Hotline 24/7
08983-08983

Khám thai vào tuần thứ mấy, khám bao nhiêu lần là đủ?

Nên khám thai vào tuần thứ mấy, khi khám thai là làm những gì, bác sĩ cho làm xét nghiệm gì... là những thắc mắc của hầu hết phụ nữ đang đảm nhiệm thiên chức làm mẹ.

Khám thai vào tuần thứ mấy, có phải là khám càng sớm càng tốt?

Ngày xưa thai phụ thường nghĩ khi nào bụng lớn lên và thấy thai máy thì bắt đầu đi khám, nhưng ngày nay bác sĩ khuyên khi biết mình có thai (trễ kinh, thử que lên 2 vạch) thì thai phụ cần đi khám càng sớm càng tốt.

Khám thai sớm có nhiều lợi ích: xác định thai nằm trong tử cung hay thai ngoài tử cung, thai có phát triển bình thường được hay không (có trường hợp thai không phát triển được gọi là “trứng trống”), hoặc thai mang bệnh lý (“thai trứng”)…

Vì sao khi khám thai bác sĩ phải khám âm đạo?

Tâm lý người phụ nữ mang thai rất sợ khám âm đạo vì đau và lo lắng động tác đụng chạm như vậy có làm động thai hay không, có làm cho ra huyết hay không…

Tuy nhiên, với sản phụ mang thai những tháng đầu, nếu chỉ sờ nắn trên bụng, bác sĩ sẽ không kiểm tra được. Chỉ khi thai lớn lên, tử cung đạt một chiều cao nhất định thì bác sĩ mới sờ thấy được. Cho nên khi thai từ 1-3 tháng buộc phải khám qua âm đạo, bác sĩ mới sờ được kích thước của thai, đánh giá kích thước này có tương xứng với tuổi thai hay không?
Ví dụ tính theo ngày kinh thì em bé khoảng 2 tháng (8 tuần), nếu bác sĩ khám thấy kích thước chỉ khoảng 4-5 tuần thôi thì đặt nghi vấn là thai có phát triển bình thường hay không?

Lợi ích nữa của khám âm đạo là kiểm tra được thai phụ có viêm nhiễm gì hay không, cổ tử cung có cục thịt dư (polyp) gì hay không, cổ tử cung có bị hở hay không?…

Cho nên, mặc dù khám âm đạo có thể khiến thai phụ lo lắng nhưng việc này cần thiết về mặt y khoa.

Trong một thai kỳ, cần khám thai bao nhiêu lần là đủ?

Số lần khám thai bao nhiêu là đủ tùy thuộc vào thai kỳ bình thường hay không, tùy thuộc vào vị trí của thai nhi, bánh nhau, lượng nước ối, những bệnh lý kèm theo của người mẹ.

Thông thường, thai phụ nên đi khám theo lịch hẹn của bác sĩ, khi đã có tim thai và thấy được hình em bé thì bác sĩ sẽ hẹn khám tùy thuộc vào tuổi thai và tình trạng thai. Ví dụ:

+ 3 tháng đầu bác sĩ có thể hẹn 1-2 tuần để theo dõi có tim thai hay không

+ 3 tháng giữa có thể BS hẹn khám mỗi 1 tháng hay 6 tuần

+ Tháng cuối trước khi sinh có thể hẹn khám sau 1 tuần, 3 ngày, thậm chí 1 ngày…

Đồng thời, có những mốc quan trọng mà người mẹ không được bỏ qua:

+ 12 tuần: đo độ mờ da gáy, xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi

+ 22 tuần: khảo sát hình thái học, tìm xem có những bất thường về ngoại hình của em bé hay không

+ 32 tuần: khảo sát về dinh dưỡng của thai nhi, mạch máu có gì bất thường trên doppler màu hay không

Khi khám thai cần làm những xét nghiệm gì?

Tất cả các thai phụ ngay từ khi xác định có thai, siêu âm thấy thai trong tử cung (yên tâm không phải thai ngoài tử cung); có phôi thai, có tim thai (yên tâm không phải là thai trứng, không phải thai bệnh lý, không phải thai lưu) thì sẽ được làm các xét nghiệm trong thai kỳ.

Ở giai đoạn sớm nhất có xét nghiệm máu là xét nghiệm thường quy, tức là tất cả thai phụ đều cần làm xét nghiệm này: kiểm tra xem có thiếu máu hay không, các chỉ số có gợi ý người mẹ mang gen gây bệnh thalassamia hay không, nhóm máu của người mẹ có thuộc nhóm máu hiếm hay không, có bị rối loạn đông máu, thiếu tiểu cầu hay không; có bị nhiễm siêu vi hay ký sinh trùng có thể gây dị tật thai nhi hay không (ví dụ rubella…)… tóm lại, mục đích xét nghiệm là để tìm xem sức khỏe người mẹ có gì bất thường, có thể ảnh hưởng đến thai nhi hay không?

Vì sao một số thai phụ được chích “thuốc bổ phổi”?

Thuốc bổ phổi, thuốc trưởng thành phổi là từ dân dã mà BS thường nói để người bệnh dễ hiểu, y khoa gọi là “thuốc hỗ trợ phổi thai nhi”. Thuốc này khi được chích vào người mẹ, sẽ truyền sang em bé, kích thích phổi em bé tiết ra chất surfactant  giúp cho phổi thai nhi trưởng thành hơn.

Nếu em bé sinh đủ tháng (39 tuần trở lên), em bé sẽ không bị suy hô hấp. Nhưng những bé sinh non có tỷ lệ bị suy hô hấp do thiếu chất surfactant. Đồng thời, những trường hợp sinh mổ, em bé không bị ép vùng ngực như sinh đường âm đạo, vì vậy những dịch tiết trong phổi không  trào ra ngoài, gọi nôm na là trong phổi có nước, thì thuốc hỗ trợ phổi có cơ chế làm cơ thể tái hấp thu nước đó nhanh hơn, phổi em bé không có nước thì đỡ bị suy hô hấp.

Tóm lại, khi BS đề nghị chích thuốc hỗ trợ phổi, mục đích là để phổi em bé tốt hơn khi ra đời. Những trường hợp cần sử dụng: con quý, con hiếm, có nguy cơ sinh non, có dự tính sinh mổ trước 39 tuần.

Khi nào thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ?

Nếu thai kỳ diễn tiến bình thường, đến ngày dự sinh mà thai phụ chưa thấy đau bụng hay các dấu hiệu chuyển dạ thì nên đi BS khám.

Xung quanh ngày dự sinh nếu thấy đau bụng, ra huyết, rỉ nước ối (nước trong, giống nước tiểu) thì thai phụ nên “khăn gói” đi nhập viện.

Riêng về “cơn gò tử cung” thì hơi khó nhận biết. Vào tháng cuối thai kỳ thì bụng sẽ có những cơn gò tự nhiên (cơn gò sinh lý) là tử cung đang tập co bóp nhưng thai phụ không đau, bụng cứng, trường hợp này không sao cả. Nhưng nếu cơn gò làm cho đau bụng thì có thể là dấu hiệu chuyển dạ.

Nếu chưa đến ngày sinh mà thai phụ thấy tức bụng, thai máy ít quá, ra huyết ra nước… nói chung là những dấu hiệu bất thường thì nên đi khám. Còn dấu hiệu chuyển dạ có thể tóm gọn là: ra huyết, ra nước.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X