Hotline 24/7
08983-08983

Khi nào cần xét nghiệm tế bào tầm soát ung thư?

Có thể tự ý đi xét nghiệm tế bào? Sự khác nhau giữa xét nghiệm này và sinh thiết? Độ chính xác? Giá cả và thời gian trả kết quả xét nghiệm tế bào?

Tôi hay nghe nói đến cụm từ "xét nghiệm tế bào để tầm soát ung thư". Có thể tự ý đi xét nghiệm được không? Sự khác nhau giữa xét nghiệm này và sinh thiết? Độ chính xác? Giá cả và thời gian trả kết quả xét nghiệm tế bào? Nhờ AloBacsi tư vấn giúp tôi.
 
(Nguyễn Bảo Thoa)

Chào bạn Bảo Thoa,

Xét nghiệm tế bào (FNA) là thủ thuật đâm kim nhỏ vào vị trí nghi ngờ,  lấy mô xét nghiệm tìm tế bào ung thư.

Xét nghiệm tế bào (XNTB) được làm khi có chỉ định của BS. Thông thường, chỉ làm XNTB khi BS siêu âm phát hiện tổn thương có nghi ngờ bất thường.

XNTB thường được làm với tuyến giáp, vú, hạch ở cổ, mô mềm… Nói chung là các vị trí mà kim nhỏ (đầu kim dài 2,8cm) có thể đến được.

Thỉnh thoảng BS cũng cho làm XNTB với gan, phổi nhưng tính chính xác không cao bằng làm sinh thiết.

 

xet nghiem te bao

XNTB cũng khá đau vì đưa kim vào chọc lấy tế bào nghi ngờ nhưng không gây tê. Do đó, nếu có bệnh tim, huyết áp… người bệnh cần báo trước với BS. Cũng có trường hợp bệnh nhân quá căng thẳng, hạ đường... bị xỉu.

Bạn hỏi về tính chính xác của XNTB thì thật ra, mỗi hội nghị khoa học lại đưa ra con số khác nhau. Thông thường độ chính xác của XNTB từ 80-90%.

Phải nói thêm rằng, độ chính xác của xét nghiệm còn phụ thuộc vào tay nghề và kỹ năng lấy mô của BS. Thực tế, cũng có một số trường hợp cho kết quả âm tính (lành tính) giả. Nghĩa là lấy phải những mô bị hóa nước hoặc mẫu thử chỉ có dịch thì không thể đọc được hoặc làm sai kết quả.

Khác với XNTB, sinh thiết là một kỹ thuật khá phức tạp. Người ta chỉ làm sinh thiết sau khi đã thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán dễ hơn (chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm) mà vẫn chưa khẳng định chắc chắn bệnh.

Thường có 3 cách sinh thiết:

+ Đơn giản nhất là chọc, hút sinh thiết (Gây tê tại chỗ. BS đâm kim qua da đến bộ phận bị tổn thương cắt, hút lấy một mảnh mô)

+ Phổ biến nhất là nội soi sinh thiết (BS đưa ống soi vào trong cơ quan định thăm dò rồi sinh thiết thành của cơ quan rỗng như phế quản, bàng quang, thực quản, dạ dày, đại tràng…Đau và rất khó chịu nên bệnh nhân phải dùng thuốc an thần).

+ Phẫu thuật sinh thiết. (BS sinh thiết cơ quan nghi vấn hoặc khối u trong ca mổ. Ngay trong ca mổ, bệnh phẩm được xem xét dưới kính hiển vi, cho kết quả tại chỗ - đọc kết quả tức thì).

Qua những thông tin trên cho thấy, XNTB dễ dàng và đỡ tốn kém và ít đau đớn hơn cho người bệnh so với sinh thiết, phải không bạn?

Thật ra, với một số tình huống, độ chính xác của hai xét nghiệm này gần như nhau. Tuy nhiên, trong một số loại bệnh, sinh thiết cho kết quả chính xác hơn. Ví dụ như ung thư gan bắt buộc phải sinh thiết chứ làm XNTB không đủ mô để chẩn đoán.

Việc chọn xét nghiệm (XNTB hay sinh thiết) tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ sau khi cân nhắc đến loại bệnh và cơ quan bị bệnh.

Hiện BV Ung bướu TPHCM (số 3 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh) có làm XNTB với giá 230 ngàn đồng/ ca (trong giờ hành chính) và 330 ngàn đồng/ ca (ngoài giờ).

Sinh thiết thì tùy theo cách làm, vị trí khối u và ca mổ (từ 1 đến vài triệu đồng/ca).

Kết quả XNTB sẽ có trong 1-2 ngày. Một số trường hợp khẩn cấp sẽ cho ra kết quả trong 1-2 tiếng đồng hồ nhưng không thể có kết quả ngay (vì phải qua quy trình nhuộm, phơi, sấy và đọc tế bào dưới kính hiển vi).

Hy vọng những thông tin trên đây có thể giải đáp những thắc mắc của bạn. Nếu bạn lo âu hay nghi ngờ bị bệnh thì tốt nhất nên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Nếu phát hiện bất thường, BS sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm. Không nên tự ý đi XNTB, bạn nhé.

Thân mến,

BS Nguyễn Bùi Hồng Phượng
Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV Ung bướu


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X