Hotline 24/7
08983-08983

Tiểu nhiều lần nhưng không đau buốt, bệnh gì?

Câu hỏi

Bác sĩ ơi, Em bị bệnh đi tiểu nhiều cả ngày lẫn đêm (nhiều nhất vào buổi đêm) cho dù có uống nhiều nước hay không. Nếu uống nhiều nước thì 1 ngày có thể đi tiểu khoảng 15 lần cho dù có nhiều lần mót tiểu nhưng có nhịn vì 2 lần gần nhau quá. Em không có mấy cái triệu trứng như đau buốt khi đi tiểu. Mong bác sĩ giải đáp sớm cho em vì công việc của em liên tục ngồi 1 chỗ nên cứ hay buồn tiểu rất khó chịu. Và nếu đi khám ở bệnh viện thì đến khoa gì ạ? Mấy năm trước có xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra thận nhưng không có dấu hiệu gì nên em chưa dùng thuốc gì cả.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Tiểu nhiều lần. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Tiểu nhiều lần. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Người khỏe mạnh trung bình đi tiểu 6-7 lần trong ngày và tối đa 1 lần vào ban đêm. Con số này cũng phụ thuộc vào lối sống, lượng chất lỏng tiêu thụ và sức khoẻ chung. Bình thường khoảng 15-30 phút sau khi uống nước chúng ta sẽ đi tiểu để loại bỏ lượng nước dư thừa vừa uống. Bình thường, nước tiểu sẽ có màu trắng trong hay vàng lợt, tia nước tiểu mạnh, thông suốt, không phải rặn và không có các triệu chứng bất thường như gắt, buốt…Có trường hợp có thói quen ngay sau khi đi tiểu lại uống nước và như vậy sẽ đi tiểu lại trong thời gian ngắn sau đó mà hậu quả là tiểu rất nhiều lần cả ngày lẫn đêm (nếu vẫn có thói quen uống nước ngay sau đi tiểu).

Đây cũng là chuyện hết sức bình thường, không phải bệnh lý. Một số bệnh gây ra đi tiểu nhiều lần như nhiễm trùng tiểu, bệnh đái tháo đường, đái tháo nhạt, bệnh thận mạn… cần phải được làm xét nghiệm và thăm khám mới xác định chính xác. Ngoài ra, vì động tác đi tiểu chịu chi phối của cả hệ thần kinh nên những người dễ bị kích động, lo lắng thường có những phản xạ đi tiểu. Em nên khám chuyên khoa Thận để bác sĩ đánh giá trực tiếp và tìm nguyên nhân giúp em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Tiểu nhiều lần là một than phiền thường gặp, có liên quan tới bàng quang. Nước tiểu do thận thải ra bình thường khoảng 1 ml mỗi phút, tức khoảng 1,2-2 lít một ngày. Nước tiểu không ra ngoài liên tục mà được trữ lại rồi thải ra ngoài lúc thuận tiện nhờ vào bàng quang. Đây là một túi chứa, có khả năng giãn nở và co bóp, dung tích khoảng 300-400 ml. Bàng quang nhận nước tiểu từ thận xuống qua 2 niệu quản và tống ra ngoài qua niệu đạo. Bàng quang được điều khiển từ hệ thần kinh giao cảm và trung ương.

Người bình thường đi tiểu khoảng dưới 7 lần mỗi ngày. Vào ban đêm ngủ 8 giờ thường không đi tiểu hay chỉ một lần. Đó là do chất nội tiết ADH tiết ra nhiều hơn vào ban đêm làm thận cô đặc nước tiểu hơn nên làm giảm lượng nước tiểu về đêm.

Nước trong cơ thể được duy trì ổn định ở khoảng 70%. Ở tỷ lệ này nồng độ các chất phù hợp cho hoạt động cơ thể. Khi nồng độ này cao thì chất đó bị thải ra qua thận trong môi trường nước hoặc đường thải khác là mồ hôi và hơi thở. Lượng nước đã mất làm ta khát phải uống vào để bù. Khi uống nước (bia) nhiều quá không phải do khát, mà là nồng độ các chất giảm, phải thải bớt nước loãng ra, lượng nước tiểu nhiều gây ra đi tiểu nhiều.

