Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao không tăng cân, chán ăn sau khi hiến máu?

Câu hỏi

BS ơi, Em đã hiến máu 6 lần nhóm máu O, không thấy tăng cân, nhưng mỗi lần hiến xong em cảm thấy như mình bị chán ăn, ăn không vào và không thấy ngon ạ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Chán ăn sau khi hiến máu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chán ăn sau khi hiến máu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Huy thân mến,

Có thể có hiện tượng tăng cân nhẹ sau hiến máu. Đó là do nguyên tắc bù trừ của cơ thể, nếu mỗi ngày cơ thể mất 1 lượng nhỏ máu thì không có vấn đề gì, nhưng khi đi hiến máu, cơ thể sẽ mất 1 lượng máu lớn hơn bình thường, điều này sẽ thúc đẩy cơ thể tăng tốc tổng hợp bù đắp lượng máu bị thiếu.Khi tăng tốc sẽ có quán tính, cơ thể thiếu có ngần này nhưng do có quán tính sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Vì thế việc tăng 1 – 2 kg sau hiến máu là việc bình thường.

Tuy nhiên, không phải người nào cũng giống người nào, có người sụt cân nhẹ sau hiến máu, có người không thay đổi cân nặng. Vì thế, nếu muốn hiến máu để tăng cân là việc sai lầm. Hiện tại chỉ số khối cơ thể của em tính toán dựa trên chiều cao và cân nặng em cung cấp là 18,55 kg/m2, so với tiêu chuẩn của thế giới nói chung và của dân châu Á nói riêng là sát mốc thiếu cân (18,5 kg/m2), sau khi hiến máu em còn bị chán ăn thì không nên hiến máu nữa.

Có nhiều nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người trẻ, như viêm teo dạ dày, bệnh nội tiết (ví dụ cường giáp), bệnh tự miễn, nhiễm giun sán, viêm nhiễm mạn tính, chán ăn tâm thần (như trầm cảm)... Em cần đến khám tại chuyên khoa Nội tiết, chuyên khoa Tiêu hóa, chuyên khoa Tâm thần để được kiểm tra kỹ, xác định rõ chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Song song đó, em cần tăng độ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn bằng cách bổ sung thêm sữa cao năng lượng (tức là giàu dinh dưỡng) và nên bổ sung thêm vi khoáng chất (Berocca, Vitamin 3B, vitamin C...), ăn thực phẩm dễ tiêu tránh thực phẩm cay nóng nhiều dầu mỡ, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, không bia rượu, không cafe.

Thân ái.

Mời tham khảo thêm:



Hiến máu nhân đạo như một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sự sẻ chia đối với những người đang cần máu để duy trì sự sống. Hiến máu không có hại cho sức khỏe nếu được thực hiện đúng quy trình.

Lượng máu hiến sẽ được mang đi xét nghiệm trước khi dùng để truyền cho người khác. Có 4 nhóm máu chính là A, B, AB, và O. Không phải máu hiến từ bất cứ nhóm nào cũng phù hợp với người nhận. Cơ thể mỗi người chỉ có thể tiếp nhận một nhóm máu nhất định do mỗi loại máu có các kháng nguyên riêng. Những kháng nguyên này nằm trên bề mặt tế bào, đóng vai trò xác định xem liệu nhóm máu được truyền có phù hợp với hệ miễn dịch của cơ thể hay không. Hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để chống lại kháng nguyên không phù hợp, từ đó giúp bảo vệ cơ thể.

Khi các kháng thể xâm nhập vào tế bào máu có kháng nguyên không tương thích (ví dụ, máu nhóm B được truyền nhầm cho một bệnh nhân có nhóm máu A), nó sẽ truyền thông tin đến hệ thống miễn dịch, dẫn đến phá vỡ máu hoặc gây đông máu, làm hại đến hệ tuần hoàn.

Máu hiến sẽ được đem đi xét nghiệm các loại bệnh như HIV, virus viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét,… Kết quả xét nghiệm sẽ được giữ kín và thông báo riêng đến bạn. Trường hợp bị mắc các bệnh trên, bạn sẽ được tư vấn miễn phí về cách điều trị.

Theo cơ sở khoa học và thực tế, các chuyên gia nhận định hiến máu không hề gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, hiến máu còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ như giúp duy trì lượng sắt trong cơ thể (nếu hiến thường xuyên), đặc biệt là ở nam giới. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, làm chậm quá trình oxy hóa và lão hóa,…

Bạn nên ăn một bữa đầy đủ và uống nhiều nước trước khi hiến máu để đảm bảo tình trạng sức khỏe, đồng thời đừng quên nghỉ ngơi sau khi lấy máu bạn nhé.

Khi tham gia hiến máu tình nguyện, bạn sẽ được xét nghiệm và tư vấn miễn phí, được kiểm tra và thông báo kết quả xét nghiệm ở tình trạng bảo mật và được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành.

Không chỉ có bác sĩ mới cứu người, khi bạn hiến máu cũng chính là lúc bạn đang cứu sống một người nào đó. Lượng máu hiến tặng của bạn có thể cứu sống đến 3 người. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương và chia sẻ phần đời quý giá nhất trong cuộc sống con người.

Vì vậy, hãy mở rộng trái tim mình, tham gia hiến máu nhân đạo để giúp những người đang gặp khó khăn, lâm nguy bạn nhé!



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X