Viêm võng mạc sắc tố (Retinitis pigmentosa) là một bệnh hiếm có căn nguyên do những bất thường về gen
Chào bạn Nguyễn Thuận,
Võng mạc là lớp tế bào thần kinh nằm ở mặt trong nhãn cầu, gồm 2 loại tế bào là tế bào que và tế bào nón.
Tế bào que có chức năng chủ yếu là giúp nhận biết sáng-tối. Tế bào nón thì chủ yếu giúp nhận biết màu sắc.
Khi các tế bào võng mạc nhận và gửi tín hiệu lên não trong khi không có kích thích ánh sáng sẽ gây ra hiện tượng đom đóm mắt, điều này có thể do các tác động vật lý trực tiếp lên nhãn cầu, bệnh lý võng mạc, bong võng mạc….
Tuy vậy, phần lớn các trường hợp này là lành tính.
Ngược lại, viêm võng mạc sắc tố là bệnh lý hiếm gặp, có tình trạng tổn thương võng mạc, ban đầu là tế bào que gây triệu chứng quáng gà.
Sau đó, tổn thương có thể lan rộng đến tế bào nón gây hiện tượng đom đóm mắt.
Đây là một thoái hóa tiến triển chậm ở hai mắt của võng mạc và biểu mô sắc tố do nhiều đột biến gen khác nhau, có thể tiến triển nặng, gây mù loà, và chưa có điều trị đặc hiệu cho bệnh lý này.
Do đó, bạn cần sắp xếp khám ở bệnh viện chuyên khoa Mắt để bác sĩ khảo sát thêm các nghiệm pháp chuyên sâu như soi đáy mắt, điện võng mạc... để chẩn đoán bạn nhé!