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng tiểu nhiều và được chia làm 2 nhóm tại chỗ và toàn thân.

* Nhóm tại chỗ gồm:

- Nhiễm trùng tiểu: tại thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo.

- Nhiễm trùng bàng quang nếu cấp tính bàng quang căng lên thì đau bụng dưới nên phải đi tiểu thường xuyên. Viêm mạn thì bàng quang co nhỏ nên không trữ được nhiều nước tiểu.

- Viêm bàng quang mô kẽ: Có thể tiểu nhiều lần trong một giờ.

+ Bàng quang tăng hoạt được cho là do thần kinh trong thành bàng quang bị kích thích nhiều.

+ Bướu bàng quang (lành hay ác tính) gây viêm, chảy máu. Bướu khi to chèn ép gây rối loạn đi tiểu.

- Tuyến tiền liệt:

+ Tuyến tiền liệt to (theo tuổi) chèn ép đường ra, tiểu khó, tiểu không hết. Tồn lưu nước tiểu nhiều, mỗi lần tiểu được ít nên phải tiểu nhiều lần. Tuyến tiền liệt to có thể là bướu lành hay bướu ác, ung thư.

+ Viêm tuyến tiền liệt thường ở người trẻ cấp tính có triệu chứng đau, tiểu khó. Mạn tính thì nóng, rát, buốt, kích thích đi tiểu, buồn bực.

- Sa sàn chậu ở phụ nữ: có thể làm sa bàng quang, tử cung hay ruột, gây tiểu khó, tiểu không hết, tiểu són…

* Nhóm toàn thân gồm:

- Nội tiết:

+ Đái tháo đường: chất nội tiết insulin thiếu hay vô hiệu làm đường trong máu cao phải thải ra qua thận kéo theo nước. Lượng nước tiểu nhiều nên đi tiểu nhiều lần. Đái tháo đường còn tổn hại dây thần kinh, làm cảm giác và vận động của bàng quang giảm.

+ Đái tháo nhạt, ít gặp hơn, do thiếu chất nội tiết ADH. Nước tiểu có thể đến vài chục lít mỗi ngày.

+ Suy tuyến giáp gây mệt mỏi, ảnh hưởng thần kinh bàng quang.

+ Mãn kinh: estrogen giảm gây thay đổi niêm mạc âm đạo, niệu đạo

- Dư cân làm tăng tỷ lệ tiểu són.

- Ngưng thở lúc ngủ: hay gặp ở người ngủ ngáy, thức giấc rồi đi tiểu đêm thường trên 2-3 lần/ngày.

Những biến chứng của chứng tiểu nhiều:

Viêm tuyến tiền liệt tạo cảm giác mắc tiểu thường xuyên. Ung thư bàng quang hay tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển gây tiểu máu và rối loạn đi tiểu.

Lượng nước tiểu giảm, thậm chí vô niệu khi suy thận cấp nặng hay suy thận mạn giai đoạn cuối. Lượng nước tiểu có thể tăng trong suy thận cấp mức độ nhẹ, suy thận đang phục hồi, suy thận mạn giai đoạn nhẹ - vừa.

Điều trị chứng tiểu nhiều:

Hầu hết chứng tiểu nhiều không do các bệnh nguy hiểm nhưng gây phiền toái trong sinh hoạt, công việc, mất ngủ… Giải quyết triệu chứng tiểu nhiều phải tìm nguyên nhân.

Có thể bắt đầu bằng điều chỉnh lối sống, thời điểm uống nước, giảm bia, cà phê.

Giảm cân ở người thừa cân, tăng cường tập luyện thể dục.

Viêm bàng quang mô kẽ, bàng quang tăng hoạt, hội chứng tuyến tiền liệt không nguy hiểm nhưng chúng ta chưa hiểu rõ cơ chế sinh bệnh nên điều trị khó khăn. Cần tập luyện, hỗ trợ tâm lý, thuốc giảm co thắt.

Điều trị các bệnh gốc như nhiễm trùng, bướu tuyến tiền liệt, sa sàn chậu, nội tiết... bằng các phương pháp dùng thuốc hoặc nội soi, phẫu thuật.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X