Hotline 24/7
08983-08983

Suy nghĩ tiêu cực, tự làm tổn thương tâm trí, dễ khóc... là dấu hiệu trầm cảm?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em năm nay 28 tuổi, là quản lý nhân sự cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Do tính chất công việc nên em thường xuyên bị áp lực và stress nặng. 2 năm gần đây em có 1 số triệu chứng như: hay suy nghĩ tiêu cực, tự làm mình tổn thương tâm trí, dễ khóc dù trước kia rất hiếm, thích ở 1 mình trong bóng tối, cảm thấy không thoải mái chỗ đông người, ngại giao tiếp, chán ăn, mất ngủ, hay cáu gắt vô cớ, hay có cảm giác bất cần và lâu lâu hay nói lảm nhảm về công việc 1 mình. Em muốn nghỉ ngơi thư giãn, nhưng khi được nghĩ thì em lại chán và muốn tìm đến công việc. Xin hỏi, với những triệu chứng trên, em có phải đang bị dấu hiệu trầm cảm, và em nên làm gì nếu thật sự em bị như vậy? Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Dấu hiệu bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Dấu hiệu bệnh trầm cảm. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân, còn kiểm soát được lý trí và hành động của mình, chịu mở lòng và muốn tìm cách thoát ra. Điều này rất có lợi cho việc điều trị và phục hồi bệnh của em.

Quả thật, theo tâm sự của em thì tôi cũng nhận thấy em có những bất ổn về mặt tâm lý - tâm thần, có khả năng có bệnh trầm cảm. Người có bệnh trầm cảm thì nhìn mọi sự vật, sự việc theo hướng tiêu cực nhiều hơn, mặc dù ban đầu là từ áp lực trong công việc, nhưng về sau lại tiến triển xấu hơn nhiều, có biểu hiện của trầm cảm.

Trước mắt, tôi gửi em tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm, em so với bản thân mình xem sao nhé: người bệnh có biểu hiện ≥ 5 các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian hai tuần. Ít nhất một trong các triệu chứng phải là một tâm trạng chán nản, thất thoát một quan tâm hay niềm vui. Các triệu chứng có thể dựa vào cảm xúc của riêng bản thân hoặc có thể dựa trên các quan sát của người khác. Chúng bao gồm:

- Suy yếu tâm trạng nhất trong ngày, gần như mọi ngày, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc rơi lệ (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như là khó chịu liên tục).

- Giảm hoặc cảm thấy không có niềm vui trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.

- Giảm cân đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc tăng cân vượt trội khi không có bệnh lý khác gây tăng cân đi kèm.

- Mất ngủ hoặc làm tăng ham muốn ngủ gần như mỗi ngày.

- Bồn chồn hoặc làm chậm lại hành vi có thể được quan sát bởi những người khác.

- Mệt mỏi hay mất năng lượng gần như mỗi ngày.

- Cảm xúc của vô dụng hoặc quá nhiều tội lỗi không thích hợp hoặc gần như mỗi ngày.

- Vấn đề ra quyết định hoặc khó tập trung suy nghĩ gần như mỗi ngày.

- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử.

Tuy nhiên, em vẫn cần khám bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để bác sĩ gặp trao đổi trực tiếp với em, xác định xem em có thật sự trầm cảm hay có thêm vấn đề gì khác không, có bệnh lý nào khác tác động lên không (như bệnh lý nội tiết, thần kinh trung ương...), mức độ bệnh ra sao…để kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em. Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, bác sĩ Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Bệnh trầm cảm là bệnh có thể điều trị được. Trong quá trình điều trị, em vẫn có thể đi làm và quan hệ xã hội bình thường, việc điều trị sẽ giúp em lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, trong công việc.

Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là Bệnh viện 175, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đại học Y Dược... em có thể tham khảo thêm.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng, gây ra một cảm giác buồn và mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn đến những vấn đề đa dạng về tinh thần và thể chất. Nếu nỗi buồn kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó có thể khiến bạn khó làm việc hoặc vui vẻ với gia đình hoặc bạn bè, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng, chứng trầm cảm có thể dẫn bạn đến ý định tự tử. Trong các dạng trầm cảm, trầm cảm sau sinh là tình trạng rất phổ biến.

Người bệnh khi có dấu hiệu trầm cảm cần đến bệnh viện để được bác sĩ Nội thần kinh thăm khám, chẩn đoán mức độ trầm cảm và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.

- Dùng thuốc

Các thuốc được dùng là thuốc chống trầm cảm có thể có các tác dụng phụ như:

+ Đau đầu, buồn nôn;
+ Khó ngủ và căng thẳng;
+ Kích động hoặc bồn chồn;
+ Gây ra các vấn đề về tình dục.

Bạn phải hết sức lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm vì thuốc có thể khiến người dùng có ý nghĩ tự tử hoặc cố tự tử trước khi thuốc thực sự có tác dụng.

Một số thuốc giúp làm tăng giấc ngủ và cảm giác thèm ăn có thể được kê toa cho những bệnh nhân mắc các triệu chứng liên quan, nhưng thường phải mất khoảng 2-3 tuần trước khi các thuốc này có tác dụng.

- Tâm lý trị liệu

Các phương pháp tâm lý trị liệu sẽ dạy cho bạn những cách suy nghĩ và cư xử mới, thay đổi các thói quen từng góp phần khiến bạn bị trầm cảm. Liệu pháp này còn giúp bạn thấu hiểu và vượt qua những khó khăn trong các mối quan hệ hoặc những tình huống khiến bạn bị trầm cảm hoặc làm cho bệnh bớt trầm trọng hơn.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X