ốc tai (tai trong) của trẻ vẫn toàn vẹn. Đây là phương pháp đầu tiên để sàng lọc phát hiện trẻ khiếm thính khi mới chào đời.

Đo âm ốc tai giúp phát hiện nghe kém một cách nhanh chóng mà không cần đến sự hợp tác của trẻ (Ảnh minh họa)

+ Đo điện thính giác thân não (ABR): được sử dụng để kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống nghe từ tai đến não. Điện cực sẽ thu tín hiệu đáp ứng của thần kinh thính giác trong khi trẻ được cho nghe 1 loạt âm thanh to nhỏ khác nhau và hiển thị ngưỡng nghe của trẻ.

Với các trẻ lớn hơn (từ 3 tuổi), hợp tác tốt, có thể sử dụng các phương pháp chủ quan cho trẻ làm theo chỉ dẫn, như:

+ Đo sức nghe âm đơn (PTA): trẻ được cho nghe âm thanh ở các âm vực cao thấp (tần số) khác nhau và được yêu cầu ra dấu hiệu mỗi khi nghe thấy tiếng động. Qua đó, ghi nhận được khả năng nghe ở mỗi tai của trẻ với các âm thanh cao thấp khác nhau.

+ Kiểm tra sức nghe bằng lời nói: yêu cầu trẻ chỉ vào đúng hình ảnh minh hoạ với giọng nói yêu cầu nhỏ dần đi, nhằm đánh giá ngưỡng nghe của trẻ với giọng nói của con người.

Tóm lại có nhiều phương pháp đo sức nghe khác nhau, từ các phương pháp đo chủ quan cần có sự tham gia của người được đo, đến các phương pháp đo khách quan hiện đại, kết quả chính xác. Khả năng nghe là tổng hòa chức năng của các bộ phận trong hệ thống dẫn truyền tín hiệu từ tai đến não. Mỗi phương pháp đo chỉ đánh giá được một số khía cạnh của hệ thống này, do đó cần phối hợp các nghiệm pháp để cho ra đánh giá toàn diện, dựa trên ý kiến của chuyên gia Tai – Mũi – Họng. Phát hiện sớm, làm test thính học chẩn đoán sớm mức độ nghe kém và can thiệp kịp thời sẽ mang đến cho trẻ khiếm thính một tương lai phát triển không thua kém bất kỳ một trẻ bình thường nào!

GS. Lê Hồng Châu

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X