Hotline 24/7
08983-08983

Táo bón và hội chứng ruột kích thích, làm sao điều trị khỏi?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ! Em ở TPHCM, bị viêm mũi dị ứng và hội chứng ruột kích thích, uống thuốc đã nhiều nơi nhưng không hết hẳn. Hiện đang uống Loratadine, trước em uống Fexonadine, Cetirizin. Em xem trên mạng có biết về liệu pháp miễn dịch bằng cách tiêm để cho cơ thể quen dần với dị nguyên, nhưng không biết bệnh viện nào thực hiện phương pháp này, vì uống thuốc nhiều làm dạ dày khó chịu.

Em thường hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi buổi sáng khoảng 30 phút sau sẽ hết, dị ứng với mùi hương nồng và sau 1 thời gian thì người trong nhà cũng từ từ hắt hơi theo. Em bị viêm amidan do không chữa hết bệnh viêm mũi dị ứng, hắt hơi nhiều gây nhức đầu.

Về hội chứng ruột kích thích làm em hay bị táo bón, em có thể uống Lactulose được không và uống trong bao lâu? Nội soi, siêu âm thì chưa có dấu hiệu gì. Em đã bị 2 bệnh này hơn 4 năm nên cũng bị stress. Mong được bác sĩ hồi âm.

(Lê Khoa - vane...@gmail.com)

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Điều trị táo bón bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.

Chào bạn,

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là rối loạn chức năng mạn tính đường tiêu hóa dưới; triệu chứng chính là đau bụng và thay đổi thói quen ruột (táo bón hoặc tiêu chảy). Điều này xảy ra trong trường hợp không có tổn thương thực thể, tức là các xét nghiệm như nội soi đại tràng, siêu âm cho kết quả bình thường.

Qua mô tả bệnh sử kết hợp với kết quả xét nghiệm và nội soi bình thường có thể giúp khẳng định chẩn đoán IBS. Đây là bệnh lý không nguy hiểm, không làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống do triệu chứng khó chịu thường xuyên và dễ tái phát. Vấn đề điều trị cần kết hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn, chế độ tập luyện với thuốc, và quan trọng nhất là giảm stress tâm lý.

Bệnh nhân cần tránh các thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như các loại đậu, hành, dầu, mỡ, bơ, sữa, thức ăn có nhiều gia vị cay, chua…, một số trường hợp cần tránh uống sữa hoặc các loại tinh bột ngoài gạo nếu cơ địa nhạy cảm. Tránh dùng các thức uống có ga, cà phê, bia rượu... Có thể bổ sung thêm sản phẩm chứa chất xơ hàng ngày, kết hợp xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để tạo cảm giác muốn đi cầu, nên thư giãn, đi bộ thường xuyên. Tập đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày để tập thói quen cho ruột, thời gian tốt nhất được khuyến cáo là sau bữa ăn sáng. Việc sử dụng lactulose để dễ đi tiêu có thể sử dụng nếu táo bón gây khó chịu, nhưng không nên lạm dụng và liệu pháp này cũng không giúp giảm triệu chứng đau bụng.

Về vấn đề liệu pháp miễn dịch trong điều trị dị ứng chưa có bằng chứng rõ ràng, nếu muốn làm các test tầm soát dị nguyên, em có thể tới bệnh viện Da Liễu hoặc Bệnh viện Đại học Y Dược để được bác sĩ tư vấn thêm em nhé!

Thân mến!

 

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X