Hotline 24/7
08983-08983

Tức ngực, khó thở, sổ mũi... khi đang uống thuốc trị Hp dạ dày?

Câu hỏi

Chào BS, Ngày 2 em bị sốt amidan, hôm đó sau khi uống thuốc thì em thấy cơ thể khỏe lại. Tối đó em có đi ăn thì sáng hôm sau dậy em ho húng hắng. Em có cảm giác vướng ở cổ. Em ho không nhiều nhưng khi đá banh và uống nước em ho nhiều hơn (ho khan). Sau đó 1, 2 ngày em cảm thấy khó ăn, ăn vào hay ợ, có khi lúc đói cũng ợ, cảm giác khó thở, vướng cổ, tức ngực. Em bị tầm 1 tuần thì đi khám. Xét nghiệm cho thấy em bị Hp trong dạ dày và viêm phế quản. Em đã dùng thuốc dạ dày và điều trị Hp khoảng 1 tuần, tới bây giờ là 3 tuần. Em thấy ăn uống ngon rồi nhưng vẫn có cảm giác khó thở kèm hơi tức ngực, không thở sâu kèm ho, sổ mũi theo cơn chứ không liên tục (1 ngày em ho khoảng 15 lần). Em có tìm hiểu thấy triệu chứng của em giống trào ngược dạ dày (vì tối đó em có ăn nhiều lẩu chua). Em không biết là các thuốc em điều trị Hp có làm giảm trào ngược dạ dày không và em muốn đi khám chính xác bệnh thì khám ở đâu, chuyên khoa nào? BS nhận định giúp triệu chứng của em với ạ. Em hơi lo vì em bị cũng hơn 3 tuần rồi. Em cảm ơn BS ạ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Tức ngực, khó thở. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tức ngực, khó thở. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Như đã tư vấn cho bạn trong lần trước, triệu chứng ho của bạn gợi ý nhiều tới bệnh lý viêm họng, viêm amidan hơn. Tuy nhiên nếu uống thuốc trên 2 tuần mà không cải thiện thì cần tái khám Tai Mũi Họng để đánh giá lại.

Một trong những nguyên nhân khiến cho viêm họng tái phát nhiều lần là do trào ngược dạ dày thực quản. Những người có cơ địa béo phì hoặc hay lo lắng, căng thẳng, uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều, có bệnh lý dạ dày kèm theo… rất dễ bị trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc điều trị dạ dày một số loại có thể chữa được trào ngược dạ dày thực quản.

Tuy nhiên nếu đang điều trị bệnh dạ dày mà vẫn còn ợ hơi ợ chua, khó tiêu, đầy hơi khó chịu nhiều thì bạn nên tái khám chuyên khoa Tiêu hoá để BS điều chỉnh lại thuốc bạn nhé!

Thân mến.


Mời tham khảo thêm:



H. pylori là một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (còn gọi là H. pylori). Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. Nhiễm H. pylori rất phổ biến, nhưng đa số chúng ta không nhận ra rằng mình đã mắc bệnh vì thường không xuất hiện bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên trong một số trường hợp, H. pylori có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét và ung thư dạ dày.

Theo giả thiết của các nhà khoa học, vi khuẩn H. pylori có thể được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất nôn hoặc phân của người đã mắc bệnh. H. pylori cũng có thể lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, H. pylori có thể phát triển trong niêm mạc dạ dày. Tại đây chúng sẽ được bao phủ bởi một lớp chất nhầy, bảo vệ nó khỏi axit tiết ra từ dạ dày.

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm H. pylori:

- Ăn uống đúng giờ và điều độ
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

Nhiễm H. pylori không triệu chứng thì chưa cần điều trị, nhưng nếu như thủ phạm gây ra những cơn đau dạ dày của bạn là H. pylori thì bạn cần điều trị tiêu diệt vi khuẩn theo đúng phác đồ. Hiện nay, vi khuẩn H. pylori kháng thuốc chiếm tỷ lệ rất cao, do đó bạn sẽ được kê toa gồm 3-4 loại kháng sinh và uống lâu dài từ 2-4 tuần. Dù uống nhiều thuốc có thể làm bạn thông thoải mái, nhưng bạn nên tuân thủ liệu trình điều trị để tiêu diệt tận gốc vi khuẩn và hạn chế nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X