Hotline 24/7
08983-08983

Khi đi chích ngừa làm sao nhớ và khai báo hết bệnh nền từng có?

BS Trương Hữu Khanh giải đáp các thắc mắc về những ai nên tiêm vắc xin COVID-19, ai cần thận trọng khi tiêm, và khi đi khi đi chích ngừa làm sao nhớ và khai báo hết bệnh nền từng có?

Hiện nay nhóm người nào không được chích vắc xin COVID-19?

Hiện nay, nhóm người chưa được chích vắc xin COVID-19 là người dưới 18 tuổi, người chưa thuộc chuẩn quy định nhà nước đưa ra vì chúng ta chưa có đủ vắc xin, chúng ta sẽ ưu tiên các nhóm khác trước là nhóm nhân viên y tế, người có nguy cơ cao. Theo hướng dẫn, người trên 65 tuổi và dưới 18 tuổi chưa tiêm đợt này.

Những người thuộc nhóm được chích vắc xin nhưng có dị ứng với thành phần của vắc xin sẽ không tiêm.

Những người cần thận trọng:  người có bệnh nền chưa ổn định, người đang uống thuốc chống đông, người uống thuốc suy giảm miễn dịch. Có rất nhiều chi tiết trong hướng dẫn, mình cần chia nhóm người đó thành nhóm chưa tiêm, đợi bệnh ổn định thì mới tiêm vắc xin cho họ.

Người bị bệnh nào nên thận trọng khi chích COVID-19?

Những người có bệnh nền còn đang hoạt động, cần phải bàn đến chuyện hoãn tiêm chủng COVID-19. Nếu bệnh nền ổn định, bệnh nhân cần tiêm bởi vì người có bệnh nền sẽ có khả năng bị bệnh nặng hơn.

Ví dụ như bệnh nhân bị tiểu đường hay cao huyết áp nhưng điều trị ổn định thì cần tiêm hoặc người bị mắc bệnh ung thư nhưng đã ngưng các loại thuốc ức chế miễn dịch chống ung thư cũng nên chích ngừa.

Đối với nhóm người bị cao huyết áp hay bệnh lý tim mạch nhưng không khống chế được, cần hoãn tiêm ngừa COVID-19. Người bệnh ung thư đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng nên hoãn tiêm ngừa.

Tóm lại, đối với các bệnh nền đã ổn định thì nên chích ngừa.

Nhóm người cần thận trọng như nhóm người có dị ứng. Ví dụ như người có tiền căn bị dị ứng nặng với tất cả mọi thứ như thức ăn hay thuốc uống, thuốc tiêm trước đó cần được hoãn tiêm ngừa hay tiêm một cách thận trọng. Nếu muốn tiêm, cần tiêm vắc xin trong bệnh viện. Các tình huống khác, họ không cần phải thận trọng.

Khi đi chích làm sao nhớ và khai hết bệnh đã từng có?

Tất cả các ca có triệu chứng nặng thậm chí tử vong có liên quan đến vắc xin cần phải được khảo sát kỹ để tìm ra các nguyên nhân khác. Trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em, đa số các trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng là trùng lắp với bệnh lý khác khác. Chẳng hạn khi giải phẫu tử thi phát hiện xuất huyết não do dị dạng mạch máu não. Tức là người này có dị dạng bẩm sinh, cho thấy nguyên nhân tử vong không liên quan đến vắc xin.

Nếu một người đi chích ngừa, người đó cần phải khai hết tiền sử bệnh của mình. Bệnh nhân cần xem lại tiền sử của mình, họ đã uống thuốc gì và bị bệnh gì. Bệnh nhân cứ nói trực tiếp cho bác sĩ sàng lọc vì chích ngừa COVID-19 không đơn giản để thực hiện. Bệnh nhân cứ khai đúng cho bác sĩ và họ sẽ đánh giá bằng bảng checklist. Như vậy, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh nhân thuộc nhóm được tiêm ngừa, không được tiêm ngừa, hay một nhóm cần tiêm trong bệnh viện để theo dõi sát.

Cần nhớ các bệnh mình đã bị trong bao nhiêu năm?

Bệnh nhân chỉ cần nhớ mình đang bị bệnh gì và các loại thuốc bác sĩ cho để uống. Các tiền căn trước sẽ không có giá trị, quan trọng hơn hết bệnh nhân cần phải nhớ bản thân mình bị bệnh gì cách đây 3-4 tháng. Đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh mạn tính.

Cả thế giới đã chích ngừa khá nhiều. Các nước chích ngừa đã thấy được hiệu quả của việc kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhiều nước chích vài chục triệu liều, có nước chích hàng trăm triệu liều. Họ cũng theo dõi sát như Việt Nam, vì vậy không thể nói hệ thống của mình không sát bằng các nước khác. Hệ thống tiêm chủng ở Việt Nam khá tốt.

Chỉ có vắc xin mới giúp chúng ta chống dịch và phát triển kinh tế. Cơ hội chích ngừa COVID-19 là đặc quyền và quyền lợi cần được tham gia và không được bỏ lỡ.

Trọng Dy

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X