Hotline 24/7
08983-08983

Khi nghễnh ngãng... làm phiền tuổi già

Chỉ mới ngoài 50 thôi nhưng nhiều bác sau khi nghỉ hưu... bỗng dưng trở nên nghễnh ngãng, đôi lúc nói chuyện lại thành “ông nói gà bà nói vịt”.

Những cuộc trò chuyện rất ngắn, hay những câu hỏi đơn giản đôi khi làm người thân, hàng xóm hoặc bạn bè khó chịu vì cái tính… nghễnh ngãng.

Có chuyện vui vui xung quanh chứng nghễnh ngãng thế này: Hai ông già là hàng xóm của nhau. Buổi sáng, một ông vác cần câu ra đường, ông kia đứng ở hiên nhà hỏi:

- Ông đi câu cá đấy ư?

- Không, tôi đi câu cá đây!

- Thế mà tôi tưởng ông đi câu cá.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Biểu hiện khi nghễnh ngãng

Bắt đầu vào tuổi 50 đã có dấu hiện giảm dần thính lực và những phiền toái đầu tiên xuất hiện khi vào tuổi 60. Đây là những biểu hiện của chứng điếc, nghễnh ngãng ở tuổi già.

Theo thống kê của các Viện Lão khoa, số người già trên 65 tuổi bị giảm sức nghe ảnh hưởng đến giao tiếp chiếm từ 30-50%.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm thính lực như: yếu tố di truyền trong gia đình dòng họ, nghề nghiệp khi còn sức khoẻ làm việc trong môi trường quá nhiều tiếng ồn của máy móc, do hoàn cảnh sống hoặc đã từng có quá trình điều trị bệnh tật… tuỳ theo mức độ có những người nặng có thể dẫn đến nặng tai hoặc điếc, bình thường hay có tật nghễnh ngãng.

Những thay đổi dễ nhận biết của bệnh điếc

- Nghe tiếng giọng trầm (tiếng đàn ông) dễ hơn nghe tiếng giọng cao (tiếng đàn bà, trẻ con).

- Nghe xa rõ hơn nghe gần (đối với các âm thanh có cường độ lớn).

- Nghe tiếng nói vừa rõ hơn tiếng nói to.

Những phiền toái

Mắc bệnh nào là khổ bệnh nấy, với bệnh điếc những người cao tuổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Thính lực kém, đòi hỏi người nói phải nhắc đi nhắc lại khi giao tiếp, điều đó khiến cho người thân, bạn bè dễ nản lòng, đôi khi không muốn tâm sự trò chuyện.

Đây cũng là một trong những lý do khiến người có tuổi dễ tủi thân, mặc cảm, lâu ngày rơi vào trạng thái trầm cảm. Khi đi chơi đâu xa, thính giác không còn khả năng nghe điện thoại khiến việc gọi điện con cháu càng khó khăn. Các phương tiện giải trí hàng ngày như xem tivi, nghe đài… đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Khi bị điếc không thể phẫu thuật

Ở những gia đình con cháu có điều kiện khá giả, khi thấy bố mẹ bị điếc, nghễnh ngãng thường muốn đưa đi phẫu thuật để bố mẹ có thể sống vui vẻ, trò chuyện như những người bình thường khác. Tuy nhiên, ở người cao tuổi điều trị điếc không thể phẫu thuật do việc nghe kém liên quan đến toàn bộ bộ máy thính giác, không riêng ở bộ phận nào.

Với việc chữa trị bằng thuốc cũng chỉ giới hạn ở một số trường hợp điếc có liên quan đến rối loạn tuần hoàn não, ảnh hưởng đến tưới máu tai trong (thường kèm theo các triệu chứng: ù tai, chóng mặt) cần được xác định bằng đo lưu huyết não.

Ngày nay, các loại máy trợ thính được xem là phương pháp tốt nhất để khắc phục điếc và nghễnh ngãng ở người cao tuổi. Nhưng để lựa chọn được một máy trợ thính thích hợp cũng cần phải được chỉ định đúng, người già nên đến bác sĩ để được thử nghiệm kiểm tra đo sức nghe và được điều chỉnh các thông số của máy một cách tối ưu cũng như những hướng dẫn sử dụng khi dùng.

Theo Thanh Thảo - Sức khỏe gia đình

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X